Đánh giá call of duty modern warfare 2

Cá nhân mình luôn nghĩ, không có ai lại cố tình tạo ra một trò chơi dở tệ cả. Cơ bản sẽ có hai lý do. Thứ nhất đơn giản là kinh nghiệm và khả năng của các nhà phát triển game không đủ tạo ra một tác phẩm hay. Lý do thứ hai thì phức tạp hơn, đó là áp lực từ công ty mẹ, những tập đoàn game khổng lồ, khi game phải ra mắt đúng thời điểm mà tập đoàn cũng như cộng đồng khách hàng kỳ vọng. Có lẽ đó chính là những gì đã xảy ra ở Sledgehammer Games, để rồi chúng ta có cái gọi là mục chơi đơn của Call of Duty: Modern Warfare III.

Hồi giữa năm, mình bắt đầu nghe được vài tin đồn nói rằng, Modern Warfare II sẽ có một bản mở rộng cốt truyện để kéo tiếp những gì diễn ra trong bản game ra mắt cuối năm 2022, sau khi Task Force 141 chặn đứng được âm mưu đem tên lửa tấn công nước Mỹ của một ông tướng ở một quốc gia hồi giáo, kèm thêm việc phải đối mặt với sự tráo trở của tướng Shepherd. Nhưng rồi kế hoạch cho DLC ngắn ấy biến thành mục chơi đơn của Modern Warfare III, vì Treyarch đang bận bịu với dự án kế tiếp, dự kiến phải sang năm mới ra mắt. Còn Infinity Ward thì cũng phải 2 năm nữa.

Chơi xong tới hai lần mục cốt truyện của Modern Warfare III chỉ trong một ngày, ngay sau khi game ra mắt, mình chỉ thấy thương nhà phát triển, vì áp lực từ nhà phát hành, và áp lực từ chính khả năng của họ. Mục chơi đơn của Modern Warfare III về cơ bản là tệ, rất tệ, cả về nội dung lẫn gameplay.

Nhưng rốt cuộc, cũng chẳng thể hoàn toàn đổ lỗi cho Sledgehammer được. Phiên bản Call of Duty lấy đề tài thế chiến thứ hai, Vanguard của họ ra mắt hai năm về trước cũng chỉ có chất lượng làng nhàng, thậm chí còn chẳng hay hơn bản WWII của chính họ năm 2018 nữa. Nếu không có Activision gây sức ép, sau cái lần Black Ops 4 thất bại thảm hại đơn giản vì không có mục chơi đơn, thì chắc Sledgehammer cũng không làm ra một mục chơi đơn dở tới mức này, xét theo mặt bằng chung những phiên bản Call of Duty.

Trước đó cũng phải đề cập tới một vấn đề của Call of Duty hiện giờ. Để kiếm được nhiều tiền, Activision sẽ phải kết nối tất cả những phiên bản game ra mắt thường niên lại với nhau, thì những mùa mới của Warzone đều phải có những nhân vật mới, kèm thêm những gói vật phẩm để người chơi bỏ tiền ra mua về. Thế là bỗng nhiên cốt truyện cũng phải tràn sang những mùa mới của Warzone.

Một ví dụ rất cơ bản, đấy là nhân vật Graves của Modern Warfare II, một nhân vật rất ngầu cứ tưởng đã bị tiêu diệt ở cuối phần trước, hoá ra vẫn còn sống, đã vậy còn kết hợp với tướng Shepherd để hỗ trợ cho nữ chiến binh Farah. Nếu không chơi Warzone, hay không cập nhật thông tin cốt truyện của những mùa mới bên Warzone, thì làm sao anh em biết được chuyện đó?

Rồi đến sự hiện diện của kẻ được cho là nguy hiểm nhất cả series Modern Warfare, dù là cũ hay mới, cũng có cảm giác bị nhạt nhòa vì thời lượng game, số lượng những đoạn cắt cảnh hay chính bản thân những câu thoại của nhân vật. Ừ thì nam diễn viên người Bulgaria, Julian Kostov đã cố hết sức để thể hiện một Makarov đầy mưu mô, toan tính, tàn nhẫn, lên kế hoạch trước cả vài năm liền để khiến cả thế giới chao đảo, để áp dụng cái chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Nhưng các nhà biên kịch của game thì không giúp Kostov thực hiện xuất sắc vai diễn. Cái lối mòn nhân vật phản diện nói lắm để nhồi nhét tư duy của nhân vật vào đầu người chơi vẫn còn, nghe khá mệt mỏi, dù nam diễn viên Kostov lồng tiếng rất ổn, không chê vào đâu được.

