Macau ở đâu

 

Cờ Đặc khu hành chính Macau

 

Bản đồ Đặc khu hành chính Macau

Địa lý:

Vị trí: Đặc khu hành chính Macau nằm ở vùng ven biển phía nam Trung Quốc, bờ tây vùng đồng bằng châu thổ Chu Giang, kề với thành phố Chu Hải thuộc tỉnh Quảng Đông, cách Hồng Kông 60 km, cách Quảng Châu 145 km. Đặc khu hành chính Macau gồm bán đảo Macau và hai đảo Đãng Tử và Lộ Hoàn.

 

Một góc Macau

Tổng diện tích: 27,3 km2.

Dân số: Khoảng 488.000 người [năm 2005], mật độ dân số hơn 17.000 người/1km2, trong đó người Trung Quốc chiếm 95%, người Bồ Đào Nha chiếm 2% và người Philippines chiếm 1%.

Ngôn ngữ chính: Tiếng Hoa, tiếng Bồ Đào Nha, ngoài ra tiếng Anh cũng rất thông dụng.

Khí hậu: Nóng ẩm, chênh lệch nhiệt độ tương đối cao. Nhiệt độ từ tháng 6 đến tháng 9 cao hơn 30 độ C, từ tháng 11 đến tháng 2 nhiệt độ thấp nhất có thể dưới 10 độ C, tuy nhiên nhiệt độ trung bình năm không dưới 14 độ C. Mỗi năm, Macau đều chịu gió bão từ vùng biển Nam Thái Bình Dương.

 

Tháp Macau

Lịch sử và thể chế chính trị:

Cánh đây hơn 4.000 năm, những cư dân Trung Quốc thời cổ đại đã định cư và sinh sống ở bán đảo Macau. Đến thế kỷ XVI, Macau trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha và được xem là một tỉnh hải ngoại của nước này.

Ngày 20-12-1999, Macau trở về với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Căn cứ theo điều thứ 31 “Hiến pháp nước CHND Trung Hoa”, Khu hành chính đặc biệt Macau được thành lập. Theo phương châm “1 nhà nước, hai chế độ”, Macau được giữ nguyên chế độ tư bản chủ nghĩa và phương thức sinh hoạt không đổi trong 50 năm.

Chính sách “Người Macau quản lý Macau” để chỉ tính tự trị cao ở Macau, các cơ quan hành chính và lập pháp ở đây do người bản địa quản lý. “Người Macau” là các cư dân lâu đời ở Macau, bao gồm người Trung Quốc, người Bồ Đào Nha và những người khác phù hợp với điều kiện pháp lý quy định. Trưởng Đặc khu hành chính, các quan chức hành chính, y viên lập pháp, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án đều phải là những cư dân lâu đời ở Macau.

“Tự trị cao” để chỉ thực hiện quyền tự trị cao độ theo quy định pháp lý của Khu hành chính đặc biệt. Đặc khu hành chính Macau được hưởng quyền quản lý, lập pháp, tư pháp, chung thẩm độc lập và các quyền lợi khác theo ủy nhiệm của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Ủy ban Thường vụ của Đại hội cũng như sự ủy nhiệm của Chính quyền Trung ương. Nhưng “Tự trị cao” không có nghĩa là hoàn toàn tự trị, Chính quyền Trung ương vẫn giữ những quyền lực cần thiết để duy trì sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chức năng ngoại giao và quốc phòng do Chính quyền Trung ương phụ trách.

Đứng đầu Macau là Trưởng Khu hành chính đặc biệt, chịu trách nhiệm trước Chính quyền Khu và Chính quyền Trung ương.

Kinh tế:

Đơn vị tiền tệ: Pataca [MOP]. 1 USD = 8 Pataca.

GDP: Kinh tế Macau là một nền kinh tế năng động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Năm 2004, tổng giá trị sản phẩm [GDP] của Khu hành chính đặc biệt Macau là 82,69 tỷ pataca, tổng giá trị sản phẩm bình quân đầu người là 180.965 pataca, tương đương với 22.620 USD. Năm 2005, GPD ước tính đạt khoảng 11,5 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 24.300 USD.

 

Sòng bạc Sands, được mệnh danh là sòng bạc lớn nhất thế giới

Tuy quy mô kinh tế của Macau không lớn, nhưng tính mở cửa và linh hoạt. Ngành công nghiệp dịch vụ xuất khẩu ở Macau ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế. Đặc khu hành chính Macau dựa trên ưu thế quan hệ truyền thống với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu, Châu Mỹ, đặc biệt là với những quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha, làm cầu nối hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và thế giới.

Macau là thành phố mang diện mạo kết hợp văn hóa Đông, Tây và được gọi là “Monte Carlo phương Đông”, tập trung nhiều sòng bạc, khu vui chơi và điểm du lịch. Các điểm du lịch thu hút du khách là bảo tàng lịch sử, nghệ thuật Macau, miếu Mã Tổ, thiền viện Quan Âm, công viên Bồ câu, nhà thờ San Paulo,…

 

Nhà thờ San Paulo

Du lịch kết hợp với chơi cờ bạc là một trong những động lực kinh tế chủ yếu của Macau cùng với các ngành kinh doanh khách sạn, ăn uống, bán lẻ. Từ sau năm 1992, thu nhập mà ngành du lịch, dịch vụ mang lại vượt hơn giá trị xuất khẩu. Năm 2005, lượng du khách đến Macau đạt hơn 15 triệu người. Trong 9 tháng đầu năm 2005, thu nhập của ngành du lịch cờ bạc Macau đạt hơn 34,2 tỷ pataca.

Đối ngoại:

Macau và Bồ Đào Nha có mối quan hệ lịch sử lâu đời. Sau khi trở về Trung Quốc, Khu hành chính đặc biệt Macau thiết lập Văn phòng kinh tế thương mại Macau, Trung Quốc tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Macau và Bồ Đào Nha cùng các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.

Từ ngày 17 đến 19-5-2005, Đặc khu hành chính Macau thăm hữu nghị Bồ Đào Nha và có buổi hội kiến với Tổng thống Bồ Đào Nha và Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Khoa học Kỹ thuật và Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Hai bên bày tỏ nguyện vọng sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực.

Ngày 23-5-2001, Đặc khu hành chính Macau và nước Cộng hòa Bồ Đào Nha ký kết “Bản ghi nhớ cương yếu hợp tác giữa Đặc khu hành chính Macau nước CHND Trung Hoa và nước Cộng hòa Bồ Đào Nha”.

Macau tiếp tục phát huy quan hệ hợp tác với các nước nói tiếng Bồ Đào Nha, làm cầu nối giữa Trung Quốc và các nước này. Tháng 9-2002 và tháng 6-2005, Trưởng Đặc khu đã đi thăm Mozambique và Brazil. Bên cạnh đó, được sự ủy nhiệm của Chính quyền Trung ương, Macau đã tổ chức “Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các nước nói tiếng Bồ” vào tháng 10-2003. Diễn đàn được tổ chức 3 năm 1 lần gồm Trung Quốc và các nước nói tiếng Bồ chủ yếu như Bồ Đào Nha, Mozambique, Brazil, Angola, Cape Verde, Guinea Bissau, Đông Timor, ngoài ra còn mời thêm các tổ chức kinh tế trên thế giới.

Từ ngày 8 đến 12-10-2006, nhận lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Trưởng Đặc khu hành chính Macau Hà Hậu Hoa thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

[Vũ Hải, Phòng Chính trị Kinh tế đối ngoại, ngày 11-10-2006]

Video liên quan

Chủ Đề