Vẻ đẹp của người phụ nữ trong chiến đấu

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam giữ một vai trò trọng yếu trong sự trường tồn của dân tộc ta. Ngay từ khi mới thành lập Đảng ta đã chỉ rõ phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Ngày 20/10/1930 Hội phụ nữ được thành lập, và có nhiều tên gọi khác nhau sao cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử song hội vẫn là tổ chức trung kiên của phụ nữ Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng, vị trí, vai trò của phụ nữ được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao. Bác đã từng nói: “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong bản Di chúc bất hủ để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc đi xa, Người đã viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên”.

Phụ nữ đã trở thành một phần không thể thiếu đóng góp vào sự thành công của cách mạng Việt Nam, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng to lớn thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Họ là những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta. Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu; Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bà Nguyễn Thị Định, Chị Út Tịch,....

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, những nữ chiến sĩ bất khuất trong tù, những mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, những đội nữ dân quân bắn rơi máy bay phản lực, bắn cháy tàu chiến của địch, những nữ thanh niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu, chị Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm... Và còn có biết bao người mẹ Việt Nam Anh hùng thầm lặng; dung dị, mộc mạc tảo tần; đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ, động viên chồng con đi chiến đấu, đảm đang việc nước, việc nhà, vững vàng gan dạ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, họ đã cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trở về…

Trong bối cảnh xã hội ngày nay có nhiều cơ hội tốt đẹp, không ít phụ nữ Việt Nam đã phấn đấu vươn lên, vượt khó, trau dồi, rèn luyện cho mình những hành trang mới sánh bước cùng cộng đồng khu vực và thế giới. Phụ nữ chúng ta đang ngày càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, mạnh dạn trong kinh tế thị trường. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phụ nữ Việt Nam là những người lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, giàu bản lĩnh.

Trong phong trào lao động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo có nhiều chị đã thể hiện năng lực quản lý, bản lĩnh vượt khó trở thành người quản lý giỏi, chủ doanh nghiệp thành đạt, được Nhà nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý, được xã hội tôn vinh là những Bông hồng vàng…Đất nước ta có những là những nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao giỏi, chuyên gia kinh tế xuất sắc, họ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà, điển hình như bà Nguyễn Thị Bình, bà Trương Mỹ Hoa, bà Phạm Chi Lan, Bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà Tòng Thị Phóng ...Ở bất cứ cương vị nào, phụ nữ cũng phát huy được vai trò, sức mạnh, sự khéo léo vốn có của mình.

Ngày nay, thời đại của khoa học công nghệ – Phụ nữ Việt Nam tiếp tục vươn lên để khẳng định mình. Họ không ngừng trau dồi kiến thức, khả năng giao tiếp, các kỹ năng mềm, chăm chỉ nghiên cứu khoa học, năng động sáng tạo…, phụ nữ Việt Nam lại vươn lên để khẳng định bản thân mình với xã hội. Họ vẫn năng động, sáng tạo trong công việc không thua kém gì so với đấng mày râu, vẫn được tôn vinh trong xã hội nhưng không bao giờ quên đi vai trò của mình là một người con, người mẹ, người vợ trong cuộc sống gia đình. Họ vẫn luôn là hậu phương vững chắc, là người xây tổ ấm trong mỗi gia đình. "Đằng sau thành công của một người đàn luôn có bóng dáng của một người phụ nữ" - câu nói đó vẫn luôn đúng ở bất cứ thời đại nào.

Ngày nay, phụ nữ đã khẳng định được vai trò của mình trong xã hội tham gia các phong trào thi đua: phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, phụ nữ tích cực học tập lao động, sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc,... Nhiều chị em đã trở thành những gương mặt tiêu biểu về lao động giỏi, lao động sáng tạo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà giáo và thầy thuốc giỏi ..., xứng đáng là phụ nữ Việt Nam “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới. Đất nước sẽ mãi mãi tự hào về người phụ nữ Việt Nam: "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"ở phương diện nào người phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, tạc vào lịch sử dân tộc một hình tượng cao quý và ngời sáng.

