Mẫu giảm trừ gia cảnh mới nhất năm 2023

- Trình tự thực hiện: 

+ Cá nhân lập bản đăng ký người phụ thuộc được giảm trừ gia cảnh gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan chi trả thu nhập [Phòng Kế hoạch Tài chính - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM].

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công gửi bản đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh cho cơ quan chi trả thu nhập chậm nhất vào ngày 30 tháng 01 hàng năm. Trường hợp ký hợp đồng lao động [hoặc có quyết định tuyển dụng] sau ngày 30/01 thì thời hạn đăng ký người phụ thuộc chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng ký hợp đồng lao động hoặc tuyển dụng. Trong năm nếu có sự thay đổi [tăng, giảm] thì thời hạn gửi bản đăng ký chậm nhất là sau 30 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.

+ Cơ quan chi trả thu nhập tiếp nhận bản đăng ký người phụ thuộc được giảm trừ của cá nhân; thực hiện tạm giảm trừ gia cảnh cho số người phụ thuộc trước khi tính số thuế tạm khấu trừ; chuyển 01 bản đăng ký giảm trừ người phụ thuộc của cá nhân nộp thuế cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ quan chi trả thu nhập chậm nhất là ngày 20/02 của năm. Trường hợp đăng ký điều chỉnh người phụ thuộc, thời hạn chuyển cho cơ quan thuế là ngày 20 của tháng sau tháng nhận được bản đăng ký.

Thành phần hồ sơ:

+        Mẫu đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh theo mẫu số 16/ĐK-TNCN.

i           Trường hợp người phụ thuộc cùng hộ khẩu với đối tượng nộp thuế thì không cần xác nhận của UBND cấp xã / phường / thị trấn mà chỉ cần bản sao hộ khẩu.

ii         Trường hợp người phụ thuộc không cùng hộ khẩu nhưng đang sống cùng đối tượng nộp thuế: mẫu số 21a/XN-TNCN.

iii       Trường hợp người phụ thuộc không sống cùng đối tượng nộp thuế nhưng đối tượng nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng: mẫu số 21b/XN-TNCN.

iv       Trường hợp người phụ thuộc là người tàn tật không có khả năng lao động: mẫu 22/XN-TNCN.

Hồ sơ chứng minh người phụ thuộc kèm theo:

a] Đối với con:
- Con dưới 18 tuổi cần một trong các giấy tờ sau: bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao sổ hộ khẩu.
- Con trên 18 tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động cần có các giấy tờ sau:
+ Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao sổ hộ khẩu.
+ Bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.
- Con đang theo học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề [kể cả con đang học ở nước ngoài] cần có các giấy tờ sau:
+ Bản sao Giấy khai sinh hoặc bản sao sổ hộ khẩu.
+ Bản sao Thẻ sinh viên hoặc bản khai có xác nhận của nhà trường hoặc các giấy tờ khác chứng minh đang theo học tại các trường học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề.
 Trường hợp là con nuôi, con ngoài giá thú thì ngoài Giấy khai sinh cần có bản sao quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b] Đối với vợ hoặc chồng:
- Vợ hoặc chồng đã hết tuổi lao động cần một trong các giấy tờ sau: bản sao sổ hộ khẩu hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn.
- Vợ hoặc chồng trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên phải có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của Uỷ ban nhân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.
c] Đối với cha, mẹ, anh chị em ruột:
- Trường hợp đã hết tuổi lao động cần có: bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ liên quan khác để xác định rõ mối quan hệ của người phụ thuộc với đối tượng nộp thuế [là cha, mẹ, anh, chị, em ruột].
- Trường hợp trong độ tuổi lao động thì ngoài các giấy tờ nêu trên, cần có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.
d] Đối với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột cần có: các giấy tờ hợp pháp để xác định mối quan hệ của người phụ thuộc với đối tượng nộp thuế [là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột] và bản tự khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng nộp thuế cư trú về trách nhiệm nuôi dưỡng của đối tượng nộp thuế với người phụ thuộc.
Các giấy tờ hợp pháp nêu ở đây là bất kỳ giấy tờ pháp lý nào xác định được mối quan hệ của đối tượng nộp thuế đối với người phụ thuộc như: bản sao sổ hộ khẩu [nếu có cùng sổ hộ khẩu], bản sao Giấy khai sinh,... thể hiện được quan hệ này.
Trường hợp người phụ thuộc trong độ tuổi lao động ngoài các giấy tờ nêu trên thì phải có thêm bản sao xác nhận của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên hoặc bản khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.
đ] Các giấy tờ trong các hồ sơ theo hướng dẫn nêu trên, nếu là bản sao thì phải có công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Nếu không có công chứng hoặc chứng thực thì phải xuất trình bản chính cùng với bản sao để cơ quan thuế kiểm tra đối chiếu.
e] Cá nhân cư trú là người nước ngoài, nếu không có hồ sơ theo hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể nêu trên thì phải có các tài liệu pháp lý tương tự để làm căn cứ chứng minh người phụ thuộc.
Số lượng hồ sơ: 02 [bộ].

Thời hạn giải quyết: Không phải trả lại kết quả cho người nộp thuế

Người phụ thuộc bao gồm các đối tượng sau:

a] Con: con đẻ, con nuôi, con ngoài giá thú, cụ thể:

- Con dưới 18 tuổi [được tính đủ theo tháng].

- Con trên 18 tuổi bị tàn tật, không có khả năng lao động.

- Con đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm    [*]  dưới đây.

b] Vợ hoặc chồng của đối tượng nộp thuế ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm [*] dưới đây.

c] Cha đẻ, mẹ đẻ, cha vợ, mẹ vợ [hoặc cha chồng, mẹ chồng] của đối tượng nộp thuế ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm [*] dưới đây.

d] Các cá nhân khác là người ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, không nơi nương tựa, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng không vượt quá mức quy định tại điểm [*] dưới đây mà đối tượng nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng, bao gồm:

- Anh ruột, chị ruột, em ruột của đối tượng nộp thuế.

- Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của đối tượng nộp thuế.            

- Cháu ruột của đối tượng nộp thuế [bao gồm con của anh ruột, chị ruột, em ruột].

- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.


[*] Mức thu nhập làm căn cứ để xác định người phụ thuộc được áp dụng giảm trừ là mức thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 500.000 đồng.

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề