Mô hình nông nghiệp chuyên nghiệp hóa của trung quốc năm 2024

TCCS - Theo số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, tính đến năm 2008, số dân sống ở thành phố, thị trấn ở Trung Quốc là 607 triệu người; tốc độ đô thị hóa từ 7,3% [năm 1949] đã lên 45,6% [năm 2008], tăng hơn sáu lần. Số thành phố từ lúc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập là 132, đến năm 2008 tăng lên là 655 thành phố. Trung Quốc đã bước đầu hình thành hệ thống thành phố, thị trấn: lấy thành phố lớn làm trung tâm; thành phố vừa và nhỏ làm nòng cốt; thành phố, thị trấn nhỏ làm cơ sở phát triển nhịp nhàng theo nhiều cấp độ, đi theo con đường phát triển đô thị hóa đặc sắc Trung Quốc.

Trong sự phát triển của xã hội, đô thị hóa - công nghiệp hóa [ĐTH - CNH] là những quá trình tất yếu. Châu thổ sông Châu là vùng năng động nhất của Trung Quốc cũng không nằm ngoài quá trình này. Châu thổ do phù sa của sông Châu tạo nên, do 3 con sông Tây Giang, Bắc Giang và Đông Giang hợp thành. Tây Giang là con sông lớn nhất đóng góp 80% lưu lượng nước và 90% lượng phù sa. Châu thổ này có 8 cửa sông, hằng năm diện tích tăng lên do phù sa bồi đắp. Năm 1980, diện tích châu thổ là 8.601 km2 bằng 1/4 diện tích tỉnh Quảng Đông.

Sự phát triển mạnh của châu thổ sông Châu bắt đầu từ lúc Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa năm 1978.

Hiện nay, châu thổ sông Châu là một khu vực có 8 đô thị, trong đó có 2 đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, là một siêu đô thị. Tuy nhiên, tổ chức không gian của khu vực này lại giống Hà Lan hay miền Bắc I-ta-li-a, có thể coi là mô hình đô thị - nông thôn kiểu Desakota [McGee, 1991]. Một đô thị - nông thôn gồm có:

- Đơn vị không gian có trên 50% Tổng sản phẩm quốc dân [GNP], hơn 50% số lao động phi nông nghiệp;

- Đơn vị không gian có trên 50% GNP từ phi nông nghiệp, dưới 50% số lao động phi nông nghiệp;

- Đơn vị không gian có dưới 50% GNP từ phi nông nghiệp, trên 50% số lao động phi nông nghiệp;

- Đơn vị không gian có dưới 50% GNP từ phi nông nghiệp, dưới 50% số lao động phi nông nghiệp.

Nếu đối chiếu với mô hình này thì các đô thị ở châu thổ sông Châu thuộc về kiểu thứ nhất; các huyện ở châu thổ đều thuộc vào kiểu thứ hai.

Tỉnh Quảng Đông có 21 thị cấp địa khu, 26 thị cấp huyện, 42 huyện, 3 huyện tự trị, 52 thị hạt khu. ở cơ sở, ngoài các hương [xã] còn có trấn vốn là các thị trấn phân tán trong nông thôn. Trong cải cách, các đô thị lớn lên, nhưng ngoài Quảng Châu không có đô thị nào lớn hơn một triệu dân. Hiện nay, trong vùng này, khó xác định giới hạn giữa đô thị và nông thôn, chỉ có thể thống kê người hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Di cư trong tỉnh chiếm 68,4% - 88,3% tổng số và từ các tỉnh khác khoảng 11,7% - 31,3%. Từ 1980 đến 1992, dân số của châu thổ tăng 2,3%, vùng ngoài châu thổ tăng 2,39%. Như vậy, không có sự tập trung dân mạnh về đô thị. Sở dĩ có tình trạng này là do đã thực hiện việc đô thị hóa phi tập trung. Đô thị hóa ở vùng nông thôn được tiến hành ở các trấn. Trấn và hương [xã] là đơn vị hành chính cơ sở. Số trấn phát triển rất nhanh theo sự phát triển của hoạt động phi nông nghiệp. ở châu thổ, số trấn năm 1980 là 41, đến 1992 lên đến 644. Toàn tỉnh năm 2002 có 1.458 trấn. Quy mô của trấn từ 2.000 - 20.000 người. Từ 1980 - 1986 số trấn nhỏ tăng nhanh hơn các trấn lớn, trừ các trấn trên 20.000 dân; ở các trấn nhỏ công nghiệp cũng phát triển nhanh hơn các trấn lớn.

Từ năm 1980 - 2002, sản phẩm trong nước của Quảng Đông tăng rất cao, đạt 13,4% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cũng nhanh. Các đô thị ở châu thổ trung tâm như thị Phật Sơn, Trung Sơn và Đông Quản, các huyện Thuận Đức, Phiên Ngung và Nam Hải, phát triển với tốc độ nhanh hơn [26% - 29%]. Các đặc khu kinh tế như Thâm Quyến, Chu Hải cũng tăng trưởng nhanh nhưng nhân tạo vì phụ thuộc vào nước ngoài, không theo chiều hướng chung của trong nước.

Về phát triển công nghiệp

Quảng Đông chọn công nghiệp nhẹ làm mũi nhọn, hướng về xuất khẩu để lấy ngoại tệ cần cho sự phát triển trong nước. Các khu vực khác nhau trong châu thổ phát triển theo các hướng khác nhau: Các huyện ở giữa châu thổ [Thuận Đức, Nam Hải] chuyển đổi từ trồng trọt sang xí nghiệp hương trấn. Các huyện phía Đông [Đông Quản, Bảo An] dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài và liên doanh theo kiểu của Thâm Quyến. Các huyện phía Tây phát triển công nghiệp chậm hơn nhưng cũng không vì vậy mà nghèo vì còn dựa vào kiều hối gửi về.

Cảnh quan công nghiệp sau 30 năm cải cách đã thay đổi hẳn. Phần của Quảng Châu trong công nghiệp giảm xuống, Thâm Quyến đã trở thành trung tâm thứ hai, trung tâm châu thổ cũng phát triển mạnh. Trung tâm châu thổ đã chuyên môn hóa mạnh về máy sử dụng trong gia đình như Quảng Châu chuyên về máy khâu và tủ lạnh, Phật Sơn chuyên về quạt điện và máy lạnh, Trung Sơn chuyên về máy giặt. Trung tâm châu thổ cũng sản xuất hầu hết máy ảnh, máy tính. Thâm Quyến chuyên về máy tính, máy truyền hình. Giang Môn chuyên về máy kéo nhỏ, còn xe máy, xe đạp tập trung ở Quảng Châu. Châu thổ cũng chuyên về dệt may và chế biến thực phẩm. Ven châu thổ tập trung công nghiệp khai thác, xi-măng, gỗ, hóa chất, dệt... Trong công nghiệp, khu vực quốc doanh giảm dần, khu vực tập thể và tư nhân tăng lên.

Về phát triển nông nghiệp

Phần của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm nhiều, đất đai, dân số và lao động nông nghiệp cũng giảm, nhưng giá trị gia tăng nông nghiệp vẫn tăng với tốc độ 5,6% năm. Cơ cấu nông nghiệp thay đổi một cách cơ bản. Đặc biệt, trong châu thổ trung tâm giảm rất mạnh, vùng ven châu thổ giảm ít hơn.

Sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp diễn ra như sau:

+ Hạt lương thực giảm rõ rệt, trong hạt lương thực lúa vẫn chiếm ưu thế.

+ Cây mía giảm diện tích, sản lượng đến năm 1990 vẫn tăng, nhưng sau đấy lại giảm. Diện tích chuyển sang vùng ven.

+ Lạc chuyển sang vùng ven, giá trị vẫn tăng đến năm 2001.

+ Chăn nuôi lợn tăng cả ở châu thổ trung tâm lẫn vùng ven và ngoài châu thổ.

+ Cây ăn quả vẫn chiếm vị trí quan trọng, tập trung nhiều ở châu thổ trung tâm, chủ yếu chuyên về vải và cam quýt.

+ Nuôi cá cũng tăng mạnh nhất là ở châu thổ trung tâm.

Về phát triển dịch vụ

Công nghiệp chế biến nông sản cũng phát triển mạnh và chủ yếu tập trung ở trung tâm châu thổ. Đi đôi với công nghiệp, dịch vụ cũng phát triển mạnh nhưng vẫn không bằng công nghiệp. Trong các ngành dịch vụ vận tải tăng mạnh nhất, rồi đến thương nghiệp. Du lịch cũng phát triển mạnh. Dịch vụ tăng nhanh hơn ở Quảng Châu và các đặc khu kinh tế.

Xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh. Một phần quan trọng của đầu tư nước ngoài là của Hoa kiều phần lớn quê ở Quảng Đông. Chủ yếu phần đầu tư của Hoa kiều là trên địa bàn nông thôn.

Từ sự phát triển nói trên có mấy nhận

xét sau:

Một là, sự tăng trưởng nhanh của châu thổ sông Châu và Quảng Đông cho thấy tiềm năng tăng trưởng của các châu thổ đông dân còn rất lớn. Vùng này có lợi thế so sánh mà các vùng khác ở Đông Nam á không có; nhưng sự tăng trưởng không thể thành hiện thực nếu thiếu tính năng động của người Quảng Đông - vốn dẫn đầu Trung quốc về tài năng kinh doanh. Trong thực tế, vốn nước ngoài không phải là nhân tố quyết định tăng trưởng duy nhất.

Hai là, mô hình ĐTH - CNH phi tập trung của châu thổ không phải đã được xây dựng một cách chủ động từ đầu mà một cách tự phát. Lúc Hồng Kông có ý định chuyển giao các ngành công nghiệp cấp thấp tốn nhiều lao động sang cho Quảng Đông thì họ không xây dựng xí nghiệp ở các khu công nghiệp cũ quanh Quảng Châu, mà họ chọn các nơi mới trên châu thổ gần nhất, trong đó có Thâm Quyến. Do việc đầu tư nước ngoài ở Quảng Đông chủ yếu là của hoa kiều đầu tư về quê hương của họ ở các vùng nông thôn, đi đôi với chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hương trấn, nên nông thôn được công nghiệp hóa rất nhanh. Lúc lao động các tỉnh di cư về Quảng Đông để tìm kiếm việc làm, nhà nước cấm không cho vào Quảng Châu nên họ phải ở vùng ngoại ô đang phát triển nhanh.

Ba là, nhờ có mô hình ĐTH - CNH phi tập trung mà Quảng Đông đã chuyển đổi được cơ cấu kinh tế nhanh, tăng trưởng cao đồng thời giải quyết được mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp. Đây là một mô hình chúng ta nên tham khảo để xây dựng chiến lược của nước ta trong thời kỳ mới. Lẽ tất nhiên, chúng ta sẽ không có được tất cả các lợi thế mà Quảng Đông đã có, nhưng với lợi thế ta có thì tăng trưởng trên 10% năm là khả năng có thể đạt được.

Bốn là, kinh nghiệm của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của châu thổ sông Châu cho thấy mặc dù đất canh tác có giảm nhưng nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng nhờ thâm canh và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng sự tăng nhu cầu của thị trường trong quá trình tăng thu nhập dân cư. Chính việc phát triển thị trường trong nước là một nhân tố quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Năm là, trong chiến lược phát triển của chúng ta hiện nay, xu hướng mở cửa, hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài là chủ yếu; nhưng lại quên lợi thế bên trong là thị trường nông thôn rộng lớn, tính năng động của nông dân và vốn xã hội của họ./.

Chủ Đề