Phân tích việt bắc ta với mình mình với ta

Hướng dẫn “Phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Việt Bắc. Từ đó nhận xét sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chất chính trị trong thơ Tố Hữu” đầy đủ và chi tiết nhất, bám sát nội dung, chương trình học, do Top Tài Liệu sưu tầm và biên soạn, chúc các em học tập tốt.

 Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi, mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

[Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2016]

Gợi ý:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

– Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

– Phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Việt Bắc.

– Nhận xét sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và chất chính trị

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

– Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

1. Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu và tác phẩm Việt Bắc:

– Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam hiện đại.

– Nội dung thơ Tố Hữu hướng tới những sự kiện cách mạng của dân tộc trong thế kỉ XX.

– Bài thơ Việt Bắc ra đời sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954; được coi là một thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu.

– Đoạn thơ là lời người đi để khẳng định lòng thủy chung với Việt Bắc.

2. Cảm nhận đoạn thơ:

* Nội dung: 

– Khẳng định sự thủy chung: 4 câu đầu

+ Đại từ: Ta – mình, mình – ta quấn quýt, quyện hoà, ta với mình là một.

+ Cách ngắt nhịp 3/3: “Ta với mình,/mình với ta” cùng với quan hệ từ mang tính kết nối “với” làm nổi bật mức độ bền chặt trong tình cảm như lời trỏ giữa đôi bên hướng về nhau.

+ Lời thề gắn bó: “Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh” qua sự sắp xếp đảo trật tự từ chỉ thời gian sau trước và từ láy đinh ninh.

+ Từ mang nghĩa chỉ hướng trỏ “lại”: khẳng định dù có tiến bước chân về phía trước thì tình cảm vẫn quay về phía sau, về phía mình ở lại.

+ Hình ảnh so sánh: “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”

– Nỗi nhớ thiên nhiên: 6 câu sau

+ Mức độ nỗi nhớ: qua phép so sánh “như nhớ người yêu”.

+ Nỗi nhớ luôn thường trực, da diết, cháy bỏng, bồn chồn đứng ngồi không yên như tình yêu đôi lứa.

+ Cách nói “nhớ gì như nhớ” mang hơi hướng của một câu hỏi tu từ gợi lên bao nỗi niềm bâng khuâng, trăn trở, day dứt.

+ Không gian nỗi nhớ:

Trăng lên đầu núi …. suối Lê vơi đầy

+ Điệp từ “nhớ” đặt ở đầu câu  như liệt kê ra từng nỗi nhớ cụ thể    . nhớ ánh trăng buổi tối, không gian gợi cảm nên thơ; nhớ ánh nắng ban chiều trên nương rẫy; nhớ những bản làng ẩn hiện trong sương sớm; nhớ cả những ánh lửa hồng trong đêm khuya; những tên núi, tên rừng, tên sông suối, nương rẫy quen thuộc thân yêu: ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê

+ Phép liệt kê: rừng nứa, bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê…kết hợp cách ngắt nhịp 2/2/2/2 gợi lên cảnh đẹp, có phần hoang sơ nhưng không hiu quạnh mà thơ mộng, ấm áp; là nhịp đếm kỉ niệm sẽ không bao giờ quên trong lòng người ra đi.

* Nghệ thuật:

+ Sử dụng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống.

+ Sử dụng thể thơ lục bát có âm hưởng trữ tình vang vọng, tha thiết, êm ái như lời ru; kiểu kết cấu đối đáp mang đậm sắc thái dân gian.

+ Giọng thơ ngọt ngào đậm chất trữ tình.

+ Kết hợp các biện pháp tu từ nghệ thuật: Liệt kê, ẩn dụ, những so sánh ví von truyền thống nhưng lại biểu hiện được nội dung mới của thời đại.

3. Nhận xét:

– Thơ Tố Hữu là thơ chính trị, bởi đề tài trong thơ ông là những vấn đề chính trị, hồn thơ đó luôn hướng tới “cái ta” chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn và niềm vui lớn của Đảng, dân tộc, cách mạng.

– Thơ Tố Hữu cũng rất đỗi trữ tình: những vấn đề chính trị trong thơ Tố Hữu đã được chuyển hóa thành những vấn đề của tình cảm, cảm xúc rất mực tự nhiên, chân thành, đằm thắm với một giọng thơ ngọt ngào, tâm tình, giọng của tình thương mến.

– Đoạn thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: phong cách trữ tình chính trị. Câu chuyện chính trị, chuyện chia tay lịch sử giữa nhân dân và cách mạng đã được lãng mạn hóa thành cuộc chia tay của “ta” và “mình” tạm xa nhau đi làm nghĩa vụ.

– Đoạn thơ để lại vẻ đẹp của truyền thống dân tộc với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

4. Đánh giá, khái quát

d. Chính tả, ngữ pháp

– Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

– Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Văn học kháng chiến đến ngày nay vẫn chiếm một vị trí quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. “Việt Bắc” của Tố Hữu được đánh giá là tác phẩm đồ sộ, nhiều ý nghĩa sâu sắc, là tiếng nói của quân dân ta trong kháng chiến trường kỳ. Phân tích Việt Bắc, ta sẽ thấy được tình cảm sắt son, đoàn kết một lòng của nhân dân qua ngòi bút tài hoa, trữ tình của tác giả.

Tố Hữu là nhà thơ hiện đại lớn, được mệnh danh là ngọn cờ đầu của phong trào thơ Cách mạng Việt Nam. Cuộc đời nghệ thuật của ông luôn song hành cùng những chặng đường Cách mạng của dân tộc, khiến thơ ông mang tính biên niên sử, hào hùng nhưng vẫn vô cùng sâu sắc. Lời thơ Tố Hữu giản dị, ấm áp nhưng đậm chất chính trị.

Bài thơ “Việt Bắc” sáng tác sau khi chiến thắng thực dân Pháp, là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của Tố Hữu. Trong đầu những năm 40 của thế kỉ trước, Việt Bắc là căn cứ địa quan trọng của cuộc chiến. Nơi đây, nhân dân ta cùng với các chiến sĩ cùng sống, đùm bọc và chiến đấu. Đến năm 1954, sau chiến thắng vang dội, Trung ương Đảng và Chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc về Hà Nội. Nhân sự kiện trọng đại ấy của dân tộc, tác giả Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Việt Bắc”. Thông qua lời thơ, tác giả đã gợi lại tình quân dân thắm thiết, ân tình và sâu nặng trong cuộc kháng chiến, là tiếng lòng của quân dân ta trong máu lửa, gian lao.

Trước hết, tác giả đưa ra lời của người ở lại, là tiếng lòng của nhân dân Việt Bắc khi cán bộ, chiến sĩ về xuôi. Với thể thơ lục bát, lời thơ như tâm tình, thủ thỉ, lưu luyến không thôi:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

        Phân tích Việt Bắc để thấy những câu thơ chính là tâm trạng của người ở lại trong sự níu kéo và tiếc nuối khi phải chia xa. Họ phải xa những người chiến sĩ Cách mạng đã bao nhiêu năm gắn bó. Tác giả sử dụng hai đại từ xưng hô “ta” và “mình” vô cùng khéo léo. Nó đã thể hiện sự gắn bó khăng khít, son sắt và chung thủy của cán bộ và nhân dân. Ở đây, Tố Hữu đưa ra quãng thời gian cụ thể là “mười lăm năm ấy”. Đó là quãng thời gian rất dài, gắn liền với cuộc đấu tranh ác liệt của quân và nhân dân ta với thực dân Pháp tàn bạo. Đó cũng chính là quãng thời gian mà tình cảm giữa quân và dân vô cùng tha thiết, mặn nồng. Giờ đây, cả người ra đi và người ở lại tràn ngập nỗi nhớ thương, nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng của những điều xưa cũ, còn vẹn nguyên và tinh khôi ở trong lòng. Tố Hữu dường như đã gieo vào lòng người đọc cái cảm giác vấn vương một cách lạ lùng.

Tâm trạng quyến luyến, bịn rịn của người ở lại khiến cho người ra đi không khỏi bồn chồn. Dường như không ai muốn rời bước chân đi:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

        Những lời tâm tình, thủ thỉ của người ở lại đã khiến cho người về xuôi không đành lòng bước đi. Những lời tâm sự ấy giờ đây khiến những thương nhớ và kỉ niệm như chực trào, không thể nào quên. Tất cả tâm trạng ấy được tác giả gói gọn trong hai từ “bâng khuâng”. Nó như dùng dằng, níu kéo chẳng muốn bước đi, lại như nỗi buồn man mác khi nghĩ tới cảnh chia xa. Cảm xúc ấy khó mà có thể diễn tả bằng lời một cách dễ dàng.

Lúc này đây chính tâm trạng của người ra đi và người ở lại đều không thể lý giải được là tại sao lại như vậy. Phải chăng tình yêu đã quá lớn và kỉ niệm đã quá đầy để có thể quay mặt bước đi. Suốt 15 năm sống và gắn bó với mảnh đất nơi đây, đồng đội và đồng bào đã phải trải qua bao nhiêu cay đắng, ngọt bùi, san sẻ cho nhau từng bữa cơm giấc ngủ. Những năm tháng gian khổ ấy đâu chỉ kể với nhau trong vài câu chữ như thế này, nhưng chính câu chữ đã khiến cho cảm xúc tràn ra, không thể thôi nhớ và thôi mong. Người ra đi đã đáp trả lại tình cảm người ở lại:

“Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh”

        “Ta” và “mình” dường như hòa quyện với nhau thành một thể thống nhất, không tác rời nhau. Người ra đi một mực khẳng định rằng “mặn mà đinh ninh”. Hai từ “đinh ninh” như ghim chặt vào lòng người đọc tấm lòng son sắt và thủy chung trước sau như một. Đó là tình cảm hết sức thiêng liêng và cao cả.

Phân tích Việt Bắc mới biết khi nhớ về núi rừng việt bắc tác giả nhớ tất thảy thiên nhiên và con người nơi đây. Mọi thứ hiện lên đều rất sống động, đậm nghĩa, vẹn tình. Chỉ với vài bước phác họa bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người nơi đây hiện lên một cách vẹn tròn, ý nghĩa, tươi đẹp nhất :

“Ta về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ những hoa cùng người

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao ánh nắng dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vang

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”

       Một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp, sống động và tinh khôi và núi rừng Việt Bắc. Trong bức tranh ấy không chỉ có hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ mà còn xuất hiện thêm hình ảnh con người chân chất, mộc mạc nhưng lại tình cảm và ý nghĩa biết bao. Có lẽ đây là đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất, trữ tình nhất trong toàn bộ bài thơ Việt Bắc. Nó chính là điểm sáng để cả bài thơ tràn đầy tình yêu thương và tinh thần lạc quan nhất.

Điệp từ “nhớ” được tác giả sử dụng lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong suốt tác phẩm. Nó đã khiến cho nỗi nhớ trong cả bài thơ dường như tràn ra lênh láng, cảm xúc của tác giả cũng như vỡ òa, dội lên mãnh liệt, tràn lên mặt chữ.

Nhà thơ Tố Hữu không chỉ nhớ đến cảnh vật và con người Việt Bắc mà hơn hết, ông còn nhớ những cuộc chiến tranh ác liệt gian khổ đã diễn ra trong suốt quãng thời gian dài:

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”

      Đến đây, giọng thơ không còn tha thiết, thủ thỉ tâm tình nữa mà trở nên hào hùng, vang dội vô cùng khi nói đến cuộc chiến oanh liệt của quân dân ta. Những trận chiến ấy xảy ra giữa núi rừng Việt Bắc, để lại từng dấu ấn nơi đây. Và không chỉ con người đồng lòng, mà thiên nhiên dường như cũng đang sát cánh bên người chiến sĩ để “vây quân thù”.

Qua những vần thơ này, dường như hào khí Đông A lại trỗi dậy, mãnh liệt và tràn đầy niềm tự hào. Để đến tận mai sau, chiến thắng vẻ vang và tình đoàn kết đồng lòng sẽ mãi mãi được khắc ghi và nhắc lại.

Với thể thơ lục bát, giọng thơ trữ tình cùng các hình ảnh độc đáo, “Việt Bắc” đã khắc họa thành công sự kiện quan trọng của dân tộc. Hơn cả, bài thơ đã tái hiện được một chặng đường hào hùng, tình cảm sắt son, gắn bó của quân và dân – yếu tố quan trọng mang tới chiến thắng vẻ vang của nhân dân ta. Đó là những con người nhỏ bé nhưng phi thường, hết lòng vì dân, vì nước, vì Cách mạng, đoàn kết, thuỷ chung với lý tưởng cao đẹp.

Video liên quan

Chủ Đề