Phùng tuệ châu là ai

[Kỳ 2]

Nhà báo Nguyễn Trường [NT]: Chị quyết định về Việt Nam khi nào?

Luật sư Phùng Tuệ Châu [PTC]: Tôi không nhớ chính xác mình trở về Việt Nam vào năm nào. Nhưng sự kiện ấn tượng nhất là khi Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài [Bộ Ngoại giao] tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Tôi về cùng nhiều người Việt ở hải ngoại nhưng chỉ có mình tôi đến từ quận Cam [Orange County, một khu vực thuộc California - Ca-li-pho-ni-a, Mỹ].

NT: Tại thời điểm đó, chị suy nghĩ gì về quê hương đất nước?

PTC: Khi tôi rời khỏi Việt Nam, quê hương mình còn nghèo. Khi tôi trở về, quê hương đã thay đổi rất nhiều. Anh Ðinh Viết Tứ về nhiều lần hơn tôi. Anh tâm sự: "Chị Châu ơi! Cứ mỗi lần tôi về thì lại có một sự thay đổi hoàn toàn khác lạ. Chị nên đi về đi". Tôi về và thấy quê hương thật sự đã thay đổi, và tôi mừng vì sự thay đổi đó. Tôi tiếp tục gắn kết tư tưởng của mình với quê hương và càng chán ghét bọn chống cộng.

NT: Hồi ấy tôi làm ở báo Viet Weekly, sau khi về Việt Nam đưa tin sự kiện APEC năm 2006, rồi từ Việt Nam trở lại hải ngoại, chúng tôi phải đối diện với cộng đồng càng lúc càng tỏ ra cực đoan hơn. Có thể thấy nếu báo chí ở đó tôn trọng tự do ngôn luận để cộng đồng ở Bolsa biết được thông tin ở Việt Nam thì mọi chuyện đã không đến nỗi như vậy. Họ tự nhận là người tự do, mang dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, nhất là tự do ngôn luận, song khi đất nước mở cửa, họ lại đóng cửa với Việt Nam. Ðến mức Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời người Việt ở nước ngoài về đi thăm Trường Sa, họ cũng đóng cửa. Ngược lại, họ lại rêu rao là Việt Nam không có tự do ngôn luận, "bán biển, bán đảo...". Họ tuyên truyền như vậy nhưng mặt khác lại ngăn cản các nhà báo về Việt Nam. Trước đó, chị Phùng Tuệ Châu biết đến Việt Nam qua Luật sư Ðinh Viết Tứ. Và như vậy, qua các biến chuyển, chúng ta thấy chị Phùng Tuệ Châu đã dấn thân như bây giờ. Khi đó, chị có cảm thấy lẻ loi không?

PTC: Tôi cũng không ngờ được đi các bước đầu tiên để mời gọi mọi người trở về quê hương. Bởi vì mọi người ở bên đó đều ra đi từ Việt Nam. Chúng ta phải hướng về quê hương như một căn nhà phải có cha, có mẹ. Và Tổ quốc, quê hương phải có người lãnh đạo. Hiện nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đất nước, mình phải chấp nhận, đồng thuận với họ.

NT: Năm 2004, Nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời. Nghị quyết 36 kêu gọi mọi người ở khắp nơi trên thế giới cùng chung tay xây dựng đất nước. Chị đánh giá thế nào về Nghị quyết 36?

PTC: Nhà nước muốn kêu gọi sự trở về của những con dân đất Việt, vì Nhà nước muốn có một sự đoàn kết từ trong đến ngoài để đưa Việt Nam thành một quốc gia giàu, mạnh. Ðó là việc mình phải ủng hộ.

NT: Một số người chống cộng lại cho rằng đây là vấn đề mị dân, dụ dỗ người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp để "củng cố chế độ cộng sản". Chị nghĩ sao về luận điểm của họ?

PTC: Luận điểm của họ là việc của họ. Họ tìm mọi cách đối đầu với Nhà nước Việt Nam, nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam để "trở về lãnh đạo đất nước". Họ muốn có chiến tranh, nhưng thử hỏi có ai trong số họ xứng đáng thay thế Ðảng Cộng sản Việt Nam. Không lẽ tôi lại ủng hộ Phan Kỳ Nhơn, Ngô Kỷ, hay là "liên hội cựu chiến sĩ hàng không"... Ủng hộ họ làm "tổng thống" thì thà... tôi ủng hộ chính mình còn hơn. Tôi ủng hộ Ðảng Cộng sản Việt Nam không phải vì mình là "tay sai", mà vì những gì họ đã làm được cho đất nước và nhân dân của tôi.

