Kỷ yếu 150 năm charles darwin và thuyết tiến hóa năm 2024

[TBKTSG Online] – Như một sự trớ trêu của lịch sử, thuyết “sáng tạo” của thiên chúa đã bị phá vỡ bởi một sinh viên thần học tên là Charles Robert Darwin, mà nếu còn sống thì năm nay vừa tròn 200 tuổi.

Cách đây đúng 150 năm Charles Darwin cho ra đời quyển sách “On the Origin of Species” [Về nguồn gốc của các loài], trình bày những yếu tố cơ bản về sự hình thành loài vật, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tư duy của con người và mở ra một chương hoàn toàn mới không chỉ cho ngành sinh học.

Cho đến nay chưa có một lý thuyết sinh học nào đứng vững lâu dài và được tranh luận nhiều như thuyết tiến hóa của Charles Darwin. Ðể đưa ra thuyết này, Darwin đã quan sát và suy ngẫm trong suốt cuộc hành trình vòng quanh thế giới gần năm năm trên chiếc tàu đo đạc HMS Beagle và dành hơn 20 năm tư duy và nghiên cứu. Sách của ông vừa xuất bản đã bán hết ngay trong ngày đầu và liên tục tái bản đến 6 lần.

Vào thời đó quan niệm về cuộc sống được giải thích bằng thuyết sáng tạo: Chúa là đấng thượng đế tạo ra thế giới, vật chất và con người, là kim chỉ nam cho mọi cuộc sống. Cũng trong thời này, khi sự hiểu biết khoa học, nhất là khoa học tự nhiên, còn giới hạn thì thuyết tiến hóa của Charles Darwin là một cuộc cách mạng khoa học vĩ đại.

Khi được công bố, thuyết tiến hóa đã gây ra một cuộc tranh cãi mãnh liệt, không chỉ từ phía giáo hội mà cả trong giới khoa học. Nó ảnh hưởng không ít đến các suy nghĩ về phát triển sinh vật và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng mãnh liệt trong tương lai.

Charles Darwin là ai?

Charles Darwin là một nhà khoa học người Anh, sinh vào ngày 12-2-1809, cách đây đúng 200 năm tại Shrewsbury, một làng nhỏ của Anh Quốc.

Ông là con thứ năm trong sáu anh chị em. Mẹ mất sớm, cha ông là một bác sĩ dân dã, sống ở ngoại thành, nhờ đó thời trẻ Darwin có điều kiện thực hiện ý thích của mình là sưu tầm đá khoáng và quan sát sự phát triển của các loài sinh vật.

Ông nội của Darwin là nhà khoa học có tiếng Erasmus Darwin. Bên ngoại của Darwin cũng là những người thành đạt trên thương trường, vì vậy cuộc sống vật chất của ông tương đối đầy đủ.

Sau khi xong bậc trung học ông theo gương cha và anh học y khoa tại Edinburgh, nhưng một số môn của ngành này không làm ông hài lòng, nên sau hai năm ông không tiếp tục mà chuyển sang ngành thần học tại Đại học Cambridge, một trường đại học có tiếng ở Anh Quốc.

Mặc dù học thần học, Darwin vẫn thích quan sát và theo dõi các hiện tượng thiên nhiên. Nhờ chuyển sang Cambridge, Darwin quen được nhà địa chất học Adam Sedgwick và nhà sinh học John Stevens Henslow, những người đã ảnh hưởng mạnh đến tư duy của ông. Sau khi Darwin học xong, Henslow khuyên và giúp ông đi theo chiếc tàu đo đạc HMS Beagle để rút kinh nghiệm và mở mang kiến thức.

Vào tháng 12-1831 Darwin lên đường và bắt đầu một cuộc hành trình vòng quanh thế giới dài gần năm năm. Trong suốt thời gian này ông tham quan nhiều vùng cực xa quê hương ông, trong có New Zealand, Úc, nhiều nước Nam Mỹ, Nam Phi, quần đảo Galapagos ở Thái Bình Dương… đến đâu ông cũng sưu tầm, quan sát và ghi chép sự biến đổi địa chất, sinh vật.

Ðiều gây ấn tượng cho Darwin nhiều nhất là tác động của thiên nhiên làm thay đổi mặt đất. Chuyến đi này đã mang đến cho ông nhiều viên gạch hiểu biết, tuy còn rời rạc nhưng để rồi hơn 20 năm sau ông gom lại và xây dựng thành một tòa nhà khổng lồ: thuyết tiến hóa.

