Lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại mới nhất năm 2022

Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đồng bộ, linh hoạt

Chính sách hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ được ban hành tại Quyết định số 422/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN].

Mục đích của Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành ngân hàng; kế hoạch hành động bám sát các quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết số 11; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo của từng đơn vị và sự hợp tác giữa các đơn vị trong và ngoài ngành Ngân hàng để nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, giải pháp và đạt mục tiêu đề ra.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của kế hoạch là điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều hành tín dụng đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 02 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán.

Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam [Agribank]; bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng [TCTD] và tiếp tục xử lý nợ xấu: Tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021-2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank; theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc lĩnh vực quản lý của NHNN.

Kế hoạch cũng nêu rõ, trên cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nêu trên, các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tổ chức triển khai quyết liệt kế hoạch hành động; thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình triển khai của đơn vị; chỉ đạo xử lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chỉ đạo triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đạt được mục tiêu đề ra…/.


 Mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định là 4,8%/năm
Cụ thể, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN là 4,8%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 2196/QĐ-NHNN ngày 24/12/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN.


[Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN]

Trong bối cảnh tiền VND chịu áp lực mất giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát được đặt lên cao, giới phân tích nhận định, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ và điều chỉnh tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ chưa quá lớn để vẫn có thể hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch.

Lãi suất cho vay thực tế đã nhích tăng?

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt tới 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,51%.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới công bố, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng trong nửa đầu năm được giải thích bởi một loạt các yếu tố như nhu cầu tín dụng phục hồi và việc phản ánh mức độ tăng của giá hàng hóa.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 4,5% so với đầu năm. Nhiều ngân hàng thương mại theo đó đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn và tăng nhanh hơn dự kiến. Lãi suất cho vay cũng bắt đầu tăng vào cuối quý 2/2022.

Thanh khoản toàn hệ thống chịu áp lực vào đầu quý 2/2022 sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 2,5% và lãi suất huy động của một số ngân hàng tăng trong khoảng 10-95 điểm cơ bản.

Tuy vậy, dữ liệu của SSI cũng ghi nhận áp lực tăng lãi suất tiền gửi đã dần giảm bớt trong tháng 5-6/2022, do các ngân hàng trong nửa đầu năm 2022 đã sử dụng gần như hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp.

Do đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã bình thường trở lại, xuống dưới 1% và một số ngân hàng thậm chí còn hạ lãi suất đối với các khoản tiền gửi có giá trị nhỏ vào cuối tháng Sáu.

Với nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng từ 1-2% so với đầu năm với các khoản giải ngân mới. Thực tế, ghi nhận ở một số ngân hàng thương mại, một số khoản cấp tín dụng trước đó như cho vay mua nhà, đầu tư bất động sản… đã được các ngân hàng điều chỉnh tăng.

Trong khi đó, kết quả điều tra xu hướng do Vụ Dự báo-Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cho biết, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực thu hẹp chênh lệch lãi suất biên và phí phi lãi suất để hỗ trợ khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

[Biến động ngược chiều tỷ giá tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?]

Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho biết tiếp tục giữ nguyên hoặc có xu hướng “thắt chặt nhẹ” các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể để đảm bảo chất lượng tín dụng.

Nhiều tổ chức tín dụng dự kiến, trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện hơn so với nửa đầu năm nay ở tất cả các lĩnh vực.

Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục “thắt" nhẹ các điều khoản và điều kiện cho vay khách hàng doanh nghiệp, cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, nhưng sẽ nới lỏng hơn đối với cho vay sản xuất kinh doanh.

Lãi suất có thể tăng sớm hơn dự kiến

Theo SSI, trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý 2/2022, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng công cụ bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối nhằm có thể ổn định thị trường và hạn chế việc tác động lên mặt bằng lãi suất.

Tuy nhiên, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng-tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào, nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh. Do đó, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, nếu hạn mức tín dụng được nới.

Hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân. [Ảnh: Trần Việt/TTXVN]

Đồng thời, một số ngân hàng cũng sẽ có nhu cầu tăng vốn dài hạn, do mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn sẽ được điều chỉnh từ 37% xuống 34% và cho vay dài hạn có thể là động lực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022.

Chuyên gia SSI cho rằng, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%. Lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới sẽ cao hơn 1%-2% so với năm 2021.

Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay đối với các khoản vay dài hạn cũ điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.

Trong năm 2023, SSI dự báo diễn biến của lãi suất có thể sẽ có sự khác biệt giữa nửa đầu năm và nửa cuối năm.

Nhiều khả năng lãi suất huy động sẽ vẫn chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023, với CPI theo ước tính là 5,2%. Sau đó, lãi suất huy động có thể sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2023, khi áp lực lạm phát giảm dần [CPI theo ước tính là 3,4% trong nửa cuối năm 2023].

Trong cả năm, lãi suất huy động dự kiến sẽ tăng khoảng 70-80 điểm cơ bản và tiệm cận mức trước COVID-19 tại một số ngân hàng.

Trong dự báo mới đây, các tổ chức quốc tế cũng nhận định Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh tăng lãi suất điều hành sớm hơn dự kiến.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng [dù phần lớn là lạm phát “nhập khẩu” từ nước khác] sẽ thúc giục cơ quan này cần phải thắt chặt tiền tệ.

Dựa trên những dự báo của HSBC, ông Khoa cho biết, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ quý 4/2022, thậm chí có lúc vượt trần 4% của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, thời điểm áp dụng biện pháp bình thường hóa tiền tệ sẽ đến sớm hơn trong bối cảnh áp lực giá gia tăng.

Các chuyên gia của HSBC vẫn giữ quan điểm về việc Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ điều chỉnh lãi suất tăng 50 điểm cơ sở trong quý 3/2022 [hiệu lực từ quý 4/2022]; đồng thời dự báo sẽ tăng 50 điểm cơ sở mỗi quý kể từ quý 4/2022 cho đến quý 2I/2023. Lãi suất điều hành theo đó sẽ tăng mạnh lên 6,5% vào cuối quý 3/2023.

Trong khi đó, Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 và có thể sẽ thực hiện bình thường hóa chính sách vào quý 4/2023 với việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 4,5%.

Dẫu vậy, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cũng cho rằng, dù Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra tín hiệu về sự thay đổi trong lập trường.

Cùng đó, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng chỉ vừa mới bắt đầu, nhưng khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, khi lạm phát ngày càng gia tăng và VND mất giá nhanh hơn dự kiến, đặc biệt là nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ [Fed] tiếp tục lập trường “diều hâu”-chính sách kinh tế ủng hộ tăng lãi suất để chống lạm phát./.

Hứa Chung [TTXVN/Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề