Nội dung phòng chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

- Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.

- Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

- Hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.

- Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.

- Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế – xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

-  Hoạt động bảo vệ môi trường bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.

2. Các chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường cũng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó:

- Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

-  Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường. Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư….

3.  Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như:

-  Vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

-  Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; vi rút độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên.

- Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.

- Thực hiện dự án đầu tư hoặc xả thải khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nhập khẩu trái phép phương tiện, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phá dỡ, tái chế.

- Không thực hiện các công trình, biện pháp, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.

- Che giấu hành vi gây ô nhiễm môi trường, cản trở, làm sai lệch thông tin, gian dối trong hoạt động bảo vệ môi trường dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường….

4. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng có các quy định cụ thể về bảo vệ môi trường nước, Bảo vệ môi trường không khí bảo vệ môi trường đất, Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch, Bảo vệ môi trường quốc gia, Nội dung bảo vệ  môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đô thị và nông thôn.

Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, với các hành vi phổ biến như: xả thải gây ô nhiễm môi trường; vi phạm các quy định về thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh an toàn thực phẩm; khai thác tài nguyên, khoáng sản [cát, đất] trái phép.

Lực lượng công an kiểm tra việc chấp hành đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản.

Trong khi đó, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc do công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Hành lang pháp lý về xử lý hình sự và xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực môi trường chưa được quy định cụ thể và đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng các đối tượng lợi dụng sơ hở này để hoạt động... Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trên lĩnh vực môi trường, thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường.

Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Riêng lực lượng cảnh sát môi trường và công an các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, đối tượng, địa bàn trọng điểm như: lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; xử lý chất thải... Trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, qua công tác kiểm tra, lực lượng công an trong tỉnh đã phát hiện, xử phạt hành chính gần 100 vụ vi phạm trên lĩnh vực khai thác, mua bán khoáng sản, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... phạt tiền gần 2 tỷ đồng. Điển hình ngày 4-10-2021, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh và Đội Quản lý thị trường số 10, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra hành chính kho hàng của nhà phân phối Trí Phương [có địa chỉ ở tiểu khu 1, thị trấn Hà Trung] do bà Nguyễn Thị Phương làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 2,5 tấn hàng hóa là thực phẩm gồm 1 tấn hàng đã hết hạn sử dụng để lẫn với 1,5 tấn hàng hóa xuất xứ nước ngoài không tem nhãn phụ. Trong quá trình kiểm tra, bà Nguyễn Thị Phương cũng không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Gần đây nhất, ngày 23-2-2022, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang xe tải do Dương Xuân Lâm ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh điều khiển, vận chuyển 85 thùng cá khoai nghi ướp phoóc-môn có tổng trọng lượng 1.750 kg đi tiêu thụ. Qua test nhanh, toàn bộ số cá khoai nói trên đều cho kết quả dương tính với chất phoóc-môn. Đây là một loại chất cấm trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Theo lời khai của Dương Xuân Lâm thì toàn bộ số cá khoai nói trên được Lâm vận chuyển thuê từ tỉnh Thái Bình về Thanh Hóa bán lại cho các tiểu thương ở các chợ trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trên một số lĩnh vực như an toàn vệ sinh thực phẩm; khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; thương mại xuất nhập khẩu; xả thải và xử lý chất thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường sẽ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp trọng tâm như: tăng cường công tác nắm tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn; tổ chức trinh sát các tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm; chủ động làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, chú trọng công tác phối hợp với các ngành chức năng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; chủ động có kế hoạch phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm môi trường trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường... Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác bảo vệ môi trường và đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Chủ Đề