Lỗi thiên kiến là gì

[ToMo] 9 Loại Thiên Kiến Ảnh Hưởng Đến Khả Năng Đưa Ra Quyết Định Hằng Ngày Của Bạn

Liệu bạn có tự tin rằng mình là người suy nghĩ khách quan, không thiên kiến? Theo tôi, hầu hết mọi người đều cho rằng bản thân họ luôn đưa ra mọi quyết định một cách khách quan và công tâm.Ai cũng đều cho rằng mình có thể xem xét tất cả các khía cạnh của một vấn đề sao cho thật công bằng và đưa ra kết luận hợp lý, không thiên vị.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người lại không nhận ra rằng, có nhiều loại thành kiến ​​ảnh hưởng đến quá trình đưa ra kết luận công bằng và khách quan ta đưa ra hàng ngày.

Các nhà tâm lý học liên tục phát hiện ra những loại thiên kiến ​​mới tác động đến khả năng phán đoán của chúng ta và ngăn cản ta đưa ra kết luận chính xác và công bằng nhất. Không nói đâu xa, phải cho tới gần đây, con người ta mới xác định và đặt tên được cho loại thiên kiến "Đánh giá phóng đại" [Khi bạn đánh giá quá cao mức độ người khác sẽ thích hoặc không thích một thứ gì đó]. Khi bị ảnh hưởng bởi thiên kiến này, ta chỉ suy xét cảm nhận của riêng mình về những ưu và khuyết điểm khác nhau, hình thành ý kiến mập mờ về một sự vật, sự việc, đồng thời, mặc định rằng những người khác đều cảm thấy yêu thích hoặc ghét bỏ nó hơn so với chúng ta.

Ví dụ, bạn có thể đánh giá phóng đại mức độ người khác ghét một kỳ nghỉ nhiệt đới dựa vào việc bạn biết cá nhân mình ghét bị muỗi đốt và cháy nắng. Bạn hoàn toàn bỏ qua khả năng những người khác có thể sẽ có suy nghĩ ngược lại. Một ví dụ khác là việc chúng ta đánh giá phóng đại mức độ mà một người nào đó không thích ăn tương ớt cay nồng. Tương tự như ví dụ trước, chúng ta áp đặt những ưu và khuyết điểm rút ra từ cảm nhận của cá nhân mình lên người khác, vì vậy ta liền suy ra rằng, nhiều người còn không thích sốt cay hơn cả bản thân ta.

Thiên kiến đánh giá phóng đại chỉ là một trong nhiều loại thiên kiến ​​và có một cách dễ dàng để điều chỉnh suy nghĩ của chúng ta thoát khỏi cái bẫy này. Khi chúng ta hiểu và nhận diện được những loại thiên kiến ấy, ta có thể đưa ra kết luận công bằng, chính xác hơn về mức độ hài lòng của mọi người về một sự vật, sự việc.

Hiểu biết về thiên kiến sẽ giúp bạn suy nghĩ kỹ hơn vào lần sau, khi bạn mua quà cho ai đó hoặc xác định mức giá mà người khác sẵn sàng trả cho thứ bạn đang bán. Bạn sẽ có nhiều thông tin hơn để có đa dạng góc nhìn về cách người khác cảm nhận về món quà hoặc sản phẩm đó và vì thế, tránh được bẫy thiên kiến đánh giá phóng đại.

Hãy cùng xem xét 9 loại thiên kiến phổ biến sau đây, và cách bạn có thể lưu tâm đến chúng, tránh để chúng đánh lạc hướng phán xét của bạn.

1. Hiệu ứng mỏ neo [Anchoring Bias]

Chúng ta có xu hướng coi trọng, đặt niềm tin nhiều hơn vào thông tin đầu tiên được đưa ra. Hãy tưởng tượng bạn đang bán nhà. Người đầu tiên ngả giá thấp hơn 50.000 đô la so với giá bạn mong đợi. Chịu ảnh hưởng của hiệu ứng mỏ neo, bạn sẽ suy xét kỹ hơn, coi trọng đề nghị này hơn bởi vì đây là người ngả giá đầu tiên. Mức giá thương lượng này có nhiều khả năng sẽ thay đổi suy nghĩ của bạn về giá trị căn nhà bạn giao bán hơn bất kỳ mức giá nào trong tương lai.

Cách đối phó với Hiệu ứng mỏ neo

Hiệu ứng mỏ neo thường liên quan đến tiền bạc và giá trị, vì vậy bạn phải để tâm đến cái bẫy này khi đưa ra các quyết định tài chính. Luôn nhớ rằng thông tin đầu tiên được đưa ra quan trọng không hơn/ không kém thông tin thứ năm.

Bạn cũng có thể chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán giao dịch bằng cách nhanh chân ngả giá đầu tiên. Nhờ hiệu ứng mỏ neo, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn làm lung lay mức giá trị mà người khác nghĩ về những gì bạn đang mua hoặc bán.

2. Thiên kiến trải nghiệm sẵn có [Availability Heuristic]

Thiên kiến trải nghiệm sẵn có là một cách nói hoa mỹ để chỉ việc chúng ta đánh giá quá cao tầm quan trọng của những thông tin có sẵn trong trí óc. Chúng ta thường quá phụ thuộc vào các ví dụ trong tíc tắc đã nảy ra trong đầu, thay vì cân nhắc mọi thông tin một cách công bằng.

Xem thời sự là một ví dụ của kiểu thiên kiến này. Vì chúng ta đã nghe quá nhiều về những câu chuyện về bạo lực và thảm họa, nên ta mặc định rằng thế giới này rất nguy hiểm. Dù cho ta có thể dễ dàng Google để thấy rằng thế giới ngày nay thực sự an toàn hơn về nhiều mặt so với những thập kỷ trước, nhưng thiên kiến trải nghiệm sẵn có vẫn ảnh hưởng đến cách nghĩ của chúng ta.

Cách đối phó với Thiên kiến trải nghiệm sẵn có

Một lần nữa tôi muốn nhắc lại rằng tri thức là sức mạnh để giải quyết vấn đề thiên kiến trải nghiệm sẵn có. Nhắc nhở bản thân rằng bằng chứng giai thoại [tuyên bố về thực tế chỉ dựa trên quan sát cá nhân] không có giá trị về mặt số liệu, khoa học khi chúng ta ra quyết định. Không thể vì thấy dì Sue trúng số, mà bạn cũng đi mua xổ số.

3. Hiệu ứng số đông [Bandwagon Effect]

Trong các loại thiên kiến, hiệu ứng số đông là một loại khá phổ biến. Hiệu ứng số đông miêu tả việc suy nghĩ của chúng ta thường bị ảnh hưởng theo cách nghĩ của số đông.

Hãy nghĩ về việc bạn đang phục vụ trong một bồi thẩm đoàn. Nếu trong cuộc bỏ phiếu ý kiến ban đầu, tất cả mọi người đều nói có tội ngoại trừ bạn, thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ nghĩ rằng bị cáo có tội. Cách hiệu ứng số đông hoạt động cũng giống như áp lực từ bạn bè vậy.

Cách đối phó với Hiệu ứng số đông

Bạn phải bám sát vào thực tế. Hãy nhớ cách nghĩ của người khác chưa chắc đã đúng, ngay cả khi tất cả mọi người cùng nghĩ theo cách ấy.


4. Thiên kiến xác nhận [Confirmation Bias]

Thiên kiến xác nhận có thể là loại phổ biến nhất. Đây là khi mọi người chỉ nghe theo những thông tin thuận theo những gì họ đã tin đúng.

Phương tiện truyền thông xã hội giống như thiên đường của thiên kiến xác nhận. Hãy nghĩ về chú Steve của bạn, người ủng hộ cho ứng viên chính trị A. Chú ấy chỉ xem tin tức và chia sẻ các bài đăng về việc ứng cử viên của mình tuyệt vời như thế nào. Điều này tạo ra tấm lưới chặn lại tất cả thông tin trái chiều về ứng viên A, và chú Steve không bao giờ tin vào chúng.

Cách đối phó với Thiên kiến xác nhận

Hãy lắng nghe cả những tranh luận phản biện và nghiêm túc xem xét chúng. Nếu bạn thường chỉ xem Fox News, hãy bắt đầu xem cả MSNBC. Nếu bạn luôn chỉ đọc The New York Times, hãy bắt đầu đọc cả The Wall Street Journal. Chúng ta càng xem xét nghiêm túc các quan điểm khác nhau, chúng ta sẽ càng đưa ra kết luận công tâm hơn.

5. Hiệu ứng Dunning-Kruger [Dunning-Kruger Effect]

Hiệu ứng Dunning-Kruger giải thích tại sao bạn càng biết nhiều về một lĩnh vực nào đó, bạn càng thiếu tự tin vào nhận thức của mình về lĩnh vực đó. Mặt khác, bạn càng biết ít, nhận thức càng đơn giản thì bạn lại càng tự tin hơn khi bàn về một sự vật, sự việc nào đó.

Cách tránh hiệu ứng Dunning-Kruger

Nếu bạn thấy cực kỳ tự tin về kiến thức chuyên môn bản thân về một lĩnh vực nào đó, hãy khiêm tốn lại một chút và tập trung vào những gì bạn chưa biết hoặc chưa hiểu.

Hãy thu thập càng nhiều thông tin càng tốt. Nếu bạn cảm thấy vấn đề nào đó có vẻ quá đơn giản, thì có thể là bạn chưa nắm đủ thông tin nên chưa hiểu độ phức tạp của vấn đề đó.

6. Thiên kiến quy kết bản chất [Fundamental Attribution Error]

Thiên kiến quy kết bản chất là việc bạn lấy hoàn cảnh để bao biện cho những sai lầm và thất bại của chính mình nhưng không cho phép người khác làm điều tương tự.

Ví dụ nổi bật nhất là lái xe ẩu. Nếu chúng ta đang loạng choạng lái xe và cảm nhận được việc mình đang đi ẩu như thế nào, chúng ta bào chữa bằng việc mình gặp xui xẻo hay đầu óc mình hôm nay không tập trung.

Tuy nhiên, khi ta nhìn thấy một người khác đang lái ẩu,chúng ta lại quy kết bản chất cho rằng họ lái ẩu là do họ già yếu, phụ nữ lái xe không giỏi hay bất cứ lý do quy chụp nào, mặc dù tình huống này là giống hệt như trường hợp người lái ẩu là chính chúng ta.

Cách đối phó với hiệu ứng Quy kết bản chất

Bất cứ khi nào bạn quy chụp ai đó dựa trên những sai sót của họ, hãy tự kiểm điểm lại bản thân vì rất có thể bạn đang mắc lỗi thiên kiến quy kết bản chất

Hãy nói với bản thân rằng họ có thể đang trải qua một ngày tồi tệ hoặc bạn chỉ đơn giản là không hiểu được tình hình của họ như thế nào. Nếu bạn được phép không phải lúc nào cũng giữ mình hoàn hảo và có những lý do phức tạp, thì họ cũng vậy.

7. Ưu tiên nội nhóm [In-group bias]

Tương tự như lỗi quy kết bản chất, nhưng thay vì nghĩ rằng tôi giỏi hơn những người khác, thì ưu tiên nội nhóm là khi chúng ta nghĩ các thành viên trong nhóm của mình tuyệt vời hơn các thành viên của các nhóm khác. Chúng ta thiên vị những người cùng nhóm chỉ vì họ ở cùng một nhóm với chúng ta.

