Học thật là gì

Học thật là nền giáo dục dạy tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức là những gì người học có thể dùng cho công việc, mưu sinh, cho đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo trong cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT vừa qua, trong đó có yêu cầu giáo dục cần phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Ngành giáo dục cần có sự chuyển hóa về chất để đảm bảo "học thật, thi thật, nhân tài thật". Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Bằng cấp phản ánh đúng thực lực người học

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức là những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước.

Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống.

Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học. Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Một số người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc, không làm được, danh vị là hư danh...

Do đó, học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn.

Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại không “ngồi nhầm lớp", luận án không chất lượng thì không cho qua...

Tất nhiên, nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều ngành nghề, nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, “thực không xứng danh, danh không xứng thực”.

Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục cần chất lượng hơn, thực chất hơn, bỏ đi những tiêu cực, bệnh hình thức gây nhức nhối. Để làm được điều đó, ngành giáo dục cần có sự chuyển hóa về chất.

Đó không chỉ là vấn đề chất lượng giáo dục mà sâu xa hơn thế, là việc chất lượng con người để đáp ứng cho nhu cầu của cuộc sống, chất lượng để tạo ra của sự phát triển của đất nước, của nhu cầu nhân lực chất lượng cao và đặc biệt là nhân tài...

Bộ GD&ĐTT sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về học thật, thi thật. Ảnh: VNU.

Dạy cái thiết thực, thực nghiệp

Để có được sự chuyển đổi lớn theo hướng thực chất trong giáo dục, theo như chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, thực nghiệp, giảm và tiến tới bỏ hẳn cái hình thức, phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, có đạo đức, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc đại học từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát, hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất.

Bậc này cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng; cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp; cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình.

Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ.

Đại học cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...

Để có được nền giáo dục thực chất, tự ngành giáo dục phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội.

Ngành cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất.

Ngành cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là thực lực của ngành giáo dục. Có tạo được cái "thực" đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

Từ góc độ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực, Bộ GD&ĐTT sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ đạo lớn này của Thủ tướng Chính phủ.

Dùng người đúng năng lực, tài năng sẽ nở rộ

Vẫn theo người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo, một thực tế xã hội rất quan trọng khác đang trực tiếp triệt tiêu động lực của việc học thật, thi thật chính là nhiều đơn vị và tổ chức tuyển người, dùng người, đánh giá người còn dựa trên bằng cấp mà chưa chú ý đến trình độ thực chất.

Nói cách khác, việc làm cho người học phải học thực, thi thực, một phần quan trọng lại nằm ở phía sử dụng sản phẩm đầu ra của giáo dục, đó là việc dùng người, tuyển người, đánh giá người.

Nếu tuyển người chỉ dựa trên giấy tờ, theo quan hệ và bị chi phối bởi các yếu tố không thực chất, người học sẽ có xu hướng chỉ lo sao cho đẹp hồ sơ, chuẩn các điều kiện, mà không lo phần thực chất.

Nếu việc tuyển người, dùng người, đánh giá người theo năng lực thật, ai có tài năng thực được trọng dụng, được đánh giá đúng..., khi đó, học sinh trong nhà trường sẽ đua nhau mà học thật thi thật.

Dùng người chỉ căn cứ theo năng lực, phẩm chất thật, việc dạy và học sẽ chuyển động theo một cách nhanh chóng. Trên nền tảng của việc học thực chất, người được dùng đúng theo năng lực, khi đó, người tài sẽ xuất hiện, người tài sẽ được bồi dưỡng. Khi việc dùng người đúng năng lực, đánh giá đúng phẩm chất, tài năng thực sẽ nở rộ.

Học thật, thi thật trước hết và luôn luôn là việc của ngành giáo dục, nhưng cũng là của toàn xã hội. Nếu tất cả cùng đồng lòng vì nền giáo dục thực chất, vì cuộc sống chất lượng và sự phát triển của đất nước, một trong những việc đầu tiên cả xã hội chung tay hành động là tất cả cùng vì thực học!

Mới đây, mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho ngành giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật" nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây được xem là giá trị cốt lõi đối với nền giáo dục Việt Nam.

Rất nhiều đại biểu quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, nhà giáo …đưa ra quan điểm, ý kiến về yêu cầu cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực được coi là “quốc sách hàng đầu" của đất nước. Từ việc nhìn nhận, đánh giá hạn chế cũng như những điểm sáng mà giáo dục Việt Nam đạt được trong những năm qua đến những gợi ý cho giáo dục nước nhà thời gian tới… Tất cả các ý kiến mang tính xây dựng đều thể hiện rõ sự nhất trí cao đối với việc tìm kiếm giá trị "thật" cho giáo dục Việt Nam.

Đã nói đến khái niệm "thật" thì phải có khái niệm đối chứng là "giả". Vậy phải chăng xưa nay giáo dục của chúng ta “chưa thật"?  Đâu là lỗi của ngành giáo dục và đâu là lỗi hệ thống chi phối, khiến cho các hoạt động dạy và học, thi cử, kiểm tra, đánh giá của ngành giáo dục thiếu chính xác, không đảm bảo yêu cầu "thật" như mong muốn của người đứng đầu Chính phủ?

Việt Nam chúng ta có truyền thống coi trọng sự học. Tuy nhiên bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh trầm kha khó chữa bởi chưa có chủ trương quyết liệt và chưa đủ quyết tâm cao độ nhìn đúng sự thật và thay đổi.

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo ngành giáo dục phải tìm và trả lại giá trị “thật" là một chủ trương sáng suốt vì chúng ta đã và sẽ còn phải trả giá cho rất nhiều cái "giả" từ giáo dục, từ việc dạy, việc học, việc thi cử dẫn tới giá trị "giả" của nhân tài và sự hẫng hụt, khủng hoảng, không thực chất của nguồn nhân lực, kéo theo sự tụt hậu của sự phát triển đất nước trên nhiều phương diện.

Bệnh đã được bắt. Vấn đề là cách chữa trị nó như thế nào và nên bắt đầu từ đâu. Điều đó không đơn giản nếu bản thân người dạy, người học, bản thân phụ huynh và nhà quản lý các cấp chưa thực sự quyết tâm muốn chữa.

Việc đổi mới chương trình đào tạo, phương thức đào tạo, cập nhật kiến thức mới là tính tất yếu của sự phát triển giáo dục. Các tiêu chí đánh giá dưới hình thức nào đi chăng nữa thì đúng, sai, thật, giả cũng cần phải được phân định rõ ràng, công khai và minh bạch mới có thể tạo ra môi trường giáo dục “sạch”, có đất cho nhân tài "thật" phát triển và cống hiến.

Chất lượng giáo viên, phẩm chất đạo đức của người thầy có vai trò quyết định chất lượng “thực" của giáo dục. Việc học sinh, sinh viên đánh giá giáo viên không thể coi là hoạt động hình thức cho có mà cần mở rộng hơn ra cả đối tượng phụ huynh đánh giá giáo viên qua quá trình giảng dạy, ứng xử. Cần nghiêm túc nhìn nhận xem người thầy có tác động như thế nào đến học sinh, sinh viên để từ đó có sự điều chỉnh, tạo cho môi trường giáo dục một sân chơi lành mạnh của học thuật, nhiệt huyết và khát vọng cống hiến.

Muốn có cái "thật" trong giáo dục phải xóa bỏ bệnh thành tích. Thi đua là tốt nhưng nếu không khéo, thi đua trở thành ganh đua, ắt sẽ có chuyện này, chuyện kia và “thật”, “giả" lại có cơ hội nhập nhèm. Trả lại giá trị thật cho giáo dục cần phải bắt đầu bằng sự nghiêm túc tuyệt đối trong thi cử, trong kiểm tra, đánh giá để từ đây tìm ra những phác đồ điều trị hiệu quả cho từng cá nhân, cho từng bậc học, từng mô hình giáo dục.

Bản thân mỗi phụ huynh cũng cần dẹp bớt bệnh “thành tích", không quá tạo áp lực tới mức "tiêu cực" cho con em, cho thầy cô và nhà trường. Không những thế, cần phối hợp tạo ra môi trường dạy và học “thật", biết chấp nhận kết quả “thật” của mỗi kỳ thi để có định hướng giúp con phát triển đúng khả năng của mình. Hãy dạy con nhìn nhận đúng giá trị của việc học thật, thi thật để trở thành con người "thật" cống hiến "thật" cho xã hội và gia đình bởi chỉ có cái “thật" mới bền vững.

Sản phẩm cuối cùng của giáo dục là con người, con người muốn cống hiến được cho xã hội, cho gia đình cho bản thân phải song hành cả 2 yếu tố “tài" và "đức". Dân gian có câu “thuốc đắng giã tật”, bệnh đã được bắt, muốn chữa phải dùng thuốc nhưng thuốc cần phải đúng mới chữa được bệnh. Có như vậy mới có thể khắc phục được những yếu kém tồn tại của giáo dục và đưa ra các giải pháp hữu hiệu để đạt được mục tiêu như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Dạy thật, học thật, thi thật” như cái kiềng ba chân của giáo dục để có được thành tích thật và đào tạo được nhân tài thực cho đất nước. Và không thể khác được, bởi tìm về giá trị “thật” giúp cho chúng ta biết mình thế nào, ở đâu mà học tập, phấn đấu và cống hiến một cách trung thực, hết mình.

Video liên quan

Chủ Đề