Hàng hóa có được tự do quá cảnh hay ko năm 2024

Ông Nguyễn Đức Huy, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn, than thở: “Tôi rất vất vả, suốt ngày nghe phàn nàn và báo cáo của các hội viên vì liên tục bị kiểm tra hàng hóa quá cảnh”.

Ông Huy cũng là người đã đồng ký vào văn bản của đại diện các doanh nghiệp [DN] vận tải hàng quá cảnh gửi các cơ quan chức năng đề nghị gỡ vướng cho hàng quá cảnh.

Theo phản ánh của Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Vận tải ô-tô tỉnh Lạng Sơn, Hiệp hội Kinh doanh hàng quá cảnh Việt Nam - ASEAN tỉnh Lạng Sơn, cơ quan hải quan cửa khẩu thường xuyên kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh cho dù hàng hóa được vận chuyển không phải là hàng cấm, hàng hóa quá cảnh không được tiêu thụ trong thị trường nội địa, phương tiện vận chuyển đi đúng tuyến đường và đi đúng thời gian quy định.

Cơ quan hải quan không sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc soi chiếu mà tiến hành kiểm tra một cách thủ công và trực tiếp. Thời gian kiểm tra bị kéo dài nhiều ngày, gây hư hỏng bao bì dẫn đến không thể bảo đảm bao bì nguyên trạng như trước khi kiểm tra. Kiểm tra thủ công bằng cách rạch bao bì hàng hóa ra để kiểm tra. Bao bì hàng hóa sau khi bị rạch ra sẽ không còn nguyên trạng như trước khi kiểm tra, không giữ được nguyên niêm phong của chủ hàng nước ngoài.

Theo các DN, sau khi kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan thường xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vận chuyển về hành vi khai sai so với thực tế mà không xem xét bản chất sự việc là doanh nghiệp vận chuyển không thể biết hàng hóa quá cảnh có bị khai sai hay có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.

Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội bức xúc: Một trong những lỗi doanh nghiệp vận tải thường xuyên bị phạt là khai sai hàng hóa. Nhiều DN cho rằng “khai sai thì phạt”, nhưng “phạt ai”? Các doanh nghiệp không đồng tình với việc hải quan phạt doanh nghiệp vận tải Việt Nam.

Hơn thế nữa, theo các DN, các biện pháp kiểm tra đang được thực hiện ở cả cửa khẩu nhập và cửa khẩu xuất theo hướng kéo dài thời gian kiểm tra, gây những thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp.

Theo đại diện các DN vận chuyển hàng quá cảnh: Việc kiểm tra thực tế hàng hóa và xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan hải quan đã và đang làm mất uy tín của doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam. Các doanh nghiệp vận chuyển đang phải chịu sức ép rất lớn từ phía các chủ hàng nước ngoài. Nhiều chủ hàng nước ngoài đã không trả tiền thuê vận chuyển cho doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam, yêu cầu doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam trả tiền phạt và bồi thường thiệt hại. Uy tín và lợi thế của Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ có được vị trí địa lý thuận lợi đang bị giảm sút bởi vì việc kiểm tra thực tế hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính liên tục đối với hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đi đến các quốc gia láng giềng.

Các doanh nghiệp vận tải làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu. Ảnh: QUANG HÙNG

Cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm

Ông Đỗ Hữu Thọ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan [Tổng cục Hải quan] cho rằng: “Hàng hóa quá cảnh thuộc đối tượng kiểm tra giám sát của hải quan từ lúc đưa vào đến lúc đưa ra. Việc kiểm tra ở cảng biển hay cảng hàng không dù sao cũng chuyên nghiệp hơn, còn trên đường bộ cơ sở hạ tầng kém hơn. Cho nên khi kiểm tra hàng hóa quá cảnh thì doanh nghiệp cũng vất vả”.

Đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng đưa ra nhiều số liệu cho thấy cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm vận chuyển hàng quá cảnh. Tại cửa khẩu Cha Lo [Quảng Bình], từ đầu năm đến nay có 12.736 tờ khai, hải quan kiểm tra 16 tờ khai phát hiện 14 tờ khai vi phạm. Tại Bình Phước có 3.829 tờ khai, hơn 5.400 container, kiểm tra 17 tờ khai, phát hiện bốn vi phạm.

