Kỹ năng dạy trẻ biết cám ơn xin lỗi năm 2024

Đối với người phương Tây, từ nhỏ trẻ đã được dạy nói vui lòng, cảm ơn hoặc xin lỗi. Đây là những phép lịch sự tối thiểu mà bạn cũng nên dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Vậy, vì sao cần dạy bé điều này và nên áp dụng phương pháp nào? ILO hướng dẫn chi tiết cách dạy bé nói cảm ơn và xin lỗi trong bài viết sau!

Tầm quan trọng của việc nói lời cảm ơn và xin lỗi

Nếu bạn muốn con biết sử dụng từ cảm ơn cũng như xin lỗi trong cuộc sống và giao tiếp thì trước hết phải dạy bé về tầm quan trọng của những lời nói này. Vậy, tại sao bé cần biết nói cảm ơn hoặc xin lỗi?

1. Đối với lời cảm ơn

Chúng ta nói khi được một ai đó giúp đỡ hoặc thấy họ làm việc tử tế. Nói cảm ơn chính là bày tỏ sự cảm kích, biết ơn của mình đối với việc làm, hành động tốt của người khác.

Nếu không biết nói cảm ơn trước việc tốt, người tốt, bạn có thể khiến người ấy cảm thấy không được tôn trọng. Thậm chí, họ còn có thể nghĩ rằng công sức của mình không được ghi nhận. Hơn nữa, bạn có thể trở thành kẻ vô ơn trong mắt họ.

2. Đối với lời xin lỗi

Dạy bé biết nói cảm ơn ngay từ khi còn nhỏ là một phép lịch sự tối thiểu và lời xin lỗi cũng vậy. Nói xin lỗi không chỉ là một cử chỉ xã giao. Nó giúp con xác định đúng – sai, biết chịu trách nhiệm về sai lầm của mình và nghiêm túc sửa đổi.

Biết nói lời xin lỗi cũng thể hiện rằng bé ý thức được hành vi sai trái của mình đã ảnh hưởng tới người khác hoặc làm tổn thương họ như thế nào. Biết nhận lỗi là cách thể hiện sự tôn trọng người mình mắc lỗi, giải tỏa sự căng thẳng và xây dựng mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn.

\>>> Đọc thêm: Bỏ túi 9 cách dạy tiếng Anh cho bé 2 tuổi

Cách dạy bé nói lời cảm ơn và xin lỗi

Có thể khẳng định rằng nói cảm ơn, xin lỗi là kỹ năng sống quan trọng mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần được dạy khi còn bé. Song, làm thế nào để con biết sử dụng những ngôn ngữ lịch sự này trong giao tiếp là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ.

Thực tế, không phải ai cũng thành công trong việc dạy con điều này. Nhiều người tâm sự rằng khi muốn con nói từ cảm ơn hoặc xin lỗi một ai đó, họ thường phải nhắc nhở bé. Để bé tự giác làm điều này, ba mẹ hãy tham khảo ngay 6 cách đơn giản dưới đây:

1. Hãy là một tấm gương tốt

Các chuyên gia giáo dục cho rằng một trong những cách tốt nhất để trẻ có những lời nói và hành vi tốt đẹp là thực hành nêu gương.

Cụ thể, trong giao tiếp hàng ngày với con cái, với các thành viên khác trong gia đình, với hàng xóm láng giềng, bạn cần sử dụng những từ ngữ mang tính lịch sự như làm ơn, cảm ơn, xin lỗi, lấy làm tiếc…

Ví dụ:

• Khi bé lấy đồ đạc giúp bạn, hãy nói: “Ba/mẹ cảm ơn con nhiều”.

• Khi được hàng xóm cho một thứ gì đó, hãy nói: “Cảm ơn anh/chị nhiều nhé! Cái này thật tuyệt, tôi rất thích!”.

• Khi bạn lỡ làm đau bé trong khi tắm, hãy nói: “Ôi, mẹ xin lỗi! Mẹ không cố ý”.

Làm mẫu bằng hành động cụ thể và nêu gương chính là cách mà chúng ta dạy con tử tế, lịch sự. Bé sẽ học được những điều tốt nhất bằng việc quan sát và lắng nghe. Lâu dần, tự khắc con sẽ biết sử dụng những ngôn ngữ này trong giao tiếp.

\>>> Đọc thêm: 10 cách dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân

2. Dạy con khi nào nên nói cảm ơn và xin lỗi

Không phải đứa trẻ nào cũng biết thời điểm nên nói cảm ơn, xin lỗi. Do vậy, các bậc cha mẹ phải dạy con điều này. Gần gũi và thiết thực nhất là bắt đầu từ việc dạy bé cách xin lỗi mẹ, cảm ơn mẹ hoặc những người thân trong gia đình, sau đó mở rộng ra ngoài xã hội.

Dưới đây là một số trường hợp cụ thể mà bé phải sử dụng lời cảm ơn hoặc lời xin lỗi:

• Khi con mắc lỗi, làm đau, làm hỏng đồ của một ai đó, phá hỏng cái gì đó… con phải biết nói xin lỗi.

• Khi được ai đó giúp đỡ hoặc nhường nhịn, chẳng hạn như lấy cho con đồ vật ở trên cao xuống, dắt tay con qua đường, nhường con ghế ngồi trên xe bus… con cần phải biết nói cảm ơn họ.

• Khi nhận bất cứ thứ gì từ người khác con cũng cần phải cảm ơn, ví dụ như bà đưa cho con cái bánh, cô giáo lấy cho con đồ chơi…

3. Kiên nhẫn và thường xuyên nhắc nhở con

Nếu bạn cảm thấy khó chịu khi con không biết cách xin lỗi người lớn hoặc không biết cảm ơn khi được ai đó giúp đỡ, thì bạn hãy nhớ rằng mọi em bé đều đang trong quá trình học tập. Do vậy, bạn cần phải kiên nhẫn với con.

Bé cần có thời gian để học và thực hành cách cư xử lịch sự này một cách thuần thục. Trong quá trình đó, ba mẹ cũng cần thường xuyên nhắc nhở con bằng những lời nói và hành động cụ thể.

Chẳng hạn như:

• Nhắc con nói xin lỗi anh/chị khi con lỡ làm hỏng đồ chơi của anh/chị.

• Nhắc con nói cảm ơn bà vì bà đã làm cho con chiếc bánh ngon.

• Khi đưa cho con một thứ gì đó, nếu bé chỉ nhận và không nói gì, hãy nhìn vào mắt con và hỏi rằng con nên nói gì nhỉ.

Bằng những cách nhắc nhở nhẹ nhàng và lặp lại nhiều lần như vậy, bé sẽ học được các hành vi tốt và dần hình thành thói quen cho mình.

\>>> Đọc thêm: Top 13 cách dạy con thông minh cha mẹ cần biết

4. Chỉ cho con cách nói cảm ơn và xin lỗi đúng

Một lời xin lỗi đúng không phải là thốt ra câu nói “con xin lỗi”, “tớ xin lỗi”… Một lời xin lỗi phải đi kèm với thái độ chân thành. Tương tự như vậy, lời cảm ơn cũng cần có thái độ lịch thiệp.

Vậy, bạn hãy dạy con:

• Giao tiếp bằng mắt, nhìn vào mắt người giao tiếp.

• Sử dụng giọng điệu phù hợp.

• Đứng thẳng người trong tư thế giữ yên.

• Chú ý đến thái độ của người giao tiếp, thể hiện sự quan tâm đến họ…

Ví dụ:

Ở khu vui chơi, bé lỡ chạy nhảy va vào bạn và làm bạn bị đau. Hãy dạy con đến bên bạn và nói: “Tớ xin lỗi nhé, tớ không cố ý đâu. Cậu có đau lắm không?”.

5. Giải thích cho con hiểu hậu quả của việc không nói cảm ơn và xin lỗi

Trong một số trường hợp, bé cảm thấy khó khăn để nhận lỗi, thậm chí từ chối nói lời xin lỗi với một ai đó mặc dù ba mẹ đã nhắc nhở. Lúc này, bạn cần phải dạy cho con hiểu hậu quả của việc không nhận lỗi sẽ như thế nào.

Chẳng hạn ở khu vui chơi, con đã giẫm lên chân bạn, làm bạn đau và con coi như không có chuyện gì xảy ra. Vậy, hãy nói với con các tình huống có thể xảy ra:

• Bạn đang bị đau, nếu con không xin lỗi sẽ khiến bạn cảm thấy bị tổn thương hơn.

• Bạn sẽ nghĩ rằng con là một đứa trẻ xấu, không muốn chơi với con và cũng không bạn nào muốn làm bạn cùng con nữa…

Hầu hết mọi đứa trẻ đều muốn làm hài lòng người khác và không thích mọi người xa lánh mình, do vậy điều này thường đủ để thuyết phục bé xin lỗi.

Trong trường hợp bé không biết nói cảm ơn và không thể hiện thái độ cảm kích khi được giúp đỡ, hãy nói cho con hiểu người giúp con sẽ cảm thấy như thế nào. Một khi con hiểu người tốt cảm thấy tổn thương, không được coi trọng, việc làm tốt của họ không có ý nghĩa… con sẽ biết nói cảm ơn đúng lúc.

\>>> Đọc thêm: Bật mí 12 cách dạy con của người Nhật khiến cả thế giới ngưỡng mộ

6. Đưa ra lời khen tích cực

Nhiều khi bé chưa hiểu được ý nghĩa của những lời nói lịch sự như cảm ơn, xin lỗi. Do vậy, con thường không chú trọng sử dụng chúng trong giao tiếp.

Các chuyên gia cho rằng không nên trách móc, chỉ trích vì điều này. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn nhắc nhở đồng thời tập trung nhiều hơn vào những hành vi tích cực.

Ba mẹ nên thường xuyên khen ngợi con để giúp con biết coi trọng những lời nói mang ý nghĩa tốt đẹp. Luôn khen ngợi bé vì cách cư xử lịch thiệp sẽ khuyến khích và thúc đẩy bé tiếp tục hành vi đó.

Hãy khen con như:

• Sáng nay con làm hỏng đồ chơi của bạn, mặc dù đó là việc không tốt nhưng con đã biết xin lỗi bạn. Mẹ rất vui vì điều đó.

• Ông bà rất vui vì con đã gọi điện cảm ơn ông bà vì món quà sinh nhật.

Nếu bạn biết chú trọng dạy con nói cảm ơn và xin lỗi ngay từ khi còn bé, sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt. Lớn lên con sẽ là cô bé, cậu bé lịch thiệp, nhã nhặn và được mọi người yêu quý. Do vậy, đừng quên dạy phép tắc này cho con mỗi ngày ba mẹ nhé!

Chủ Đề