Cù lao phố là gì

Địa danh gắn liền với một nhân vật được vinh danh như một thần hoàng đã có công khai mở xứ Đồng Nai và miền Đông Nam Bộ. Ông là một danh tướng người Hoa phục Nguyễn, có tài thao lược về quân sự, có đầu óc kinh doanh của một người Quảng Đông [ Trung Quốc].

Nhiều học giả nghiên cứu về ông còn cho rằng, nếu không xảy ra những biến cố lịch sử lớn lao, thì Biên Hòa [Cù lao Phố] xứ Đồng Nai sẽ là nơi tụ hội và phát triển thịnh vượng hơn tất cả nơi khác ở miềnNam. Bởi lẽ, những doanh nhân Cù lao Phố vì ly tán chiến tranh đã bỏ xứ này mà đi đến Chợ Lớn, Mỹ Tho lập nghiệp lưu danh đến ngày nay. Còn Cù lao Phố chỉ còn là một ký ức lịch sử, một phế tích hoang tàn kể từ đỉnh cao huy hoàng phát triển gần một thế kỷ.

KỳI.Người khai khẩn đất lập nên Cù Lao Phố sầm uất

Ông là Trần Thượng Xuyên tự Trần Thượng Tài [?- 1720], người tỉnh Quảng Đông [Trung Quốc], nguyên là Tổng lãnh binh ba châu Cao- Lôi- Liêm. Năm 1649, Triều Minh sụp đổ trong tay Hoàng đế Sùng Trinh dẫn đến cuộc khởi nghĩa của Sấm Vương Lý Tự Thành. Cuộc tranh giành giang sơn và mỹ nhân Trần Viên Viên của Lý Tự Thành và Ngô Tam Quế đã dẫn đến cảnh “cõng rắn cắn gà nhà” của họ Ngô, tạo cơ hội cho nhà Mãn Thanh từ phương Bắc chiếm Bắc Kinh lập nên Triều Đại Thanh. Khoảng năm 1679, sau khi phất cờ “bài Mãn phục Minh” thất bại, bị quân Thanh truy kích, các lực lượng nổi dậy cuối cùng của triều Minh tại Quảng Đông và Đài Loan, Trần Thượng Xuyên đem hơn 3000 quân thân tín cùng gia quyến trên 50 chiếc thuyền từ đảo Hải Nam đến Đại Việt xin thuần phục, lánh nạn lâu dài. Chúa Nguyễn Phúc Tần [1648-1687] đã chấp nhận và tạo điều kiện cho cho Trần Thượng Xuyên vào khai khẩn xứ Đông Phố [Biên Hòa] lúc này còn hoang sơ, vắng vẻ. Sách Gia Định Thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có chép sự kiện này như sau: “Tháng 4 năm Kỷ Mùi [1679], quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Định và phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3000 người với chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng… Triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại [Đồng Nai] làm ăn, gắng sức khai phá đất đai. Bọn tướng Long Môn họ Dương đem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp và Cửa Đại, cửa Tiểu, dừng trú tại xứ Mỹ Tho. Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền vào cửa Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai”. Sách Đại Nam Thực lục Tiền biên chép “Kỷ Mùi [1679], mùa Xuân tháng Giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến: Cao- Lôi- Liêm Tổng binh Trần Thượng Xuyên và Phó tướng Trần An Bình đem hơn 3000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung [Thuận An] và Đà Nẵng, không chịu làm tôi tớ nhà Thanh, nên đến xin làm tôi tớ… Nay đất Đông Phố nước Chân Lạp phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng lấy sức của họ đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa [Nguyễn Phúc Tần] theo lời bàn, bèn sai đặt yến úy lạo khen thưởng, trao cho quan chức đến ở đất Đông Phố”.