Lạng Sơn có 2.996 container, hải quan kiểm tra 8 container và phát hiện sáu vụ vi phạm. Long An có 5.992 tờ khai, hải quan kiểm tra 23 tờ khai, phát hiện vi phạm tại 11 tờ khai. Theo đánh giá của cơ quan hải quan, tỷ lệ kiểm tra của cơ quan hải quan là rất nhỏ, chỉ chưa đến 1% trên tổng số các lô hàng quá cảnh nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất cao.

Phía hải quan cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm với hàng hóa mình vận chuyển, cho nên việc xử phạt với các doanh nghiệp là hợp lý.

Ông Thọ chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp nói hàng quá cảnh bị đối xử như với hàng nhập khẩu thông thường là không đúng. Việc kiểm tra chuyên ngành với hàng nhập khẩu gồm kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng… Nhưng hàng quá cảnh không chịu các thủ tục kiểm tra này, mà chỉ kiểm dịch nếu là hàng hóa cần phải kiểm dịch. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi ghi nhận là hàng phân bón quá cảnh nhập khẩu căn cứ theo Luật Trồng trọt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn [NN&PTNT] cho rằng, hàng quá cảnh từ Trung Quốc cần có giấy phép của Bộ Công thương, nhưng nếu không nằm trong danh mục phân bón được phép lưu hành ở Việt Nam thì lại có thêm giấy phép của Bộ NN&PTNT, đây không phải là giấy phép hàng quá cảnh. Nếu cùng một lô hàng quá cảnh, có hai giấy phép thì đó là bất cập. Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT phải làm rõ điều này”.

Đại diện Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu [Tổng cục Hải quan] cho rằng: Theo Luật Hải quan, người khai hải quan là người chịu trách nhiệm. Việc các doanh nghiệp nói chủ hàng phải chịu trách nhiệm với hàng hóa khai sai và phải xử phạt chủ hàng là không khả thi. Doanh nghiệp nước ngoài họ có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đâu. Doanh nghiệp nước ngoài có ủy quyền cho các doanh nghiệp vận tải Việt Nam thì doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm, không thể nói rằng không chịu trách nhiệm. Nếu không phải hàng quá cảnh thì một số vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng có thể bị khởi tố. Nhưng vì các doanh nghiệp có hợp đồng với chủ hàng nước ngoài và xác định là đơn vị logistics nên chỉ xử phạt hành chính.

“Hai tháng vừa rồi Đội 4 làm 80 container thì trong đó có 50 container vi phạm, liên quan đến 44 vụ việc. Trong số 44 vụ việc thì có ba vụ việc liên quan vận chuyển hàng cấm, 9 vụ việc liên quan sở hữu trí tuệ và 32 vụ việc sai về khai báo xuất xứ, số liệu, chủng loại. Tỷ lệ vi phạm là 62,5%. Cho nên doanh nghiệp cũng cần xem lại đã tuân thủ pháp luật chưa. Với kết quả kiểm tra như vậy thì không thể nói doanh nghiệp đã tuân thủ”, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu đánh giá.

Luật sư Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Luật TNHH Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị: Hải quan không nên xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam nếu container hàng hóa quá cảnh bảo đảm giữ nguyên niêm phong, không tắt tín hiệu định vị điện tử, phương tiện vận chuyển không đi đúng tuyến đường và không đúng thời gian quy định. Trong trường hợp này, nếu phát hiện các vi phạm về khai sai hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ hàng nước ngoài.

“Ban hành cơ chế kiểm tra thực tế hàng hóa tại hải quan cửa khẩu nhập của Việt Nam trước khi container hàng quá cảnh chuyển qua phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp vận chuyển Việt Nam. Xem xét không tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa tại cửa khẩu xuất đi của Việt Nam. Việc kiểm tra thực tế phải được thực hiện bằng các thiết bị hiện đại để bảo đảm các container hàng hóa giữ nguyên niêm phong, không mất nhiều thời gian kiểm tra thực tế, bảo đảm số lượng hàng ra bằng đúng số lượng hàng vào”, ông Cường đề xuất.

Chủ Đề