Đến ngày hôm nay không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của phụ nữ trên nhiều lĩnh vực.Vậy nên, họ xứng đáng được tự hào, tôn vinh và ngợi ca. Ngày 20.10 hàng năm là một trong những dịp quan trọng để xã hội thể hiện sự ghi nhận công lao của người phụ nữ, để những đứa cháu đi xa nhớ về bà, những người con biết yêu thương vết chân chim trên mắt mẹ, những người chồng thêm yêu và trân trọng vợ hiền, những học trò nhớ về những "cô giáo như mẹ hiền" của mình. Chúng ta cũng chắc chắn được khẳng định rằng: Vai trò cũng như vị thế của người phụ nữ trong xã hội sẽ ngày càng được nâng cao và có đóng góp ngày một lớn cho sự phát triển chung trong mọi lĩnh vực.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 10 năm 2020

Nguyễn Thị Hết

Phòng Truyền thông – Giáo dục và Quan hệ quốc tế

Thời gian trôi qua, cùng với từng bước đi của lịch sử, hàng loạt các ca khúc cách mạng ra đời có sức mạnh cổ vũ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược

Thời gian trôi qua, cùng với từng bước đi của lịch sử, hàng loạt các ca khúc cách mạng ra đời có sức mạnh cổ vũ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Nó thực sự trở thành món ăn tinh thần vô giá có mặt trong đời sống thường nhật, cổ vũ quần chúng đi theo cách mạng và hướng con người tới đời sống tinh thần phong phú theo hướng Chân- thiện- mỹ. Các nhạc sĩ- chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa đã dùng âm nhạc như một phương tiện, một vũ khí đấu tranh, tập hợp quần chúng đi theo con đường của Đảng, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.
Bên cạnh các ca khúc viết về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân ta anh hùng, trong đó phải kể đến những ca khúc khắc họa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng - bất khuất- trung hậu- đảm đang”. Các ca khúc viết về phụ nữ được các nhạc sĩ sáng tác từ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã thể hiện sự phong phú về số lượng, sâu sắc về chất lượng, với nhiều tìm tòi về thể loại, cách tìm tòi về thể loại, cách khai thác đề tài và hình tượng âm nhạc mang tính thẩm mỹ. Mỗi ca khúc đều có cách xây dựng, tiếp cận và thể hiện khác nhau, song hình tượng người phụ nữ Việt Nam đều được thể hiện trong niềm cảm phục, trân trọng của đất nước, nhân dân. Đó là vẻ đẹp tiềm ẩn vốn có trong sự kết hợp giữa tính truyền thống và hiện đại. Công - dung - ngôn - hạnh truyền thống đã hài hòa mang tính xã hội khi mà trọng trách lớn lao lịch sử đã đặt trên vai họ.


Khi đất nước có chiến tranh thì “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Con cháu Bà Trưng, Bà triệu lại viết tiếp bài ca chiến đấu. Phần lớn những sáng tác đều tập trung ngợi ca người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng- bất khuất- trung hậu- đảm đang” với chất sử thi hoành tráng, như cuốn biên niên sử của đất nước trong những giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc. Có thể khẳng định Tuyển tập ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam” được coi như một giá trị văn hóa phi vật thể cần được sưu tầm, bảo tồn lưu giữ và phát huy tác dụng.

Qua nghiên cứu, các ca khúc dành phần lớn để ngợi ca người mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là những bà mẹ nghèo yêu con, yêu nước, cống hiến cho đất nước bằng những chiến công thầm lặng. Các ca khúc này được viết sau khi đã có độ lùi nhất định vềthời gian để nhìn nhận, chiêm nghiệm về sự hy sinh cao quý của các bà mẹ. Ca khúc “Mẹ Việt Nam anh hùng” của nhạc sĩ [An Thuyên] được thể hiện với nốt nhạc trầm hùng, tha thiết, tái hiện được vẻ đẹp cao quý của người mẹ trong nỗi đau như hóa đá trước việc “Biết mấy chờ mong từng đứa con ra đi không bao giờ trở lại”. Ca khúc “Người mẹ của tôi” [Xuân Hồng] mang giai điệu ngân vang, thấm thía chất bi hùng. Với ca khúc “Đất nước”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn khắc họa sự hy sinh thầm lặng trong tiết tấu hùng ca tha thiết, trầm lắng. “Đất quê ta mênh mông” của Phan Huỳnh Điểu là một ca khúc ra đời trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc đã phác họa chân dung bà Mẹ Việt Nam yêu Đảng, yêu nước bằng một việc làm thật giản dị. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý với ca khúc “Tấm áo mẹ vá năm xưa” đã đưa công chúng đến với bà mẹ nghèo Hà Bắc chứa chan tình nghĩa, ấm áp thân thương.

Trong những năm tháng hào hùng của đất nước cùng ra trận, khi “Tiền tuyến ra sức tiến công” thì “Hậu phương hết lòng chi viện”, người phụ nữ Việt nam gánh trên vai sứ mệnh nặng nề. Thanh niên với phong trào “Ba sẵn sàng” đã có “phụ nữ ba đảm đang” đáp vọng. Một loạt các ca khúc ra đời thời kỳ này để kịp thể hiện tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam “Vốn hay lam, hay làm” thay chồng đảm đương trọng trách lớn lao, có sức mạnh cổ vũ động viên người chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc “Đường cày đảm đang” [An Chung], “Bài ca năm tấn”[Nguyễn Văn Tý], “Bạch Long vĩ đảo quê hương” [Huy Du]…

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, người phụ nữ lao vào cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc, bỏ lại đằng sau tất cả sự bộn bề của gia đình. Hàng loạt khúc ca hùng tráng ra đời, sôi nổi mê say có sức động viên, cổ vũ kịp thời như “Cô gái mở đường” [Xuân Giao], “Vui mở đường” [Đỗ Nhuận”, “Chào em cô gái Lam Hồng” [Ánh Dương], “Cô gái Sài gòn đi tải đạn” [Lư Nhất Vũ, “Đường Trường Sơn xe anh qua” [Văn Dung], “Nổi lửa lên em”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” [ Hoàng Hiệp].

Cuộc kháng chiến thần thánh huy động sức mạnh của toàn dân tộc. Thi đua cùng chị em miền xuôi, chị em phụ nữ miền núi một lòng tin yêu theo Đảng, vừa gánh gạo nuôi quân, vừa địu con lên rẫy, vừa đào hào vót chông, tự nguyện lên vùng núi cao, chấp nhận khó khăn dựng trường lớp dạy trẻ em dân tộc học chữ. Một loạt các ca khúc đã thể hiện vẻ đẹp ấy như: “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” [Phương Nam], “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp, “Tiếng chày trên sócBom Bo [Xuân Hồng], “Em là hoa PơLang” [Đức Minh], “Bóng cây Kơ nia” của Phan Huỳnh Điểu, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của nhạc sĩ Văn Ký….

Hình ảnh người phụ nữ hy sinh vì dân, vì nước đã bước vào các ca khúc và được tôn vinh: “Nhớ ơn chị Minh Khai” [Văn Thắng], “Bài ca Hồng Gấm” [Phạm Tuyên], “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” [Nguyễn Đức Toàn]… Mỗi tác phẩm là một bức tranh âm thanh có bản sắc riêng, có tiết tấu riêng. Ngoài bút pháp âm nhạc thì hình tượng người phụ nữ được gợi lên trong các ca từ đã tạo nên xúc cảm thẩm mỹ đối với công chúng yêu âm nhạc, lay động tâm hồn quần chúng.

