Hình ảnh bảo vệ di tích di sản văn hóa năm 2024

Hội thảo chuyên đề "Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm" đã diễn ra ngày 1/12 tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Chương trình nghệ thuật "Di sản hội tụ" tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chào mừng Ngày Di sản Việt Nam 23/11. Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN

Sự kiện do Cục Di sản Văn hóa [Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch], Hội đồng Anh phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bền vững và khẳng định vai trò của cộng đồng - người nắm giữ, thực hành di sản trong quá trình này.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nêu rõ: Di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc, sự kế tục; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; kết nối cộng đồng. Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tới nay, sau 18 năm tham, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam.

Vinh dự 2 lần trúng cử là thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết sau khi được ghi danh.

Di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa - xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng người dân không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đa dạng văn hóa, tính sáng tạo. Vì vậy, để bảo vệ "di sản sống", trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ "di sản sống", bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…

Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật tri thức bản địa. Thông qua hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững; vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình này.

Hội thảo là hoạt động thuộc Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Từ năm 2021 - 2023, sáng kiến Thử thách Di sản văn hóa cộng đồng đã được xây dựng, khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế nhằm bảo tồn, phát huy, hưởng lợi từ di sản văn hóa. Đặc biệt, đây là chương trình tài trợ cho các dự án cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận và Gia Lai để họ chủ động tham gia vào bảo tồn di sản văn hóa. Dự án Di sản kết nối là phiên bản Việt Nam của Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều - một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm khai thác di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho cộng đồng xã hội.

Cùng với hội thảo, Ban Tổ chức giới thiệu một số sự kiện bên lề nhằm mở ra thảo luận, đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, phát triển bền vững ở Việt Nam. Đó là chương trình giới thiệu Kết nối Di sản diễn ra từ ngày 1 - 7/12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có giới thiệu âm nhạc truyền thống của người Ba Na và người Chăm...

Thủ tướng phát biểu tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện này.

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng!

Thưa các vị khách quý quốc tế!

Thưa quý vị đại biểu cùng toàn thể đồng chí, đồng bào!

Trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cho phép tôi gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi chân tình, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các quý vị đại biểu, các cấp ủy, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh thành khác có đồng bào dân tộc Thái về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc [UNESCO] vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thủ tướng cùng các đại biểu tham dự Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO được tổ chức tại mảnh đất Nghĩa Lộ - Yên Bái giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc. Đây là sự kiện đặc biệt, có ý nghĩa to lớn và nhiều cảm xúc với tất cả chúng ta. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh và chúng ta cần làm gì? có trách nhiệm như thế nào? để gìn giữ nét đẹp truyền thống văn hóa rất dân tộc Việt Nam và rất dân tộc Thái này.

Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp. Hơn thế nữa, nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn, phát huy hơn nữa truyền thống văn hóa, lịch sử các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc.

Thưa quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trao Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, với tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam. Lời ca: “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa ban, hoa mận, hoa đào vùng Tây Bắc, bên dòng sông Mã, sông Chảy, Mường Hung đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, của dân tộc...

Chúng ta vui mừng và tự hào khi Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên “Dải đất hình chữ S” tươi đẹp; qua đó, tiếp tục khẳng định sự đóng góp rất quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam đối với thế giới. Với loại hình du lịch kết nối giữa thiên nhiên - văn hóa - con người thì Xòe Thái là nét chấm phá đặc sắc của những địa danh thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Tây Bắc như Cao nguyên Mộc Châu, Đèo Khau Phạ, Hồ Pá Khoang, ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Thác Tác Tình, đỉnh Tà Chì Nhù với loài hoa chi pâu đặc sắc...

Có được niềm vui hân hoan hôm nay, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua nghệ thuật Xòe Thái đến cộng đồng quốc tế, chúng ta rất trân trọng sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này. Đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam và nhân loại nói chung.

Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn và mong muốn các tổ chức quốc tế, nhất là cơ quan Đại diện UNESCO tiếp tục dành cho Việt Nam sự hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ hiệu quả, để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy và giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thưa quý vị đại biểu, đồng chí, đồng bào!

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Văn hóa là bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất. Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với sự kiện quan trọng hôm nay, nghệ thuật Xòe Thái đã được đón nhận và vinh danh là di sản nhân loại toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị. Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi chúng ta nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, các thế hệ nghệ nhân dân gian dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, tôi đề nghị:

Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh chúng ta hãy làm bằng tâm huyết, bằng trái tim, bằng tấm lòng, bằng niềm tự hào, bằng nội lực và trách nhiệm của mình để những lời ca, âm nhạc của các điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe gậy, Xòe hoa... tiếp tục được nuôi dưỡng, phát triển và lan tỏa ra cộng đồng các dân tộc anh em và trên thế giới.

Thứ hai, giá trị cao đẹp của nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Chúng ta cần nhận thức rõ đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời có hành động ứng xử thể hiện xứng tầm với di sản. Các cấp, các ngành có liên quan cần có chương trình truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, cần vượt qua biên giới Việt Nam để nghệ thuật này mãi mãi trường tồn và phát huy giá trị; để thế giới biết đến nhiều hơn, yêu quý, trân trọng và kết nối chặt chẽ, hiệu quả hơn với đất nước, con người Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh Xòe Thái là hội tụ của nét đẹp văn hóa, nên quảng bá Xòe Thái là trách nhiệm của tất cả chúng ta; góp phần thúc đẩy giao lưu, kết nối hiệu quả giữa văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa nhân loại.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp thiết thực, cụ thể để giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống của các dân tộc nói chung và Xòe Thái nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với văn hóa, con người và lịch sử, góp phần đưa di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Chúng ta hãy cùng nhau dành sự quan tâm xứng đáng đối với đời sống mọi mặt của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường diễn xướng để thực hành Xòe Thái phù hợp với các điều kiện phát triển mới của đất nước.

Một lần nữa, tôi xin chúc sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ta phát triển vững chắc, đạt được nhiều thành tựu; để nền văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở.

Chúc các đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý, các nghệ nhân cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công.

Chủ Đề