Lạng Sơn có bao nhiêu phương?

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới thuộc khu vực Đông Bắc của Việt Nam. Lạng Sơn nằm trong toạ độ từ 20o27’ – 22o19’ B và từ 106o06’ – 107o21’ Đ. Phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Quảng Tây [Trung Quốc]. Phía Tây giáp tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Phía Nam giáp Bắc Giang và Quảng Ninh. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng.

Là cửa ngõ phía Bắc của Việt Nam, Lạng Sơn có vị trí địa lý và chính trị quan trọng. Lạng Sơn nằm trong vùng đệm giữa địa bàn kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và vùng kinh tế phát triển năng động Tây Nam Trung Quốc, có hệ thống giao thông đường bộ khá phát triển. Lạng Sơn cũng là ga đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên Việt, đồng thời nối với tuyến liên vận quốc tế. Trên tuyến biên giới với Trung Quốc có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu quốc gia và 7 cặp chợ đường biên với  hoạt động giao lưu kinh tế sôi động.

Với vị trí này, Lạng Sơn có nhiều điều kiện thuận lợi để hội tụ, buôn bán, giao lưu và phát triển một nền kinh tế đa dạng và tổng hợp.

Địa hình

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có địa thế tương đối thấp. Dạng địa hình phổ biến của tỉnh là núi thấp và đồi, ít núi trung bình và không có núi cao. Độ cao trung bình toàn tỉnh là 252m so với mực nước biển. Nơi thấp nhất là 20m, nơi cao nhất là đỉnh Phja Mè cao 1541m.

Độ cao dưới 700m chiếm 96,3% diện tích tự nhiên; độ cao trên 700m chiếm 3,7%. Về đại thể, Lạng Sơn có 3 khu vực địa hình cơ bản:

- Vùng núi đá vôi cánh cung Bắc Sơn, độ cao trung bình là 400-500m, cao về phía Tây Bắc và thấp dần ở phía Đông Nam.

- Vùng đồi núi tả ngạn sông Kỳ Cùng và dọc thung lũng sông Thương, chiếm 40% diện tích toàn tỉnh. Địa hình phổ biến là núi thấp và đồi, cấu tạo chủ yếu bởi đá trầm tích lục nguyên, có xen một ít đá mắc ma.

- Vùng máng trũng Thất Khê – Lộc Bình và đồi núi dọc biên giới Việt – Trung, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh và chiếm 35% diện tích tự nhiên.

Khí hậu

Lạng Sơn nằm hoàn toàn trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do địa hình toàn tỉnh là 252m, lại chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc nên khí hậu tỉnh mang tính chất á nhiệt đới với tổng nhiệt độ trong năm từ 7600 đến 78000C/năm và lượng mưa trung bình năm 1400 - 1500 mm, với số ngày mưa là 135, độ ẩm trung bình trên 82%.

Lạng Sơn có tổng lượng bức xạ hàng năm cao, đạt khoảng 110 – 120 kcal/cm2, lượng bức xạ cực đại vào tháng VII [12-13 kcal/cm2] và cực tiểu vào tháng I [6kcal/cm2].

Nhiệt độ trung bình năm là 17 - 220C. Về mùa Đông, nhiệt độ trung bình từ 13 đến 170C, thấp nhất vào tháng I [13,30C], có nơi xuống dưới 00C.

Khí hậu Lạng Sơn có thuận lợi là ít chịu ảnh hưởng của bão. Thế nhưng, bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng thường xảy ra một số hiện tượng thời tiết như sương muối, sương mù, mưa phùn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. 

Tài nguyên thiên nhiên

- Đất

Đất đai Lạng Sơn khá phong phú với 3 nhóm chính:

- Nhóm đất ở vùng đồi và núi thấp là đất feralit được hình thành trên đá mạ là phiến thạch sét và cát bột kết thích hợp với việc trồng rừng, trồng cây công nghiệp dài ngày và các cây có củ; hoặc hình thành trên đá mẹ là sa thạch cát kết và mắcma axit thích hợp với trồng hoa màu, hồi, chè và các cây ăn quả.

- Nhóm đất được hình thành trên núi cao là loại đất feralit mùn, thuận lợi cho việc trồng rừng, trồng cây ăn quả, dược thảo và rau ôn đới.

- Nhóm đất phù sa được bồi đắp hàng năm, chiếm diện tích không lớn, chạy dọc hai bờ sông Kỳ Cùng, sông Thương và sông Lục Nam, với địa hình canh tác thuận lợi, được sử dụng để trồng ngô, đậu tương, lạc.

- Rừng

Rừng Lạng Sơn là một trong những thế mạnh của tỉnh. Rừng không chỉ có tác dụng cân bằng sinh thái, bảo vệ đất, chắn gió, cung cấp lâm sản, dược liệu và nguyên liệu cho các ngành kinh tế và đời sống, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an ninh, quốc phòng và cả trong phát triển du lịch.