Cuộc tiến hóa của thuyết tiến hóa

Sau khi trở về Anh Quốc, Darwin lúc đó vừa được 28 tuổi, đã đưa ra một ý tưởng táo bạo, được ghi trong cuốn tập nháp của ông, “I think” [tôi nghĩ], trong đó mô tả một sơ đồ đơn giản về nguồn gốc và sự phát triển của sinh vật. Song song với các bài viết về địa chất, Darwin liên tục nghiên cứu để phát huy ý tưởng này. Ðến năm 1842 ông đã đề ra được các điểm cơ bản trong lý thuyết tiến hóa, nhưng vào thời đó các luật lệ tôn giáo còn được xem như mẫu mực bất di bất dịch nên ông phải kiên nhẫn tìm thêm bằng chứng trước khi công bố.

Do một sự tình cờ, mùa hè năm 1857 Darwin nhận được thư và bài viết của nhà sinh học Alfred Russel Wallace để nhờ đọc và chuyển cho Charles Lyell, nhà khoa học có tiếng đương thời. Nội dung bài viết của Wallace gần giống như lý thuyết của Darwin. Darwin rất ngạc nhiên, một mặt vui mừng vì có người suy nghĩ giống mình, và tin tưởng hơn vào lý thuyết, nhưng mặt khác lại do dự, vì đây là lý thuyết mà ông đã khai phá từ 20 năm trước và đang nghiên cứu để tìm thêm bằng chứng chứng minh.

Sau cùng Darwin quyết định đưa bài viết của Wallace và đề tài nghiên cứu của mình cho Lyell, vừa là đồng nghiệp vừa là bạn, để nhờ giải quyết. Charles Lyell đề nghị giới thiệu công bố chung trước một buổi họp của tổ chức Linnean Society of London. Tuy nhiên, buổi họp này và các bản in sau đó không tạo được ấn tượng lớn trong giới khoa học.

Mãi đến năm sau, năm 1859, khi quyển “On the Origin of Species” của Darwin với các lý luận và quan sát thực tế ra đời, mới gây ra một phản ứng mãnh liệt, nhất là từ phía tôn giáo và liên tục là đề tài tranh cãi của các nhà khoa học trên khắp thế giới.

Ðầu thế kỷ thứ 20, khi định luật di truyền của Mendel được khám phá trở lại, thuyết tiến hóa có thêm nhiều cơ sở lý luận khoa học. Trong những năm kế tiếp Darwin cho xuất bản thêm nhiều quyển sách để hỗ trợ cho thuyết của mình, quan trọng nhất là quyển “The Variation of Animals and Plants under Domestication” [Sự biến đổi của động vật và thực vật trong trạng thái thuần hóa] xuất bản năm 1868 và quyển “The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex” [Nguồn gốc của con người và sự chọn lọc liên quan đến giới tính] trong năm 1871.

Thuyết tiến hóa

Trong cuộc hành trình trên chiếc tàu lịch sử Darwin đã đi qua nhiều nơi, nhưng có lẽ quần đảo Galapagos là nơi gây cho ông nhiều ấn tượng nhất. Tại đây Darwin khám phá các loài chim sẻ [Geospiza magnirostris, Geospiza fortis…] chỉ khác nhau về một số tính trạng: màu lông và dạng mỏ. Theo ông sự khác biệt của các loài chim sẻ là do chúng thay đổi hình dạng để thích nghi với môi trường sống [trên nhiều hòn đảo khác nhau] và động lực cơ bản của sự phát triển này là sự cạnh tranh thường xuyên của các cá thể trong một loài và giữa các loài.

Darwin thừa nhận, ba yếu tố quan trọng để hình thành loài mới là sự đa dạng của các cá thể trong một quần thể được xác định qua bản chất di truyền, số lượng cá thể sinh ra ở thế hệ kế tiếp nhiều hơn số cần thiết để truyền giống và sau cùng các loài vật sống hiện nay không thể hình thành cùng một thời điểm mà trải qua nhiều bước nhỏ và không nhảy vọt. Darwin tìm cách dẫn chứng cho thấy, trong quá trình phát triển, các loài mới hình thành chưa bao giờ có mặt trước đây và theo ông mức độ giống nhau của các cá thể trong một loài là một bằng chứng hiển nhiên: chúng có cùng một nguồn gốc.

Thuyết tiến hóa của Darwin không chỉ nhận được sự đồng tình của các nhà khoa học, mà đồng thời cũng gặp nhiều chống đối, nhất là của các nhà thần học và những người theo chủ nghĩa Creationism muốn giữ vững thuyết “sáng tạo”.

Trên thực tế thuyết tiến hóa có giải thích đầy đủ sự phát triển của các loài sinh vật hay không thì hiện nay còn tranh cãi, nhưng một điều chắc chắn khó có thể áp dụng hoàn toàn cho loài người. Vì loài người không chỉ sống bằng bản năng như loài thú mà còn có một xã hội, nền văn hóa, tính nhân đạo. Với khả năng này, con người không chỉ thay đổi để thích nghi với môi trường sống mà còn biến đổi môi trường cho hợp với cuộc sống của chính mình, thành một xã hội nhân đạo của loài người, do con người tạo dựng nên.

Chủ Đề