Quê Trần Hưng Đạo ở đâu

Đền thiêng dựng trên đất "thang mộc"

Đền Bảo Lộc tọa lạc tại xã Mỹ Phúc huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định nguyên là đền An Lạc, thuộc làng Bảo Lộc, tổng Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Đền được xây dựng trên đất “thang mộc” của An sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. An sinh vương Trần Liễu cũng là anh trai của Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của vương triều Trần. 

Bước vào cửa đền bạn sẽ gặp câu đối ngay phía trước: “Thử địa vi thánh phụ sở cư, thiên cổ cố truyền thang ấp xứ/ Kim thiên kế tiền nhân chi kiếp vạn niên do lại lộc hương an”. [Nghĩa là: Đất này nơi thánh phụ ở năm xưa ngàn thuở vẫn còn nên thang ấp ấy/ Ngày nay nối tiền nhân từng dựng đặt muôn năm nhờ cậy lộc hương đây].

Ngược dòng lịch sử, thời Trần, cùng với việc xuất hiện chế độ Thượng hoàng, năm 1262, hương Tức Mặc [thuộc thành phố Nam Định ngày nay] đổi thành phủ Thiên Trường và được xây dựng quy mô như một kinh đô thứ hai sau Thăng Long.

Bên cạnh việc xây dựng cung điện, nhà cửa nguy nga tráng lệ cho bậc đế vương, nhà Trần còn phong hàng loạt thái ấp cho các quý tộc, bao quanh như một vành đai bảo vệ Thiên Trường. Ấp An Lạc ngày đó cách trung tâm Thiên Trường 2km [đường chim bay] về phía bắc, là vùng đất lành, bờ xôi ruộng mật, trù phú, phì nhiêu, được sách cổ miêu tả “ruộng hơn ngàn mẫu, ao hơn trăm chiếc”.

Tương truyền, ấp An Lạc là nơi lớn lên, sinh sống của anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn. Cuộc đời Ngài như một huyền thoại, là một thiên anh hùng ca bất hủ của một nhân cách cao cả, tài năng quân sự lỗi lạc. Trần Quốc Tuấn đã từng khảng khái trả lời vua Trần Nhân Tông trong lúc đất nước nguy nan: “Xin hãy chém đầu thần trước, sau hãy hàng giặc. Đầu thần còn giữ được, xã tắc vẫn bền vững lâu dài, xin bệ hạ đừng lo”. 

Đền Bảo Lộc đã được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia

Với công lao to lớn giúp nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông xâm lược, tháng 4 năm 1288, Trần Quốc Tuấn được ban tước hiệu “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương”. Khi ông mất, triều đình lại phong là “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”.

Suốt một đời phò vua giúp nước, ông dốc sức xây dựng Đại Việt thành quốc gia “Thái bình thịnh trị” với câu nói nổi tiếng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Chính sách trọng nông, lấy dân làm gốc…không chỉ giúp nhà Trần chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất mà còn giúp vương triều tồn tại và phát triển rực rỡ gần 200 năm. 

Là đại thần của triều đình, được ví là bậc Thượng phụ nhưng Hưng Đạo đại vương luôn lấy chữ “nhân” để xử thế, vì vậy ông gần gũi với dân và được nhân dân tôn kính. Đức Thánh Trần được nhân dân thờ ở nhiều nơi trong đó có ấp An Lạc là nơi anh hùng dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời.

Viết về Trần Hưng Đạo, trong cuốn “Việt sử tiêu án” của sử gia Ngô Thì Sĩ có đoạn: “Tài văn võ đủ làm phép cho muôn nước mà không dám cậy tài năng, Anh hùng nổi tiếng hai nước mà không nhận công nghiệp. Thế lực có thể lật sông núi đuổi sấm sét, mà lúc nào cũng coi uy nhau vua ở trước mặt. Nay xem ra theo nghĩa mà phải không theo lời cha. Biết có nước mà không biết đến nhà, bẻ mũi gậy để đi theo hầu vua, giơ gươm mà kể tội con. Lòng trung thành sáng như mặt trời”. 

Công trình kiến trúc độc đáo

Đền Bảo Lộc ban đầu được xây dựng ven sông Châu gồm ba gian gỗ lim lợp ngói mũi hài, sau bờ sông bị sói lở, đền được di chuyển vào vị trí như hiện nay. Một thời gian dài tồn tại với quy mô nhỏ, đến đầu thế kỷ XX, đền Bảo Lộc được nâng cấp thành công trình kiên cố, rộng lớn cả về quy mô, tầm vóc. 

Đền nằm chính giữa, quay hướng đông, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu, phía sau đền là Khải Thánh thờ vương phụ, vương mẫu, phu nhân của Trần Hưng Đạo. Toàn bộ khu di tích được thiết kế đăng đối, hài hòa, không gian thoáng đãng tạo cảm giác thanh thoát lòng người về lễ thánh.

Đền Bảo Lộc [đền chính] có quy mô lớn nhất so với các kiến trúc ở đây. Đền xây theo kiểu chữ đinh gồm tiền đường 7 gian rộng, trung đường dài 5gian, hậu cung 3 gian. Kiến trúc của đền đơn giản, các cột xây bằng gạch, nhiều con xà được đổ xi măng cốt thép bền vững, bề thế. 

Đền Bảo Lộc hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, như sáu bộ cánh cửa ở hậu cung với những mảng chạm tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Trong đền, ngoài bài vị còn có pho tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng trong tư thế ngồi nặng 4,8 tấn, đặt ở trung đường; đôi bên có tượng Hưng Vũ Vương Nhiễn và Phạm Ngũ Lão là con trai và con rể của ông. Ngoài ra còn có pho tượng Đức Thánh Trần bằng gỗ trầm hương được đặt tại hậu cung, hai bên là tượng thầy dạy văn và thầy dạy võ.

Đền Khải Thánh nằm ở phía sau, kiến trúc tương tự như đền chính nhưng phần nền cao hơn 3m, thờ thân phụ, thân mẫu, phu nhân và hai người con gái của Trần Hưng Đạo. 

Trong hàng trăm di tích thờ Trần Hưng Đạo trên địa bàn tỉnh Nam Định, đền Bảo Lộc là di tích đặc biệt có ý nghĩa vì mảnh đất này đã gắn với quê hương tuổi thơ của ông. Dân gian có câu nói về cuộc đời Đức Thánh Trần: “Sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc”. 

Lễ hội đền Bảo Lộc hàng năm cũng chính là dịp kỵ nhật của Đức Thánh Trần [20/8 âm lịch] gắn với câu thành ngữ nổi tiếng: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ. Lễ hội đền Bảo Lộc thu hút hàng ngàn con dân nước Việt về nguồn giỗ Cha cũng là để cảm thấy được che chở, được khai sáng bởi những bài học đạo lý, nhân văn sâu sắc từ cuộc đời sự nghiệp của Quốc Công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn - vị Thánh nhân trong lòng dân Việt.

[Đón đọc: Bí ẩn lăng mộ Đức Thánh Trần] 

Bảo Trâm [biên soạn]

Theo Xa lộ pháp luật

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ

 ĐỨC TRẦN HƯNG ĐẠO

        Sơ lược tiểu sử Đức Trần Hưng Đạo

            Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh [nay thuộc tỉnh Nam Định]. Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232.. Ngài thông minh đĩnh ngộ, văn võ song toàn; chí biết dẹp thù nhà, thân biết đoàn kết anh em dòng họ cùng lo toan việc nước. Ngài nghiên cứu binh thư, biết dùng người hiền tài như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng; coi binh sĩ như chân với tay. Ở nơi Ngài thể hiện các đức tính: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, và Tín. Cả ba lần chống quân Mông- Nguyên, ngài đã lập nhiều công lớn. Ngài mất vào ngày 20 tháng Tám năm Canh Tý [1300]. Thi hài được hỏa táng theo ý nguyện của ngài: tro thu vào một bình đồng và chôn trong vườn An Lạc, giữa rừng An Sinh miền Đông Bắc, không xây lăng mộ. Có đền thờ tại Vạn Kiếp, Chí Linh.