NT: Chị đánh giá các kênh truyền thông của người Việt ở hải ngoại hiện nay như thế nào?

PTC: Kênh truyền thông ở hải ngoại hiện nay chỉ muốn áp bức chúng ta. Bất cứ tổ chức nào đi theo đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam vì sự thanh bình của đất nước đều bị lên án là tay sai cộng sản. Tôi luôn tin con đường mình đi là đúng. Họ đòi tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng lại xuyên tạc, ngăn cản công việc của tôi. Vậy họ đâu có thật sự tranh đấu cho tự do, dân chủ.

NT: Chị đã mắt thấy tai nghe cuộc sống người Việt Nam trên một đất nước Việt Nam thanh bình. Chúng tôi đã cùng chị Phùng Tuệ Châu thăm Trường Sa, đã thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền và những khó khăn nơi hải đảo. Khi trở về Mỹ, chị suy nghĩ gì về cộng đồng chống cộng ở hải ngoại?

PTC: Tôi chán họ và chính người dân hải ngoại cũng chán họ. Nay họ không thể kêu gọi đi biểu tình nữa. Bằng chứng là thời gian gần đây, khi một nghệ sĩ trong nước mà họ thường gán cho là cộng sản sang Mỹ biểu diễn, chỉ có vài ba chục người biểu tình phản đối thôi. Tôi đánh giá họ là những kẻ vẫn hận thù với Ðảng Cộng sản Việt Nam.

NT: Số người đi biểu tình ngày một giảm. Vì thông tin thực tế về Việt Nam ngày một nhiều hơn. Người dân gốc Việt ở hải ngoại đã tiếp cận được thông tin. Trước đây, nhiều người đi biểu tình vì thiếu thông tin, a dua, tò mò. Giờ chính họ lại thấy tham gia biểu tình là bất lợi, vô nghĩa. Do đó các cuộc biểu tình càng lúc càng teo tóp. Gần đây, tại Hội đồng thành phố Westminster có một cuộc tranh giành ngôi vị, đấu đá lẫn nhau. Chị có thể kể cho chúng tôi biết thực chất vấn đề được không?

PTC: Tại Hội đồng thành phố Westminster, có ông thị trưởng Tạ Ðức Trí, ông Nguyễn Mạnh Chí và bà bác sĩ Kimberly Hồ [Kim-bơ-li Hồ]. Bà Hồ chỉ là bác sĩ thẩm mỹ. Ðối với tôi, tư cách của bà Kimberly Hồ rất tầm thường khi bà ta tuyên bố cờ đỏ sao vàng của Việt Nam là "lá cờ máu". Tôi rất phản đối phát ngôn này, con người phải có máu trong cơ thể mới sống được. Mầu đỏ của lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên từ những giọt máu trong sạch của thanh niên Việt Nam chứ không phải những kẻ như Kimberly Hồ. Họ mới đưa ra một nghị quyết rất buồn cười là khi ý kiến của cá nhân không được đa số đồng thuận thì sẽ không được đưa ra tranh luận.

NT: Báo chí hải ngoại đã không khách quan trong tự do ngôn luận. Ðến giờ các ủy viên hội đồng thành phố Westminster - nơi vẫn được coi là "sào huyệt" của những người chống cộng, cũng thể hiện sự bưng bít, chụp mũ lẫn nhau để bảo vệ suy nghĩ của họ. Chị đánh giá thế nào về tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền trong cộng đồng của mình?

PTC: Tự do, dân chủ, nhân quyền trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt chỉ như một danh từ hão, như gia vị cho vào thêm một tô phở. Những kẻ như Tạ Ðức Trí, Nguyễn Mạnh Chí, Kimberly Hồ không hiểu thế nào về tự do, dân chủ của quê hương Việt Nam.

NT: Về thăm Việt Nam, chị đã nhìn thấy thực tế trên quê hương. Rồi đây, chị trở về bên kia, vậy chị có còn sinh hoạt như trước đây không?

PTC: Tôi không tham gia các tổ chức chống cộng của người gốc Việt nữa. Bởi, nếu tôi tham gia thì tôi dễ vì nóng mắt mà nổi điên lên! Các anh đang tranh đấu sai. Các anh tự hào rằng mình yêu quê hương, đất nước nhưng không chấp nhận sự thanh bình của đất nước. Các anh là những tên háo danh, vô loại, và bất tài. Tôi không chơi với họ. Mục tiêu tự do, dân chủ cho quê hương thì Ðảng Cộng sản Việt Nam đã làm được điều đó rồi. Bây giờ mình phải góp phần giữ gìn sự thanh bình cho quê hương. Tại sao lại bỏ điều đó đi để đòi hỏi chiến tranh? Không thể như thế được! Tôi vẫn sinh hoạt với bạn bè bình thường. Họ mà đụng đến tôi thì tôi sẽ báo cảnh sát. Một lần, Ðào Minh Quân dọa sẽ kêu gọi 12 người đến nhà tôi biểu tình. Tôi nói đùa đó là "12 sư đoàn". Các tổ chức này cũng đã mất uy tín với số người gốc Việt từng đi theo họ. Vì Ðào Minh Quân là ai? Anh ta "chẳng có danh gì với núi sông", không là cái gì mà tự nhận là "đệ tam cộng hòa" để chống lại Nhà nước Việt Nam. Tôi cảm thấy mình có bổn phận phải góp phần cùng Nhà nước Việt Nam làm những người còn u mê, chưa hiểu về Việt Nam phải dừng lại. Thay vào đó, hãy tham gia vào các tổ chức sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại, như chương trình "Tiếng Quê hương" của chúng tôi để cùng nhau xây dựng đất nước.

NT: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thẳng thắn này. Chúc chị luôn mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp với quê hương, đất nước. Và cũng hy vọng cuộc trò chuyện sẽ góp phần giúp người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài nhận diện rõ bản chất của các thành phần chống cộng ở nước ngoài, từ đó có suy nghĩ, hành động đúng đắn vì Tổ quốc Việt Nam của chúng ta!

[*] Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 19-11-2019.

“Tôi ủng hộ đất nước và nhân dân tôi”

QĐND - Nói đến luật sư Phùng Tuệ Châu, hầu hết cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ đều biết đến bà. Bà từng là luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, từng tham gia các đoàn biểu tình chống Việt Nam ở Mỹ... Ngày nay, bà là một trong số nhiều kiều bào tích cực quảng bá và xây dựng đất nước bằng chính “Tiếng quê hương”, một chương trình phát thanh trên youtube được cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ yêu thích.

Quay đầu là bờ

Bà Phùng Tuệ Châu có dáng người thấp, hơi mập nhưng có giọng nói sang sảng. Từng là luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa nên bà Tuệ Châu nắm rất rõ luật pháp Mỹ và luôn đưa ra những lý lẽ đanh thép.

Bà Phùng Tuệ Châu giơ tay và hô “Xin thề” khi dự lễ chào cờ tại đảo Song Tử Tây tháng 4-2014.

Bà Phùng Tuệ Châu bày tỏ xúc động khi đến thăm đảo Song Tử Tây tháng 4-2014.

Bà Tuệ Châu chia sẻ, ngày còn là một luật sư dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, bà kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng sự kiện ngày 30-4-1975 đã làm sụp đổ ước vọng làm giàu của bà. Lúc đó, bà suy nghĩ “thôi, gió chiều nào, ta xoay chiều đó”. Ủy ban Quân quản của phường nơi bà sinh sống mời làm tổ phó an ninh, bà cũng nhận lời. Nhưng một hôm, ông Ba Cẩm, Chủ tịch UBND phường nói với bà rằng: “Chị Châu ơi, tôi cử chị đi học ở quận 1 để về làm thông tin cho phường nhé!”. Lúc đó, bà hoảng và lắc đầu quầy quậy bởi sợ mình không đủ tư cách và khả năng.

Cuộc sống sau chiến tranh khi đó thật vất vả, bà phải đi bán quần áo để kiếm sống. Nhờ sự hỗ trợ tài chính của cô em gái, bà quyết định sang Mỹ vào năm 1989.

Tới Mỹ, nhóm chống Cộng biết tiếng luật sư Phùng Tuệ Châu đã mời bà tham gia với vai trò Chủ tịch Ủy ban tổ chức bầu cử cho cộng đồng Nam Ca-li-pho-ni-a và bà nhận lời. “Cứ làm việc như một cái máy, tôi đã đi theo và làm việc với nhóm này biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam, rồi đi theo Đỗ Hoàng Điềm, một thành viên của đảng Việt Tân, song không tham gia vào đảng này”, bà Tuệ Châu cho hay.

