Khẩu hiệu được thực hiện qua các đợt cải cách ruộng đất ở miền bắc (cuối 1953 -1956) là

Sau chiến thắng Biên Giới thu đông 1950, ta mở tiếp ba chiến dịch ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Tuy thu được một số kết quả, nhưng nhìn chung, cả ba chiến dịch này đã không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu, mà nguyên nhân là vấn đề chọn hướng tiến công. Từ kinh nghiệm xương máu đó, khi bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến Thu đông 1952, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã xác định rất rõ: Hướng tiến công chính của ta là Tây Bắc Bắc Bộ. Trên hướng này, ta mở chiến dịch tiến công giải phóng 80% đất đai miền Tây Bắc. Tiếp đó ta và bạn mở Chiến dịch Thượng Lào, giải phóng toàn bộ tỉnh Sầm Nưa cùng một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ. Vùng giải phóng Thượng Lào mở rộng đã nối thông với vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo thành thế uy hiếp mới đối với quân Pháp trên chiến trường Bắc Ðông Dương.

Cuối tháng 9-1953, trước tình hình địch ráo riết triển khai thực hiện Kế hoạch Na-va, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Ðông Xuân 1953 - 1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch và tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết trong nhân dân và bộ đội địa phương, dân quân du kích các vùng tự do để cho chủ lực rảnh tay làm nhiệm vụ, giữ vững quyền chủ động đánh địch trên mặt trận chính diện và cả ở vùng tạm bị chiếm, phối hợp trên phạm vi cả nước và toàn Ðông Dương. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và các nguyên tắc về chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo tác chiến là tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng.

Khi ta đang tích cực chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954, thì ngày 15-10-1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Hải Âu, đánh ra tây nam Ninh Bình. Trong tình thế đó, Ðảng ta vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch tiến công đập tan cuộc hành quân Hải Âu của địch, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây Bắc và tiến sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với bạn theo kế hoạch đã định. Phát hiện thấy ta di chuyển lực lượng chủ lực lên Tây Bắc, Na-va quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào, đồng thời tăng lực lượng phòng giữ Ðiện Biên Phủ. Ngày 20-11-1953, địch mở cuộc hành quân Ca-xto, đánh chiếm Ðiện Biên Phủ, từng bước biến Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương. Ngày 3-12, Na-va quyết định chấp nhận giao chiến tại Ðiện Biên Phủ.

Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 6-12-1953, [tức 16 ngày sau khi địch mở chiến dịch Ca-xto] Bộ Chính trị họp khẩn cấp, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, đã quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.

Như vậy, từ chủ trương chọn nơi địch sơ hở mà đánh [tháng 9-1953] đến quyết định nhằm vào chỗ địch mạnh nhất [Ðiện Biên Phủ] mà đánh là một chủ trương kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời; là quyết tâm rất lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược sắc sảo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự lựa chọn đó phía ta phát huy được chỗ mạnh, hạn chế được chỗ yếu; đồng thời, hạn chế mặt mạnh, khoét sâu điểm yếu của địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: "Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Ðảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được".[1] Theo đó, trên khắp cả nước, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta dốc sức tổ chức lực lượng, huy động sức người, sức của để giành thắng lợi cho trận quyết chiến chiến lược ở Ðiện Biên Phủ.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên năm hướng khắp chiến trường Ðông Dương. Triển khai thực hiện chủ trương trên, ngày 10-12-1953, bộ đội ta mở Chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, trực tiếp uy hiếp Ðiện Biên Phủ từ phía bắc. Cuối tháng 12-1953, ta phối hợp với bạn Lào tiến công địch ở Trung Lào, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, buộc chúng phải điều lực lượng sang Trung Lào, biến Sê-nô thành một tập đoàn cứ điểm. Sau chiến thắng Trung Lào, bộ đội chủ lực ta và bạn tiến xuống Hạ Lào, giải phóng thị xã Át-tô-pư và toàn bộ cao nguyên Bô-lô-ven. Thừa thắng, bộ đội ta tiến xuống Ðông Bắc Cam-pu-chia, cùng lực lượng Ít-xa-rắc giải phóng nhiều vùng rộng lớn ở Ðông và Ðông Bắc Cam-pu-chia. Ngày 26-1-1954, ta mở chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên, giải phóng một vùng rộng lớn ở Bắc Tây Nguyên, buộc địch phải ngừng cuộc tiến công ở đồng bằng Liên khu 5 và vội điều thêm lực lượng lên Tây Nguyên, biến An Khê và Plây Cu thành hai tập đoàn cứ điểm. Cuối tháng 1-1954, bộ đội chủ lực ta phối hợp với bạn Lào mở chiến dịch Thượng Lào, tiến công địch ở phòng tuyến sông Nậm Hu, truy kích địch đến sát kinh đô Luông Pha-băng, buộc địch phải điều lực lượng xây dựng Luông Pha-băng và Mường Sài thành hai tập đoàn cứ điểm.

