Thành công của cách mạng Tháng 8

Thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là không thể phủ nhận

[ĐCSVN] - Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức đã bóp méo sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành quả cách mạng của dân tộc.
Nhân dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai , Tổng khởi nghĩa giành chính quyền
tại Hà Nội tháng 8/1945. [Ảnh tư liệu]

Các thế lực đó cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đứng lên làm cách mạng mà là nhờ một sự “may mắn” của hoàn cảnh lịch sử. Thậm chí, còn trắng trợn vu cáo, xuyên tạc lịch sử rằng “dù không có Đảng Cộng sản, nhiều thuộc địa vẫn giành được độc lập mà ít tốn xương máu. Sự hao tổn xương máu là do Đảng Cộng sản Việt Nam gây ra”.

Những luận điệu thiếu khách quan, sai sự thật, xuyên tạc lịch sử đó của là nhằm hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hạ thấp, coi nhẹ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xem nhẹ vai trò và giá trị thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, từ đó làm cho nhân dân ta mất niềm tin vào Đảng và chế độ. Do đó, chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sức đề kháng để tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kỳ tích vĩ đại có một không hai trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, không phải là một cuộc cách mạng vội vàng, ngẫu nhiên, “ăn may” như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bóp méo. Để có được thành quả đó, toàn dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh, mất mát cho việc chuẩn bị mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời. Đó là sự chuẩn bị về chủ trương, đường lối; về xây dựng lực lượng chính trị; về xây dựng lực lượng vũ trang; về xây dựng căn cứ địa cách mạng; về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa…

Về chủ trương, đường lối: Để có thành quả cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã có sự điều chỉnh về đường lối chiến lược và sách lược phù hợp. Từ việc tiến hành song song hai nhiệm vụ cách mạng là phản đế và phản phong, đến việc xác định nhiệm vụ trước mắt là giải phóng dân tộc. Thực hiện chủ trương kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến từ khởi nghĩa từng phần đến Tổng khởi nghĩa với phương pháp đấu tranh phù hợp, chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và bất hợp pháp… Các quan điểm này được thể hiện nhất quán, xuyên suốt qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1945, mà đỉnh cao là cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Về xây dựng lực lượng chính trị: Đảng ta xác định lực lượng chính trị quần chúng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng. Để xây dựng lực lượng chính trị quần chúng đông đảo, mạnh mẽ, cần có đội ngũ cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo để liên kết các phong trào đấu tranh. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã chú trọng xây dựng lực lượng chính trị. Đảng đã cử nhiều thanh niên ưu tú đi học tập, đào tạo tại các trường của Quốc tế Cộng sản để sau này về nước nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, trong các tổ chức cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, trang bị lý luận cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, Đảng đã thành lập một số tổ chức quần chúng để lập nên khối đại đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng cứu nước.

Về xây dựng lực lượng vũ trang: Để giành chính quyền cách mạng, Đảng chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang và xác định đây là lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia chiến đấu, có vị trí vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của cách mạng.

Hà Nội giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 qua tài liệu ảnh tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Từ thực tiễn tình hình đầu những năm 1930, lực lượng vũ trang phát triển còn nhỏ lẻ, chưa có tổ chức, Đảng ta đã từng bước thành lập các đội du kích. Hội nghị Trung ương 8 [tháng 5/1941] đã ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Tháng 12 năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội vũ trang Cao Bằng. Đây là quá trình thúc đẩy việc xây dựng lực lượng quân sự, bước đầu xác định những nguyên tắc cơ bản để tiến tới thành lập lực lượng vũ trang tập trung, làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa. Khi phong trào cách mạng phát triển, với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhằm đẩy mạnh hình thức đấu tranh quân sự, tháng 12 năm 1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng nòng cốt cho các tổ chức vũ trang đánh giặc. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về xây dựng căn cứ địa cách mạng: từ so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, từ kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta trong lịch sử giữ nước, Đảng ta đã tổ chức xây dựng các căn cứ địa cách mạng để tập hợp, xây dựng các tổ chức, lực lượng cách mạng và huấn luyện lực lượng này để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Trên thực tế, các căn cứ địa cách mạng của ta đã phát huy tốt vai trò là nơi tổ chức, giữ gìn, phát triển lực lượng cách mạng và đảm bảo yếu tố thông tin liên lạc dễ dàng với cách mạng thế giới, đặc biệt là với Liên Xô và Trung Quốc. Từ năm 1940 đến năm 1945, Đảng ta đã tích cực chỉ đạo xây dựng và củng cố các căn cứ địa cách mạng. Hội nghị Trung ương 7 của Đảng [tháng 11/1940] chủ trương thành lập các căn cứ du kích, lấy Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm. Cuối năm 1940, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến Hội nghị Trung ương 8 [tháng 5/1941] quyết định duy trì và phát triển các căn cứ du kích Bắc Sơn, Võ Nhai, đồng thời mở rộng căn cứ địa Cao Bằng. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã xây dựng được một vùng căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn cùng nhiều chiến khu và căn cứ vũ trang khác. Đây thực sự là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.

