Nguyên nhân thị trường chứng khoán sụt giảm

[TBTCO] - Thị trường chứng khoán hôm nay [7/9] có phiên giảm mạnh nhất trong vòng 2 tháng qua, sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần. Chỉ số VN-Index giảm mạnh hơn 34 điểm về dưới mốc 1.250 điểm. Thanh khoản tăng mạnh khi áp lực bán ra lớn vào giai đoạn cuối phiên.

Thị trường chứng khoán hôm nay [7/9] có phiên giảm mạnh khá bất ngờ sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần và chỉ số VN-Index không thể dứt điểm ngưỡng cản 1.286 điểm.

Theo số liệu từ MBS, dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm -34,23 điểm [-2,68%] còn 1.243,17 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên bán, khi toàn sàn HOSE chỉ có 71 mã tăng nhưng có tới 423 mã giảm.

Diễn biến chỉ số VN-Index.

Chỉ số VN30 cũng sụt giảm -30,11 điểm [-2,32%] xuống 1.268,95 điểm. Ở rổ VN30 chỉ có 1 mã tăng và 29 mã giảm. Nhóm Midcap và Smallcap cũng giảm lần lượt -3,46% và -2,86%.

Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên chỉ số VN-Index phiên này là: VCB [-3,26%], BID [-5,62%], GAS [-3,86%], VHM [-2,62%], VPB [-3,5%], … đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: NVL [+2,07%], PDN [+6,99%], DPG [+3,82%], TLG [+1,69%], KOS [+1,02%], …

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm -9,22 điểm [-3,14%] xuống 284,05 điểm. Toàn sàn HNX có 41 mã tăng, 171 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm -1,26 điểm [-1,37%] xuống 90,38 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 46% so với phiên trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HOSE tăng lên mức 18.827 tỷ đồng, tăng 43,5% so với mức 13.118 tỷ đồng ở phiên hôm qua và mức bình quân 14.200 tỷ đồng của tuần trước. Tổng cộng trên HOSE có 797 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 588 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.

Khối ngoại bán ròng 517,59 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán khối ngoại tập trung ở các cổ phiếu như: VND, HPG, STB, SSI, GEX, … Ở chiều ngược lại, HDB, VNM, POW, MSN, HSG,… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.

Đâu là nguyên nhân khiến thị trường giảm mạnh?

Bình luận về thị trường hôm nay, các chuyên gia của MBS cho rằng, thị trường giảm mạnh nhất 2 tháng qua và thanh khoản tăng đột biến là biểu hiện của áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần vừa qua. Đối với mặt bằng cổ phiếu, áp lực giảm còn mạnh hơn do thị trường vẫn duy trì được sự phân hóa và dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

Bà Trần Thị Khánh Hiền.

“Tôi vẫn cho rằng, những yếu tố hấp dẫn hỗ trợ cho thị trường vẫn còn đó như về nội tại cơ bản, Việt Nam có thể ghi nhận tăng trưởng GDP rất cao trong quý III/2022 so với mức thấp của cùng kỳ 2021; hoặc việc nới room tín dụng gần đây sẽ phần nào khơi thông dòng chảy của vốn trong thời gian tới. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể phải đối mặt với một đợt điều chỉnh ngắn hạn trong tháng. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản của thị trường đang được cải thiện tôi cho rằng sự điều chỉnh này tạo ra cơ hội tích lũy cho các nhà đầu tư để xây dựng danh mục có chất lượng cho quý IV/2022 và năm 2023”.

Tuy nhiên, theo chuyên gia của MBS, nhịp giảm của thị trường là hoàn toàn bình thường sau khi chứng khoán thế giới đã giảm mạnh ở tuần trước, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện room tín dụng cũng không có nhiều tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên gần đây. Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index giảm với cường độ mạnh kèm theo thanh khoản lớn là tín hiệu cần thận trọng, đặc biệt nhịp giảm diễn ra sau chuỗi đi ngang 3 tuần liền.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, chỉ số VN-Index đã không thể vượt được ngưỡng cản 1.286 điểm trong 3 tuần liên tiếp khi thanh khoản thị trường có dấu hiệu chững lại, dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu nhưng đều không ở lại quá 1 phiên, kết hợp với vòng quay mới T+2,5 đã khiến các nhịp hồi ngắn lại và đuối dần về phiên chiều khi lượng hàng mới về tài khoản.

Chuyên gia này lý giải, nhịp điều chỉnh của thị trường diễn ra sau chuỗi hồi phục 7 tuần liên tiếp, các thị trường lớn trên thế giới đều đã giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, chỉ số Dow Jones trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã điều chỉnh từ mốc 34.000 điểm xuống 31.000 điểm, tương đương mất 9%.

“Ngoài việc ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới điều chỉnh vì nỗi lo lãi suất, phiên giảm mạnh của thị trường trong nước có thể đến từ kỳ vọng không như ý của nhà đầu tư đối với thông tin về room tín dụng cho nhóm ngân hàng, bên cạnh đó việc đồng USD mạnh lên cũng gây sức ép lên tỷ giá USD/VND và hiện tượng lãi suất huy động liên tục tăng” – chuyên gia này cho hay.

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT [VNDIRECT], thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm khá mạnh trong phiên ngày 7/9 do chịu tác động bởi đà sụt giảm thời gian vừa qua của thị trường chứng khoán quốc tế. Sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ [FED] phát đi thông điệp “cứng rắn” rằng sẽ tiếp tục theo đuổi nâng lãi suất cho đến khi lạm phát giảm đáng kể tại Hội nghị Jackson Hole diễn ra hồi cuối tháng 8, các chỉ số chứng khoán Mỹ đã chứng kiến nhịp điều chỉnh gần 10% từ giữa tháng 8. Đà giảm điểm đã lan tỏa sang các thị trường mới nổi và trong bối cảnh đó, mặc dù có một số yếu tố hỗ trợ như rút ngắn chu kỳ giao dịch, nới room tín dụng, song thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó đi ngược lại xu thế chung.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tiếp tục mạnh lên trong những tuần gần đây và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua cũng đã có áp lực đáng kể đến tỷ giá của Việt Nam và tâm lý nhà đầu tư. Trong những phiên gần đây, khối ngoại đã liên tục bán ròng và phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung của thị trường.

Nhiều thị trường chứng khoán quốc tế cũng trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán châu Á xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi xuất, nhập khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại trong tháng 8, tỷ giá JPY/USD thủng mốc 143.

Đồng Yên của Nhật thủng mốc 143 JPY đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 8/1998 trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chiến lược chính sách tiền tệ nới lỏng dù nhiều cơ quan đồng cấp tại các nền kinh tế phát triển khác liên tục nâng lãi suất trong thời gian qua. Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm tới diễn biến chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trong tuần này. Ngân hàng Trung ương châu Âu [ECB] có thể sẽ tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp với mức tăng 0,75%, cao nhất kể từ năm 1999. Bank of Canada được dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong vài ngày tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia ngày 5/9 nâng lãi suất thêm 0,5%, càng làm trầm trọng hơn đà bán tháo đồng Yên.

Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc lần lượt giảm 0,71% và 1,39%.

Chỉ số ASX 200 của Australia và chỉ số NZX 50 của New Zealand cũng lần lượt giảm 1,42% và 0,6%.

Riêng thị trường Trung Quốc hồi phục khi chỉ số Shanghai Composite tăng 0,09%, chỉ số Shenzhen Component cũng tăng 0,42%. Trong khi đó, thị trường Hong Kong tiếp tục giảm 0,98%.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch đầy biến động vào ngày thứ Ba [6/9], khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về ảnh hưởng của những dữ liệu kinh tế khả quan và lãi suất thực tế tăng lên đối với chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt của FED. Hôm thứ hai, thị trường tài chính Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động [Labor Day]. Trước đó, thị trường đã có một phiên giảm điểm mạnh vào hôm thứ sáu, với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 7./.

[TBTCO] - Thị trường chứng khoán đang chịu áp lực điều chỉnh do tác động của nhiều thông tin không tích cực cùng xuất hiện. Trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn tăng dài trong tháng 8, giằng co những phiên đầu tháng 9, thì việc thị trường chịu tác động tâm lý ngắn hạn là diễn biến có thể lý giải được.

Xung quanh diễn biến của thị trường chứng khoán giai đoạn này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam [CSI].

Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam [CSI].

*PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán trong nước giảm mạnh trong phiên 7/9. Ông có đánh giá, bình luận gì về phiên giảm này?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Phiên giao dịch ngày 7/9, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến áp lực bán gia tăng khiến nhiều nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh như nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… đã tác động lớn tới sự sụt giảm của chỉ số VN-Index và nhiều nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa khác.

Phiên này thể hiện rõ hơn sự chuyển dịch tâm lý từ thận trọng trong các phiên trước sang trạng thái tâm lý tiêu cực trong phần lớn thời gian giao dịch. Với phiên sụt giảm ngày 7/9, chỉ số VN-Index đã giảm dưới các đường trung bình động 10 ngày và 20 ngày [MA10, MA20], xác lập trạng thái điều chỉnh giảm sau hơn 2 tuần giằng co trong biên độ hẹp.

*PV: Theo góc nhìn của ông, đâu là nguyên nhân khiến thị trường trong nước giảm khá bất ngờ như vậy?

Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá tốt trong tháng 8 và gần đây chịu áp lực bán gia tăng trong ngắn hạn. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư, bao gồm tâm lý chốt lời sẽ dễ kích hoạt hơn khi thị trường xuất hiện các thông tin không tích cực hoặc không đạt được như kỳ vọng.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Theo quan sát của tôi, việc thị trường giảm khá bất ngờ trong phiên ngày 7/9 là chịu sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân.

Trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu cũng đã điều chỉnh sâu trong một vài tuần nay khi tình hình lạm phát tiếp tục căng thẳng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ [FED] và Ngân hàng Trung ương châu Âu [ECB] đều khá quả quyết trong việc dự kiến tăng lãi suất trong vài tuần tới.

Ở trong nước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá tốt trong tháng 8 và gần đây chịu áp lực bán gia tăng trong ngắn hạn. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư, bao gồm là tâm lý chốt lời sẽ dễ kích hoạt hơn khi thị trường xuất hiện các thông tin không tích cực hoặc không đạt được như kỳ vọng.

Cùng với đó, biến động trên thị trường tiền tệ Việt Nam gần đây có nhiều dấu hiệu căng thẳng như: tỷ giá VND/USD tăng khá, lãi suất liên ngân hàng tăng, lãi suất huy động cũng tăng theo,… đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng nhiều hơn.

Riêng trong ngày 7/9, việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng có sự lan truyền chưa chính thống theo hướng hạn mức tín dụng được cấp mới chỉ ở mức rất thấp so với kỳ vọng trước đó. Chính điều này đã khiến nhiều nhóm cổ phiếu lớn như bất động sản, ngân hàng, … bị bán mạnh, làm VN-Index có phiên giảm mạnh khi đóng cửa.

*PV: Việc thị trường chứng khoán trong nước sẽ gặp đợt điều chỉnh cũng được nhiều ý kiến dự đoán, tuy nhiên, việc giảm khá mạnh phiên 7/9 cũng khá bất ngờ. Theo góc nhìn của ông, việc thị trường giảm khá mạnh như thế chỉ là phản ứng tâm lý bình thường bởi nhiều thông tin không tích cực, hay là do nhà đầu tư lo ngại về một đợt điều chỉnh dài và mạnh sau thời gian tăng tốt trước đó?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước giảm do chịu tác động tiêu cực của cả tình hình quốc tế và trong nước. Tâm lý lo ngại dồn vào một thời điểm khiến cho nhiều nhà đầu tư hành động bán có phần thái quá. Còn về bản chất, việc điều chỉnh của thị trường sau một thời gian tăng khá là điều bình thường, trên thực tế, thời gian gần đây nhiều nhóm cổ phiếu cũng đã có sự điều chỉnh nhưng diễn biến cũng không quá tiêu cực.

Tuần này, khả năng cao ECB sẽ tăng lãi suất. Tuần sau, FED cũng có thể tăng lãi suất và các quỹ ETF cũng sẽ hoàn thành tái cấu trúc cho kỳ quý III/2022. Với các dòng thông tin đó, tôi nghĩ rằng, tâm lý thận trọng và hành động bán mạnh khi thông tin cấp hạn mức tín dụng mới không đạt kỳ vọng cũng dễ lý giải.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng trong nước. Ảnh: Minh họa.

*PV: Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được trợ lực bởi những yếu tố gì để vượt qua nhịp điều chỉnh lần này? Cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay tới cuối năm là gì?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước và kết quả kinh doanh khả quan của doanh nghiệp. Vì vậy, sau mỗi đợt điều chỉnh luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư sàng lọc cơ hội đầu tư trung và dài hạn ở những doanh nghiệp hàng đầu có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng giá cổ phiếu thì cũng giảm theo quá trình điều chỉnh của thị trường chung.

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Thị trường chứng khoán sẽ cần thời gian để thẩm thấu hết những thông tin tác động tiêu cực trước khi tạo ra vùng cân bằng mới. Việc các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ còn tác động tiêu cực lên các thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có thể cũng không ngoại lệ.

Theo tôi, sắp tới có một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán, như: [1] Tăng trưởng GDP quý III/2022 dự kiến sẽ ở mức cao, có thể là mức 2 con số so với nền thấp của năm 2021; [2] mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022 của doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ tiếp tục tăng sau giai đoạn nền kinh tế mở cửa trở lại và hồi phục tích cực; [3] định giá thị trường có thể về vùng hấp dẫn sau khi đã thẩm thấu hết các thông tin tiêu cực từ thế giới và trong nước.

Tôi cho rằng, sau mỗi đợt điều chỉnh thì luôn là cơ hội cho các nhà đầu tư sàng lọc cơ hội đầu tư trung và dài hạn ở những doanh nghiệp hàng đầu có tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng giá cổ phiếu thì cũng giảm theo quá trình điều chỉnh của thị trường chung.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Video liên quan

Chủ Đề