Bí quyết thành công trong ngành kiểm toán kế toán năm 2024

Kiểm toán là một trong những nghề mũi nhọn trong khối ngành Kinh tế. Kiểm toán là việc kiểm tra, xem xét, thẩm tra, đánh giá, kết luận và xác minh tính đầy đủ, trung thực, hợp lý của số liệu, tài liệu kế toán, báo cáo tài chính theo các chuẩn mực được xác định trước của những tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về kinh tế. Do tính chất đặc thù của ngành nghề, kiểm toán viên không chỉ giỏi về kỹ năng cứng như khả năng phân tích logic, có sự nhạy cảm nhất định với những con số mà kiểm toán viên còn cần phải có những kỹ năng mềm nhất định để giúp cho quá trình làm việc được thuận lợi hơn. Ngay bây giờ hãy cùng BISC tìm hiểu về những kỹ năng mềm mà kiểm toán viên nên trang bị nhé.

1. Kỹ năng làm việc nhóm

Kỹ năng làm việc nhóm là khả năng thiết lập và duy trì mối quan hệ hợp tác tích cực với các thành viên khác để hoàn thành tốt đẹp các mục tiêu chung.

Khi đi công tác, các kiểm toán viên thường được kết hợp lại thành một nhóm và đi đến các doanh nghiệp khách hàng để làm việc. Kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ giúp các thành viên trong nhóm kiểm toán phối hợp với nhau để giải quyết công việc một cách dễ dàng hơn, tối ưu hóa năng suất làm việc nhóm và đảm bảo rằng các thành viên trong nhóm đều phát huy được các thế mạnh của mình.

Không phải bất kỳ một nhóm kiểm toán nào đều có các thành viên làm việc ăn ý với nhau ngay từ lúc đầu. Để làm việc nhóm tốt, các thành viên trong nhóm cần giao tiếp cởi mở, hỗ trợ nhau khi cần thiết, khả năng xử lý xung đột tốt và dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau hoạt động vì mục tiêu chung trong cuộc kiểm toán mà nhóm đã đề ra.

2. Kỹ năng xử lý tình huống

Kỹ năng xử lý tình huống là khả năng phát hiện, phân tích và đánh giá vấn đề (người, sự vật, hiện tượng). Từ đó, người trong tình huống, hoàn cảnh cụ thể biết cách thấu hiểu toàn diện và đưa ra được các phương án, hướng giải quyết phù hợp.

Không thể phủ nhận rằng, kiểm toán là một nghề thường xuyên phải đi công tác, đi kiểm toán tại các công ty khách hàng thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Chính vì vậy, sẽ có những tình huống đột xuất phát sinh, đòi hỏi kiểm toán viên cần phải nhanh nhạy vừa xử lý tình huống không làm phật lòng khách hàng vừa phải bảo đảm tiến độ làm việc và quá trình thu thập bằng chứng diễn ra theo kế hoạch.

3. Kỹ năng quản lý thời gian

Quản lý thời gian là quá trình lên kế hoạch và tổ chức thời gian cho từng hoạt động cụ thể, chi tiết theo từng bước cho đến khi hoàn thành.

Khi vào mùa bận, khối lượng công việc mà kiểm toán viên phải xử lý là vô cùng lớn. Nếu không quản lý thời gian tốt, kiểm toán viên rất dễ bị trễ deadline, làm giảm độ tin cậy trong mắt khách hàng. Vì vậy, để cải thiện kỹ năng quản lý thời gian, kiểm toán viên cần phải lên kế hoạch và thời gian cần làm cho từng đầu mục công việc và cần tập trung làm để hoàn thành những đầu mục công việc đó.

4. Kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là khả năng truyền đạt thông điệp, các tín hiệu có cơ sở, lắng nghe; gửi đi và nhận lại các phản hồi là các thông tin được ghi nhận thông qua nền tảng kiến thức riêng của mỗi người.

Do đặc thù nghề nghiệp, kiểm toán viên thường xuyên phải làm việc với khách hàng và hầu hết khách hàng là những người không có chuyên môn sâu về kế toán, kiểm toán. Chính vì vậy, kiểm toán viên cần phải rèn luyện cho mình kỹ năng trình bày với khách hàng về các sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính một cách thật đơn giản và dễ hiểu. Không chỉ vậy, khi kiểm toán tại các công ty khách hàng, kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp cho nhóm kiểm toán dễ dàng làm việc với các phòng ban của doanh nghiệp khách hàng để thu thập số liệu, hồ sơ, bằng chứng kiểm toán hơn.

Để cải thiện kỹ năng giao tiếp, điều cần thiết nhất chính là việc các kiểm toán viên cần phải luyện tập và cải thiện cách diễn đạt của mình, hiểu bản chất của các vấn đề cần trao đổi với khách hàng để có thể trình bày một cách đơn giản và dễ hiểu nhất.

5. Kỹ năng tin học văn phòng

Theo kết quả điều tra năm 2016 của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) về Kế toán chuyên nghiệp ở tương lai với quy mô ở 22 quốc gia trên Thế giới (trong đó có Việt Nam) cho thấy: trong khoảng 3 - 10 năm tới, khoảng 55% số người được khảo sát cho rằng sự phát triển của hệ thống kế toán tự động được đánh giá là yếu tố tác động cao nhất trong các xu hướng.

Kế toán, Kiểm toán viên muốn làm việc trong thời đại kỷ nguyên số không chỉ cần sự thông minh, chỉ số cảm xúc mà còn cần bổ sung nhiều yếu tố khác, đặc biệt là kỹ năng công nghệ và tầm nhìn doanh nghiệp. Cuộc cách mạng công nghệ khiến cho các công việc thủ công của các Kế toán, Kiểm toán viên như thu thập, xử lý, tính toán số liệu thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, không phải vì thế mà vị thế của các Kế toán, Kiểm toán viên bị hạ thấp nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các Kế toán, Kiểm toán viên phải thường xuyên cập nhật, củng cố, trau dồi các kiến thức về công nghệ tiên tiến mà ở đây chính là trình độ tin học văn phòng để có thể đáp ứng được nhu cầu của công việc.

Tại Việt Nam, hiện nay quy trình kế toán, kiểm toán ở nhiều doanh nghiệp còn thực hiện trên hồ sơ, giấy tờ trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 lại chuyển hóa toàn bộ dữ liệu đó thành thông tin điện tử. Do đó, trong tương lai, nếu các Kế toán - Kiểm toán viên không am hiểu về công nghệ, về tin học văn phòng thì sẽ rất khó khăn trong việc chuyên môn. Và chắc chắn rằng, với những ai có mong muốn làm việc tại Big4 thì đây sẽ là một kỹ năng không thể bỏ qua.