Với năm đòn tiến công chiến lược trên, ta chẳng những tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn với hàng chục vạn dân, mà quan trọng là làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na-va ở đồng bằng Bắc Bộ. Năm đòn tiến công chiến lược đó buộc địch phải phân tán lực lượng, bị động đối phó. Thực tế diễn biến trên khắp chiến trường Ðông Dương từ cuối 1953, đầu 1954 đã chứng minh phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến từ cuối tháng 9-1953 là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược sắc sảo trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ðồng thời với các đòn tiến công trên, ở các chiến trường trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ, quân và dân ta tăng cường tiến công địch, làm cho địch thêm lún sâu vào thế bị động đối phó ở khắp mọi chiến trường.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", cả hậu phương hùng hậu từ vùng tự do Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4, Liên khu 5, vùng mới giải phóng, khu du kích, căn cứ du kích trên khắp cả nước đã tập trung mọi sức lực, của cải cho mặt trận Ðiện Biên Phủ.[2]

Sau khi hạ quyết tâm tiêu diệt địch ở tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi diễn biến diễn ra trên khắp chiến trường và có những quyết định kịp thời, nhằm biến quyết tâm chiến lược đó thành hiện thực. Khi quân Pháp mới nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ [tháng 11-1953], ta chủ trương thực hiện phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh". Thế nhưng đến cuối tháng 1-1954, trong quá trình triển khai Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, khi nhận thấy tình hình địch đã thay đổi, lực lượng của chúng được tăng cường, hệ thống phòng ngự được củng cố, phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh" không bảo đảm chắc thắng, Ðảng ủy Mặt trận Ðiện biên Phủ quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và quyết định này đã được Bộ Chính trị nhất trí. Chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" là một chủ trương kịp thời, chính xác, thể hiện sự quán triệt tư tưởng chủ đạo cơ bản của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh là "đánh chắc thắng".

Ðể bảo đảm cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ chắc thắng, Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chỉ đạo quân đội, các ngành, các địa phương hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày 8-2-1954, Bộ Chính trị ra chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Liên khu ủy và Khu ủy động viên quân đội và nhân dân tiếp tục đánh giặc, phục vụ tiền tuyến. Bộ Chính trị nêu rõ nhiệm vụ của Ðảng ủy các cấp "cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến. Ðồng thời kết hợp chặt chẽ việc phục vụ tiền tuyến với việc phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và việc tăng gia sản xuất.[3]

Tiếp đó, ngày 22-2-1954, trong Chỉ thị Ra sức phá tan mưu mô đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp - Mỹ, Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Công tác trung tâm trước mắt của toàn thể quân và dân ta là tập trung lực lượng đánh thắng địch trong những trận sắp tới, tiêu diệt nhiều sinh lực địch hơn nữa, làm cho kế hoạch Na-va của Pháp - Mỹ phải hoàn toàn thất bại. Kiên quyết động viên nhân lực, vật lực theo Chỉ thị số 61/CT-T.Ư ngày 8-2-1954 để thắng giặc, vì thắng lợi lớn của ta trong chiến dịch này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự  và chính trị".[4]

Ngày 11-3-1954, trong khi toàn mặt trận Ðiện Biên Phủ đang khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị cho giờ nổ súng mở màn chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư động viên và căn dặn cán bộ chiến sĩ: "Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.

