Giải pháp xây dưng văn hóa tiền giang

Thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [Khóa XI] về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

TX. Gò Công vừa được công nhận đạt chuẩn Văn minh đô thị vào tháng 9-2015.

Theo đó, tỉnh đã tập trung củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị. Trong năm 2015 có 95% hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 94% ấp [khu phố] được công nhận và giữ vững danh hiệu Văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị và 40% doanh nghiệp, 45% xã [phường, thị trấn] đạt chuẩn Văn hóa [trong đó đã nâng chất 40 xã, phường, thị trấn văn hóa đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và văn minh đô thị]; TX. Gò Công đạt chuẩn Văn minh đô thị...

Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, biểu diễn văn hóa, văn nghệ; chiếu phim lưu động; giao lưu đờn ca tài tử; trưng bày triển lãm tranh ảnh nghệ thuật - triển lãm chuyên đề; thường xuyên mở các cuộc thi sáng tác các loại hình văn học - nghệ thuật, kịch bản tuyên truyền lưu động; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ ở các cấp, các ngành nhằm phát triển phong trào, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Xây dựng, trùng tu, tôn tạo các tượng đài, bia lưu niệm, bia tưởng niệm; tổ chức khai thác, sử dụng rạp hát Tiền Giang [đã được sửa chữa]. Triển khai các nội dung của Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015”. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm huy động các nguồn đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn hóa...

Xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa Tiền Giang như: Cải lương, đờn ca tài tử, diễn xướng dân gian; trưng bày triển lãm, sản xuất băng, đĩa giới thiệu về đất nước, con người, lịch sử văn hóa, di sản văn hóa, truyền thống văn học - nghệ thuật của tỉnh Tiền Giang để quảng bá, phổ biến với các địa phương trong nước và bạn bè quốc tế.

Tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020” nhằm xây dựng con người, gia đình, cộng đồng và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nơi thờ tự...

Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, nhận thức của hầu hết cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa được nâng lên. Từng cấp, từng ngành, đoàn thể xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nên đã đưa nội dung này vào chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch công tác hàng năm để triển khai thực hiện.

Các cấp ủy và chính quyền đã cụ thể hóa bằng các chỉ thị, quy định về phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng con người mới với những đức tính tốt đẹp, góp phần hạn chế, đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội...

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nhằm hướng đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời gian tới, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, cần tập trung thực hiện những giải pháp như:

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, trong đó chú trọng đến việc nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Tiền Giang, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Tiền Giang phát triển toàn diện và bền vững.

Đưa các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang vào kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hàng năm và trong cả nhiệm kỳ của các cấp ủy. Xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước. Giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước để hoạt động báo chí, xuất bản đúng pháp luật, đúng định hướng, có hiệu quả. Thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm về vị trí, vai trò, nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tiền Giang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Tăng cường định hướng chính trị, tư tưởng cho văn hóa, báo chí, văn học - nghệ thuật. Phát huy tính sáng tạo và trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ. Thường xuyên đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng và phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa; tăng cường nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa...

Tiền Giang đang nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng, phát triển văn hóa và con người của tỉnh theo đúng tinh thần, mục tiêu chung của Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [Khóa XI] về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đó là, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ Đề