Danh sách 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp

Cả nước chỉ còn 22 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hợp pháp

Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp đang hoạt động trên thị trường

Cả nước chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp.

Bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, khi gia nhập chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới [WTO] năm 2006, một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp, chính điều này đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Trong giai đoạn ban đầu, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển. 

Nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước 2016 đã gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho biết, quá trình quản lý hoạt động bán hàng đa cấp giai đoạn 2016 – 2020 đã liên tục "thạnh lọc" hơn một loạt doanh nghiệp làm ăn bát nháo, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh đa cấp.

So với con số 67 doanh nghiệp đầu năm 2016 thì đến thời điểm này, cả nước chỉ còn 22 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp [giảm 67%].

Dù vậy, doanh thu từ việc bán hàng đa cấp lại tăng rất mạnh. Năm 2015, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đạt 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 588 tỷ đồng. Tới năm 2020, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đã tăng gấp đôi, lên hơn 15.300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.837 tỷ đồng [tăng gấp 3 lần].

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng dùng, trong 5 năm qua, nhờ vào sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cho nên thị trường đã thanh lọc bớt các doanh nghiệp đa cấp biến tướng.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra [sau đó điều tra và xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2004], xử phạt số tiền hơn 14 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện 22 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, đang bị kiểm soát chặt chẽ, thì các hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua nhiều hình thức lại có xu hướng nở rộ, gây dư luận rất xấu và đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý liên quan để xử lý vấn đề này.

Bộ xác định, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 tới gặp một số những khó khăn và thử thách mới, cụ thể:

Việc xử lý đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép vẫn chưa đủ mạnh nên các tổ chức/cá nhân vẫn tìm cách lách luật và bất chấp quy định pháp luật để kiếm lời bất chính.

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép hoặc không có phép đã lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận không nhỏ người dân tham gia. Các đối tượng không phép này có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số…

Việc theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu để xử lý các đối tượng này rất khó khăn. Trong khi các đối tượng này hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay.

Bộ Công Thương đang tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các biện pháp quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025.

Cụ thể, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đặc biệt là hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép.

Ứng dụng công nghệ thông tin mãnh mẽ và triệt để trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp...

Ban hành Đề án đóng vai trò định hướng và xây dựng mục tiêu tổng thể cho các hoạt động của công tác quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2021 – 2025.

Trên cơ sở đó, từng địa phương cũng đã ban hành Đề án ở cấp địa phương để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật bán hàng đa cấp trên phạm vi địa bàn, đặc biệt là biện pháp tuyên truyền, phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh đa cấp không phép tại địa phương.

 - Một số doanh nghiệp gần đây đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet [như website về việc làm, zalo, facebook…] về việc tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng nhưng lại “rất hấp dẫn” về thu nhập.Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra khuyến cáo về vấn đề này.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng [Cục CT&BVNTD] ghi nhận một số doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp  thực hiện tuyển dụng nhân viên [đối tượng tập trung chủ yếu là sinh viên] nhưng có nhiều biểu hiện trái pháp luật. Theo các nội dung thu thập được, hoạt động của các doanh nghiệp này có những biểu hiện chung như:    Bước đầu, những doanh nghiệp này đăng các nội dung quảng cáo trên phương tiện Internet [như website về việc làm, zalo, facebook…] về việc tuyển dụng nhân sự với các tiêu chí rất chung chung, dễ đáp ứng nhưng lại “rất hấp dẫn” về thu nhập, ví dụ như: Tuyển nhân viên kinh doanh: lương 10 triệu/tháng không cần kinh nghiệm và bằng đại học, thời gian làm việc linh động; Tuyển cộng tác viên online: làm ca 4 tiếng/ngày thu nhập 6 triệu/tháng chưa kể hoa hồng… Đối tượng của những đoạn quảng cáo này hướng đến thường là những người đang tìm kiếm việc làm hoặc các bạn sinh viên muốn đi làm thêm;

Khi nộp hồ sơ xin việc, các ứng viên được hẹn phỏng vấn nhưng thực chất để các nhân viên của doanh nghiệp tiếp cận hỏi han về hoàn cảnh gia đình, làm thân và lấy sự tin tưởng của người đang tìm việc. Tiếp đến, những nhân viên này vẽ vời một tương lai tươi sáng thu nhập hàng trăm triệu một tháng cùng những chuyến du lịch, đào tạo tại nước ngoài làm cho các ứng viên ham thích và muốn tham gia. Sau đó, nhân viên tuyển dụng bằng nhiều các biện pháp kể cả dụ dỗ và ép buộc người xin việc nộp các khoản tiền rất lớn với nhiều lý do [như phí đào tạo kỹ năng bán hàng, mua tài liệu kinh doanh…] hoặc bị yêu cầu mua một gói sản phẩm ban đầu để đầu tư hay “gia nhập” doanh nghiệp;

Sau khi đã nộp tiền, người tham gia/người được tuyển dụng có thể nhận được một khoản hoa hồng nhỏ để khuyến khích họ tuyển thêm người khác hoặc chính họ tiếp tục nộp thêm tiền có vị trí kinh doanh với mức hoa hồng cao hơn. Thực chất công việc của họ chỉ là tuyển được thêm người, bán hàng hóa với mức giá cao vô lý hoặc nộp thêm nhiều tiền nữa lên cấp bậc. Nếu không làm các các công việc trên thì họ cũng không nhận thêm được bất kỳ các khoản thu nhập nào. Trường hợp muốn khiếu nại về các khoản phí đã nộp, nạn nhân thường không có các chứng từ giao dịch với doanh nghiệp, các biên lai hay phiếu thu nộp tiền đều không có dấu của doanh nghiệp.

Sơ đồ một mạng lưới kinh doanh đa cấp do Cục CT&BVNTD công bố

 4 nội dung khuyến cáo

Để hạn chế những thiệt hại không đáng có cho người dân và có biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp bán hàng đa cấp [BHĐC] có những hành vi nêu trên, Cục CT&BVNTD lưu ý người dân một số thông tin.

Theo đó, thứ nhất, kiểm tra doanh nghiệp đang tuyển dụng đã được cấp giấy chứng nhận kinh doanh theo phương thức đa cấp hay chưa?

Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp [Nghị định số 40/2018/NĐ-CP].

Hiện nay, chỉ có 22 doanh nghiệp BHĐC đang hoạt động theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP [danh sách các doanh nghiệp BHĐC luôn được cập nhật trên website: vcca.gov.vn]. Tên 22 doanh nghiệp BHĐC hiện nay bao gồm:

Công ty TNHH MTV Thương Mại Mỹ Lợi

Công ty TNHH Homeway Việt Nam

Công ty TNHH Nhượng Quyền Toàn Thắng

Công ty TNHH Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam

Công ty TNHH Người Lái Xe Mặt Trời Việt Nam

Công ty TNHH Best World Việt Nam

Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam

Công ty TNHH MTV Thương Mại Dịch Vụ Hoằng Đạt

Công ty TNHH Siberian Health Quốc Tế

Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam

Công ty TNHH Perfect Global [Việt Nam]

Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam

Công ty TNHH Elken International Việt Nam

Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam

Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội

Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Liên Kết Việt Nam

Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam

Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam

Công ty TNHH Gcoop Việt Nam

Công ty TNHH Amway Việt Nam

Công ty TNHH Seacret

Công ty TNHH Oriflame Việt Nam

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức hay doanh nghiệp khác [không có tên trong 22 doanh nghiệp nêu trên] có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC. Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân KHÔNG tham gia các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất và pháp lý.

Thứ hai, lưu ý trong các giao dịch đối với doanh nghiệp BHĐC đã được cấp giấy chứng nhận

Cụ thể, cần ký và lưu giữ hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp BHĐC: Về mặt pháp lý, căn cứ để ghi nhận một cá nhân là người tham gia BHĐC là việc giao kết hợp đồng tham gia BHĐC với doanh nghiệp hợp pháp. Do vậy, trong mọi trường hợp người tham gia cần ký hợp đồng bằng văn bản và phải lưu giữ 01 bản chính đã ký với doanh nghiệp BHĐC để có cơ sở yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong quá trình hoạt động BHĐC.

 Sau khi ký hợp đồng, người tham gia BHĐC được tham gia miễn phí chương trình đào tạo cơ bản của doanh nghiệp, bao gồm các nội dung quan trọng như: các quy định pháp luật về BHĐC; các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động BHĐC; các nội dung cơ bản của hợp đồng tham gia BHĐC, quy tắc hoạt động và kế hoạch trả thưởng của doanh nghiệp.

Cần chú ý về các chứng từ, bằng chứng giao dịch với doanh nghiệp BHĐC: Trong tất cả quá trình hoạt động BHĐC, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến tiền, mua bán hàng hóa, người tham gia cần xác định rõ đối tượng giao dịch với mình là doanh nghiệp BHĐC chứ không phải bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác [kể cả các cá nhân là nhân viên, quản lý của doanh nghiệp BHĐC].

Do đó, tất cả các chứng từ, bằng chứng khi giao dịch cần thể hiện đối tượng thực hiện giao dịch với mình chính là doanh nghiệp BHĐC [phải có dấu xác nhận của doanh nghiệp trên các tài liệu, chứng từ hay hóa đơn giao dịch để tránh việc các doanh nghiệp này thoái thác hoặc không thừa nhận các giao dịch trên khi có tranh chấp với người tham gia BHĐC].

Trong quá trình hoạt động BHĐC, người tham gia cần phải từ chối các giao dịch không đảm bảo các yếu tố rõ ràng như trên đây, ví dụ như: khi bị yêu cầu nộp tiền thanh toán cho doanh nghiệp nhưng đối tượng nhận chuyển khoản lại là số tài khoản của cá nhân [thường là người tuyến trên, nhân viên hoặc quản lý của doanh nghiệp]; nộp tiền mua hàng nhưng không có hóa đơn đỏ, biên lai có dấu doanh nghiệp; phiếu thu/phiếu xuất kho hay các giấy tờ giao dịch khác có thông tin về việc hàng đã mua không được trả lại, kể cả hàng hóa mua theo chương trình khuyến mại…

Thứ ba, lưu ý các biểu hiện về những hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp

Các hành vi cấm đối với doanh nghiệp đa cấp được quy định tại Điều 5 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, trong đó phổ biến nhất là các hành vi có biểu hiện như: Doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp yêu cầu người chưa tham gia phải đóng một khoản tiền nhất định [như phí đào tạo, mua cẩm nang kinh doanh, thẻ thành viên, đồng phục, nộp phí tuyển dụng, khoản đầu tư ban đầu vào doanh nghiệp…] hay phải mua gói sản phẩm để được ký hợp đồng tham gia BHĐC. Nếu không nộp các khoản phí này thì người đăng ký tham gia không được ký hợp đồng BHĐC với với doanh nghiệp;

 Hoạt động của doanh nghiệp chỉ tập chung vào việc tuyển dụng người tham gia không chú trọng vào công việc bán sản phẩm hoặc mua bán hàng hóa chỉ mang tính hình thức. Nên các doanh nghiệp này thường sẽ trả cho người tham gia nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu, lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp chứ không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó.

 Thông qua nhân viên, đào tạo viên, nhà phân phối tuyến trên, doanh nghiệp cung cấp thông tin gian dối hoặc thổi phồng về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới BHĐC. Họ chỉ tập trung giới thiệu vào các khoản hoa hồng như: cho xem hình chụp số dư tài khoản, giao dịch chuyển khoản tiền giá trị cao vài chục hoặc vài trăm triệu, hoặc giới thiệu chỉ cần đầu tư một vài tháng là có thu nhập khủng vài chục triệu hay ngàn đô tháng, đổi đời nhanh chóng và hưởng các du lịch các nước…

 Thứ tư, kịp thời cung cấp dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC cho cơ quan có thẩm quyền

Trong quá trình theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp BHĐC, trường hợp có những thắc mắc hoặc phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp BHĐC như các biểu hiện nêu trên, người dân hoặc người tham gia BHĐC hãy cung cấp thông tin, chứng cứ đến: Cục CT&BVNTD - Bộ Công Thương [Số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Địa chỉ Email: ; Điện thoại: 024.2220.5002] để Cục CT&BVNTD có căn cứ xem xét và xử lý các hành vi vi phạm. Mọi thông tin của người khiếu nại và tố cáo đều được bảo mật theo quy định pháp luật.

Tiến Vinh

Video liên quan

Chủ Đề