Đình Tân Lân [Xóm Mới, Biên Hòa] [1906], nơi thờ chính Danh tướng Trần Thượng Xuyên, người có công khai khẩn, mở mang vùng đất Cù lao Phố

Trước đây, năm 1673, ở Chân Lạp [Căm pu chia ngày nay] đã nổ ra cuộc tranh chấp quyền lực giữa một bên là hai anh em Ang Ji [Nặc Đài], Ang Sur [Nặc Thu] và bên kia là hai bác cháu Ang Tan [Nặc Tân], Ang Nan [Nặc Nộn]. Phe Ang Tan- Ang Nan cầu cứu Chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm 1674, Ang Tan chết, ba năm sau Ang Ji bị giết. Chúa Nguyễn giải hòa hai phe bằng cách phong cho Ang Sur làm Chính vương [đóng đô ở Udong tức Căm pu chia sau này] và Ang Nan làm Phó vương [đóng đô ở Prei Nokor tức Sài Gòn sau này].

Vào thời điểm nhóm người Hoa xin tị nạn, biên giới Việt chỉ mới đến bờ trái sông Phan Rang, nên Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cho người đưa thư đến cho Phó vương Ang Nan, yêu cầu chia cấp đất cho họ vào làm ăn sinh sống quanh vùng đất Prei Nokor [Sài Gòn] và Ang Nan đã đồng ý. Kể từ đó, nhóm Trần Thượng Xuyên đến ở vùng Kâmpéâp Srêkatrey [Biên Hòa] và nhóm Dương Ngạn Định đến ở vùng Peam Mesar [Mỹ Tho]. Cũng theo sách Đại Nam Thực Lục Tiền biên thì: “Binh thuyềnNgạn Định và Hoàng Tiến vào cửa Soài Rạp đến đóng ở Mỹ Tho, binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình thì vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân [Biên Hòa]. Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Tây dương, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập”.

Ban đầu nhóm Trần Thượng Xuyên đến Bàn Lân [ngày nay là Bến Gỗ, thành phố Biên Hòa] lập nghiệp. Khi đó vùng đất này còn rừng rú hoang sơ. Họ đã phát hiện ra Cù lao Phố, một bãi sa bồi hoang sơ nằm giữa sông Hương Phước [một đoạn của sông Đồng Nai], trải dài trên 7 dặm, bề ngang bằng 2/3 bề dài. Tuy nằm cách biển trên 60 cây số, nhưng là nơi sông sâu, nước chảy, có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản và phíaNamcó thể thông ra biển Cần Giờ hay sang tận xứ Cao Miên. Nhìn thấy sự đắc địa của vị trí đất trên, nhóm người Hoa của Trần Thượng Xuyên đã chuyển từ Bàn Lân đến Cù lao Phố hợp cùng với nhóm dân người Việt đến trước, cùng nhau bắt tay khai khẩn đất sản xuất, mở cửa hiệu buôn bán. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu ông đã biến vùng đất hoang sơ trở thành thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định, tức Nam Bộ ngày nay. Từ sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác đến như: dệt chiếu, tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường, làm bột, đồ gỗ gia dụng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo…Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả “Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quán rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội…”. Cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp ở Cù lao Phố xưa, cũng được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành thông chí “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này [Cù lao Phố] bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua giùm. Như thế, khách chủ đều tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn đúm vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại trở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”.

Sau khi đến định cư khai khẩn trên vùng đất Bàn Lân [Bến Gỗ], nhóm người Hoa của Tổng binh Trần Thượng Xuyên đã nhận thấy Cù lao Phố có những điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán nên họ đã di chuyển về đây. Cù lao Phố là một bãi phù sa nằm giữa sông Đồng Nai “dài dặm dư, rộng 2/3 dặm, cách phía Đông trấn độ 3 dặm”. PhíaNamcủa cù lao là sông Phước Long, giữa dòng sông cách trên 4 dặm nửa thiên về phía Bắc “có đá cự tích, còn gọi là thạch than [thác đá hay đá hàn]. Đây là mô đá gồ ghề lớn nhỏ chồng chất, có vực sâu, thế nước chảy xiết và sóng vỗ ào ạt. Phía Bắc của cù lao là sông Cát, còn gọi là Sa Hà hay Rạch Cát hoặc Hậu Giang, cách phía Đông trấn Biên Hòa 3 dặm rưỡi chảy quanh Cù lao Phố.

Một góc Cù Lao Phố, Biên Hòa [Đồng Nai]

Cù lao Phố còn có các tên là: Bãi Đại Phố, Giãn Phố và Cù Châu. “Cù Châu là nói địa thế khất khúc chạy tới như hình con hoa cù [rồng con có sừng] uốn khúc giỡn nước nên nhân đó gọi tên”. Với kinh nghiệm tư duy thương nghiệp, hàng hóa, tiền tệ khác hẳn tư duy nông nghiệp của người bản xứ, Trần Thượng Xuyên đã sớm phát hiện ra một ưu thế của Cù lao Phố, có vị trí quan trọng trong kinh doanh với đường thủy, đường bộ nối liền miền Trung, đường bộ lên Cao Miên [Cămpuchia] và đường thủy xuống Gia Định. Tuy nằm không gần biển, nhưng là nơi nước sâu, chảy nhanh, nên tiếp tục ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, xuống tận phía Nam, ra cửa Cần Giờ và có thể sang tận Cao Miên. Do đó phần lớn nhóm người Hoa đã chuyển cư từ Bàn Lân về Cù lao Phố phát hoang, dựng nhà, lập bến, mở đường, xây dựng phố chợ.

Chỉ trong vài ba thập niên, đến đầu thế kỷ XVIII, những di dân người Hoa đã biến Cù lao Phố thành một thương cảng xuất nhập khẩu lớn, thu hút thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và các nước phương Tây đến buôn bán và trao đổi hàng hóa. Quang cảnh Cù lao Phố [Nông Trại Đại Phố] được Trịnh Hoài Đức ghi lại “Ở đầu phía Tây bãi là Đại Phố. Khi mới khai thác, tướng quân Trần Thượng Xuyên chiêu tập lái buôn người Trung Quốc lập ra phố xá với nhà ngói, tường vôi, lầu cao chót vót, quán mấy tầng rực rỡ bên sông dưới ánh mặt trời, liên tục 5 dặm mở vạch ba đường phố. Phố lớn lát đá trắng, phố ngang lát đường đá ong, phố nhỏ lát đường đá xanh, bằng phẳng như đá mài. Khách buôn tụ họp đông, thuyền biển, thuyền sông, tránh gió bỏ neo, lớn nhỏ sát nhau, là một nơi đô hội. Nhà buôn to, giàu, tập trung ở đây nhiều nhất”. Việc buôn bán ở nơi thương cảng được tổ chức khá bài bản, khéo léo và mang tính chất kinh doanh lớn. Cũng theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì “phía Bắc ghềnh có vực sâu làm nơi trú ẩn cho tàu thuyền các nước. Tàu buôn đến đây, hạ neo xong là lên bờ thuê chỗ ở, rồi đến nhà chủ mua hàng, lấy đấy kê khai những hàng hóa trong thuyền và khuân cất lên, thương lượng giá cả, chủ mua hàng định giá và mua bao tất cả hàng hóa xấu tốt, không bỏ xót lại thứ gì. Đến ngày trương buồm trở về gọi là “hồi Đường”, chủ thuyền có yêu cầu mua giúp vật gì thì người chủ hiệu buôn ấy cũng chiều ý mà mua giùm và chở đến trước kỳ giao hẹn, hai bên chủ và khách chiếu theo hóa đơn thanh toán rồi cùng nhau đờn ca vui chơi, đã có nước ngọt tắm rửa sạch sẽ, lại không lo hà trùng ăn lũng ván thuyền, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi”.

Hàng hóa các chủ thuyền mua thường là những sản vật được sản xuất ở Đồng Nai như gạo, cá khô, sừng tê, ngà voi, gạc nai, các loại dược thảo ở phíaNam. Còn sản vật các chủ hàng buôn bán thường nhận mua là những sản phẩm tiêu dùng gồm tơ lụa, vải bố, dược phẩm cho đến những đồ xa xỉ trang trí như gạch ngói, sứ men, đá xây cột chùa, nhang đèn, vàng bạc… Hàng năm cứ đến tháng Một, tháng Chạp, người ta thường xay giã lúa thành gạo đem bán lấy tiền tiêu dùng vào những ngày lễ Tết. Còn từ cuối tháng Giêng trở đi, họ không còn thời giờ rảnh rỗi để xay giã lúa thóc. “Những lúc bình thường người ta chuyên chở gạo thóc ra bán tại thành Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc nhiễu, đoạn của người Tàu đem về may mặc, nên áo quần họ toàn những hàng hóa màu tươi tốt đẹp đẽ, ít khi họ dùng những áo quần bằng vải trắng thường” [Gia Định thành thông chí].

Nguồn hàng hóa hấp dẫn thương thuyền đến Cù lao Phố là lúa gạo. Lúa gạo ở Đồng Nai nhiều nên rất rẻ, 1 tiền [60 đồng] đong được 16 đấu thóc. Cứ lường theo bát được gạt bằng miệng mà dân gian địa phương thường dùng thì ba bát ấy ngang 30 bát của Nhà nước. Một quan tiền đong được 300 bát đồng của Nhà nước [tức bát định chuẩn]. Giá rẻ như vậy, các nơi khác chưa từng có”. Kế đến là nguồn gỗ quí dùng để làm tàu thuyền vì giao thông đường thủy là chủ yếu, Phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt; tra xét sổ sách của cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên kê biên hai xứ là nguồn Đồng Môn cùng Quang Hóa thuộc huyện Phước Long có các thứ gỗ sao, trắc, dầu, giáng hương, gụ…

Những người Hoa theo Trần Thượng Xuyên vào Biên Hòa, ngoài những binh lính vẫn giữ nguyên đội ngũ “Long Môn” dưới quyền chỉ huy của ông, còn có hàng loạt các quí tộc phong kiến và thương nhân giàu có cùng gia quyến quê ở Quảng Đông, Hải Nam, Phúc Kiến, Triều Châu... Ngoài một số sống tập trung ở Bàn Lân [Bến Gỗ], Cù lao Phố, còn có những người sống rải rác trong vùng Đồng Nai với tính cách là những đại lý thu mua nguyên vật liệu, hàng hóa cung cấp về Cù lao Phố như ở Tân Bản [lúa gạo], Mỹ Khánh, Bình Long [hàng vàng bạc], Chợ Đồn [nằm trong làng Bình Long xuất lu, hũ, cát, đá ong], Tân Mai, Vĩnh Thanh, Bình Trước, Bình Phước [lúa gạo], Đồng Bản, Thủ Đồn Xứ [gỗ quí, thú rừng], Bình Sơn [đá rửa dùng tô nhà], Phú Hội [xuất trà], An Lợi [sầu riêng], Long Tân [chuối], Phước An [sò huyết], Phước Khánh [gạo thơm], Tam An [tôm càng], Long Phước [soài, chuối]…

Gốm Đồng Nai

Cùng với sự phát đạt của thương mại, Cù lao Phố cũng là nơi tập trung nhiều nghề thủ công như dệt chiếu, dệt hàng tơ lụa, gốm, đúc đồng, nấu đường từ mía, làm bột, làm đồ gỗ gia dụng và chạm khắc gỗ đóng thuyền, làm pháo thăng thiên, nhuộm… Trong số các nghề nói trên, có những nghề truyền thống do những lưu dân Việt mang theo từ nơi quê cũ, nhưng cũng có những nghề do thợ thủ công Trung Quốc du nhập vào như nghề gốm, đúc đồng, dệt lụa, làm đồ mỹ nghệ vàng bạc… Các nghề này đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong dân gian như những địa danh “chợ Chiếu, xóm Cửi, xóm Lò Đúc, rạch Lò Gốm…”. Điều này nói lên sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Cù lao Phố. Chính những yếu tố về dân cư [cuối thế kỷ XVII, số lượng dân đến khai phá, định cư đã lên đến 4 vạn hộ], về sự dồi dào sản vật và nguyên liệu của vùng Đồng Nai là những yếu tố quan trọng cho sự hình thành trung tâm thương mại - thương cảng Cù lao Phố đầu thế kỷ XVIII. Người Hoa không chỉ tập trung ở nơi thương cảng này, mà còn tạo ra một hệ thống đại lý thu mua và phân phối hàng hóa ăn sâu về các bến sông, bến chợ từ đầu nguồn cho đến nơi cửa biển. Tuy nhiên, sự thịnh vượng của thương cảng Cù lao Phố chỉ kéo dài đến nửa thế kỷ XVIII thì bắt đầu đi xuống. Bởi khi Cù lao Phố đã trở thành “xứ đô hội” của vùng đất mới thì tự nó cũng trở thành nơi diễn ra những cuộc tranh chấp về quyền lực chính trị.

Chủ Đề