Theo bà Tuệ Châu, năm 1995, khi Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn có ý định thiết lập lại quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, một số người đứng đầu các nhóm cực đoan chống Việt Nam vận động kiều bào yêu cầu Quốc hội Mỹ tuyệt đối không bang giao với nhà nước Việt Nam. “Khi đó, tôi đã gọi điện cho Đỗ Hoàng Điềm bày tỏ sự không đồng ý. Tuy nhiên, Đỗ Hoàng Điềm bỏ qua lời nói đó của tôi. Từ đó, tôi giãn ra, không đến gần với họ nữa”, bà Tuệ Châu kể.

Một hôm, có người bạn giới thiệu bà với ông Trần Văn Ca, một Việt kiều ở Mỹ và đề nghị bà giúp đỡ ông Ca tổ chức buổi gây quỹ để có tiền mua xe lăn cho các cựu chiến binh Việt Nam diễn ra vào ngày hôm sau, với sự có mặt của Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam Pi-tơ-xơn [Peterson]. Bà đồng ý và lập tức đi kêu gọi gây quỹ.

Ngày hôm sau, báo chí chống Cộng tập trung trước nơi diễn ra buổi gây quỹ và phỏng vấn ông Trần Văn Ca rằng có phải bà Tuệ Châu nằm trong tổ chức của ông không? Ông Ca không trả lời. Ông nói với bà Tuệ Châu rằng: “Cô Châu ngồi gác cửa đi. Cô xem có đứa nào cực đoan phá rối mình, cô đừng cho chúng nó vào”. Nhưng bà Tuệ Châu nghĩ khác. Bà nói: “Họ muốn biết chúng ta làm gì thì họ cứ vào đi”. Nhưng hôm đó, nhóm chống Cộng làm dữ quá nên Đại sứ Pi-tơ-xơn đã không tới.

Kể từ ngày đó, bà Châu xa lánh nhóm cực đoan và dần dần nhận ra những sai lầm của mình trước đây. “Tôi quay lại đọc tin tức trên báo chí truyền thống của Việt Nam như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng. Tôi đã nhận ra những điều tốt đẹp mà Nhà nước Việt Nam mang lại cho người dân. Tôi khâm phục nhân dân Việt Nam đã thắng được Pháp, thắng được Mỹ. Nếu chúng ta có lòng yêu nước, muốn xây dựng đất nước thì chúng ta phải trở về quê hương và có những hành động thiết thực”, bà Châu bày tỏ.

“Tiếng quê hương” ở Trường Sa

Cũng chính vì mong muốn góp phần nhỏ bé của mình cho đất nước, bà Châu đã thành lập và duy trì một đài phát thanh Việt ngữ nhằm mang đến cho cộng đồng người Việt tại Mỹ những tin tức về đất nước Việt Nam đang đổi mới.

Khoảng năm 2005, bà Phùng Tuệ Châu và một số người bạn cùng chí hướng như ông Đinh Viết Tứ lập chương trình phát thanh "Tiếng quê hương" trên internet và trụ sở làm việc là nhà riêng của bà. Dù thời lượng không nhiều, bà và các cộng sự cố gắng duy trì chương trình một tháng một lần, những lúc có sự kiện đặc biệt thì một tháng hai lần. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, "Tiếng quê hương" đã được đưa lên youtube, nhà ai có mạng cũng có thể xem được. “Tiếng quê hương” đã giúp bà con kiều bào Việt Nam ở Mỹ hiểu rõ hơn về đất nước mình sau chiến tranh, đồng thời cũng là tiếng nói phản đối hành động chống Nhà nước Việt Nam của các nhóm cực đoan tại Mỹ.

Với những đóng góp của mình, tháng 4 vừa qua, bà Phùng Tuệ Châu được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời trở về nước và đi thăm Trường Sa. “Tôi rất vui và tự hào khi được đặt chân lên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Thật xúc động khi chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ Hải quân ngày đêm bảo vệ sự bình yên của đất nước”, bà Tuệ Châu bày tỏ cảm xúc mà hai hàng nước mắt chảy dài trên má.

Mặc dù ước muốn làm được chương trình “Tiếng quê hương” trực tiếp từ Trường Sa chưa được thực hiện, nhưng bà Châu cho biết, những câu chuyện, cảm xúc của bà khi gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, người dân ở Trường Sa sẽ lên sóng của “Tiếng quê hương”. Đó cũng chính là lời kêu gọi mà bà muốn gửi gắm tới những người ở hải ngoại còn chưa tin tưởng vào Nhà nước Việt Nam thì hãy thay đổi tư duy, thay đổi lập trường, hãy cùng nhân dân trong nước bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bài và ảnh: KIM OANH

Video liên quan

Chủ Đề