Để giải quyết nạn đói trước mắt sau cách mạng tháng tâm Chính phủ ta có biện pháp gì

Lực lượng Việt Minh hỗ trợ dân phá kho thóc của Nhật để cứu đói. [Ảnh tư liệu]

[Stxdd.thanhuytphcm.vn] - Nạn đói năm Ất Dậu thực chất bắt đầu từ năm Giáp Thân [1944], khi nhiều nguyên nhân đồng thời xảy đến: phát xít Nhật tăng cường chở gạo về nước trong khi thực dân Pháp đẩy mạnh tích trữ lúa gạo; việc giao thương giữa các miền bị cấm đoán, giao thông bị ảnh hưởng do đường sá bị hư hỏng và bị lực lượng Đồng Minh phong tỏa; sự đầu cơ, tích trữ lúa gạo của các nhà tư bản, thương nhân người Việt, người Hoa, người Pháp; nông dân bị buộc trồng đay lấy sợi thay vì trồng lúa; thiên tai xảy ra liên tiếp; sự tích tụ ruộng đất vào tay địa chủ khiến đất sản xuất của nông dân ngày càng giảm và năng suất ngày càng thấp

Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, Người đã nêu 2 nguyên nhân nữa trong âm mưu cố tình tạo ra nạn đói của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đó là để ngăn trở phong trào yêu nước và bắt buộc đồng bào ta phải làm việc như nô lệ. Hậu quả là đến giữa năm 1945, có đến 20 tỉnh thành phía Bắc báo cáo có người chết đói và số người chết lên đến khoảng 2 triệu, bao gồm cả người chết vì dịch bệnh liên quan đến tình trạng đói kém. Bấy giờ, cả nước có khoảng 23 triệu người và ở các tỉnh xảy ra nạn đói chỉ có 8 triệu dân!

Một trong những văn kiện Đảng nhắc đến nạn đói là Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, ngày 12/3/1945. Trong Chỉ thị này, Đảng ta nhận định có 3 cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi, trong đó cơ hội thứ hai là nạn đói ghê gớm [quần chúng oán ghét quân cướp nước]. Từ đó, Đảng xác định, khẩu hiệu chính thay đổi và toàn bộ chiến thuật thay đổi, đó là đem khẩu hiệu Đánh đuổi phát xít Nhật! thay cho khẩu hiệu Đánh đuổi Nhật, Pháp!... chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật, đồng thời phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ để làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa. Từ đó, Đảng đề ra chủ trương đánh Nhật trước đã!.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắp nơi trong cả nước, nhân dân tích cực góp gạo chống giặc đói. [Ảnh tư liệu]

Đảng đã đề ra một số công việc cần kíp. Về tuyên truyền, khẩu hiệu: Chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật. Nêu khẩu hiệu Chính quyền cách mạng của nhân dân. Về đấu tranh, a- Khẩu hiệu tranh đấu: gắn khẩu hiệu đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế với khẩu hiệu Chính quyền cách mạng của nhân dân; b- Thuật vận động tranh đấu: bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu [tổ chức những cuộc biểu tình đòi gạo, đòi ăn hay phá những kho gạo thóc của đế quốc]; c- Hình thức tranh đấu: chuyển qua những hình thức tranh đấu cao hơn như tổng biểu tình tuần hành, bãi công chính trị; mít tinh công khai, bãi khóa; bãi thị; bất hợp tác với Nhật về mọi phương diện; chống thu thóc không nộp thuế.

Ngày 15/4/1945, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ đã ra lời hiệu triệu, trong đó có một số nội dung liên quan đến việc cứu đói: Cấp tốc chẩn bần cho dân có cơm ăn áo mặc, thuốc uống, lập kho thóc khắp các nơi để ngừa thiên tai thủy biến, Cải thiện việc phân phát hàng hóa; so giá nông sản [lúa bắp] với hóa vật [vải sắt] cho nhà nông dễ sống, Canh tân nông nghiệp, bày nhiều lối trồng tỉa mới, mở rộng sự chăn nuôi cho dân sự đủ ăn, mặc ấm

Tiếp đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng diễn ra ngày 14 và 15/8/1945 đã ban hành nghị quyết định hướng quan trọng cho hoạt động tổng khởi nghĩa, trong đó có những nội dung liên quan đến hoạt động cứu đói: Chia lại ruộng công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy; giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ; Thi hành luật ngày làm tám giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm; cứu tế nạn dân.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cứu đói. Người nói: Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở một cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại và phát cho người nghèo.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu đói đã vận động tổ chức lạc quyên, tổ chức ngày đồng tâm nhịn ăn lập hũ gạo cứu đói trở thành một phong trào quần chúng rộng lớn. Ở nhiều nơi, phong trào cứu đói diễn ra rất sôi nổi, lôi kéo đông đảo giáo viên Hội Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên Cứu quốc, công chức, tiểu thương... tham gia. Chính phủ cũng ban hành các chính sách, biện pháp như cấm dùng gạo nấu rượu, xóa bỏ mọi hạn chế trong việc lưu thông gạo giữa các vùng miền, cấm dân tích trữ gạo, thành lập tổ chức ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế của chính phủ... Nhờ vậy, việc chuyên chở gạo từ các tỉnh ở Nam bộ và Trung bộ ra Bắc bộ được tiến hành nhanh chóng để kịp đưa gạo đến các địa phương cứu đói.