Các chú vừa được chỉnh quân chính trị và chỉnh huấn quân sự và đã thu được nhiều thắng lợi về tư tưởng và chiến thuật, kỹ thuật. Nhiều đơn vị đã đánh thắng trên các mặt trận. Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

Bác chờ các chú báo cáo thành tích để  thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất.

Chúc các chú thắng to.

Bác hôn các chú"[5]

Hai ngày sau khi bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam [13-3-1954], mở đầu Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ngày 15-3-1954, Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ðiện cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Ðiện Biên Phủ. Bức điện có đoạn "Trung ương và Bác được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Ðiện Biên Phủ. Trung ương và Bác có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.

Ðịch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, quyết giành toàn thắng cho chiến dịch này".[6]

Sau hai đợt tiến công ở Ðiện Biên Phủ, ta đã giành được nhiều thắng lợi rất lớn và rất quan trọng, tuy nhiên, vào cuối đợt hai, do thời gian tác chiến diễn ra đã hơn một tháng, sức lực và tinh thần ở một số đơn vị và cá nhân có dấu hiệu suy giảm. Ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết chỉ đạo các chiến trường phối hợp chặt chẽ với Ðiện Biên Phủ. Ðối với mặt trận Ðiện Biên Phủ, Nghị quyết chỉ rõ cần tiếp tục thấu triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho Ðiện Biên Phủ; nhiệm vụ  của các cấp ủy, các đảng viên và toàn thể cán bộ là phải: "Nhận rõ những thắng lợi của hai đợt tấn công của quân ta vừa qua, nhận rõ những khả năng của quân đội và nhân dân ta hiện nay có đủ điều kiện tiêu diệt toàn bộ quân địch, đồng thời nhận rõ những khó khăn của ta về tư tưởng, về tác chiến, về cung cấp.

Những khó khăn đó một phần do địch gây nên vì địch nhận rõ chiến dịch này có quan hệ đối với toàn bộ cục diện chiến tranh xâm lược của chúng và được Mỹ giúp đỡ, chúng còn cố sống, cố chết chống giữ. Nhưng đó là những khó khăn ta hoàn toàn có khả năng khắc phục được.

Ra sức khắc phục tư tưởng hữu khuynh, củng cố và đề cao quyết tâm, đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, quân đội và Ðảng, kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm vừa qua, tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc, đồng thời tích cực tranh thủ thời gian, triệt để chấp hành mệnh lệnh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành nhiệm vụ, giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Toàn dân, toàn Ðảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Toàn thể cán bộ và đảng viên ở các đơn vị và cơ quan, ở mặt trận Ðiện Biên Phủ phải nhận rõ vinh dự và trách nhiệm nặng nề trong Chiến dịch lịch sử này, đồng thời làm cho toàn thể chiến sĩ thấu triệt quyết tâm của Trung ương, tích cực phát huy tinh thần chiến đấu anh dũng và chịu đựng gian khổ, giành toàn thắng cho chiến dịch".[7]

Cũng trong ngày 19-4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc các chiến trường trong cả nước tiếp tục thấu triệt phương châm tác chiến "đánh nhỏ ăn chắc", tăng cường hoạt động phối hợp với mặt trận Ðiện Biên Phủ, chỉ rõ: "Ðể tranh thủ tiêu diệt và tiêu hao thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa ở các chiến trường và phối hợp chặt chẽ với mặt trận Ðiện Biên Phủ, các chiến trường toàn quốc phải ra sức đẩy mạnh hoạt động một cách liên tục trong một thời gian dài, và phải quán triệt phương châm "đánh nhỏ ăn chắc". Phải triệt để lợi dụng sơ hở và khó khăn của địch mà mở rộng chiến tranh du kích, triệt phá những đường giao thông vận tải quan trọng và những kho tàng của địch".[8]

Tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 19-4-1954, được quán triệt và cụ thể hóa thành nhiệm vụ của Ðảng bộ các liên khu, trong Chỉ thị ngày 21-4-1954 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng.