Ngài vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ [Tổng tư lệnh quân đội]. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước vì thế ngài được phong tước Hưng Đạo Vương

Sơ lược các trận chiến chống quân  Mông – Nguyên

Cuộc xâm lăng lần thứ nhất: Vào tháng Giêng năm 1258, một đạo quân Mông Cổ khoảng 40 ngàn quân do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy tràn vào Đại Việt từ ngã Vân Nam. Thế giặc rất mạnh nên quân Nam phải rút bỏ Thăng Long với thành không, nhà trống. Chờ khi quân Mông cạn lương thực, ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân Nam đã thần tốc vượt sông Hồng phản công, đánh địch quân tan tác bỏ chạy về Vân Nam.

Cuộc xâm lăng lần thứ hai: Hai mươi sáu năm sau cuộc thảm bại lần thứ nhất, vào cuối năm 1284, lúc đó đã chiếm xong nhà Tống ở Trung Quốc [1279], vua Nguyên là Hốt Tất Liệt cử con trai là Thoát Hoan đem đại quân xâm lấn Đại Việt từ ba mặt: một đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy từ Lạng Sơn đánh xuống; một đạo quân do Nạp Tốc Lạt Đinh từ Vân Nam tràn vào Tuyên Quang; và đạo quân thứ ba do Toa Đô đánh từ Bắc Champa và sườn nam của Đại Việt. Cũng như lần trước, đại quân Nam cố gắng làm chậm bước tiến của địch bằng các lực lượng dân quân địa phương, bảo toàn chủ lực quân, rút lui và bỏ trống kinh thành Thăng Long. Quân Mông bị phân tán mỏng, lương thực khan hiếm, thời tiết nóng nực, bệnh dịch lan tràn. Chờ thời cơ đã chín mùi, tháng 5 năm 1285, Hưng Đạo Vương tức tốc dẫn đại quân đầy nhuệ khí tiến ra Bắc phản công quyết liệt: Đạo quân của Trần Quang Khải tấn công địch trên mạn sông Hồng vào giải tỏa Thăng Long; Trần Hưng Đạo chặn đường rút của địch tại Vạn Kiếp. Quân địch bị thua to tại các mặt trận:

Hàm Tử [Hưng Yên]: Trần Nhật Duật đánh tan chiến thuyền của Toa Đô.

Chương Dương: Trần Quang Khải và Trần Quốc Toản tấn công đại quân Nguyên khôi phục thành Thăng Long.

Tây Kết: quân ta đánh tan và chém chết Toa Đô; Ô Mã Nhi xuống thuyền nhỏ chạy về nước.

Vạn Kiếp: Nguyễn Khoái và Phạm Ngũ Lão được điều động phục binh tại bên sông Vạn Kiếp chặn tàn quân của Thoát Hoan sau khi bị quân của Hưng Đạo Vương đánh tan tại Bắc Giang.

