Định mức hao hụt xăng dầu 2023

Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại TPHCM sáng 10/10. Ảnh: Thu Dịu

Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu

Trong những ngày gần đây, tại một số tỉnh, thành phố phía nam như: TPHCM, Bình Dương, Bình Phước…, tình trạng thiếu hụt xăng, dầu tại các đại lý diễn ra nghiêm trọng khiến người dân phải xếp hàng chờ đợi, thậm chí có nhiều đại lý đã phải đóng cửa, thông báo không còn xăng, dầu để bán.

Nhưng mới đây, Bộ Công Thương khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ, thậm chí dư thừa. Hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn cam kết cung ứng đủ xăng, dầu với sản lượng dự kiến trong quý 3 là 3,9 triệu m3 [chiếm 72% tổng nhu cầu] và quý 4 là 4,4 triệu m3 [chiếm 80% tổng nhu cầu].

Về nguồn nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch đạt hơn 6,8 tỷ USD, tăng hơn 22,7% về lượng và hơn 131% về trị giá.

Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu bao gồm cả nguồn tự sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu đều dồi dào so với năm trước, không có tình trạng thiếu xăng dầu từ các đầu mối lớn, các thương nhân.

Việc khan hiếm xăng dầu thực chất không đến từ việc thiếu hụt nguồn cung. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân, nguyên nhân chính ở đây là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối không đủ nguồn hàng nên chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ… Trước thực trạng này, cần xem xét lại quy trình điều hành kinh doanh xăng, dầu mà Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp xử lý vấn đề này. Theo đó, Bộ Công Thương phải cân bằng được giá nhập khẩu và tất cả các chi phí đầu vào để giữ được mặt bằng chung giá cả trên thị trường. Trong trường hợp không thể giải quyết thì phải trình Chính phủ, sau đó trình ra Quốc hội để bàn bạc các phương án thực hiện.

“Về vấn đề ổn định mặt bằng xăng dầu, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp điều hành quản lý, do đó, thời gian tới cần sớm đưa ra những quyết sách cụ thể, trong đó có giải pháp giải quyết những vấn đề về chi phí đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối, kinh doanh xăng dầu như: chi phí mặt bằng, chi phí công nhân, bảo hành, vận chuyển… Bên cạnh đó, cần có giải pháp để đảm bảo được nguồn cung, tránh tình trạng thiếu hụt xăng dầu như trong thời gian qua. Dù vậy, để đảm bảo thị trường xăng dầu được ổn định, giảm thiểu tình trạng khan hiếm xăng dầu thì không chỉ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mà nhiều đơn vị khác cũng cần tham gia nghiên cứu các chính sách, điều hành xăng dầu, đảm bảo nguồn cung, đưa ra các mức lợi nhuận phù hợp… hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hoạt động trở lại”, TS Lê Bá Chí Nhân nhận định.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất… Trong đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chủ động tìm kiếm các nguồn hàng có mức giá tốt, tiết giảm chi phí. Bộ Công Thương cũng cần tăng cường điều hành về cung ứng, phân phối, lưu thông hàng hóa; các cơ quan Quản lý thị trường tăng cường thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật; doanh nghiệp chia sẻ bằng cách nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí và có thể chia sẻ cả lãi; người dân chia sẻ với Nhà nước thông qua việc tiêu dùng tiết kiệm, hiệu quả, sử dụng xăng khoáng, xăng sinh học bảo vệ môi trường.

Các khoản chi phí định mức đã bám sát thực tế

Theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở xăng dầu được tính dựa trên 4 yếu tố gồm: giá xăng dầu thành phẩm thế giới; các khoản chi phí và lợi nhuận định mức; mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; các khoản thuế.

Trong đó, theo Bộ Tài chính, chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu chiếm khoảng từ 9,29 - 10,51% đối với xăng và khoảng 5,92% đối với dầu diesel [tính tại kỳ điều hành ngày 21/9/2022], gồm: chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium [yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng mua bán xăng dầu] trong nước; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng; chi phí kinh doanh định mức. Lợi nhuận định mức để tính giá cơ sở xăng dầu chiếm khoảng 1,33 - 1,38%. Các khoản chi phí định mức nêu trên được rà soát, xác định theo diễn biến thực tế của hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ và phù hợp với mặt bằng kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối. Theo đó, các thương nhân đầu mối định kỳ báo cáo chi phí kinh doanh theo quy định về Bộ Tài chính. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, rà soát và đánh giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay, quy định đối với 1 lít xăng như A92 là 975 đồng. Sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và thống nhất tăng thêm 350 đồng. Như vậy, chi phí định mức cho 1 lít xăng A92 hiện nay là 1.320 đồng. Đối với các mặt hàng xăng dầu khác, mới đây, trong công văn gửi Bộ Công Thương về chi phí định mức xăng dầu, Bộ Tài chính thông báo: Premium trong nước đối với xăng A95 là 1.340 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 30 đồng/lít. Còn chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng đối với xăng E5 là 290 đồng/lít, xăng A95 là 280 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 240 đồng/lít.

“Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi luôn ủng hộ làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống cho người dân. Chúng tôi đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề