Dòng tiền CFO là gì

Có 1 thực tế đáng buồn là hầu hết các chỉ số về dòng tiền lại đều bị đánh giá thấp và đặt ở cuối những bộ chỉ số đánh giá của nhà đầu tư, thậm chí rất nhiều người cũng không bao giờ quan tâm đến các chỉ số dòng tiền của doanh nghiệp.

1.Tỷ lệ CFO/Revenue

Tỷ lệ thường được sử dụng nhất là:

CFO/Revenue = Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh / Doanh thu

Tuy nhiên, tôi thường thay thế CFO bằng FCF [Free Cash Flow] để có những tỷ lệ sát hơn khi so sánh giữa các doanh nghiệp với nhau.

FCF/Revenue = Free Cash Flow / Doanh thu

Tỷ lệ này cho bạn thấy được bao nhiêu đồng dòng tiền sẽ được tạo ra từ 1 đồng doanh thu.

Không giống như một số tỷ lệ bảng cân đối khác, tỷ lệ dòng tiền/doanh thu không có 1 ngưỡng giá trị chính xác để bạn có thể kết luận là tốt hay xấu.

Tuy nhiên, bạn chỉ cần nhớ rằng tỷ lệ càng cao thì càng thể hiện khả năng sinh lợi tốt của doanh nghiệp.

Bạn có thể so sánh tỷ lệ này với các doanh nghiệp trong ngành để đánh giá năng lực tạo ra dòng tiền của doanh nghiệp mà bạn đang đánh giá.

Ngoài ra, bạn nên xem xét xu hướng của tỷ lệ này để chắc chắn rằng cổ phiếu bạn đang dự định mua đang có tỷ lệ FCF/Revenue tăng liên tục trong khoảng 3 năm gần nhất.

Đồng thời, bạn cũng nên xem xét kỹ những cổ phiếu đang có tỷ lệ FCF/Revenue giảm liên tục trong 3 năm gần nhất hoặc có tỷ lệ này biến động không ổn định [thể hiện hoạt động kinh doanh không ổn định, khó dự đoán].

2. Asset Efficiency Ratio

Asset Efficiency Ratio = FCF/Total Assets

Tỷ lệ này khá tương tự như ROA, tuy nhiên tôi thay lợi nhuận sau thuế bằng FCF [Free Cash Flow] để đánh giá hiệu quả chuyển đổi từ tài sản tạo ra dòng tiền cho doanh nghiệp.

Tương tự như tỷ lệ FCF/Revenue, bạn có thể sử dụng hiệu quả tỷ lệ FCF/Total Assets bằng cách đánh giá xu hướng biến động trong 3 5 năm gần nhất và so sánh với các doanh nghiệp trong ngành.

Chú ý:Bạn có thể thay Total Assets [Tổng tài sản] bằng Gross PPE [Nguyên giá tài sản cố định] để đánh giá xem 1 đồng tài sản cố định tạo ra được bao nhiêu đồng dòng tiền.

3. Current Liability Coverage ratio

Tôi đánh giá đây là 1 tỷ lệ khá đơn giản nhưng rất hiệu quả nếu bạn muốn đánh giá về khả năng trả nợ [thanh toán] của doanh nghiệp.

Current Liability Coverage ratio = FCF/Current Liabilities

Tỷ lệ này sẽ cho bạn góc nhìn khá chính xác về khả năng quản lý công nợ của doanh nghiệp.

Ví dụ, tỷ lệ FCF/Current Liabilities là 6.5 cho thấy dòng tiền trong kỳ hiện tại của doanh nghiệp có thể trả cho 6.5 lần các khoản phải trả ngắn hạn.

Tỷ lệ này càng cao thì năng lực trả nợ của doanh nghiệp càng tốt.

Nếu tỷ lệ này giảm xuống dưới 1 [nhỏ hơn 1], thì dòng tiền của doanh nghiệp không đủ để thực hiện các nghĩa vụ nợ ngắn hạn, khi đó, doanh nghiệp sẽ bị phụ thuộc vào các khoản vay nợ mới để bù đắp vào dòng tiền.

Khi đánh giá về sự ổn định tài chính trong ngắn hạn của doanh nghiệp, sử dụng tỷ lệ này sẽ hiệu quả và chính xác hơn các tỷ lệ thanh toán nhanh [Quick ratio] hoặc tỷ lệ thanh toán hiện hành [Current ratio].

Chú ý:Bạn cũng có thể thay Current Liabilities bằng Short-term Debt [nợ vay ngắn hạn] khi tính toán tỷ lệ này.

4. Long-term Debt Coverage ratio

Tương tự như tỷ lệ FCF/Current liabilities, để đánh giá giá sự ổn định tài chính trong dài hạn, bạn nên sử dụng tỷ lệ FCF/Long-term Debt [nợ vay dài hạn]:

Long-term Debt Coverage ratio = FCF / Long-term Debt

Trong dài hạn, 1 doanh nghiệp tốt luôn muốn giảm nợ vay dài hạn của mình để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nợ vay trong hoạt động kinh doanh.

Vì thế, tỷ lệ FCF/Long-term Debt sẽ giúp bạn đánh giá được khả năng doanh nghiệp có thể trả nợ [dần] các khoản vay nợ dài hạn từ dòng tiền của chính doanh nghiệp hay không?