Cách tránh ưu tiên nội nhóm

Giống như lỗi quy kết bản chất, bạn cần chủ động suy nghĩ về những đặc điểm đa dạng, hoàn cảnh phức tạp của những người thuộc nhóm khác để bù đắp cho sự ưu tiên nội nhóm của mình.

8. Thiên kiến lạc quan/ bi quan [Optimism/Pessimism Bias]

Tiếp theo đây là hai loại thiên kiến ​​khác nhau. Thiên kiến lạc quan là khi tâm trạng thoải mái, bạn thường nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp. Ngược lại, thiên kiến ​​bi quan là khi tâm trạng tồi tệ, bạn càng dễ nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Cách tránh bẫy Thiên kiến lạc quan/ bi quan

Bạn cần phải trở nên thông minh về mặt cảm xúc. Nếu bạn muốn tránh những loại thiên kiến ​​này, bạn phải học cách nhận diện và thấu hiểu cảm xúc hiện tại của mình và hoãn việc đưa ra quyết định quan trọng cho đến khi tâm trạng của bạn thực sự bình ổn.

9. Thiên kiến nhận thức chọn lọc [Selective Perception]

Thiên kiến này giải thích cho việc tại sao một số người dường như chỉ nhìn thấy những gì họ muốn. Nhận thức chọn lọc là việc những mong đợi của chúng ta ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận vấn đề.

Ví dụ, bạn hy vọng rằng bạn mình làm tốt phần trình bày của họ vì đơn giản họ là bạn của bạn và bạn cho rằng họ thật tuyệt vời. Thiên kiến nhận thức chọn lọc có thể khiến bạn lờ đi tất cả các lỗi của bạn mình nhưng lại tập trung nhìn ra tất cả các lỗi của những người thuyết trình khác.

Cách đối phó với Thiên kiến nhận thức chọn lọc

Để tránh thiên kiến nhận thức chọn lọc, bạn phải kiểm soát những kỳ vọng của mình ở mức vừa phải. Thậm chí, bạn nên giả vờ rằng bạn không kỳ vọng gì cả. Nói tóm lại, bạn cần học cách nhận biết tất cả các loại thiên kiến và cố gắng cởi mở tâm trí mỗi khi xem xét bất kỳ thứ gì.

Lời kết

Loại thiên kiến cuối cùng cung cấp cho chúng ta phương pháp khắc phục tốt nhất để khắc phục tất cả các loại thành kiến khác: Thành kiến điểm mù [Blindspot bias]. Thành kiến điểm mù giải thích cho việc tại sao mọi người chú ý đến thiên kiến nhận thức của người khác nhưng lại làm ngơ những thiên kiến của chính họ

Giải pháp tốt nhất để khắc phục tất cả loại thiên kiến là tự kiểm điểm bản thân. hãy tự mình tìm hiểu về các loại thiên kiến và sau đó tự nhận diện và kiểm điểm những thiên kiến của chính bạn.

Và nếu bạn không nghĩ rằng mình có bất kỳ thiên kiến nào, hãy tiếp tục nghiên cứu bản thân mình vì khả năng cao bạn đang bị thiên kiến điểm mù kiểm soát. Giống như tất cả mọi người, bạn có những thiên kiến. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thức được chúng và xem xét kỹ lưỡng cách chúng ảnh hưởng đến quá trình đưa ra quyết định của bạn như thế nào, thì bạn sẽ đưa ra được những quyết định công bằng và khách quan.

----------
Tác giả:Clay Drinko

Link bài gốc:9 Types of Bias That Cloud Our Everyday Judgement

Dịch giả: Bùi Thị Thu Phương -ToMo - Learn Something New

[*] Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là"Dịch Giả:Bùi Thị Thu Phương- Nguồn:ToMo - Learn Something New".Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

[**] Follow FacebookToMo - Learn Something Newđể đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

[***] Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại //bit.ly/YBOX-Partnership

Video liên quan

Chủ Đề