Rừng Lạng Sơn có 65 họ, 279 loài thực vật, với nhiều cây đặc hữu của địa phương. Các cây lấy gỗ quý hiếm như trao, chò, hoàng đàn, nghiến, nhiều loại dược liệu có giá trị, cây công nghiệp đặc sản như hồi, quế, long não, dẻ…

Giới động vật ở Lạng Sơn khá phong phú: lớp thú có 8 bộ, 24 họ với 56 loài; lớp chim có 14 bộ, 46 họ với 200 loài; lớp bò sát có 3 bộ, 17 họ với 50 loài và hàng chục họ, lớp cá. Ngoài ra, Lạng Sơn còn có một số loài bản địa đặc hữu của khu hệ động vật Đông Bắc như cáo, gấu ngựa, hươu xạ, sóc bụng đỏ, tê tê, tắc kè, rắn, dê núi, khỉ mốc, cá anh vũ, cá sạo, ếch gai.

- Khoáng sản

Lạng Sơn đã phát hiện 86 điểm mỏ quặng, khoáng thuộc 19 loại khoáng sản khác nhau. Các mỏ đều trung bình, lại nằm phân tán. Trong đó chỉ có một số mỏ khoáng sản có ý nghĩa kinh tế lớn đang được khai thác và đưa vào sử dụng là than nâu, than bùn, đá vôi, sét, bô xít, phốtphorit.

Nhóm kim loại màu gồm có nhôm, đồng, chì, kẽm và đa kim. Trong số đó nhôm có trữ lượng lớn nhất. 

Kim loại hiếm bao gồm thiếc, vanađi và môlíp đen.

Khoáng sản nhiên liệu gồm than nâu, than bùn.

Khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng gồm đá cacbônat, cát, cuội, sỏi, sét và vôi sét, đá phun trào và đá mafic tuổi triat.

Du lịch

Lạng Sơn là một tỉnh có lợi thế lớn về phát triển ngành du lịch bởi sự kết hợp phong phú, hài hoà giữa vị trí địa lý, thiên nhiên, lịch sử và con người. Từ ngàn xưa xứ Lạng đã được biết đến qua câu ca dao:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên xứ Lạng cùng anh

 Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.

Câu ca dao ghi nhận danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử, những thành quả xây dựng của người dân xứ Lạng và cả nguồn cảm hứng của du khách.

Đến với Lạng Sơn du khách có thể tham quan núi rừng tự nhiên và phong cảnh đẹp với khí hậu mùa hè mát mẻ, dễ chịu như động Tam Thanh, Nhị Thanh, Nàng Tô Thị… cũng như các địa danh lịch sử nổi tiếng như ải Mục Nam Quan, ải Chi Lăng, thành Nhà Mạc, vùng căn cứ cách mạng Bắc Sơn…

Ngoài các di tích, Lạng Sơn còn có nhiều lễ hội như đền Bắc Lệ, hội đền Mẫu, hội đền Kỳ Cùng, hội chùa Tiên và lễ hội Lồng Tồng.

Bên cạnh đó Lạng Sơn còn có các di tích khảo cổ học Thẩm Hai và Thẩm Khuyên, văn hoá tiền sử Bắc Sơn, chùa Tiên… Cho đến năm 1999, toàn tỉnh có 17 di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin [nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch] xếp hạng.

Đặc sản

  • Vịt quay Lạng Sơn

  • Lợn quay Lạng Sơn

  • Phở chua

  • Rượu Mẫu Sơn

  • Bánh cuốn trứng

Hành chính và các đơn vị trực thuộc

Tỉnh lị là thành phố Lạng Sơn. 

Các đơn vị hành chính bao gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện: Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập

Lịch sử

Ngay từ thời xa xưa, hai chữ “xứ Lạng” đã được ghi vào sử sách và tâm khảm người dân đất Việt. Ngay từ thời Hùng Vương, Việt Nam đã có 15 bộ, trong đó có bộ Lục Hải và Lạng Sơn nằm trong bộ Lục Hải này.

Vào đời Trần là lộ Lạng Giang. Năm 1437, đổi làm trấn Lạng Giang. Năm 1466 đặt làm thừa tuyên Lạng Sơn. Năm 1490 đổi là xứ Lạng Sơn. Năm 1509 đổi làm trấn Lạng Sơn. Năm 1831 đổi là tỉnh Lạng Sơn. Tháng 12-1975, Lạng Sơn và Cao Bằng hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng. Đến tháng 12-1978, tỉnh Cao Lạng lại tách làm hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng.

Tỉnh Lạng Sơn được chia thành 11 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Lạng Sơn và 10 huyện. Toàn tỉnh có 206 xã, 5 phường và 14 thị trấn. Trong 206 xã có 135 xã vùng cao, 80 xã trong số này được xếp vào vùng 3.

Kinh tế

Xuất phát từ một nền kinh tế kém phát triển, mang tính tự cấp tự túc, cơ sở vật chất kỹ thuật không có gì đáng kể, từ đầu thập kỷ 90 cho đến nay, nền kinh tế Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, cùng với sự đổi mới về cơ chế và chính sách của Nhà nước.

Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Lạng Sơn đang có sự chuyển dịch đáng kể, mặc dù nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh.

Về cơ cấu ngành, xu thế tăng tỉ trọng của công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm tỉ trọng của nông, lâm, ngư nghiệp thể hiện rất rõ.

Về cơ cấu thành phần kinh tế, thời gian qua, vai trò của khu vực kinh tế Nhà nước ở Lạng Sơn luôn luôn chiếm vị trí quan trọng trong việc tạo ra tổng sản phẩm nội tỉnh, trong đó phần quốc doanh địa phương có xu hướng tăng lên.

Lạng Sơn có lợi thế về phát triển kinh tế thương mại, với điều kiện về khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống giao thông thuận lợi, nên việc buôn bán trong những năm qua ở đây rất sôi động, hàng hoá trong tỉnh, các tỉnh bạn và trong cả nước qua Lạng Sơn xuất khẩu sang Trung Quô´c với số lượng, chủng loại lớn. Thương mại Lạng Sơn phát triển nhanh chóng đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, tăng thu nhập cho ngân sách địa phương và trung ương.

Hệ thống ngân hàng tập trung ở địa bàn thành phố, các khu kinh tế cửa khẩu hoạt động năng động và hiệu quả, thủ tục tương đối đơn giản, chặt chẽ, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế, hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá và ngoại tệ.

Văn hoá

Tên xứ Lạng đã xuất hiện trước khi tỉnh Lạng Sơn chính thức được thành lập [1831] gần một thế kỷ. Hai tiếng xứ Lạng được ghi vào sử sách và tâm khảm người dân đất Việt từ xa xưa.

Đây là một trong những nơi phát hiện ra các di chỉ của người Việt thời sơ sử, tiền sử. Lạng Sơn in đậm dấu ấn của các nền văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Những dân tộc có đông cư dân ở Lạng Sơn như Nùng, Tày, Việt, Dao. Họ có nhiều phong tục tập quán và lễ tết rất độc đáo.

Dân tộc Nùng có một kho tàng văn hoá dân gian phong phú và nhiều làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc. Dân tộc Tày có nền văn hoá cổ truyền phong phú. Tục ngữ, ca dao chiếm một khối lượng đáng kể trong kho tàng văn học của người Tày. Người Sán Chay phổ biến với hình thức văn nghệ là sình ca và nhiều điệu múa như đâm cá, múa thắp đèn, múa chim gâu. Người Ngái có lối hát giao duyên nam nữ gọi là sường cô rất phong phú và đặc sắc. Người H’Mông dùng khèn, sáo, kèn lá để gọi bạn hay tỏ tình, để ca ngợi quê hương, ca ngợi cuộc sống. Người Dao có nhiều loại truyện cổ, bài hát, thơ ca. Với truyền thống văn hoá phong phú như vậy, Lạng Sơn có khả năng khai thác thế mạnh này phục vụ cho phát triển du lịch.

Giao thông

Ngành giao thông của tỉnh đã được nâng cấp, cải tạo, nối liền thành phố Lạng Sơn với các trung tâm của tỉnh với tất cả thị trấn, huyện lỵ và các tỉnh trong vùng cũng như trong cả nước. Các loại hình giao thông vận tải chính của tỉnh gồm có đường bộ và đường sắt.

Đường bộ

Với tổng chiều dài trên 2800 km, các tuyến quốc lộ đều được trải nhựa, có lực lượng chuyên trách quản lý, duy tu. Ngoài các tuyến quốc lộ, Lạng Sơn còn có mạng lưới giao thông nội tỉnh với chiều dài trên 2300km, có thể đi tới trung tâm của 206 xã và 19 phường, thị trấn. Toàn tỉnh có các quốc lộ sau:

Quốc lộ 1A: Là tuyến quốc lộ xuyên Việt, từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan qua địa phận Lạng Sơn về Hà Nội.

Quốc lộ 1B: Lạng Sơn qua Thái Nguyên

Quốc lộ 4B: Lạng Sơn đi Cao Bằng

Quốc lộ 4A: Lạng Sơn qua Tiên Yên đến thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

Quốc lộ 31: Đình Lập - Bắc Giang

Quốc lộ 279: Bắc Kạn - Bình Gia [tỉnh Lạng Sơn] - Lục Ngạn [tỉnh Bắc Giang]

Đường sắt

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Lạng Sơn lên đến cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, dài 162 km. Tuyến đường sắt này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội của Lạng Sơn mà còn đối với cả nước trong việc trao đổi hàng hoá, nguyên liệu, nông sản và vận chuyển hành khách giữa Lạng Sơn nói riêng, Việt Nam nói chung với Trung Quốc và các nước khác. Ngoài ra, Lạng Sơn còn có tuyến đường sắt nhánh Yên Trạch – Na Dương, dài 50 km, dùng để vận chuyển than khai thác từ mỏ Na Dương.

Chủ Đề