Về xác định, lựa chọn thời cơ khởi nghĩa: Sự chỉ đạo tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã nhạy bén nắm bắt sự biến đổi nhanh chóng và mau lẹ của tình hình thế giới để chờ cơ hội chín muồi tiến hành tổng khởi nghĩa. Việc chọn đúng thời cơ, ra quyết định Tổng khởi nghĩa đúng lúc thể hiện cụ thể trong Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” tháng 3 năm 1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc phát đi đêm 13/8/1945. Với sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ mọi yếu tố cho khởi nghĩa trong thời gian lâu dài và biết chọn đúng thời cơ khởi nghĩa mà sức mạnh của nhân dân ta trong Cách mạng Tháng Tám được nhân lên gấp bội, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 của dân tộc đã thắng lợi to lớn, triệt để, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Từ những vấn đề trên, một lần nữa khẳng định, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thành công là minh chứng hùng hồn khẳng định, Đảng ta đã nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước, tình thế cách mạng để đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, lựa chọn phương pháp cách mạng phù hợp. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi hoàn toàn không phải là một sự “ăn may” mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng vĩ đại đó là một biểu tượng của tinh thần quật cường “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, đó là sự kết tinh và toả sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cách mạng Tháng Tám diễn ra dưới hình thức tổng khởi nghĩa nhưng hầu như không có đổ máu. Đó là do Đảng ta đã lãnh đạo sử dụng bạo lực cách mạng một cách hợp lý, bao gồm cả bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị của toàn dân tộc và lực lượng vũ trang cách mạng, giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, trong đó đấu tranh chính trị là chủ yếu, làm nền cho đấu tranh vũ trang. Đến lượt mình, đấu tranh vũ trang làm chỗ dựa vững chắc và thúc đẩy đấu tranh chính trị đến cao trào, tiến tới một cuộc tổng khởi nghĩa toàn diện. Chính lực lượng chính trị của quần chúng, của toàn dân kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định chủ yếu đã tạo nên sức mạnh to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, làm nên cuộc cách mạng ít đổ máu. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả trọng đại đó.

Những luận điệu xuyên tạc mà các thế lực thù địch, phản động nêu ra đối với cách mạng tháng Tám không gì khác vẫn là nhằm phủ nhận những thành quả, ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của cuộc cách mạng và xa hơn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, từ đó phủ nhận toàn bộ sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta dưới dự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan, xuyên tạc, vu cáo về cuộc cách mạng này đều không có giá trị./.

TS Tống Thị Nga, Học viện Chính trị CAND

Thành công của Cách mạng Tháng Tám - nhìn từ góc độ nghệ thuật chỉ đạo chiến lược

18/08/2021

Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong khoảng 15 ngày, nhân dân ta đã giành được chính quyền trên cả nước mà hầu như không bị tổn thất đáng kể nào. Nếu chỉ nhìn một cách đơn giản, phiến diện để đánh giá thì sẽ không thể thấy hết tầm vóc của sự kiện này, cũng như tài thao lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Mít-tinh tổng khởi nghĩa tại quảng trường Nhà hát Lớn
[Nguồn: //dangcongsan.vn]

