Cách tính mức độ phân hóa giàu nghèo năm 2024

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như mức chênh lệch giữa nhóm 20% thu nhập cao nhất và nhóm 20% thu nhập thấp nhất trong năm 1995 là khoảng 7 lần thì nó đã tăng lên đến 9,2 lần trong năm 2010 (năm mới nhất có số liệu thống kê). Qua một thước đo khác, hệ số Gini (biểu thị độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập) cũng cho thấy xu hướng gia tăng bất bình đẳng ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong năm 1995 hệ số này của Việt Nam là 0,357 nhưng đã tăng lên đến 0,43 trong năm 2010.

Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu - nghèo: từ hệ quả của sự thay đổi công nghệ và quá trình toàn cầu hóa đến hậu quả của chính sách không phù hợp và sự lũng đoạn chính sách của các nhóm lợi ích. Với nước ta, bên cạnh những lý do đó, còn có thể thấy một số lý do đặc biệt khác, đó là: (1) tình trạng lạm phát cao trong những năm gần đây tạo nên khó khăn lớn cho người nghèo; (2) mức đầu tư công vào nông nghiệp, nông thôn thấp so với yêu cầu thực tế; (3) tình trạng mất đất canh tác của nông dân đã đẩy không ít người vào cuộc sống nghèo khó...

Hệ lụy từ sự phân hóa giàu - nghèo vô cùng lớn, là nguyên nhân chủ yếu gây nên bất ổn xã hội; làm ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; đưa đến bất bình đẳng về cơ hội thăng tiến trong xã hội… Chính vì vây, việc thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo cần đặc biệt được quan tâm và có những giải pháp phù hợp để giải quyết, bên cạnh những vấn đề then chốt khác như cải cách thể chế kinh tế và đấu tranh với tham nhũng…

Hiện nay, người nghèo chủ yếu ở vùng nông thôn và miền núi. Do vậy, trước tiên cần điều chỉnh lại chiến lược đầu tư công, tập trung đầu tư vào khu vực này. Cụ thể, cần ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp đầu tư về các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn; khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng việc cấp tín dụng để nông dân có thể vay vốn phát triển sản xuất. Tiến hành rà soát và điều chỉnh các chính sách đất đai; minh bạch, rạch ròi quy trình thu hồi để tránh thất thoát, lãng phí đất đai; tránh thu hồi đất canh tác tốt để phục vụ cho các chương trình đô thị hóa và xây dựng khu công nghiệp một cách ồ ạt, thiếu thận trọng.

Bên cạnh đó, cần thay đổi cách tiếp cận trong giảm nghèo; đổi mới phương thức, cách làm trong hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, để một số hộ không còn cảm thấy may mắn khi được đứng trong danh sách hộ nghèo; giảm các hỗ trợ “cho không”, gắn hỗ trợ với các điều kiện, từ đó xóa bỏ tư tưởng ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Điều quan trọng hơn là trao cơ hội cho người nghèo để họ vươn lên. Sự tham gia đầy đủ của người nghèo, đặc biệt là vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và cộng đồng. Họ phải là trung tâm trong các chính sách và chiến lược nhằm xây dựng một tương lai bền vững.

Tại Kỳ họp thứ 10, QH đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với mục tiêu cụ thể: giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân từ 1,0% đến 1,5%/năm. Hy vọng từ việc thực hiện chương trình này, không chỉ số lượng hộ nghèo giảm mạnh mà khoảng cách giàu - nghèo ở nước ta ngày càng thu hẹp.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn tình trạng bất bình đẳng trong tiến trình thực hiện MDGs ở các vùng (nhất là vùng dân tộc thiểu số), nhóm dân cư và đây là vấn đề có thể tạo ra rủi ro lớn đối với những thành tựu của Việt Nam. Lâu nay, ở Việt Nam việc xác định khoảng cách giàu-nghèo thông qua khoảng cách thu nhập là chủ yếu mặc dù điều này có thể được thể hiện bằng nhiều cách như qua chi tiêu, qua việc hưởng thụ các tiện ích y tế, giáo dục, văn hóa... Để biểu thị mức độ chênh lệch về giàu-nghèo qua thu nhập người ta dùng hệ số Gini(G) hay là mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp cư dân. Nếu G=0 chỉ sự bình đẳng thu nhập tuyệt đối (mọi người đều có cùng một mức thu nhập) còn G=1 chỉ sự bất bình đẳng thu nhập tuyệt đối (một người có toàn bộ thu nhập, trong khi tất cả mọi người khác không có thu nhập). Theo các số liệu thống kê được công bố những năm trước đây thì hệ số Gini năm 1994 là 0,350, năm 1995 là 0,357, năm 1996 là 0,362, năm 1999 là 0,390, năm 2002 là 0,420, năm 2004 là 0,423. Qua đó cho thấy sự bình đẳng đang giảm đi còn sự bất bình đẳng đang lớn lên và đạt mức độ nguy hiểm. Những năm gần đây, chưa thấy công bố thông tin nào nói về khoảng cách giàu-nghèo trong xã hội.

Theo các chuyên gia về xã hội học thì mức chênh lệch giàu-nghèo hiện đang khá lớn và Hà Nội cũng có hiện tượng giống với xu hướng phân hóa giàu-nghèo của cả nước. Kể từ khi Hà Nội mở rộng thì khoảng cách này lại càng tăng cao hơn. Khoảng cách giàu-nghèo có thể ước đoán qua những quan sát về chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình hoặc cách thức chi trả lương khá chênh lệch giữa người lao động và người quản lý ở các doanh nghiệp. Ngoài ra một số doanh nghiệp có “tính đặc thù” còn chi trả những khoản “lương khủng” cho tầng lớp quản lý, rồi xu thế đô thị hóa ồ ạt làm nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ đất đai... đó là chưa kể tình trạng lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, làm giàu bất hợp pháp... Tất cả những vấn đề đó sẽ góp phần nới rộng khoảng cách giàu-nghèo là điều dẫn đến bất bình đẳng xã hội. Người giàu có rất nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề... và họ lại có điều kiện để giàu thêm. Số liệu thống kê cho thấy, 20% nhóm giàu được hưởng phúc lợi xã hội nhiều hơn so với 20% nhóm nghèo. Điều đó chứng tỏ rằng người càng giàu thì càng được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo.

Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì phân hóa giàu-nghèo càng diễn ra phức tạp. Và tất nhiên, nhóm hộ vừa mới thoát nghèo lại có xu hướng lâm vào tình trạng thoát nghèo không bền vững, dễ quay trở lại nhóm nghèo. Nhất là sắp tới chúng ta sẽ tiếp cận nghèo theo hướng mới đa chiều chứ không đơn chiều, lấy chuẩn nghèo bằng thu nhập hoặc chi tiêu trung bình tính trên từng người làm cơ sở như trước đây. Việc xác định nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều nghĩa là không chỉ tính mức thu nhập bình quân dưới chuẩn nghèo mà nếu thiếu hụt ít nhất một trong những nhu cầu xã hội như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, nhà ở, dịch vụ cơ bản tại nơi ở, lương thực, thực phẩm… thì vẫn xác định là nghèo. Đây cũng là xu thế xét nghèo chung của nhiều đô thị lớn trên thế giới, bức tranh toàn diện về tình trạng nghèo được xây dựng với nhiều chiều đói nghèo là thu nhập, giáo dục, y tế, tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, chất lượng và diện tích nhà ở, dịch vụ nhà ở, tham gia các hoạt động xã hội, an toàn xã hội…

Qua thực tế, có thể nói rằng, sự bình đẳng tuyệt đối giữa giàu-nghèo là không có. Rất khó đạt được việc kéo gần khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bởi nhiều lý do. Nhưng đây cũng là một mục tiêu cần có lộ trình thực hiện. Vì thế, ngay bây giờ ngoài việc thực hiện chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chính sách quan tâm tới việc tăng cường tính tự chủ, vươn lên của người nghèo, động viên các người giàu, doanh nghiệp, doanh nhân làm tốt trách nhiệm xã hội thì còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nữa. Nhất là khi chúng ta chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều. Nghĩa là chính sách đưa ra phải quan tâm tới việc khắc phục dần tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cải thiện chất lượng khám chữa bệnh; Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề; Chăm lo tốt đời sống người có công… Kể cả việc chỉ đạo để giảm tai nạn giao thông và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là thông điệp đưa ra nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa đói Giảm nghèo và Ngày Vì người nghèo Việt Nam (17/10) để chúng ta xóa đói giảm nghèo bền vững.