Tỷ lệ càng cao thể hiện doanh nghiệp có nguồn tiền dồi dào và có khả năng để sớm trả được các khoản vay nợ dài hạn.

Nếu tỷ lệ đang giảm dần, liên tục trong nhiều năm, thì khả năng doanh nghiệp sẽ gặp nhiều vấn đề về bất ổn tài chính trong dài hạn.

Khi đó, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải huy động thêm vốn từ việc phát hành thêm cổ phiếu hoặc vay nợ thêm [để đảo nợ].

Dù là bằng cách nào thì giá trị cổ phiếu của cổ đông sẽ bị những tác động tiêu cực, vì thế bạn cần phải suy xét cẩn trọng trong trường hợp này.

5. Interest Coverage ratio

Interest Coverage ratio = [FCF + Interest Paid + Taxes Paid] / Interest Paid

Hay: [FCF + Lãi vay đã trả + Thuế đã trả] / Lãi vay đã trả

Tỷ lệ này đánh giá khả năng doanh nghiệp có thể hoàn trả lãi vay của các khoản vay nợ từ dòng tiền FCF trong kỳ của mình hay không?

Doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy càng cao thì tỷ lệ này càng thấp.

Doanh nghiệp có 1 bảng cân đối lành mạnh sẽ có tỷ lệ này rất cao.

Đối với những doanh nghiệp sử dụng quá nhiều nợ vay [đòn bẩy cao], tỷ lệ này nhỏ hơn 1, khi đó doanh nghiệp sẽ có nhiều khả năng vỡ nợ.

Đơn giản là vì hoạt động kinh doanh không tạo ra 1 dòng tiền đủ để trả lãi suất đi vay, khi đó doanh nghiệp thực sự là 1 con nghiện nợ.

Hãy tưởng tượng hàng tháng sau khi trừ hết các loại chi phí, số tiền còn lại trong doanh nghiệp của bạn là 7 tỷ, trong khi bạn phải trả phần lãi vay cho tháng này là 10 tỷ [chưa kể đến việc bạn còn đang có 1 cục nợ 200 tỷ].

Bạn sẽ làm gì?

Lời khuyên của tôi là bạn nên thực sự tránh xa các cổ phiếu có Interest Coverage Ratio nhỏ hơn 1, dù cho doanh nghiệp có đang tăng trưởng như thế nào.

6. Cash Generating Power Ratio

Tôi cực kỳ thích cái tên của tỷ lệ này, dịch nôm na là: Tỷ lệ sức mạnh tạo ra tiền.

Nghe rất hay ho phải không?

Cash Generating Power Ratio = CFO / [CFO + Cash from Investing Inflows + Cash from Financing Inflows]

Tỷ lệ này đánh giá khả năng tạo ra tiền mặt của doanh nghiệp hoàn toàn dựa trên hoạt động kinh doanh, so sánh trên tổng dòng tiền vào của doanh nghiệp.

Bạn cần chú ý:

Cash from Investing Inflows: Dòng tiền VÀO từ hoạt động đầu tư

Cash from Financing Inflows: Dòng tiền VÀO từ hoạt động tài chính

Cả 2 chỉ tiêu này bạn đều có thể lấy được Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ở phần Dòng tiền từ hoạt động đầu tư và Dòng tiền từ hoạt động tài chính.

Nếu 1 doanh nghiệp có tỷ lệ này được duy trì > 0 và ổn định trên 15% trong nhiều năm liền, khi đó có thể coi doanh nghiệp đó là một cỗ máy tạo ra tiền.

Giữa 1 cổ phiếu là cỗ máy tạo ra tiền và 1 cổ phiếu liên tục in giấy bán lấy tiền, bạn sẽ chọn cổ phiếu nào?

7. External Financing Ratio

External Financing Ratio = Cash flows from financing / CFO

Tỷ lệ này so sánh giữa dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh để đánh giá sự phụ thuộc của doanh nghiệp vào hoạt động tài chính.

Tỷ lệ này càng cao chứng tỏ doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào dòng tiền, dòng vốn đến từ bên ngoài [nợ vay hoặc phát hành thêm cổ phiếu].

Thông thường, những doanh nghiệp có tài chính ổn định và hoạt động kinh doanh tốt thường có tỷ lệ External Finacing Ratio âm [nhỏ hơn 0].

Bởi vì, dòng tiền của doanh nghiệp tạo ra từ hoạt động kinh doanh là rất lớn và vì thế họ thường ưu tiên trả các khoản nợ vay, dẫn đến dòng tiền từ hoạt động đầu tư nhỏ hơn 0.

Tuy nhiên, nếu trong trường hợp tỷ lệ này âm nhưng là vì CFO âm thì khi đó, ngược lại với tình huống ở trên, đây sẽ là 1 cảnh báo cho bạn nếu tình trạng này luôn duy trì trong nhiều năm liền.

Nguồn: Go Value

Tham khảo thêm:

  • Hướng dẫn sử dụng Công Cụ Phân Tích
  • Hướng dẫn sử dụng Amibroker
  • Bài viết về Phân tích cơ bản
Pin It Telegram WhatsApp

Video liên quan

Chủ Đề