Cách xưng hô với người nhỏ tuổi

Theo truyền thống, học trò thường gọi phu nhân của thầy là cô mặc dù có thể không làm nghề dạy học, và xưng là em. Nếu họ ít tuổi hơn mình nhiều thì cũng nên gọi bằng chị, xưng tôi, chứ không thể xưng hô anh, em như mọi người khác có thể. Mặc dù vợ của thầy thấy mình kém họ nhiều tuổi mà chủ động xưng anh, em thì cũng không vì thế mà mình làm theo. Đó là lịch sự cần thiết mà người có văn hóa cần thể hiện.

Có những người đàn ông đáng tuổi cha, chú, bác, nói chuyện với các cô gái cũng cứ anh, em, trong khi họ xưng cháu và hô đúng vai vế. Cũng như vậy, không ít phụ nữ đã luống tuổi, ở bậc mẹ, thậm chí bà, vẫn cứ xưng hô chị, em với những thanh niên đáng tuổi con cháu mình. Tuy nhiên, có thể xưng hô anh - em, chị - em trong trường hợp đối tượng chủ động xưng như vậy trước và mình có may mắn trẻ hơn nhiều so với tuổi, khiến đối tượng thấy gần gũi, không có khoảng cách về tuổi tác. Tôi lại chứng kiến có bà đã nghỉ hưu, xưng hô với những người đàn ông chỉ hơn mình mươi tuổi là chú, cháu, cứ như muốn hạ tuổi mình cho trẻ hơn nhiều so với đối tượng trong khi sự thật không như vậy.

Đó là một vài ví dụ về việc xưng hô không được lịch sự, chưa chuẩn. Nhưng lại có những người xưng hô khá tế nhị. Có những bạn trẻ không biết gọi và xưng với cấp trên của mình như thế nào vì nếu gọi anh [hoặc chị] hay chú [cô] đều khó vì họ ở độ tuổi chung chiêng, tức không còn trẻ nhưng cũng chưa già so với mình. Và họ chọn cách gọi là thủ trưởng hoặc sếp và xưng em. Tôi thì hay được các bạn nữ kém nhiều tuổi gọi bằng thầy, tất nhiên là xưng em, mặc dù họ không học tôi môn gì. Hỏi ra mới biết họ xưng hô như vậy vì muốn xưng em với tôi mà không muốn chú, bác nhưng lại không thể gọi là anh. Và họ coi tôi là thầy của họ vì sự thực tôi cũng đang dạy ở nhiều nơi.

Ai cũng luôn phải xưng hô trong cuộc sống hàng ngày. Sử dụng việc này sao cho có văn hóa sẽ làm thăng hoa thêm các mối quan hệ. Vậy nên rất cần được chú trọng.

Video liên quan

Chủ Đề