Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới chứng minh qua Chữ người tử tù

 THẠCH LAMNGƯỜI TÌM KIẾM CÁI ĐẸP TIỀM TÀNG, TRONG SỰ SỐNG BÌNH DỊ TƯƠI NGUYÊN

Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm TPHCM

//www.hcmussh.edu.vn/ussh/ImportFile/Magazine/Journal051006025910.doc

1. Thời Thạch Lam, không ít người tìm kiếm cái đẹp tài tử siêu phàm, hay cái đẹp xưa “gây gây như hoài cựu” chốn rừng Nho [Nguyễn Tuân], có người tìm kiếm, tôn thờ cái đẹp hoang dại nguyên sơ, gắn với bản năng và phi lý tính [Khái Hưng]… Cũng có người vật vã từ bỏ cái đẹp của một “ánh trăng xanh huyền ảo” làm đẹp đến cả những thứ tầm thường, để đến với cái đẹp của “tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” [Nam Cao].

Với Thạch Lam, cái đẹp là ở trong sự sống, là bản thân sự sống, là ý thức trân trọng sự sống.

Có nhiều người cho rằng cái đẹpThạch Lam ca ngợi là “cái đẹp bị đánh mất” [1]. Và “Sáng tác của Thạch Lam chính là sự tìm kiếm cái đẹp đã bị đánh mất ấy” [2]. Nói như vậy, có chỗ chưa thỏa đáng. Nếu căn cứ vào một số truyện ngắn như Bóng người xưa, Bên kia sông, Dưới bóng hoàng lan… thì có vẻ như vậy thật. Nhưng một nhà văn quý trọng sự sống của mình, của người trọng hiện tại, trọng thực tại như Thạch Lam, lẽ nào lại quan niệm rằng cái đẹp chỉ thuộc về quá khứ, chỉ còn lưu giữ nơi hồi ức, chỉ là một niềm tiếc nuối mà thôi? Vả chăng, chính Thạch Lam cũng đã trực tiếp phát biểu trong Theo giòng rằng cái đẹp vốn “man mác”, “tiềm tàng”, “len lỏi” ở khắp mọi nơi trong vũ trụ kia mà.

Nghĩa là cái đẹp có thể tìm thấy bất kỳ ở đâu có tồn tại sự sống của tạo vật, của con người: trong ánh sáng và cả trong bóng tối, trong thiên nhiên vũ trụ và cả trong lòng người; trong quá khứ, tương lai và cả trong hiện tại; nơi phố xá hoa lệ náo nhiệt và cả nơi quê nhà thanh vắng…

Cái đẹp “len lỏi”, “man mác”, “tiềm tàng” khắp mọi nơi. Nhưng không phải ai, bao giờ cũng tìm thấy, cảm nhận được cái đẹp. Bởi cái đẹp thường “kín đáo”, lại hay bị “che lấp” ở cả những “chỗ mà không ai ngờ tới”.

2. Chính quan niệm rộng rãi mà sâu sắc và đầy tính nguyên tắc này đã giúp Thạch Lam tìm kiếm và cảm nghiệm được nhiều vẻ đẹp, cái đẹp ở những chỗ “không ai ngờ tới” thật. Chẳng hạn, cái bóng tối nơi làng quê đồng nội Việt Nam, thường được xem như một cái gì thù địch với sự sống, với con người lương thiện: có biết bao tai ương rình rập kiểu “tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh”. Thế mà, thú vị thay, Thạch Lam lại nhiều miêu tả bóng tối như bè bạn tin cậy của mọi người.

Ví như cái thứ bóng tối bè bạn của một thiếu nữ “bắt đầu” yêu, một mình mơn man với bao mộng tưởng của riêng mình:

“… Loan trở lại cái mộng xinh đẹp của mình. Sung sướng, nàng nhắm mắt, để cho bóng tối đến, mát và rực rỡ bao bọc cả tâm hồn, thân thể nàng” [Bắt đầu]. Hoặc: “Bóng tối dưới vòm cây thân mật, như giục gọi: lối đi trong vườn quen thuộc giữa hai bên, là lối đi nhỏ ấm cúng vô cùng” [Bắt đầu].

Còn như cái thứ bóng tối trong “Bóng người xưa” thì không chỉ là bè bạn mà còn như một thứ “phép màu” khi được pha hoà với một ít ánh sáng, làm: “… Vân không thấy trước mắt mình nét mặt hàng ngày của vợ nữa, chàng chỉ thấy một người vợ trẻ hơn, đẹp hơn. Những vết nhăn của người đàn bà luống tuổi đã mất đi trong bóng tối; khuôn mặt trở nên đều đặn, cái miệng hơi hé trên hàm răng nhỏ trắng muối, đôi mắt long lanh sáng”.

Và đây nữa, cái bóng tối ta gặp rất nhiều lần nơi phố huyện. Ai bảo rằng nó chỉ là hiện thân cho những cảnh đời tăm tối quẩn quanh: “Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung, và thoảng qua gió mát. Đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”… [Hai đứa trẻ].

Có lẽ trước Thạch Lam và cùng thời với ông, chưa có ai lại tả bóng tối ban đêm sinh động, có hồn và đầy sinh thú như thế. Cũng với một quan niệm, một cái nhìn tìm kiếm vẻ đẹp trong đời sống như vậy. Trong mắt ông và trong tâm hồn ông, đến cả “tiếng muỗi vo ve”, “tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào” cũng có sức xao động lòng người chẳng kém gì “tiếng trống thu không”, “từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều về” chẳng kém gì tiếng còi tàu nao nức” ở đâu vang lại trong đêm khuya kéo dài ra theo gió xa xôi” [Hai đứa trẻ]. Mùi của ao bèo, của phân cỏ, mùi của đất đai [Hai đứa trẻ, Cô hàng xén…] cũng có một sức quyến rũ lành mạnh chẳng kém gì sức quyến rũ lành mạnh của hương trà, hương lúa [Những ngày mới, Nắng trong vườn] hay hương hoa mộc, hoa hồng, hoa sen, hoa lý… [Nắng trong vườn, Đêm sáng trăng, Ngày mới…], hoàng lan [Dưới bóng hoàng lan].

Vẻ đẹp thiên nhiên đã thế, vẻ đẹp của con người, của hồn người cũng thế: Những thiếu nữ dậy thì tuổi mười lăm mười tám đang yêu hay bắt đầu yêu như Hậu [Nắng trong vườn], Liên [Tiếng sáo], Hảo, Trinh [Ngày mới], Tâm [Cô hàng xén], Nga [Dưới bóng hoàng lan]… thật là những kỳ quan của xuân sắc. Nhưng những người phụ nữ tần tảo làm con làm vợ làm mẹ như Tâm, Liên [Cô hàng xén], Liên [Một đời người], mẹ Lê [Nhà mẹ Lê], bà Nhì, bà Phán –mẹ Trường [Ngày mới], cô bé Liên [Hai đứa trẻ]; cả đến bé Lan, bé Sơn [Gió lạnh đầu mùa], bé anh, bé em [Tiếng chim kêu]; cả đến bả đầm [Người đầm], bà Cả [Đứa con] – những kẻ tưởng như chỉ tập trung  toàn cái ác, cái xấu, theo quan niệm thông thường –đều tiềm ẩn những nét đẹp cao quý bất ngờ, hay những rung cảm, hành vi đáng trân trọng.

3. Như vậy là cái đẹp hiện diện ở khắp mọi nơi, ở nhiều tầng lớp, hạng người, ở mọi thời [cũng như cái xấu có thể có mặt khắp nơi, mọi thời, mọi người]. Đó là cái đẹp của thực tại đời thường, cái đẹp bình dị. Cái đẹp bình dị của thực tại, của đời thường ấy không giống với cái đẹp thiêng liêng sang trọng, kiểu như “Chữ người tử tù” được ngục quan “bái lĩnh” của Nguyễn Tuân, càng không giống cái đẹp của thế giới người hùng kiểu “Tiêu Sơn tráng sĩ” với những Phạm Thái, Quang Ngọc, Nhị Nương… của Khái Hưng, kiểu “Đời mưa gió”, “Lạnh lùng” với những Tuyết, những Nhung của Nhất Linh, Khái Hưng.

Có lẽ vì cái đẹp bình dị tiềm tàng trong thực tại, giữa đời thường nên cái đẹp của Thạch Lam có hai đặc tính riêng rất nổi bật: 1. Luôn luôn mới mẻ, thanh tân, cứ như lần đầu được biết đến. 2. Mang cái thiêng của bản thân sự sống.

3.1. Trong văn của Thạch Lam đúng là có đẹp như thế: Đầy sức sống và luôn mới mẻ thanh tân, cứ như lần đầu tiên được biết đến.