Nhiều ca khúc khai thác từ chất liệu hát ru vốn đã trở thành truyền thống của dân tộc, được bảo tồn phát huy qua nhiều thế hệ. Các nhạc sĩ khai thác từ vốn ca dao dân ca, từ các âm tiết tiếng việt vốn mang đặc trưng khá đặc biệt, thanh điệu phân chia hài hòa trong hai nhóm bằng trắc, tạo nên tiết tấu nhịp nhàng uyển chuyển phù hợp với lối hát ru đã đi sâu vào lòng người như: “Địu con đi nhà trẻ” [Đào Ngọc Dung], “Đất nước lời ru” [Phan Thành Nho], “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” [Trần Hoàn], “Ru con Nam Bộ]…

Trong tuyển tập ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam”, mỗi ca khúc là một câu chuyện kể về một nhân vật hay một tập thể, một bà mẹ hay một thiếu nữ. Các nhạc sĩ thường lấy một điển hình để nói mọi người, lấy một địa danh, một phong trào để nói lên cái toàn thể mà nhạc sĩ trước khi sáng tác đã được gặp gỡ, tiếp xúc. Bởi người nhạc sĩ- chiến sĩ hầu hết đã trải qua dọc dài Tổ quốc, lúc chiến tranh-hòa bình, khi hậu phương- mặt trận hòa lẫn với hình ảnh cha-con, vợ- chồng, tình mẫu tử, trước vinh quang- mất mát, ở quá khứ-hiện tại, họ đều có cảm xúc mạnh mẽ và sáng tác các ca khúc giàu tính biểu cảm. Nhạc sĩ Văn Thành Nho một lần khi về thăm và an ủi gia đình của một đồng đội đã hy sinh ở chiến trường nước bạn, người mẹ liệt sĩ nói với nhạc sĩ: “Con ráng đề nghị với đơn vị, làm sao đưa được hài cốt nó về an táng tại đất nước mình. Được như thế dẫu ở đâu mẹ cũng có thể đến thăm và hương khói cho nó”. Thì ra lá rụng về cội bao giờ cũng là nỗi niềm của các bà mẹ. Chính vì vậy mà hình tượng Mẹ Âu Cơ – Lạc Long Quân hòa quyện với hình tượng “Đất nước lời ru”của nhạc sĩ được nảy sinh ra cũng từ những tình tiết sâu xa ấy.

Chúng ta hãy nghe tâm sự của các nhạc sĩ phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi sưu tầm các ca khúc về PNVN, về cảm xúc của họ khi xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua ca khúc của họ. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phát biểu “Theo tôi trong kho tàng ca khúc Việt Nam, đặc biệt ở thời kỳ kháng chiến, các nhạc sĩ đã khắc họa được hình ảnh “ Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” của phụ nữ Việt Nam một cách chân thành. Chính nhờ có cảm xúc mạnh mẽ nên các ca khúc đã thành công có sức lôi cuốn sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tâm sự: “Tôi nghĩ người phụ nữ là người sinh ra nhân loại và cho tình yêu. Qua người mẹ của chính mình, tôi nghĩ đến đức tính cao quý của người phụ nữ Việt Nam là tận tụy hy sinh cả đời cho con cái, không hề nghĩ đến bản thân mình. Tôi đã viết: Lời mẹ ru, Ca dao mẹ, Ngủ đi con, Huyền thoại mẹ, Bà mẹ ô lý…và nhiều ca khúc về phụ nữ. Nhạc sĩ Từ Huy thì thổ lộ “phụ nữ đem lại tình yêu, hòa bình cho nhân loại. Chính vì trân trọng và quý mến hình ảnh người PNVN mà tôi đã viết: Một thoáng quê hương, Bài ca đất nước, Em là cánh hoa đẹp, Người em yêu..và tôi sẽ còn chung thủy với đề tài này trong ca khúc sắp tới. Nhạc sĩ Trần Hữu Bích chia sẻ nỗi niềm “Phụ nữ chính là nhan sắc chúng ta đã yêu, xuất phát từ tình cảm trân trọng tôi viết về phụ nữ như Màu hoa tím, Nụ hồng… khắc họa người phụ nữ trông chờ người yêu ra trận, hoặc tình yêu đầu đời, tôi vừa viết xong Tình mẹ. Đây là ca khúc tôi đã từng ấp ủ nhiều năm để trả món nợ về mẹ về người phụ nữ mà tôi luôn ngưỡng mộ…”


Nguyễn Thị Nhi

Video liên quan

Chủ Đề