Cuộc xâm lăng lần thứ ba: Hai năm sau lần thảm bại thứ nhì, tháng 12 năm 1287, đại quân Nguyên lại chia làm nhiều ngả qua xâm chiếm Đại Việt. Đoàn chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy hung hăng tiến vào vùng biển Quảng Ninh nhắm hướng cửa sông Bạch Đằng không hay biết đoàn thuyền lương ở phía sau đã bị Trần Khánh Dư phục đánh tan tại vùng đảo Vân Đồn. Lúc đó Thoát Hoan đã tiến vào Lạng Sơn hội với cánh quân của Ô Mã Nhi và cùng tiến về Thăng Long vào cuối tháng 1 năm 1288. Thành Thăng Long lại bỏ trống. Tại đây, đại quân Mông lại lâm vào tình trạng thiếu lương thực nên lại phải rút về Vạn Kiếp và bị chặn đánh tại cửa sông vùng Phả Lại. Biết quân địch sẽ rút đại quân về ngả sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương đã chuẩn bị cho đóng cọc đẽo mũi nhọn tại lòng sông. Sáng ngày 9/4/1288, Ô mã Nhi dẫn đoàn chiến thuyền vào sông Bạch Đằng. Đoàn chiến thuyền của ta ào ra tấn công gặp lúc thủy triều xuống, thuyền giặc nghiêng đổ, thế giặc tan vỡ, quân sĩ tử trận vô vàn, Ô Mã Nhi bị bắt sống. Đạo quân của Thoát Hoan rút theo đường bộ thì bị bị phục kích tại cửa ải Nội Bàng. Mãi tới ngày 19/4/1288, Thoát Hoan và tàn quân mới chạy thoát về tới Tư Minh. Mộng xâm lược của Quân Nguyên hoàn toàn tan vỡ.

Trần Quốc Tuấn là bậc tướng trụ cột của triều đình. Ông đã soạn hai bộ binh thư: Binh thư yếu lượcVạn Kiếp Tông bí truyền thư để răn dạy các tướng cầm quân đánh giặc. Khi giặc Nguyên lộ rõ ý đồ xâm lược, Trần Quốc Tuấn viết Hịch tướng sĩ, truyền lệnh cho các tướng, dạy bảo họ lẽ thắng trận, tiến lui. Hịch tướng sĩ rất hùng hồn, thống thiết, khẳng định văn trương của một bậc “đại bút“. Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng gồm đủ tài đức.

Là tướng nhân, ông thương dân thương quân, chỉ cho họ con đường sáng.


Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi.
Là tướng trí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn tới đâu.
Là tướng dũng, ông xông pha nơi nguy hiểm để đánh giặc, tạo những trận như Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời.
Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính theo ông sẽ được gì, trái lời ông thì gặp họa. Cho nên, cả 3 lần đánh giặc Nguyên, ông đều được giao trọng trách điều bát binh mã và đều lập công lớn.

Mùa thu tháng Tám, ngày 20 năm Canh Tý [1300], “Bình Bắc đại nguyên soái” Hưng Đạo đại vương qua đời. Theo lời ông dặn, thi hài ông được hỏa táng thu vào bình đồng chôn trong vườn An Lạc, gần cánh rường An Sinh, không xây lăng mộ, đất san phẳng, trồng cây như cũ. Vua gia phong cho ông tước Hưng Đạo đại vương. Triều đình lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp, Chí Linh. Nơi phong ấp của ông lúc sinh thời.

Sau khi mất, Trần Hưng Đạo được thờ phụng ở nhiều nơi, trong đó lễ hội lớn nhất ở đền Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay, nơi ngày xưa là phủ đệ của Ngài. Ngài được người dân bao đời sùng kính phong Thánh tức là Đức thánh Trần, đây là điều hiếm hoi trong lịch sử chỉ dành riêng cho vị danh tướng nhà Trần. Ngày lễ chính thức được tổ chức vào ngày Ngài mất [20 tháng 8 âm lịch hàng năm]. Nhân dân không gọi trực tiếp tên của Ngài mà gọi là Hưng Đạo Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Đức thánh Trần, hoặc gọi là Cha [Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ]./.

Câu nói nổi tiếng của Ngài:

“Thời bình phải khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc, bền rễ. Đó là thượng sách giữ nước.”

“Vua tôi một lòng, anh em hòa thuận, nước nhà chung sức, trăm họ là binh.”

Video liên quan

Chủ Đề