Ðể bảo đảm cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy Ðảng cần nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa quan trọng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ về cả quân sự, chính trị; quán triệt cho cán bộ, đảng viên nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến, đồng thời giải thích cho nhân dân, nghiêm chỉnh thi hành triệt để, nhanh chóng mọi mệnh lệnh, động viên nhân lực, vật lực phục vụ tiền tuyến; kiểm tra đôn đốc thật nghiêm túc, chặt chẽ việc tổ chức, động viên nhân lực, vật lực, sửa chữa kịp thời tình trạng tổ chức không hợp lý, tác phong đại khái, qua loa và lãng phí nhân lực, vật lực và thời gian. Các liên khu ủy, tỉnh ủy có nhiệm vụ phục vụ tiền tuyến phải có ủy viên chuyên trách việc này cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Trong thư gửi đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 21-4-1954, Ban Bí thư truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị, lưu ý âm mưu và hành động chống đỡ của địch ở Khu trung tâm, dùng trọng pháo và máy bay đánh phá trận địa của ta, phá hoại đường tiếp tế của ta, hòng cố giữ đến mùa mưa. Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhấn mạnh: "Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm "đánh chắc tiến chắc"; mặt khác đảm bảo cung cấp cho tiền tuyến".[9]

Chấp hành sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại mặt trận Ðiện Biên phủ, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ngày 7-5-1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

*   *
*

Nhìn lại quá trình diễn ra cuộc chiến Ðông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ, chúng ta thấy rằng thành công nổi bật của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là chọn hướng tiến công chiến lược nhằm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương, buộc đối phương phải tung quân lên Ðiện Biên Phủ, xây dựng Ðiện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, tiến hành trận quyết chiến chiến lược đi tới kết thúc chiến tranh. Nhưng cũng chính từ quyết định này của phía Pháp đã buộc họ phải trả giá đắt. Với nhãn quan chiến lược sắc sảo, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của kẻ thù. Trong khi tập trung vào mặt trận Ðiện Biên Phủ, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các chiến trường đồng loạt đẩy mạnh tiến công địch để phối hợp với Ðiện Biên Phủ; chỉ đạo các địa phương dồn sức chi viện sức người, sức của cho mặt trận Ðiện Biên Phủ; chỉ đạo chặt chẽ toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hành tiến công vào tập đoàn phòng thủ kiên cố của địch ở lòng chảo Ðiện Biên Phủ với những quyết sách kịp thời và rất sáng tạo.

Bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm thực hiện của toàn quân và toàn dân, chúng ta đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Ðông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương [8-5 - 21-7-1954] đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược [1945 - 1954].

55 năm đã trôi qua từ sau chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, chúng ta càng thấy rõ hơn sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Ðông Xuân 1953 - 1954 là đã động viên cao độ tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ở cả tiền tuyến lẫn hậu phương, ở khắp mọi miền đất nước, từ nam chí bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn. Sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu rất dũng cảm, đầy mưu trí của bộ đội ta trên chiến trường Bắc, Trung, Nam, Lào và Cam-pu-chia, đặc biệt là ở Ðiện Biên Phủ, đồng thời đã huy động tối đa sức người, sức của cả nước để bảo đảm cho tiền tuyến đánh thắng. Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ, chi viện quan trọng của quốc tế, nhất là của nhân dân Trung Quốc cùng sự phối hợp chiến đấu của nhân dân các nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em đã đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp xâm lược.

Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊNỦy viên T.Ư Ðảng,

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

............................................................

[1] Dẫn theo Ban Tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996, tr.202.

[2] Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã đóng góp hơn 260.000 dân công [tính ra thành 14.000.000 ngày công], 20.991 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ. Về bảo đảm vật chất, đồng bào đã đóng góp cho chiến dịch 25.056 tấn lương thực, 907 tấn thịt và hàng nghìn tấn thực phẩm khác. Chỉ tính riêng số vật phẩm đã chuyển được ra mặt trận là hơn 2 vạn tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 565 tấn thức ăn khô.

[3] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.32.

[4] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.32.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7 [1953 - 1955], Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.265.

[6] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.53.

[7] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88 - 89.

[8] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.90 - 91.

[9] Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, tập 15, 1954, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.93.

Video liên quan

Chủ Đề