Thành công của Cách mạng Tháng Tám thực chất là kết quả của nhiều yếu tố hợp thành; đặc biệt là của quá trình xây dựng thực lực cách mạng, chuẩn bị về mọi mặt trong suốt 15 năm kể từ khi Đảng ta ra đời năm 1930. Cùng với đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn, sáng tạo, còn là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược tài tình, sắc sảo của Đảng, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
1. Nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị lực lượng.
Hội nghị Trung ương 8 đề ra sự chuyển hướng về chỉ đạo chiến lược, hình thức đấu tranh cách mạng và chuẩn bị khởi nghĩa, khẳng định: “Khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[1]. Đó là định hướng cho thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng rộng khắp chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Trong đó, nhấn mạnh việc gấp rút đào tạo cán bộ để gây dựng phong trào cách mạng phát triển ở cả nông thôn và thành thị. Đặc biệt, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh [gọi tắt là Việt Minh], nhằm tập hợp lực lượng cách mạng rộng rãi. Đảng Cộng sản Đông Dương vừa là một bộ phận của Mặt trận Việt Minh, vừa lãnh đạo Mặt trận thông qua chủ trương, chính sách cách mạng trong các ủy ban của Mặt trận, đoàn thể cứu quốc. Ngày 25/10/1941, Tổng bộ công bố Chương trình Việt Minh, gồm 10 điểm, phổ biến rộng rãi trong quần chúng nhân dân. Nhờ đó, Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, các đoàn thể cứu quốc phát triển rộng khắp cả Bắc, Trung, Nam. Ngoài Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, còn có Quân nhân [hay binh sĩ, du kích] cứu quốc, Thương gia cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu vong,... tạo thành lực lượng chính trị hùng hậu. Đây chính là nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ đạo chuẩn bị lực lượng của Đảng ta. Sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức chính trị đã tạo điều kiện cho các tổ chức vũ trang hoạt động, phát triển. Đặc biệt, sau khi Việt Minh ban hành Điều lệ của Việt Nam Tiểu tổ du kích cứu quốc, đã xuất hiện nhiều hình thức, như: tổ chức cán bộ bí mật, tổ bí mật quân sự hóa, tổ xung phong vũ trang, tiểu đội và trung đội vũ trang địa phương, v.v. Về cơ bản, những người gia nhập các tổ chức vũ trang này đều tự sắm sửa vũ khí, trang bị theo chức trách, nhiệm vụ. Cùng với đó, ba trung đội Cứu quốc quân [1, 2, 3] lần lượt ra đời để bảo vệ căn cứ địa cách mạng và mở rộng địa bàn. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, sau đó hợp nhất với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Như vậy, quá trình chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa, Đảng ta đã bắt đầu từ xây dựng lực lượng chính trị, trên cơ sở đó xây dựng lực lượng bán vũ trang và vũ trang. Đây là những tổ chức rất mới, chưa từng có trước khi Đảng ta ra đời. Cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động đều hướng tới tập hợp được đông đảo quần chúng, chung tay thực hiện một mục tiêu, nguyện vọng cháy bỏng: giải phóng dân tộc.
2. Nghệ thuật chỉ đạo xây dựng căn cứ địa vững chắc.
Kế thừa kinh nghiệm truyền thống của dân tộc và với tầm nhìn chiến lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Cao Bằng làm căn cứ, đến tháng 8/1943 nối thông với căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, tạo thành thế liên hoàn, là cơ sở để tiến tới thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc vào ngày 04/6/1945. Khu Giải phóng bao gồm 2 căn cứ lớn nằm trên địa bàn 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc phạm vi các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái,... với gần một triệu dân, có các Ủy ban nhân dân do dân bầu, thực thi 10 chính sách lớn của Việt Minh, thực sự là “hình ảnh tươi sáng của nước Việt Nam ngày mai”[2]. Nơi đây cùng với các căn cứ trong cả nước sẽ là hậu phương và bàn đạp cho thế trận Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ chín muồi, để “…đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[3].
3. Nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ chín muồi để phát động khởi nghĩa.