Đặc tính này rất dễ thấy khi Thạch Lam miêu tả vẻ đẹp của thiếu nữ đang yêu, đang hạnh phúc. Đó là cái đẹp của Hậu “Nắng trong vườn”. Trong ánh mắt của chàng trai thành phố, dáng người của Hậu thật “mảnh dẻ và uyển chuyển như một cái cành non”, khuôn mặt “xinh xắn và tươi”, “hai mắt nhung như cành hoa tím ướt”, “vẻ e lệ ửng đỏ hai gò má”, “thân thể trẻ con của cô…” “như một cái mầm non trong nắng”; “người Hậu như thoảng ra một thứ hương thơm ngát và say sưa”.

Còn “những cái hôn tha thiết và vụng về của Hậu” thì “có một hương vị mới mà tôi chưa từng được hưởng, hương vị đượm ngát của một bông hoa dại”.

Thiếu nữ ấy nổi bật, thanh tân như bông hoa bắt đầu khoe sắc lung linh dưới ánh “nắng trong vườn”. Hơi tiểu thư, mơ mộng một chút nhưng rất hòa hợp với cảnh trí thiên nhiên. Đó cũng là vẻ đẹp của Trinh [Ngày mới] trong mắt Trường chàng tân khoa về từ đất Hà Thành. Mới có bóng nàng “thấp thoáng” từ “trong vườn” “đi ra phía sông” mà “nước sông Tiền” đã “trong hơn”, “cỏ tươi thêm và ngày rực rỡ khác thường hơn”.”…Trinh đứng bên khóm cây mộc, đang nhặt trong khe lá những chùm hoa nhỏ để đem về ướp chè […] thân hình mềm mại trên nền cành lá: nàng bận một chiếc áo trắng mỏng; trên vành khăn nhung trong mái tóc đen có giắt mấy bông hoa sói…”

Đó cũng là vẻ đẹp của Nga [Dưới bóng hoàng lan] khi nàng ngắt rau: “Lá rau tươi xanh ngắt bên bàn tay trắng hồng nhỏ nhắn”…; khi nàng ngồi bên mâm cơm nâng bữa cho Thanh: “đôi môi thắm”, “hai má hồng”, “nụ cười nở tươi”, “nàng nhìn lại Thanh, một chút thôi, nhưng biết bao âu yếm”, “ngoài vườn trời vẫn nắng, giàn thiên lý pha xanh một bên tà áo trắng của Nga”…

Có thể nói, thiếu nữ của Thạch Lam là thiếu nữ của vườn hoa, mỗi thiếu nữ là một bông hoa, mang sức sống quyến rũ của thiên nhiên đồng nội chốn quê nhà. Những thiếu nữ ấy càng đẹp, đáng yêu thêm bội phần trong tâm hồn, ánh mắt của những chàng trai đang rung động chân thành tha thiết sâu xa trước những mối tình đầu.

3.2. Những vẻ đẹp như thế luôn mới mẻ thanh tân –cũng là vẻ đẹp mang cái thiêng của bản thân sự sống. Trước một vẻ đẹp như vậy người ta không thể suồng sã, không nỡ ồn ào. Bởi vì cái đẹp ấy non tơ như mầm non, như búp xanh mới nhú; như làn hương trong gió thoảng, hay mong manh như sợi tơ lòng “bước đi sẽ dứt, động hờ sẽ tiêu”.

Cũng như Thạch Lam, các nhân vật của ông thật sự nâng niu trọng thị cái đẹp của sự sống thiêng liêng đang “nảy nở” ấy:

-“Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tâm cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống và nhận thấy những cái bé nhỏ hèn mọn hàng ngày nó phá hoại cuộc đời. Và Tâm thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non một tình cảm sâu xa mới mẻ chàng chưa từng thấy” [Đứa con đầu lòng].

-“Tân với bọn thợ gặt bước đều về nhà, ai nấy đều yên lặng không nói gì, như cùng kính trọng cái thời khắc của ngày tàn. Trong cái giờ khắc này, Tân như thấy cảnh vật đều có một tâm hồn, mà lớp sương mù kia là tâm hồn của đất mầu, đã nuôi hạt thóc cần cho sự sống của loài người” [Những ngày mới].

