Vệ sinh môi trường nông thôn là gì

Chúng ta không khó để bắt gặp ở nhiều vùng nông thôn những bãi rác tự phát được hình thành cạnh các con đường lớn dẫn vào làng. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông như tại trục đường chính đi vào phường Quảng Phúc, TX. Ba Đồn rác thải tràn lan khắp đường, kênh dẫn nước vào tận ruộng lúa.
Ông Trần Văn Thông có ruộng tại khu vực ô nhiễm rác thải phản ánh: Một mùa vụ như thế thì có 3 đợt xả nước từ Vực Ròon để tưới cho lúa, tuy nhiên, kéo theo đó là đủ các loại rác thải, kể cả xác chết động vật tràn xuống ruộng lúa. Nếu như phát hiện sớm mà vớt rác lên thì lúa không sao, nhưng không phát hiện kịp thì chỉ 2-3 ngày, rác tràn xuống ruộng là lúa sẽ chết. Thậm chí những lúc mưa lớn nước tràn về thì rác không biết từ đâu cũng trôi theo vào ruộng rất nhiều. ở đồng Công Kênh là điểm rác tràn về nhiều nhất, nhà tôi có hơn 2 sào lúa ở đó, năm ngoái không vớt được rác nên lúa bị chết gần một nửa ruộng. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương trong các cuộc họp hay nhũng lần tiếp xúc cử tri, nhưng do rác nhiều quá, Ban thủy lợi của phường cũng như người dân đều chỉ có thể vớt rác lên khỏi ruộng lúa chứ chưa thể thu gom đưa đi nơi khác được nên vẫn ô nhiễm môi trường lắm.

Rác thải sinh hoạt tràn ngập đường đi tại xã Vạn Ninh [Quảng Ninh]


Tình trạng rác thải xả tràn lan gây ô nhiễm như vậy diễn ra tại nhiều vùng nông thôn khác của huyện Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy... Không chỉ đồng ruộng mà ngay cả dọc Quốc lộ, tình trạng rác thải gây ô nhiễm và không được quản lý vẫn xảy ra. Đặc biệt là dọc theo QL 1A đoạn đi qua địa phận xã Gia Ninh [Quảng Ninh] và Đèo Lý Hòa, xã Thanh Trạch [Bố Trạch], nhiều bãi rác xả tràn lan gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Tại những địa điểm này rác thải không những không được thu gom mà còn xử lý ngay tại chỗ bằng cách là đốt nên tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng hơn.
Rác thải nông thôn hiện nay được phân chia thành 3 nhóm chính là rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp [tại các làng nghề] và rác thải nông nghiệp. Các loại rác thải này đang được xả ra môi trường nông thôn hằng ngày, mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý, hiện nay việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, ý thức của người dân chưa cao nên gây ô nhiễm do rác thải nông thôn tại nhiều địa phương. Tại nông thôn, việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt phần lớn do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận cùng người dân, đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt, từng bước hạn chế tình trạng vứt rác thải tràn lan. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 80 xã đạt tiêu chí về môi trường, đạt gần 60%.
Hiện nay ở một số địa phương, rác thải hàng năm không ngừng tăng gây áp lực đối với môi trường và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Ngoài việc xây dựng các điểm tập kết rác thải, các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, các khu xử lý rác thải... thì việc triển khai huy động các mô hình tự quản, đảm nhận vệ sinh các tuyến đường được giao cho các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội CCB, Đoàn Thanh niên, các thôn, nhóm, tổ... đang được nhân rộng. Đồng thời cần phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Tuy nhiên, do đặc điểm phát triển kinh tế xã hội tại mỗi địa phương khác nhau dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên việc cần thiết hiện nay là phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp.


Đại Chung
[Trung tâm KN-KN
]

Video liên quan

Chủ Đề