Đánh giá tiềm năng lên quận của gia lâm năm 2024

[HNM] - Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông của Thủ đô Hà Nội, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt và có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú với hơn 300 di tích và lễ hội, trong đó có nhiều di tích, lễ hội đặc sắc nên trong Đề án thành lập quận Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gia Lâm khóa XXII [nhiệm kỳ 2020-2025] xác định nhiệm vụ trọng tâm để phát huy cao độ tiểm năng, lợi thế.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà cho biết: “Trước tiên, huyện tập trung rà soát để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, có giải pháp cụ thể bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân để khi phát triển lên quận dân phải giàu, kinh tế phải mạnh”.

Thông qua dự thảo Đề án thành lập quận để thống nhất ý chí, hành động

Được sự quan tâm tập trung đầu tư của thành phố Hà Nội, cùng với tập trung tối đa các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí cuối cùng thành lập quận. Theo đánh giá của huyện đã đạt 31/31 tiêu chí, hiện các sở, ngành đã đánh giá, đang hoàn thiện các thủ tục báo cáo UBND thành phố quyết định và thực hiện các quy trình báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để huyện Gia Lâm chính thức trở thành quận.

Để các xã đạt tiêu chí phát triển lên phường, huyện đã xây dựng Dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính; rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh [16 đơn vị hành chính]. Cụ thể: Đối với 3/3 tiêu chí bắt buộc thuộc nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, các phường dự kiến thành lập đã đạt 2/3 tiêu chí. Còn 1 tiêu chí cân đối thu chi ngân sách chưa đạt, huyện đang đề nghị xin ý kiến của Bộ Tài chính. Đối với nhóm tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu 10/13 tiêu chí, tất cả 16 phường dự kiến thành lập đã đáp ứng [2 phường đạt 13/13 tiêu chí, 9 phường đạt 12/13 tiêu chí, 5 phường đạt 11/13 tiêu chí]…

Để thống nhất ý chí của tập thể, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng tổ chức hội nghị thông qua Dự thảo báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các khu vực dự kiến thành lập quận, phường. Với tinh thần trách nhiệm cao, có 11 đại biểu nêu ý kiến tham luận liên quan đến quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần tiếp tục củng cố các tiêu chí đã đánh giá đạt, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, cân đối thu - chi ngân sách. Việc đặt tên phường, sử dụng trụ sở làm việc, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ khi phải thực hiện hợp nhất 2 đơn vị xã để đáp ứng tiêu chí quận cũng được các đại biểu quan tâm.

Nêu cao tinh thần tự chủ để đô thị hóa phát triển bền vững, lâu dài

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn đổi mới tư duy, nhận thức, nêu cao tinh thần tự chủ, ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Từ xác định rõ, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài huyện tập trung chỉ đạo rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét lại từng vấn đề để chủ động giải quyết; quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở.

Nhận thức rõ chủ đề hoạt động của thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, lãnh đạo Huyện ủy chủ động định hướng công việc cho chính quyền. Sau khi giao việc, Huyện ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công việc đã giao cho đến khi có kết quả. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn xác định rõ trách nhiệm khi phát triển lên quận phải duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài và theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy nguồn lực văn hóa, bảo tồn, phát huy các di tích, lễ hội.

Với quyết tâm đổi mới phương thức lãnh đạo của Huyện ủy để phát huy cao độ trí tuệ của tập thể, thống nhất giữa ý chí và hành động, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, Đề án thành lập quận được triển khai hiệu quả. Truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng và truyền thống Anh hùng của Gia Lâm sẽ mãi sáng tỏa cùng quá trình đô thị hóa, quá trình phát triển lên quận và tiếp tục phát triển bền vững, lâu dài và là quận văn hiến, văn minh, hiện đại ở cửa ngõ phía đông của Thủ đô Hà Nội.

Ngày 24/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố [TP] Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với huyện Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, 3 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Huyện Gia Lâm có 20 xã, 2 thị trấn với diện tích hơn 116km2, dân số 309.000 người. Đảng bộ huyện có 46 chi, đảng bộ trực thuộc, với tổng số gần 11.400 đảng viên. Huyện có 4.000 doanh nghiệp, hơn 14.000 hộ kinh doanh; có 5 cụm công nghiệp, 6 làng nghề, 2 học viện, 4 trường đại học, cao đẳng, 3 khu đô thị...