-“Một cơn gió hay một cái mầm cỏ non, đối với chàng đều có ý nghĩa riêng” [Những ngày mới]…

3.3. Cũng như các nhân vật của mình, Thạch Lam yêu cái đẹp, “kính trọng” và tha thiết tìm kiếm, nâng đỡ cái đẹp. Ông thậm chí còn cho rằng: “Công việc của nhà văn là phát biểu cái đẹp chính ở chỗ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Nhưng Thạch Lam khác rất nhiều nhà văn thời ấy, nhất là các nhà văn lãng mạn có xu hướng thoát ly thực tại để tìm kiếm cái đẹp hoang dại, bản năng, thuần tuý xa lạ với cuộc đời, kiểu “Con chim nó hót để hót” [Khái Hưng]. “Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín – Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa” [Xuân Diệu].

Thạch Lam cho rằng cái đẹp trong hiện thực cuộc sống, cũng như cái đẹp trong văn chương, không nhằm đem đến cho người đọc “sự thoát ly hay sự quên”, trái lại, đó là “thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chính ta có để vừa tố cáo và làm thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn” [Tựa Gió đầu mùa].

4. Chính vì vậy, sẽ là phiến diện, thiếu sót nếu đề cập đến quan niệm thẩm mỹ của Thạch Lam mà không gắn liền với thái độ nhân văn của ông: cái ĐẸP luôn gắn liền với TÌNH THƯƠNG và có khả năng gợi nhớ về quá khứ.

Tìm kiếm cái đẹp và mải mê sáng tạo cái ĐẸP, đúng là: “Sáng tác nào của Thạch Lam cũng là một cố gắng nhằm thâu đạt cái giản đơn, cái sâu sắc và cái thật trong những quan sát và rung động đúng, trung thành với bản ngã và tâm hồn của chính ông, một tâm hồn dịu dàng” [Nguyễn Nhật Duật]. Nhưng phải nhấn mạnh ở đây nhận xét rất tinh của Thế Lữ: “Sự thực của tâm hồn mà Thạch Lam diễn tả trong lời của văn chương phức tạp nhiều hình nhiều vẽ, nhưng bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương” [Tính cách tạo tác của Thạch Lam].

Văn chương của Thạch Lam là văn chương đẹp, văn chương của cái đẹp, vì cái đẹp nhưng đó cũng là văn chương gợi nhắc tình thương. Nghĩa là một cái đẹp truyền cảm.

4.1. Cái đẹp truyền cảm là cái đẹp mang nhựa sống, mang lửa sống; có thể rực rỡ chói chang, sang trọng, huyền ảo hay dịu dàng đôn hậu, khiêm nhường… Nhưng quan trọng hơn cả là ở chỗ nó luôn đầy sức truyền cảm, nghĩa là luôn luôn có khả năng làm rung động lòng người, mang lại cho họ những cảm xúc chân thành và thấm thía.

Thạch Lam rất tâm đắc với một định nghĩa ngắn – tuy chưa được hoàn toàn- của Maurice Barrés rằng: “Một cuốn tiểu thuyết hay là tiểu thuyết đã làm cho ta rung động”. Nghĩa là một tác phẩm “đã tìm được đường đến thẳng đến tâm hồn ta” [Thạch Lam].

Hoàn toàn có thể quan niệm cái đẹp như quan niệm về một cuốn tiểu thuyết hay, một công trình mỹ thuật đặc sắc. Với Thạch Lam, tiêu chuẩn sống còn, tối hậu để đánh giá cái đẹp là sức tạo nên rung động ở nơi người thưởng thức. Cái đẹp đó có khả năng truyền rung động và cảm hoá lòng người. Nó cần phải gợi nhắc tình thương cũng như gợi nhớ quá khứ, gợi nhớ được những gì đáng nhớ của ngày qua.

Sáng tác của Thạch Lam là “sự thực” sống động, “sự thực” của tâm hồn ông, “sự thực” ấy bao giờ cũng đằm thắm, cũng nhân hậu, cũng nghẹn ngào một chút lệ thầm kín của tình thương, đúng như cảm nhận của Thế Lữ.

Ở đây, giữa cái đẹp và tình thương, quả có mối liên hệ tương cận và chuyển hoá rất tự nhiên, hồn hậu hiếm thấy.

Trước hết, tình thương ở một phía nào đó cũng là một biểu hiện của cái đẹp. Người có tình thương, lòng vị tha là những người tốt, những người cao quý, nghĩa là những người sống đẹp với tâm hồn đẹp. Nhân vật của Thạch Lam, dù già hay trẻ, nam hay nữ, người lao động, chàng học sinh hay viên công chức… thường là những con người giàu tình thương cảm đối với người thân và đồng loại. Mẹ Lê vì thương đàn con mà nhắm mắt không yên, cô Tâm vì thương cha mẹ thương chồng, thương em mà nén chịu vất vả buồn phiền…

Thứ hai, có những cái đẹp gợi nhắc nhưng rung cảm yêu thương, gợi nhắc tình trắc ẩn. Ví như cái đẹp của một “bóng người xưa” nơi người vợ, có thể gợi nhắc tình yêu thương, lòng trắc ẩn nơi người chồng, khiến người chồng trở nên độ lượng, tử tế hơn [Bóng người xưa]. Hương thơm của một bông hoa, âm điệu trong trẻo của một tiếng chim hót, không khí mát dịu của một buổimai, có thể làm cho một gã nghịch tử hoang tàng cũng biết thuần hậu lại và thương kính mẹ già [Buổi sớm]…

Thứ ba, đến lượt mình, tình thương mến lại giúp người ta từ quan tâm gần gũi gắn bó, mà dễ có cơ hội để nhìn nhận cái phần tốt đẹp khuất lấp ở những người, những nhân vật vốn ngỡ tầm thường. Ví dụ tình thương mến những người những cảnh nơi phố huyện đìu hiu hay nơi đô thành náo nhiệt giúp cho con người khám phá những vẻ đẹp kín đáo, không ngờ [Hà Nội băm sáu phố phường, Những ngày mới…]

4.2. Cùng với việc gợi nhắc tình thương, cái ĐẸP truyền cảm còn gợi nhớ quá khứ, không phải đơn giản vì rằng cáo đẹp trong thời quá khứ phong phú hơn, cái đẹp trong thực tại “đã bị đánh mất”; mà vì rằng cái đẹp trong quá khứ thường là cái đẹp đã thuộc về truyền thống và đã được sàng lọc, thử thách qua thời gian. Đó là lý do quan trọng khiến Thạch Lam nặng tình với những vẻ đẹp thuộc về truyền thống quê hương dân tộc mình; và tâm hồn ông, sáng tác của ông như một viện bảo tàng về cái đẹp của ngày qua, của ngày xưa.

Vẫn biết rằng không phải tất cả những gì thuộc về quá khứ được gợi nhớ lại đều là tốt đẹp, đều là quá khứ vui: có những cảnh, những việc, những người đã qua đi, thậm chí còn là một sự trút bỏ nhẹ nhõm. Chẳng hạn cái quá khứ của Tân [Những ngày mới], của Bính [Buổi sớm], Chị Sen [Đứa con], Liên [Một đời người]… không thể gọi là tốt là vui, là đẹp.

Nhưng nói chung, quá khứ một khi đã được gợi nhắc lại đều mang một màu sắc thiêng liêng với biết bao thương nhớ, u hoài. Trong tâm hồn cậu bé “tôi” [Bên kia sông] cái thế giới cách một chiếc cầu nhỏ gần như cũ nát –bên kia sông Tiên- là một thế giới bí ẩn, kỳ thú, ngọt ngào. Thiên nhiên con người và đồ vật ở đó, dường như đều chứa đựng một vẻ đẹp cổ xưa, huyền hoặc, sắp bị lấp vùi: một thanh gươm cổ, một con rùa ngọc, những pho tượng đá, bia mộ thấp thoáng trong lùm cây, một dãy núi xa xanh như huyền thoại, và nhất là cái nước da trắng xanh, cái giọng nói êm, ngọt, tình thương mến hiếu khách của con người trong cái gia đình người bạn tên Tiên ấy… Tất cả như thuộc về một quá khứ vừa trầm lặng vừa dữ dội hào hùng. Có phải đó là hình bóng, dấu tích của những viên tướng Cần Vương còn sót lại? Hay là dấu tích của những bậc hiền giả chốn đài các xa xôi nào về đây nương náu? Chỉ biết đó là một thế giới thiêng, một vẻ đẹp thiêng trong lòng một đứa trẻ và trong tâm cảm của nhà văn.

Đó là vẻ đẹp của những ngày xưa. Còn vẻ đẹp của những ngày đã qua, những ngày mới qua cũng thường được gợi nhớ lại trong rất nhiều truyện ngắn của Thạch Lam. Nhà văn bồi hồi để cho nhân vật nhớ về những kỷ niệm không phai mờ của thời thơ ấu [Tối ba mươi, Dưới bóng hoàng lan]. Ông còn trổ hết tài hoa trong những nét ghi chép về vẻ đẹp nhiều đổi thay của phố phường Hà Nội. Những tầng gác cổ, những khuôn viên kín đáo, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, và nhất là những thức quà cùng những người bán quà, những khách sành quà… Tất cả đằm thắm một tình yêu thiết tha đối với Hà Nội băm sáu phố phường, với đất nước, quê hương.

Cái đẹp trong chức năng gợi nhớ quá khứ như vậy, đương nhiên là xa lạ với cái đẹp hình thức chủ nghĩa, cái đẹp thuần tuý. Đó là cái đẹp vì con người, cuộc đời, vì sự sống.

4.3. Trên hành trình đi tìm cái đẹp tiềm tàng, cao quý của sự sống con người. Thạch Lam cũng như Nam Cao còn phát hiện ra rằng: không chỉ cái đẹp khích lệ thái độ kiêu hãnh của con người, mà cả cái đẹp khích lệ mặc cảm lành mạnh ở con người cũng là điều đáng trọng thị, nâng niu.

Thái độ kiêu hãnh khiến người ta tự tin, ngẩng cao đầu mà sống sang trọng đường hoàng. Nhưng còn bao nhiêu sắc thái của một niềm mặc cảm lành mạnh cũng cần thiết cho con người không kém. Thiếu đi niềm mặc cảm ấy, con người sẽ không bao giờ đạt đến một vẻ đẹp tinh thần hài hòa. Con người cũng rất cần biết kính sợ một điều gì. Ngục quan [Chữ người tử tù] là người biết mặc cảm lành mạnh. Ngay cả Huấn Cao cũng đã có lúc biết “đê thủ bái mai hoa”: biết sợ một cái nhìn thiển cận, sai lệch. Nhân vật trí thức của Nam cao thì luôn luôn đầy mặc cảm. Đó là một thái độ sống có văn hoá, một trạng thái cảm xúc cao quý.

Rất nhiều nhân vật của Thạch Lam cả trong truyện ngắn và cả trong tiểu thuyết, cũng biết như vậy: Liên và Huệ [Tối ba mươi] mặc cảm bất kình; Thành [Một cơn giận] mặc cảm bất nhẫn; Thanh [Sợi tóc] mặc cảm bất lương. “Tôi” [Kẻ thất bại] mặc cảm đổi thay, bất nhất. Thành [Cuốn sách bỏ quên] mặc cảm bất an. Trinh [Ngày mới] mặc cảm bất đồng; Trường [Ngày mới], Tân [Đứa con đầu lòng]… mặc cảm vụng về, bất nhã. Liên [Hai đứa trẻ] mặc cảm bất biến…

Bày tỏ sự đồng tình, sự khích lệ niềm kiêu hãnh hay niềm mặc cảm lành mạnh ở con người như vậy. Thạch Lam cùng với một số ít nhà văn đã bổ sung vào quan niệm về cái đẹp của cuộc sống và của văn chương những sắc thái mới mẻ hiện đại, có chiều sâu. Sự mặc cảm như vậy đã không làm cho con người hèn mọn đi mà còn sang trọng đáng kính hơn.

NGUYỄN THÀNH THI

THACH LAM –THE SEARCHER AFTER THE SUGGESTIVE BEATY HIDDEN IN FRESSH SIMPLE LIFE.

NGUYEN THANH THI

Many people think the beaty Thach Lam praised is “the lost beuty” belonging to the past. That notion is not very satisfactory.

In fact, in Thach Lam’s belief and works, beauty is potential and omnipresent in the universe. It means beuty can be found any where with human and creature life: in the dark and in the light in nature and in people’s hearts, in the past and in the future, in a hectic town/district and in the quiet countryside…

However, Thach Lam aims at the beauty closely related to life, love, senration-the humanistic beauty.

Thach Lam adds new, modern, profound aspects to the beauty notion of life and human beings. And it is this important part that gives his works an endwring value.

CHÚ THÍCH:

[1] Phạm Thị Thu Hương: Thạch Lam –văn chương và cái đẹp, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994, tr.90.

[2] Nhiều tác giả: Văn học Việt Nam 1900 –1945, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1997, tr.582.

Video liên quan

Chủ Đề