tại sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải gắn liền với kinh tế tri thức

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa [CNH, HĐH] được quan niệm là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xã hội, từ sử dụng lao động thủ công là phổ biến sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động được đào tạo cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra năng suất lao động xã hội cao và tạo ra những biến đổi về chất trong toàn bộ các hoạt động của đời sống xã hội [trước hết là hoạt động sản xuất vật chất]. Đó là quá trình sử dụng tri thức của con người để tạo ra và sử dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại kết hợp với giá trị truyền thống của dân tộc để đổi mới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm hướng tới một xã hội văn minh, hiện đại. Ngày nay, công cuộc CNH, HĐH gắn liền với kinh tế tri thức đã trở thành tất yếu của sự phát triển, là làn sóng mạnh mẽ tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới cũng như mọi mặt của đời sống xã hội.

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII [7-1994] đã thông qua đường lối CNH, HĐH đất nước, trong đó nhấn mạnh: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển... [1]. Với quan điểm đó, tiến trình CNH, HĐH của nước ta trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Điều đó tiếp tục được khẳng định trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo[2].

Tuy vậy, nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có phát huy tốt và phục vụ hiệu quả cho chiến lược CNH, HĐH đất nước hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng và trình độ của nguồn nhân lực. Chính vì thế, phát triển nền kinh tế tri thức nhằm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một trong những vấn đề trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định, trong đó giáo dục và đào tạo đóng vai trò chủ yếu. Kinh nghiệm chỉ ra rằng giáo dục, đào tạo và CNH, HĐH có quan hệ chặt chẽ với nhau; thậm chí giáo dục, đào tạo là yếu tố tác động mạnh mẽ đến quy mô, tốc độ và thành công của sự nghiệp CNH, HĐH.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta khẳng định: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc [3]. Thực tiễn những nước đi trước về CNH, HĐH cũng chỉ ra rằng: xã hội muốn đạt tới trình độ phát triển mới và cao hơn thì tất yếu phải dựa trên sự phát triển tương ứng về mặt tri thức và trình độ của nguồn nhân lực; đây là trách nhiệm to lớn của ngành giáo dục.

Giáo dục và đào tạo vừa có ý nghĩa chiến lược, vừa có ý nghĩa trực tiếp đối với sự thành công của CNH, HĐH và CNH, HĐH với những thành tựu của nó lại tác động trở lại tạo điều kiện thuận lợi cho việc hiện đại hóa giáo dục và đào tạo. Vì vậy, phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH và CNH, HĐH tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng hiện đại. Là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đầu tư cho giáo dục phải được xem là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển; đồng thời, giáo dục phải đi trước, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại và phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với định hướng trên, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định nhiều nội dung trọng tâm nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế [4]. Cụ thể hóa chủ trương trên, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND [5]. Trên cơ sở đó, các trường CAND nói chung và Trường Đại học An ninh nhân dân nói riêng đã và đang triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ trên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển nền kinh tế tri thức.

Với Sứ mạng là Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao; lực lượng dự bị, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Công an; là một trong các trung tâm hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo của Bộ Công an, triết lý giáo dục của Trường Đại học An ninh nhân dân được xác định là: Thái độ chuẩn mực; kiến thức toàn diện; kỹ năng thuần thục; phụng sự Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân [9]. Nhằm vận dụng đúng và đầy đủ quan điểm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong xây dựng, hiện thực hóa triết lý giáo dục tại Trường Đại học An ninh nhân dân, hoạt động giáo dục, đào tạo của Nhà trường cần tiếp tục được đổi mới, tăng cường với các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, hoạt động giáo dục, đào tạo cần xây dựng cho người học thái độ chuẩn mức đối với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Hiện nay, Nhà trường đang tập trung trang bị cho người học ý thức trung thành với Đảng và Nhà nước; tin tưởng và chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Ngành, nội quy của đơn vị, mệnh lệnh của cấp trên; ý thức tự giác học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm trong công việc Do vậy, trong thời gian tới, hoạt động giáo dục và đào tạo của Nhà trường cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao nhận thức cho người học về vai trò, ý nghĩa của nền kinh tế tri thức đối với công cuộc CNH, HĐH đất nước; nâng cao ý thức tiếp thu, lĩnh hội và nắm bắt khoa học, công nghệ, tri thức nhân loại và ý thức sử dụng hiệu quả các tri thức đã được trang bị vào thực tế công tác, chiến đấu của lực lượng Công an.