Mình chưa từng nghĩ sẽ nói như thế này. Nhân vật có chiều sâu ấn tượng nhất mục chơi đơn ngắn chừng 6 giờ đồng hồ của Modern Warfare III chính là tướng Shepherd. Đáng ngạc nhiên nhất là Shepherd, nhờ một cách nào đó, cảm giác còn lươn lẹo hơn cả phiên bản Shepherd của hơn chục năm về trước. Không chỉ còn là một vị tướng sẵn sàng hy sinh quân lính, thậm chí thủ tiêu cả Ghost và Roach ở bản game cũ để tạo ra cả một cuộc chiến, rồi để giành lấy chiến công nữa. Shepherd giờ khôn ngoan hơn, xảo trá và đương nhiên, đáng ghét hơn. Mà đấy còn là một nhân vật có ít thời lượng lên hình cắt cảnh hơn cả Makarov.

Mà vẫn là câu chuyện Makarov và Modern Warfare. Nói về hai cái tên này mà không nói đến No Russian, thì thật sự là lãng phí. Mà cũng phải thừa nhận, không phải biên kịch nào cũng liều lĩnh như những người ở Infinity Ward. Năm xưa họ có màn chơi đến tận bây giờ vẫn có thể gây sốc với nhiều người. Năm 2019, họ có màn chơi Piccadilly bị tấn công khủng bố quá chân thực. Đó cũng chính là một yếu tố khiến cho Modern Warfare 2019 ấn tượng, bên cạnh đồ họa và lối chơi có phần cực kỳ chân thực, tập trung vào yếu tố chiến thuật.

Còn tới Modern Warfare III, Sledgehammer cũng có vài màn chơi mô tả những vụ tấn công khủng bố mà Makarov cùng đồng bọn thực hiện. Có một vấn đề nhỏ. Tất cả chúng đều quá ngắn, hoặc được triển khai theo cách khó có thể nhạt nhòa hơn. Không làm cách nào để người chơi có thể kết nối với sự khủng khiếp mà những con người đen đủi trở thành nạn nhân của những vụ tấn công này phải chịu đựng. Sự nguy hiểm và tàn độc của Makarov, từ đó, cũng giảm đi một phần.

Rồi cả cái kết của trò chơi nữa. Mình ngồi 15 phút đồng hồ chỉ để tìm ra một tính từ đủ để mô tả toàn bộ cảm giác của mình sau khi chơi xong mục chơi đơn của Modern Warfare III. Nhạt nhẽo, hụt hẫng, vô vị, cụt lủn, gượng ép, lười nhác, tất cả những tính từ ấy có lẽ đều đúng. Ừ thì cái kết của Modern Warfare III cũng có một cảnh gây sốc, nhưng cái cảnh này gần như chẳng có giá trị gì vì xuyên suốt toàn bộ trò chơi, anh em hoàn toàn không có cách nào để kết nối về mặt cảm xúc với nhân vật. Kết thúc đó đáng lẽ ra nên được làm từ phần trước để tạo ra tác động mạnh tới người chơi, chứ không phải phần này.

Cả bốn nhân vật của Task Force 141 đều chẳng để lại được bất kỳ ấn tượng tích cực nào trong mắt mình. Cũng có thể vì ở độ khó trung bình, chơi 5 giờ đồng hồ là đã hết game rồi, đã vậy còn bị hẫng vì cái kết cụt lủn nữa. Hoặc cũng có thể, cảm giác bực mình và khó chịu đến từ chính cái cách Sledgehammer thiết kế những màn chơi trong toàn bộ mục chơi đơn.

Để mình mô tả cho anh em, chơi Modern Warfare III khó chịu như thế nào. Màn chơi đầu tiên, cũng là thứ được đem ra phô diễn hồi giữa năm ở vài sự kiện game, có lẽ là thứ ấn tượng nhất. Phi vụ giải cứu tù nhân số 627 được định nghĩa lại theo cách không một ai tin nổi, cho tới khi trái bom phá vỡ cánh cửa sắt của phòng biệt giam được kích nổ.

