Chữ ký kế toán trưởng trên báo cáo tài chính

Thông tư 200-2014 - điều 99. đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và chữ ký trên báo cáo tài chính

THÔNG TƯ 200-2014 - ĐIỀU 99. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG, TRÁCH NHIỆM LẬP VÀ CHỮ KÝ TRÊN BÁO CÁO TÀI CHÍNH

1. Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm:

Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.

2. Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ [Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên]:

  1. Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
  1. Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ [nhưng không bắt buộc].
  1. Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.

3. Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

4. Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thủ tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.

5. Việc lập, trình bày và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ thực hiện theo quy định của pháp luật về Báo cáo tài chính hợp nhất.

6. Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo Luật kế toán. Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.

Bộ Tài chính có ý kiến về việc sử dụng chữ ký điện tử trên báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán điện tử

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam [VACPA] nhận được Công văn số 2057/BTC-TCDN ngày 03/03/2022 của Bộ Tài chính về việc cho ý kiến đối với báo cáo khó khăn, kiến nghị liên quan đến các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kiểm toán [DNKiT] do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 [được trình bày tại công văn số 523-2021/VACPA ngày 14/12/2021 của VACPA]. Về kiến nghị cho phép sử dụng chữ ký điện tử trên báo cáo tài chính [BCTC], báo cáo kiểm toán điện tử và được sử dụng các hình thức cung cấp, công bố thông tin qua phương thức điện tử [vẫn đảm bảo yêu cầu bảo mật, an toàn và toàn vẹn thông tin], tại mục 2, Công văn 2057/BTC-TCDN, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

“Theo Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiêt thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, ““Chữ ký số” là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

  1. Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;
  1. Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.”

Khi áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật, “chữ ký số” có giá trị pháp lý được quy định theo Điều 8, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP như sau:

“Điều 8. Giá trị pháp lý của chữ ký số

1. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9 Nghị định này…”

Việc sử dụng “chữ ký số” trên các văn bản của tổ chức đã được quy định tại Luật Giao dịch điện tử và văn bản hướng dẫn. Đối với BCTC, pháp luật về kế toán đã có quy định về BCTC phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán và người ký BCTC phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo. Đối với báo cáo kiểm toán, pháp luật về kiểm toán độc lập đã có quy định về chữ ký của kiểm toán viên hành nghề và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kiểm toán [hoặc người được ủy quyền] và yêu cầu đóng dấu trên báo cáo kiểm toán.

Hiện tại, theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019 của Quốc hội, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiêt thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Thông tư số 185/TT-BQP ngày 14/12/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ, Bộ Tài chính [Tổng cục Thuế] đã áp dụng chữ ký số vào các quy trình như kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử. Vì vậy, việc áp dụng chữ ký số cho BCTC, báo cáo kiểm toán là phù hợp với quy định của pháp luật.

Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp căn cứ theo các quy định pháp luật về “chữ ký số” quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiêt thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Thông tư số 22/2020/TT-BTTTT ngày 07/09/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm ký số, phần mềm kiểm tra chữ ký số và các văn bản bổ sung, thay thế nếu có, đồng thời kết hợp các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về kiểm toán độc lập để dễ thực hiện việc ký chữ ký số trên báo cáo kiểm toán và báo cáo soát xét, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.”

VACPA trân trọng gửi tới Quý Hội viên thông tin về việc Bộ Tài chính trả lời về việc “áp dụng chữ ký số cho BCTC, báo cáo kiểm toán là phù hợp với quy định của pháp luật” như trên để nghiên cứu, thực hiện trong quá trình phát hành báo cáo kiểm toán, báo cáo soát xét, và tư vấn, hỗ trợ khách hàng khi sử dụng chữ ký số. VACPA sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để hỗ trợ tốt nhất cho các hội viên, kiểm toán viên và DNKiT.

Chủ Đề