Ai có quyền ký văn bản chứng thực năm 2024

Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực được thực hiện theo Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ và Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ, với nội dung cụ thể sau:

1. Chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài (Điều 12)

Khi chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài, nếu người tiếp nhận hồ sơ, người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung của giấy tờ, văn bản thì đề nghị người yêu cầu chứng thực nộp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản. Bản dịch ra tiếng Việt không phải công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, nhưng người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản dịch.

2. Chứng thực chữ ký trên Giấy ủy quyền (Điều 14)

- Việc ủy quyền thỏa mãn đầy đủ các điều kiện như không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thì được thực hiện dưới hình thức chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền.

- Việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

+ Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

+ Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

+ Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

+ Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.

- Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch.

3. Chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá nhân (Điều 15)

- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu quy định. Trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác về việc ghi nhận xét trên tờ khai lý lịch cá nhân thì tuân theo pháp luật chuyên ngành.

- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình. Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

4. Các trường hợp không được chứng thực chữ ký (Điều 22 và Điều 25 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ)

- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân.

- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chứng thực chữ ký là một trong các thủ tục thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Vậy chứng thực chữ ký ở đâu? Những vấn đề cần biết về chứng thực chữ ký là gì?

1. Chứng thực chữ ký là gì?

Chứng thực chữ ký là một trong những hoạt động mà cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực về chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký do chính người yêu cầu chứng thực ký tên trước mặt người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp đều có thể chứng thực chữ ký bởi nếu thuộc một trong các trường hợp nêu tại Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP dưới đây, độc giả sẽ không được chứng thực chữ ký:

- Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình bởi một trong những điều kiện khi yêu cầu chứng thực là người yêu cầu phải minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc Căn cước công dân mà người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình không còn giá trị sử dụng (hết hạn sử dụng) hoặc bị giả mạo.

- Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; có nội dung chống phá cách mạng; xuyên tạc lịch sử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức khác; kích động chiến tranh…

- Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch trừ giấy uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền không có nghĩa vụ bồi thường, không liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

2. Chứng thực chữ ký ở đâu?

Cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký được quy định cụ thể tại Nghị định 23 năm 2015 gồm:

  • Phòng Tư pháp cấp huyện thuộc tỉnh
  • Uỷ ban nhân dân cấp xã với người có thẩm quyền chứng thực là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài với người có thẩm quyền chứng thực là viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự.
  • Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng).

Lưu ý: Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải đến trực tiếp trụ sở của các cơ quan, tổ chức nêu trên trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người yêu cầu chứng thực nhưng già yếu, không thể đi lại được hoặc đang bị tạm giam, tạm giữ, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.

Trong văn bản chứng thực chữ ký, bắt buộc phải ghi rõ địa điểm chứng thực, nếu thực hiện chứng thực ngoài trụ sở cơ quan, tổ chức nêu trên thì phải ghi rõ thời gian đến giờ, phút chứng thực.

Khi chứng thực chữ ký ngoài trụ sở, người yêu cầu công chứng có thể phải nộp thêm chi phí và thù lao chứng thực theo thoả thuận với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực nêu trên.

Ai có quyền ký văn bản chứng thực năm 2024
Có 4 cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký (Ảnh minh hoạ)

3. Cần chuẩn bị hồ sơ gì để chứng thực chữ ký?

Sau khi đã xác định được chứng thực chữ ký ở đâu thì người yêu cầu cần phải chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ sau đây:

- Giấy tờ nhân thân của người yêu cầu: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

- Văn bản, giấy tờ mà người yêu cầu chứng thực chữ ký sẽ thực hiện ký tên và nhận được sự chứng thực đến từ cơ quan có thẩm quyền. Nội dung trong giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký, người yêu cầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Riêng văn bản, giấy tờ được sử dụng để yêu cầu chứng thực chữ ký nếu người thực hiện chứng thực không hiểu rõ nội dung (văn bản bằng tiếng nước ngoài…) thì người này có quyền yêu cầu nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt của giấy tờ, văn bản đó.

4. Thời gian chứng thực chữ ký là bao lâu?

Thời gian thực hiện chứng thực chữ ký được quy định tại Điều 7 Nghị định 23 là thực hiện ngay trong ngày làm việc sau khi cơ quan, tổ chức tiếp nhận được yêu cầu chứng thực chữ ký.

Nếu yêu cầu được gửi đến sau 15 giờ của ngày hôm đó thì cơ quan, tổ chức phải giải quyết chứng thực chữ ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo.

Khi tiếp nhận yêu cầu chứng thực chữ ký, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ ngày, giờ sẽ trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.