Nắm chắc tình hình và chớp thời cơ để kịp thời hành động là nhân tố quan trọng bảo đảm chắc thắng, nhưng ít tổn thất. Vấn đề này đã được các nhà quân sự cổ đại đúc rút: “Biết địch biết mình, giành thắng lợi không gặp hiểm nguy; biết thiên thời địa lợi nữa, giành thắng lợi mới thật đảm bảo”[4]. Hiểu rõ điều đó, tháng 9/1944, khi nhận được tin Liên Tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng chủ trương “Phát động chiến tranh du kích và gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa”, từ biên giới Việt - Trung, Bác Hồ đã chỉ thị dừng lại, nhờ đó tránh được tổn thất và che giấu lực lượng, tiếp tục phát triển để chờ thời cơ chín muồi. Ngay khi Nhật đảo chính Pháp [09/3/1945], Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” [ngày 12/3/1945], xác định rõ thời cơ chín muồi và chưa chín muồi [điều kiện khởi nghĩa], đề ra chủ trương hành động, phát triển phong trào quần chúng. Qua đó, một loạt chiến khu ở các vùng, miền trong cả nước đã được thành lập. Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra vào lúc thời cơ chín muồi thể hiện nghệ thuật nắm thời cơ, tận dụng thời cơ tài tình của Đảng ta. Vì nếu sớm, sẽ bị lực lượng phát-xít Nhật lúc đó còn mạnh sẽ đàn áp; còn nếu muộn thì càng phức tạp vì đội quân “nhập Việt” của Tưởng đã đóng sát biên giới Việt - Trung.
4. Nghệ thuật tổ chức khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc.
Với tư tưởng quân sự “thượng sách của việc dùng binh là dùng mưu lược để giành thắng lợi, sau mới đến việc dùng ngoại giao để giành thắng lợi, sau nữa mới đến dùng lực lượng quân sự để giành thắng lợi, hạ sách là đánh thành”5, khởi nghĩa từng phần được tiến hành rất đa dạng, phong phú, ít tổn thất nhưng giành thắng lợi triệt để. Hà Nội là địa phương tiêu biểu về sự chủ động kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao để giành chính quyền. Xuất phát từ cuộc mít tinh chiều 17-8-1945 do Tổng hội viên chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức tại quảng trường Nhà hát Lớn, có lực lượng bảo an, cảnh sát giữ gìn trật tự, nhưng Việt Minh đã khéo léo dùng kế “Phản khách vi chủ”[6] [đổi khách thành chủ] để chiếm diễn đàn, tuyên bố đường lối cứu nước của Việt Minh, kêu gọi nhân dân Thành phố ủng hộ Việt Minh, đả đảo chính quyền thân Nhật và tay sai. Dưới sự hướng dẫn của các đội tự vệ chiến đấu, nhân dân nhanh chóng xuống đường tuần hành, biến thành cuộc biểu dương lực lượng cách mạng. Cuộc tuần hành này làm cho quân Nhật và tay sai hoang mang cực độ, Khâm sai Bắc Kỳ Phan Kế Toại lập tức xin từ chức. Nhận thấy đây là thời điểm có thể dùng kế “Thuận thủ khiên dương”[7] [tiện tay dắt dê], nên dù chưa nhận được Quân lệnh số 1, nhưng Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã mạnh dạn căn cứ vào Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” để quyết định khởi nghĩa vào ngày 19/8 bằng lực lượng quần chúng đông đảo, có các đội tự vệ chiến đấu, đội tuyên truyền xung phong làm nòng cốt. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là phải cô lập và vô hiệu hóa lực lượng phát-xít Nhật, vì tuy chúng đã đầu hàng Đồng Minh nhưng đến ngày 21/8 lệnh ngừng bắn mới có hiệu lực. Do đó, Ủy ban cách mạng vừa sử dụng truyền đơn, vừa dùng lời lẽ ôn hòa, khéo léo thuyết phục quân đội Nhật muốn yên ổn về nước, không nên can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, tránh đổ máu vô ích. Nhờ vậy, sáng 19/8, từ các hướng ngoại thành, quần chúng mang theo vũ khí, cờ đỏ sao vàng, rầm rộ tiến về quảng trường Nhà hát Lớn dự mít tinh mà không đụng độ với quân Nhật. Sau khi nghe Việt Minh đọc lời hiệu triệu, cuộc mít tinh biến thành biểu tình có vũ trang đi chiếm Phủ Khâm sai, Kho bạc, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh, v.v. Đến chiều tối cùng ngày, Việt Minh đã làm chủ toàn Thành phố. Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công đã tiếp sức mạnh để nhân dân và “đạo quân chính trị” Huế, Sài Gòn đứng lên giành chính quyền. Tại Huế, với sự ủng hộ của trên 15 vạn nhân dân, lãnh đạo khởi nghĩa đã thuyết phục được Bảo Đại thoái vị nên ngày 23/8 khởi nghĩa thành công mà không phải nổ súng. Tiếp theo, ngày 25/8, hơn một triệu người Sài Gòn – Gia Định đã đứng lên khởi nghĩa thành công. Phát huy thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, các tỉnh còn lại cũng đều tổ chức khởi nghĩa bằng hình thức kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và ngoại giao để giành chính quyền.
Như vậy, trải qua quá trình đấu tranh chính trị phát triển lên chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần ở một số địa phương, gây dựng Khu Giải phóng làm căn cứ kháng chiến, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi trọn vẹn.

