Đánh giá thực trạng canh tác tiêu ở gia lai năm 2024

Your browser does not support the audio element.

BNEWS Thời kỳ hoàng kim, cây hồ tiêu mang lại kim ngạch xuất khẩu cho Gia Lai khoảng 150 triệu USD/năm.

Nhưng trong nhiều năm trở lại đây, vị thế của cây "vàng đen" một thời đang dần mất đi. Diện tích giảm sâu, giá cả bấp bênh khiến người nông dân không còn mặn mà với cây tiêu. Để lấy lại vị thế cây hồ tiêu, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

* Mô hình hữu cơ bền vững

Sau thời gian dài cây hồ tiêu trở thành nỗi ám ảnh của người dân Chư Sê khi giá giảm sâu, thì nay hồ tiêu đã có dấu hiệu khởi sắc với mức giá trên 60.000 đồng/kg và duy trì ổn định trong thời gian dài.

Theo dự báo, đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá cả sẽ ổn định theo biên độ tăng và khả năng đến cuối năm 2023 giá sẽ đạt từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Điều này chính là động lực cho người dân Chư Sê gây dựng lại vườn cây hồ tiêu với kỳ vọng trở lại thời "hoàng kim" sau nhiều năm bỏ bê. Để tránh đi vào vết xe đổ khi đầu tư ồ ạt, người dân đã cẩn trọng hơn với việc đầu tư vừa phải, đồng thời hướng tới phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để phát triển bền vững. Là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng tiêu theo hướng hữu cơ, gia đình anh Lê Hùng Huấn [thôn 7, xã Ia Blang, huyện Chư Sê] hiện đã có 8 ha trồng tiêu; trong đó có 3 ha trồng mới và 5 ha đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Nếu như cả vùng "thủ phủ hồ tiêu" ở huyện Chư Sê, Chư Pưh một thời mắc bệnh và chết khô thì vườn của anh Huấn vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định. Để có được thành công này, ngay từ đầu, gia đình anh đã áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đặc biệt chú trọng chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Một trong những biện pháp được anh Huấn áp dụng là để cỏ phát triển xanh tốt dưới gốc hồ tiêu. Trong khi hầu hết những vườn tiêu khác đều được làm sạch cỏ dưới gốc. "Phương pháp để cỏ dưới gốc sẽ giảm được công chăm sóc rất nhiều. Khi thấy cỏ mọc cao, chỉ cần lấy máy cắt phần trên, để lại khoảng 10cm dưới gốc, mỗi năm chỉ cần làm vài lần như vậy. Lợi ích của cỏ mang lại là vào mùa mưa để chống úng, mùa nắng thì làm cho mát đất, giúp cây tiêu sinh trưởng tốt, bền vững. Những phần cỏ cắt xuống lại tạo thành phân hữu cơ. Cùng đó cần hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, gần như chỉ sử dụng phân bón hữu cơ", anh Huấn chia sẻ. Tương tự, vườn hồ tiêu của ông Huỳnh Mau [thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa] cũng khẳng định hướng đi đúng trong việc thay đổi phương thức trồng. Hướng phát triển thuần nông, áp dụng các phương pháp canh tác hữu cơ vào vườn tiêu, nên vườn cây của ông Mau vẫn xanh tốt, năng suất ổn định. Theo ông Mau, tuy năm nay thời tiết không thuận lợi nhưng năng suất vườn cây vẫn đạt khá cao, trung bình mỗi trụ thu khoảng 3 kg tiêu khô. "Gia đình có khoảng 5 ha hồ tiêu liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang sản xuất theo hướng hữu cơ. Canh tác theo hướng này giúp vườn cây phát triển bền vững, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao và năng suất ổn định. Đặc biệt, giá bán cao hơn hồ tiêu thường từ 20.000-22.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ không chỉ bảo vệ sức khỏe cho mình mà cho cả người tiêu dùng"- ông Mau chia sẻ. Theo ông Nguyễn Tấn Công - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, trước đây, khi giá hồ tiêu cao, người dân ồ ạt trồng và khai thác quá mức dẫn đến hệ lụy cây chết. Sau giai đoạn khó khăn này, nhận thức của người dân đã thay đổi và chọn những giải pháp canh tác tốt hơn, theo đúng định hướng cũng như xu hướng của thị trường, đó là canh tác bền vững. Một trong những giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững đặt ra cho các thành viên của hợp tác xã là sản xuất một cách tự nhiên nhất, không gò ép cây trồng, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ, trồng cây che bóng… Nhờ đó, hợp tác xã đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí năm 2018 và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, châu Âu. Hợp tác xã này là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên đạt chứng nhận hữu cơ cho cây hồ tiêu. Bên cạnh xuất khẩu thô, hợp tác xã cũng bắt đầu chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm như: tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu - ông Công thông tin.

* Tìm lại vị thế cây "vàng đen"

Sau khi cây hồ tiêu trải qua "cơn bạo bệnh", nông dân bắt đầu thay đổi nhận thức, không còn tình trạng ồ ạt trồng, "mạnh ai nấy làm". Giờ đây, người dân đã biết liên kết sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người trồng đã có cái nhìn rõ hơn về những yếu kém, khó khăn cũng như cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Chủ Đề