Thứ hai, hoạt động giáo dục, đào tạo cần tập trung trang bị cho người học kiến thức toàn diện nhằm phục vụ hiệu quả cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với nền kinh tế tri thức..

Là trung tâm nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao, Trường Đại học An ninh nhân dân không chỉ có nhiệm vụ đào tạo ra những cán bộ trinh sát có trình độ cao mà còn có nhiệm vụ cao hơn, là nơi đào tạo đội ngũ lãnh đạo tương lai cho lực lượng CAND. Do vậy, Nhà trường cần tiên phong, đi đầu trong việc trang bị các kiến thức, tri thức toàn diện nhằm phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, hoạt động đào tạo cần giúp người học am hiểu các phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ thông tin, không gian mạng nhằm kích động, chống phá Đảng và Nhà nước; nắm bắt được phương thức đấu tranh với hoạt động xâm phạm An ninh quốc gia và xâm hại đến trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng Ngoài ra, người học sau khi ra trường cần có khả năng sáng tạo, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các thành tưu khoa học, công nghệ và các tri thức đã được trang bị vào thực tế công tác, chiến đấu trong tình hình hiện nay.

Thứ ba, hoạt động giáo dục, đào tạo của Nhà trường cần tập trung trang bị cho người học kỹ năng thuần thục trong khai thác, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với nền kinh tế tri thức.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, để đáp ứng những đòi hỏi của công tác bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, người học cần được trang bị các kỹ năng một cách thuần thục trong khai thác, ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ cho việc tiếp thu, lĩnh hội các tri thức nhân loại. Do vậy, Nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo nhằm tăng cường hơn nữa việc trang bị các kỹ năng về tự học, tự nghiên cứu và phát triển tri thức cho người học; kỹ năng nắm bắt và vận dụng khoa học, công nghệ; khả năng tác chiến điện tử; tác chiến trên không gian mạng Đây là những điều kiện, tiền đề hết sức quan trọng để người học có thể vận dụng hiệu quả quả các kỹ năng vào thực tết công tác, chiến đấu sau khi ra trường.

Nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, triết lý giáo dục của Trường Đại học An ninh nhân dân đã thể hiện một sự chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện tầm nhìn hướng đến 2030, Trường Đại học An ninh nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và hội nhập; là trung tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tham mưu chiến lược có uy tín cao của lực lượng CAND./.\

Thượng tá, TS. Bùi Đức Nam Trưởng Phòng KT&ĐBCLĐT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2016, tr. 90.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tr.18.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội [Bổ sung, phát triển năm 2011].

4. Ban Chấp hành Trung ương [2013], Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

5. Đảng ủy Công an Trung ương [2014], Nghị quyết số 17-NQ/ĐUCA ngày 28/10/2014 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong CAND.

6. Bộ Công an [2020], Quyết định số 2061/QĐ-BCA ngày 24/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Đại học An ninh nhân dân.

7. Đảng bộ Trường Đại học An ninh nhân dân [2020], Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Đại học ANND lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 2025.

8. Trường Đại học An ninh nhân dân [2020], Báo cáo tự đánh giá Trường Đại học An ninh nhân dân [giai đoạn 2014 2019].

9. Trường Đại học An ninh nhân dân [2020], Quyết định số 1516/QĐ-T04-P4 ngày 09/12/2021 về việc công bố Tầm nhìn - Sứ mạng - Văn hóa - Triết lý giáo dục của Trường Đại học An ninh nhân dân.

Video liên quan

Chủ Đề