Nguyễn Công Tâm

___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr.132.
2 - Đại tướng Võ Nguyên giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 123.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 596.
4 - Tôn - Ngô binh pháp, Nxb Công an nhân dân, H. 1994, tr. 136.
5 - Sđd, tr. 80.
6 - Tam thập lục kế binh pháp bí truyền, Nxb Văn hóa thông tin, H. 2001, tr. 186.
7 - Sđd, tr. 73.

Theo Tạp chí Quốc phòng Toàn dân

Chia sẻ
Tweet

Ý nghĩa lịch sử cuộc Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng tám thành công [19/8/1945]

2021-08-18 17:12:00.0

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào [Tuyên Quang] trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1945 đã giải quyết vấn đề trọng đại: quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đại biểu các đảng bộ từ Bắc, Trung, Nam, từ các chiến khu và khu giải phóng về dự đông đủ. Hội nghị họp vào lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh liền thành lập "ủy ban khởi nghĩa toàn quốc" để lãnh đạo khởi nghĩa trong cả nước. Trong tình hình hết sức khẩn trương, Đảng quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân đồng minh Anh, Pháp vào nước ta.

23 giờ đêm 13 tháng 8, ủy ban khởi nghĩa ra "Quân lệnh số I" hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền Độc lập- Tự do.

Ngày 15, xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa. Hà Nội sống trong những ngày rạo rực chuẩn bị nổi dậy, các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên, hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền cho Việt Minh, thành lập các đội tự vệ chiến đấu.

Chiều 17, cuộc biểu tình của Tổng hội công chức bị viến thành cuộc mít tinh lớn của Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên tầng hai Nhà hát Thành phố, đại biểu Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền, lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Như một tia lửa nhen lên từ cánh đồng cỏ khô, ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh theo lời kêu gọi của Đảng.

Từ sáng ngày 19, hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát lớn. Đúng 11 giờ trưa, cuộc mít tinh bắt đầu. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp quảng trường:

Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam

Việt Nam hoàn toàn độc lập

Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại. Dòng người chia thành nhiều ngả, có các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi chiếm các công sở và chiếm lĩnh các vị trí xung yếu. Hai cánh cổng phủ khâm sai [nay là nhà khách chính phủ] đónh im ỉm. Đoàn biểu tình dừng lại, nhiều người vượt qua hàng rào sắt nhảy vào bên trong chiếm lấy trụ sở cơ quan đầu não của địch. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao, phần phật tung bay trước gió. ở trại Bảo an ninh, bọn Nhật cho xe tăng và quân lính chặn các ngã đường. Nhưng chúng không thể ngăn cản được làn sóng người đang cuồn cuộn tiến bước, sẵn sàng đạp bằng mọi trở ngại. Tuy còn hàng vạn tên lính với vũ khí đây đủ, quân Nhật cũng phải lùi bước.

Nhân dân Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ thành phố của mình Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân, thúc đẩy các nơi nổi dậy giành chính quyền. Cuốc khởi nghĩa ở Hà Nội có tác dụng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của cả nước.

Trong vòng 10 ngày từ 19 đến 28 tháng 8 hầu hết các tỉnh và thành phố đều nổi dậy khởi nghĩa. Bọn phát xít Nhật thua trận không dám hành động. Chế độ quân chủ bị lật đổ. Chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả đấu tranh lâu dài của nhân dân Việt Nam chống đế quốc thực dân, phát huy cao nhất truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc đã được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt khôn khéo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, độc lập, tự chủ và sáng tạo, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:“Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo Cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc ta và quốc tế sâu sắc, Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Tiến Long

Video liên quan

Chủ Đề