Thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương

Quảng Trị là địa phương cơ cấu nhiều loại giống cây trồng, được phân bố đều trên nhiều vùng sinh thái khác nhau. Các loại cây trồng luôn có mặt trên đồng ruộng, kết hợp với thời tiết khí hậu bất thuận do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho nhiều đối tượng dịch hại có xu hướng phát sinh phát triển về chủng loại cũng như số lượng làm ảnh hưởng tới năng suất chất lượng nông sản. Để đảm bảo cho cây trồng hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, công tác chăm sóc bảo vệ là hết sức cần thiết, trong đó việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] để phun rãi là biện pháp cuối cùng khi người nông dân sử dụng các biện pháp canh tác không có hiệu quả. Do vậy nhu cầu sử dụng thuốc BVTV của người nông dân rất đa dạng và liên tục tăng cao trong sản xuất hiện nay. Hàng năm trên địa bàn tỉnh sử dụng khoảng từ 80-90 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó thuốc trừ cỏ từ 40-50 tấn, riêng thuốc trừ cỏ không chọn lọc phun trên đất trước khi trồng trọt từ 20-30 tấn.

Đến nay toàn tỉnh có 523 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp [VTNN]. Trong đó 130/308 cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; 140/215 cơ sở đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Số cơ sở còn lại kinh doanh không đủ điều kiện, buôn bán thuốc BVTV và phân bón không đảm bảo các quy định về địa điểm cửa hàng, kho chứa, dụng cụ phòng cháy chữa cháy, bảo hộ lao động, bày bán thuốc BVTV, phân bón chung với lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hàng tạp hóa... người trực tiếp buôn bán phân bón, thuốc BVTV không có trình độ chuyên môn để hành nghề. Cơ sở đủ điều kiện kinh doanh buôn bán thuốc hết hạn sử dụng; Thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được quy định tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ.

Các cơ sở sản xuất trồng trọt chưa thực hiện nghiêm việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng về đúng nơi quy định, nông dân vẫn còn thói quen tự ý vứt bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng một cách bừa bãi trên khe suối, ao hồ, kênh mương, bờ ruộng nội đồng là nguy cơ gây ô nhiểm môi trường sống; Các địa phương triển khai việc xây dựng bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng chưa đáp ứng theo quy định của pháp luật [01 bể/03ha đất canh tác cây trồng hàng năm tương đương 8.500 bể/26.000 ha đất trồng lúa] nhưng đến nay trên toàn tỉnh mới có hơn 1.200 bể chứa chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong nhu cầu thu gom.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn chưa tuân theo quy trình kỹ thuật, nhiều người dân thiếu kiến thức trong sử dụng thuốc để phòng trừ dịch hại, đặc biệt việc lạm dụng thuốc trừ cỏ không chọn lọc có hoạt chất Glyphosate mỗi năm từ 1-2 lượt/ đơn vị diện tích. Phần lớn người sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, tăng nồng độ so với quy định khi pha chế thuốc, nguy cơ để lại tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản và môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng là điều không thể tránh khỏi.

Trước thực trạng trên, thời gian qua Chi cục Trồng trọt và BVTV đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật chuyên ngành đến với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Đặc biệt, đã hướng dẫn đến các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh các loại thuốc BVTV đã loại khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực được phép sử dụng tại Việt Nam như: Hoạt chất Carbendazim [Carben 50WP, 50SC; Carbenda supper 50 SC, 60WP; Dibavil 50FL, 50WP; Vixazol 275 SC…]. Hoạt chất Benomyl [Viben 50WP; Viben-C 50WP; BenZeb 70WP…]. Hoạt chất Thiophanate-methyl [Topan 70WP; Topsin M 50SC, 70WP; Pysaigon 50WP…].Hoạt chất 2,4 D [Anco 500SL,600SL, 720SL, 860SL; Ni-2,4D 600SL; Vi 2.4D80WP, 600SL, 720SL …]. Hoạt chất Paraquat [Cỏ cháy 20SL, 420SL; Gramoxone 20SL; Nimaxon 20SL, 30SL; Fagon 20SL…]. Hoạt chất Acephate [Monster 40EC; Viaphate 40EC, 75SP …..]. Hoạt chất Diazino [Basitox 5GR, 10GR; Danasu 10GR, 40EC,50EC; Diazan 10GR, 40EC,50EC,60EC; Diaphos 10GR,50EC;Vibasu 5GR,10GR, 10GR,40EC,50EC; Vibasa 10GR, 50EC…]. Hoạt chất Malathion[ Malate 73EC; Malvate 21EC…]. Hoạt chất Zinc phosphide [Fokeba 20CP; Zinphos 20CP]Hoạt chất Chlorpyriphos Ethyl [Paragon 555EC; ViBafos 15EC; Filitox super 550 EC; Victory 300EC, 585EC; Đại Bàng Đỏ 700EC,777EC, 799EC; Rago 650EC; Map arrow 420WP; Sixtoc 333.3EC …]. Hoạt chất Fipronil [ Anpyral 800WG; Legend 0.3GR, 5SC, 800WG; Regent 0.3GR, 5EC, 800WG; Tango 50SC, 800WG; Virigent 0.3GR, 50SC,800WG; Meta gold 800WP; MAP Silo 40SC, 200WP...].Hoạt chất Glyphosate [Bravo 480SL; Dibphosate 480SL; Dream 480 SC; Glyphosan 480 SL, 757SG; Grassad 480 SL; Roundup 480 SC ; Niphosate 160SL, 480SL, 757SG; Kanup 480SL…]. Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam đối với hoạt chất Trichlorfon  Carbofuran [Địch Bách Trùng 90 SP; Dip 80 SP; Ofatox 400 EC, 400WP; Biminy 40EC...]; Đồng thời đã tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện và kịp thời ngăn chặn xử lý các hành vi vi về buôn bán thuốc BVTV và phân bón.

Để góp phần tăng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp các ngành và chính quyền địa phương cấp cơ sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền văn bản pháp luật quy định về điều kiện buôn bán, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đến với người dân một cách sâu rộng kịp thời. UBND cấp xã phối hợp chặt chẻ với cơ quan chuyên ngành Trồng trọt và BVTV hướng dẫn nông dân sử thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng để từng bước trang bị cho nông có đầy đủ kiến thức về sử dụng thuốc BVTV, phân bón trên cây trồng an toàn và hiệu quả; Tăng cường phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý nhà nước để tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc BVTV và phân bón của người dân trên địa bàn quản lý. Đồng thời sự phối hợp kịp thời của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xúc tiến triển khai trung chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã được nông dân thu gom vào bể chứa trên đồng ruộng đưa đến nơi tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

Sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước một cách quyết liệt và sự đồng lòng của người dân về ý thức chấp hành quy định của pháp luật, sẽ góp phần hạn chế ô nhiểm môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn cho người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng trước mắt và lâu dài./.

Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều so với các nước trong khu vực. Trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi từ 500-700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật. Trong số này, 48% là thuốc diệt cỏ, tương đương 19 nghìn tấn, còn lại là thuốc trừ sâu, trừ bệnh, khoảng trên 16 nghìn tấn. Khối lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật trên 1ha cây trồng mỗi năm ở Việt Nam lên đến 2kg, trong khi một số nước khác trong khu vực chỉ từ 0,2-1 kg/ha. Còn theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân tổng lượng phân bón vô cơ các loại sử dụng vào khoảng 2,4 triệu tấn/năm, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp các loại trong khi lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì bình quân chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì. Trong khi đó, người dân hoàn toàn không có ý thức xử lý lượng thuốc bảo vệ thực vật còn tồn lại trên vỏ bao bì. Có tới hơn 65% những người dân được hỏi khẳng định họ vứt vỏ bao bì ngay tại nơi pha thuốc. Thực tế này đang khiến cho môi trường ở khu vực nông thôn xuống cấp nhanh chóng. Không những thế, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc trừ sâu, phân bón còn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với sức khỏe con người cũng như tàn phá nghiêm trọng đất đai, đồng ruộng, khiến đất đai bị chai cứng, giữ nước kém và độ màu mỡ của đất giảm đe dọa đến nền nông nghiệp bền vững. Mặt khác, khi các loại thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng cũng có nghĩa là các sản phẩm nông nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa lượng hóa chất - một trong những nguyên nhân cơ bản khiến hàng hóa nông nghiệp nước ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập trong khi bà con nông dân thường có kiến thức hạn chế về các loại hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu hiệu quả và an toàn, làm tăng chi phí sản xuất và nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, có tới 80% thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam đang được sử dụng không đúng cách, không cần thiết và rất lãng phí. 30% người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định như không đảm bảo lượng nước, không có bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nồng độ. Tuy nhiên, để khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác là điều rất khó, một phần vì thói quen của người nông dân, mặt khác vì hiện nay, sự biến đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh rất dễ bùng phát. Để tránh dịch bệnh lây lan, nhà nông thường xuyên sử dụng thuốc trừ sâu như một liệu pháp dập dịch nhanh chóng nhất mà không nghĩ đến hậu quả về lâu dài của nó. Hiện đại đa số nông dân vẫn dựa vào thuốc bảo vệ thực vật hóa học là chính, tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học đạt rất thấp. Trong khi đó, các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật an toàn, hiệu quả trong bảo vệ thực vật chậm được nhân rộng... nên việc mất an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn cứ tồn tại.

Nhằm hạn chế tình trạng sử dụng quá nhiều, quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài, các địa phương nên vận động và hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sinh thái hữu cơ và tìm thị trường cho các sản phẩm sinh thái hữu cơ vừa tốt cho đất đai, sức khỏe con người và môi trường nông thôn. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm soát tốt việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại, lạc hậu, khuyến khích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới, thuốc bảo quản rau, quả an toàn. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và các chương trình IPM, ICM, chương trình canh tác lúa cải tiến, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất cây trồng an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới./.

Phương Mai

Video liên quan

Chủ Đề