Nhưng ngay sau nhiệm vụ đấy, là một sự chắp vá đến khó tin của những màn chơi cốt truyện sau đó. Có cảm giác Activision khinh thường người chơi khi bán Modern Warfare với giá 70 USD, để rồi nhận lại được mục chơi đơn thực sự nhảm nhí về mặt nội dung. Anh em chơi Modern Warfare II rồi, hẳn còn nhớ những màn chơi có kết cấu mở, cho phép anh em tự do di chuyển, chọn giữa việc chiến đấu hay ẩn nấp. Phần mới cũng có những màn chơi mở như vậy.

Vấn đề nảy sinh, ở phần trước những màn như vậy ở phần trước là điểm nhấn, là thứ thử thách sự sáng tạo của anh em, cũng như giúp game không bị quá tuyến tính. Còn ở phần này, nó lại là thứ mô tả sự vội vàng và lười biếng của hãng game. Anh em hỏi lý do ư? Rất nhiều những màn chơi dạng “Weapons Free” trong Modern Warfare III đều lấy nguyên xi những góc hay những địa điểm đã quá quen thuộc trong bản đồ Verdansk của Warzone.

Từ sân vận động, bến cảng cho tới đập nước khổng lồ, mỗi nhiệm vụ như vậy chỉ có dăm ba nhiệm vụ nhỏ phải hoàn thành, tập trung vào sự tự do và phản xạ của anh em để hoàn thành những nhiệm vụ ấy. Cái khó chịu là anh em sẽ phải bỏ thời gian đi nhặt vũ khí rải rác trong màn chơi, rồi đi kiếm giáp để sống lâu hơn.

Chí ít thì ở phần trước, những nhiệm vụ mở cho phép anh em tự do di chuyển còn được kỳ công thiết kế những khu vực mới, ví dụ như cao nguyên ở Tây Ban Nha chẳng hạn. Còn Modern Warfare III thì thực sự không biết nên nói gì để bào chữa cho nhà phát triển game nữa. Lấy ví dụ mấy phần trước có những màn cho anh em đi tìm loot và kiếm xe để làm quen với Warzone. Còn bây giờ Warzone ra mắt gần tròn 3 năm rồi, chẳng ai cần hướng dẫn vậy nữa.

Nửa còn lại, là những nhiệm vụ tuyến tính tập trung vào cốt truyện của game. Điều đáng buồn ở đây là, cả quy mô hoành tráng của cuộc xung đột kéo bao nhiêu quốc gia vào vùng chiến sự của ba phần Modern Warfare cũ, hay sự cá nhân hóa, chân thực đến đáng sợ của chủ nghĩa khủng bố trong thế kỷ XXI được mô tả trong hai phần game 2019 và 2022 đều không hiện diện trong Modern Warfare III. Hệ quả, chúng ta có một mục chơi đơn với tổng thể vô cùng nhạt nhòa, kết hợp với thứ mình đã đề cập trước đó, là cái kết quá hụt hẫng và kỳ quái.

Có một cách giải thích, đó là những gì diễn ra kế tiếp sẽ được kể qua những chuỗi nhiệm vụ mùa mới trong Warzone, hay để làm tiền đề cho phần tiếp của series Modern Warfare. Trên phương diện kinh doanh thì đó là lựa chọn hợp lý. Nhưng thứ mình tò mò nhất bây giờ, đó là ở thời điểm phê duyệt dự án, chẳng hiểu vị giám đốc nào của Activision nghĩ rằng việc chắp vá ra 14 nhiệm vụ cốt truyện, mọi thứ xài lại từ phần game cũ, nâng cấp nhẹ đồ họa, rồi coi đó là đủ và hợp lý để bắt người chơi bỏ ra 70 USD mua tác phẩm này về.

Cái oái oăm ở đây là, Call of Duty vẫn sẽ đông người chơi nhờ Warzone và chế độ multiplayer. Còn tương lai khi Activision đã về tay Microsoft, tập đoàn khổng lồ sẽ quản trị sáng tạo thương hiệu Call of Duty ra sao, đó là câu hỏi vẫn chưa ai rõ câu trả lời.

Chủ Đề