Năm 2022, huyện hoàn thành 15/16 chỉ tiêu kế hoạch Thành phố giao, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch [thu ngân sách nhà nước đạt 89,1% do nguồn thu từ đất chỉ đạt 17,4% dự toán]. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý năm 2022 tăng 10,52%, đạt 123% kế hoạch; quý I/2023, ước tính tăng 10,83% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ.

Về triển khai thực hiện nhiệm vụ thành lập quận, đến nay, huyện đã đạt 6/6 tiêu chí bắt buộc về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Với 4 nhóm tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị cần đạt tối thiểu [21/25 tiêu chí], huyện cũng đã đạt 22/25 tiêu chí.

Đối với điều kiện thành lập phường, huyện đã xây dựng dự thảo phương án điều chỉnh địa giới hành chính và rà soát, tính toán lại các tiêu chí theo phương án điều chỉnh còn 16 đơn vị hành chính. Các phường dự kiến thành lập đến nay đã đạt 2/3 tiêu chí bắt buộc…

Tại buổi làm việc, Huyện ủy Gia Lâm nêu 21 kiến nghị đối với các cơ quan Thành phố về lĩnh vực xây dựng Đảng và kinh tế - xã hội, 5 kiến nghị về nhiệm vụ thành lập quận. Đáng chú ý, với dự kiến giảm 6 đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, huyện kiến nghị giữ nguyên cả cán bộ dôi dư để từng bước sắp xếp giảm dần theo quy định và lộ trình trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, bảo đảm sự ổn định. Huyện cũng kiến nghị các Sở Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính phối hợp, hướng dẫn huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận, phường.

Đối với 17 tuyến đường thuộc nhiệm vụ chi ngân sách Thành phố còn lại với tổng mức đầu tư hơn 3.668 tỷ đồng, huyện kiến nghị thành phố giao huyện chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính lập phương án đầu tư, báo cáo thành phố xem xét, chấp thuận theo hướng: Giai đoạn 2023 - 2025, thực hiện chuẩn bị đầu tư từ nguồn ngân sách huyện; giai đoạn 2026 - 2030, triển khai thi công từ nguồn ngân sách thành phố [khoảng 70%] và ngân sách huyện [khoảng 30%]…

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiều nhiệm vụ với mục tiêu đề án lên quận phải được thông qua HĐND TP để chậm nhất là trong tháng 6/2024 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2024. Các ý kiến cho rằng để phát triển thực chất, huyện phải đề cao vai trò tự chủ, tập trung kiến nghị về cơ chế; đi sâu phát triển nội lực, trọng tâm là đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư...

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ, rút kinh nghiệm từ một số huyện lên quận, Gia Lâm phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ, vừa rà soát, sàng lọc, vừa tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Còn Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, huyện phải thực sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Gia Lâm đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, huyện Gia Lâm là cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt... Huyện còn có hệ thống di tích văn hóa, lịch sử rất phong phú; làng nghề đặc sắc; có các học viện, trường đại học, cao đẳng trên địa bàn... Đây là lợi thế, tiềm năng phát triển rất lớn mà huyện cần tập trung. “Quan trọng là xác định rõ cho Gia Lâm một hướng đi; điều mà lãnh đạo Thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Lên quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh chứ không phải nhà cao ốc mọc lên nhiều mà thu nhập bình quân đầu người lại thấp”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm cần nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thực, nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám nghĩ, dám làm; định vị lại con đường phát triển, đô thị hóa phải bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài; đồng thời, rà soát lại các kiến nghị, đề xuất, xem xét từng vấn đề, vấn đề nào nằm trong khả năng có thể chủ động giải quyết được phải hành động. Đồng thời, cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở; thực hiện tốt chủ đề của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; chủ động định hướng công việc cho chính quyền; giao việc, nhưng không phó mặc, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả, có sản phẩm…

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, về định hướng lên quận, cấp ủy, chính quyền từ huyện xuống các xã, thị trấn cần xác định rõ là lên quận phải duy trì được sự phát triển bền vững, lâu dài; quận ở đây là phải Văn hiến, Văn minh, Hiện đại. Trong đó, huyện phải tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng phát triển hệ thống logistics, cảng cạn, chợ, siêu thị, công viên chuyên đề cây cảnh; khơi dậy cho được nguồn lực văn hóa, nhất là bảo tồn, phát huy hơn 300 di tích trên địa bàn, các lễ hội, nhất là những di tích, lễ hội đặc sắc.../.

Chủ Đề