Báo Cứu quốc, cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh, số ngày 17/9/1945 đưa tin đậm về "Tuần lễ vàng", hoạt động do Chính phủ phát động nhằm tháo gỡ sự khó khăn về mặt tài chính của đất nước và giúp đỡ đồng bào vượt qua nạn đói

Trước đó, khi Chính phủ chưa ra đời, lực lượng Việt Minh đã tổ chức và cử người trực tiếp cùng đồng bào đi phá kho lương thực Nhật. Khẩu hiệu Phá kho thóc, giải quyết nạn đói của Việt Minh được thực hiện ở khắp tỉnh thành. Tại Ninh Bình, hai huyện Nho Quan, Gia Viễn đã phá thành công 12 kho thóc. Tại Hải Dương, nhân dân giành lại được 39 kho thóc và 43 thuyền gạo. Tại Thái Bình, hơn 1.000 tấn thóc trong các kho của Nhật được phá cửa, chia cho dân. Các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Phòng, ngoại thành Hà Nội... cũng diễn ra tương tự. Miền Nam cũng đã nổ ra phong trào phá kho lúa, để chia cho dân nghèo và cứu tế miền Bắc.

Từ hoạt động cứu đói năm 1945, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý về công tác tuyên truyền, vận động. Đó là phải đề ra mục tiêu tuyên truyền thật sự phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và nguyện vọng của nhân dân, có chú trọng đến điều kiện riêng của từng địa phương, từng đối tượng Việt Minh kêu gọi người dân tham gia các đoàn thể để chuẩn bị khởi nghĩa nhưng việc cần hơn là phải giải quyết được cái ăn cho dân, nếu không sẽ không thể thuyết phục nhân dân được. Trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiện nay, nhiệm vụ rất quan trọng là phòng chống dịch Covid-19 nhưng người dân ở từng nơi lại có nhu cầu và nguyện vọng khác nhau. Nhìn chung, công tác tuyên truyền phải tác động hoặc có liên quan đến lợi ích thiết thân của người dân. Chẳng hạn, các cơ quan chức năng tuyên truyền thành phố bảo đảm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm của người dân trong điều kiện phải thực hiện giãn cách toàn thành phố, nhưng nếu tại địa phương nào đó không đáp ứng được nhu cầu này thì công tác tuyên truyền chẳng những không thấm đến dân mà còn có thể gây phản ứng ngược.

Ngoài công tác tuyên truyền, sự chủ động tham gia trực tiếp của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, trong nhiều trường hợp phải đồng hành, chia sẻ và chan hòa với nhân dân. Việt Minh không thể chỉ đưa khẩu hiệu, vận động suông mà phải trực tiếp tổ chức, đi đầu và tham gia phá kho thóc với người dân, không chỉ giúp hoạt động đó đạt kết quả cao nhất mà còn tạo ra hình ảnh gắn bó, gần gũi của cán bộ với nhân dân. Điều rất mừng là hiện nay, cán bộ, đảng viên [đặc biệt là ở cơ sở] gần như đang lăn xả với nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, kể cả tham gia vào những việc mang tính phục vụ cụ thể, như tiếp nhận, phân loại, phân phối, trực tiếp mang đến cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa các loại nhu yếu phẩm được hỗ trợ; hoặc trực tiếp xử lý việc cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân

Bên cạnh đó, yếu tố định hướng, khơi gợi trong công tác tuyên truyền để người dân đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau thực hiện các chủ trương, chính sách là rất cần thiết. Quan điểm của Đảng ta thể hiện rất rõ: nhân dân là mục tiêu là động lực của cách mạng. Cán bộ Việt Minh có thể dẫn dắt người dân trực tiếp phá kho thóc nhưng không thể tham gia tất cả các hoạt động cứu đói cụ thể mà chính sự hỗ trợ, san sẻ lẫn nhau của người dân ở từng khu vực là hết sức quan trọng. Hiện nay, người dân đã cùng với hệ thống chính trị thực hiện rất tốt việc giúp đỡ những người bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trách nhiệm của chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên là kịp thời tạo điều kiện, biểu dương, làm lan tỏa tinh thần đó, việc làm đó để việc hỗ trợ đạt nhiều kết quả hơn nữa, không chỉ có ý nghĩa góp phần vượt qua dịch bệnh mà còn tạo sự đoàn kết, gắn bó ngày càng tích cực hơn trong cộng đồng dân cư.

Việc cứu đói năm 1945 là một trong những hoạt động có ý nghĩa sâu sắc trong việc vực dậy một dân tộc bị ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách thâm độc của bọn thực dân, phát xít; đồng thời khơi gợi, cố kết toàn dân tộc để thành một khối thống nhất giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng tháng Tám. Những bài học trong công tác tuyên truyền cho hoạt động này đến giờ vẫn còn nguyên ý nghĩa và có thể vận dụng một cách đắc lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.

Nguyễn Minh Hải

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề