Cân bằng điện tử trên xe ô tô là gì

Hệ thống cân bằng điện tử ESP được đánh giá như một tiêu chuẩn mức độ an toàn trên xe, cũng là một trang bị không thể thiếu trên những chiếc xe thương mại. Cùng CarOn tìm hiểu thêm về những điều hay ho của hệ thống này qua bài viết sau đây

Electronic Stability Program [viết tắt ESP] là hệ thống cân bằng điện tử được trang bị rất phổ biến trên ô tô hiện nay để ngăn hiện tượng xe bị mất lái, chệch khỏi quỹ đạo mong muốn. Hệ thống này đặc biệt hữu ích không chỉ trên những mẫu xe hiệu suất cao mà còn rất cần thiết khi xe vận hành trong điều kiện có độ bám thấp như đường ướt, cát đất, băng tuyết hay trong những tình huống cần đánh lái gấp để tránh chướng ngại vật.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP còn được biết đến với một số tên gọi khác, tùy hãng mà hệ thống này sẽ có tên gọi và thuật ngữ khác nhau như Mazda sử dụng từ viết tắt DSC [Dynamic Stability Control], Honda sử dụng VSA [Vehicle Stability Assist], trong khi Porsche sử dụng PSM [Porsche Stability Control] …

Lịch sử hình thành và phát triển của ESP

Được khởi công nghiên cứu vào năm 1983, đến 1987 các hãng xe Toyota, Mercedes-Benz, BMW chính thức giới thiệu hệ thống chống trượt với sự can thiệp điện tử. Hệ thống này có tác dụng lên hệ thống phanh giúp giảm hiện tượng trượt bánh xe khi tăng tốc đột ngột. Đây được xem như một bước ngoặt lớn để nghiên cứu hệ thống ESP.

Đến 1990, Mitsubishi khởi động chương trình Diamante [sigma]. Sử dụng phương pháp can thiệp vào động cơ để kiểm soát lực kéo của chiếc xe có tên gọi là TCL. Từ đó, giúp xe kiểm soát độ ổn định tại những điều kiện khi tăng tốc đột ngột, đường trơn trượt hay khi vào cua.

Đến năm 1992, “chương trình ổn định điện tử” có tên gọi ESP [kiểm soát sự trượt ngang của ô tô] ra đời do Mercedes-Benz và Bosch hợp tác phát triển phát triển. Chương trình này đã được áp dụng trên mẫu xe S600 Coupe của họ vào năm 1995.

Các nhà sản xuất ô tô giới thiệu hệ thống ESP của họ vào năm 1995. Mercedes-Benz, với sự hợp tác của Bosch, là công ty đầu tiên cài đặt hệ thống này trên mẫu W140 S-class. Cùng năm đó, BMW ra mắt thiết bị này nhờ vào Bosch và ITT Automotive [sau này được mua lại bởi Continental Automotive Systems]

Cấu tạo của hệ thống ESP

ESP được cấu thành từ 5 bộ phận chính, tín hiệu từ các cảm biến gia tốc ngang ở thân xe, cảm biến tốc độ ở các bánh xe và góc đánh lái… được thu thập để xác định trạng thái chuyển động thực tế.

Hệ thống cân bằng điện tử ESP hoạt động dựa vào tín hiệu từ bộ các cảm biến như cảm biến tốc độ bánh xe [dùng chung với hệ thống ABS và TCS] để xác định độ trượt của bánh, cảm biến quay vòng, gia tốc, góc lái cũng như áp suất phanh để xác định khi xe có xu hướng lật, mất lái và tiến hành can thiệp.

Nguyên lý hoạt động

Hệ thống cân bằng điện tử ESP không hoạt động riêng lẻ, chúng là tổ hợp của nhiều bộ phận khác nhau và có “bộ não” xử lý là ECU.

Hệ thống này hoạt động dựa vào các tín hiệu được gửi từ các cảm biến chính như cảm biến tốc độ ở bánh xe [Wheel Speed Sensor], cảm biến góc lái [Steering Angle Sensor] và cảm biến góc xoay thân xe [Yaw Rate Sensor]… Trước đó người ta sẽ thiết kế các thông số định mức sẵn. Nếu dữ liệu truyền về quá thông số đó thì hệ thống ESP sẽ điều chỉnh về mức an toàn và lấy lại sự ổn định cho xe.

Tất cả dữ liệu được gửi đến bộ điều khiển cân bằng điện tử [ESP Module] để tính toán và sẵn sàng can thiệp bằng hệ thống Phanh lên các bánh xe một cách riêng lẻ để lấy lại sự cân bằng cho xe.

Công dụng của hệ thống cân bằng điện tử ESP

Khi vận hành xe trên đường, tài xế có thể dễ gặp phải những trường hợp như: lệch góc lái, mất lái, văng đầu xe, trượt đôi xe khi phải di chuyển trong thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở. Những tình huống bất ngờ xảy ra như vậy rất dễ gây tai nạn vì các tay lái khó mà dễ dàng kiểm soát được nếu không có sự hỗ trợ của hệ thống cân bằng điện tử ESP

Hệ thống cân bằng điện tử ESP giúp hỗ trợ người lái kiểm soát được các tình huống rủi ro, nhất là đối với xe có gầm cao. Khi đánh lái gấp hoặc va chạm, xe gầm cao thường dễ bị lật hơn so với các loại xe khác. Vì vậy, trang bị hệ thống ESP sẽ giúp hạn chế những rủi ro và đảm bảo tính an toàn cho xe.

Ngoài ra, hệ thống ESP còn giúp tăng khả năng bám đường, từ đó hạn chế tình trạng mất lái khi tăng tốc độ đột ngột, giữ tay lái giữ sự ổn định, cân bằng cho xe trong mọi tình huống

Nhận biết xe có cân bằng điện tử

Ngày nay, hệ thống cân bằng điện tử ESP là một trang bị phổ biến trên hầu hết các dòng xe bán trên thị trường, trừ các mẫu xe thuộc phân khúc giá rẻ như xe Sedan và Hacthback hạng A và hạng B

Để nhận biết được xế cưng có được trang bị hệ thống cân bằng điện tử ESP hay không thì bạn nên tham khảo bảng thông số kỹ thuật của xe trước khi quyết định mua xe. Chọn xe có hệ thống cân bằng điện tử sẽ giúp các tay lái yên tâm hơn khi lái xe trên đường.

Hình 1: Biểu tượng ESP đang hoạt động
Hình 2: Biểu tượng ESP vô hiệu hóa

Hình 1 là biểu tượng của hầu hết các hãng xe hiện nay đang áp dụng và bố trí ở bảng taplo. Khi hệ thống hoạt động và can thiệp và quá trình vận hành, đèn bên phải sẽ sáng lên hoặc nhấp nháy. Đồng thường lúc này ta cũng có thể nghe được tiếng rít lốp khi cân bằng điện tử hoạt động. Ngược lại, nếu tắt hệ thống đi thì đèn hình 2 sẽ sáng lên, lúc này có thể hiểu là hệ thống đã bị vô hiệu quá. Tuy nhiên không nên tắt hệ thống này đi vì bất kì tình huống xấu nào cũng có thể xảy ra, nên cần phải có hệ thống này cảnh báo kịp lúc.

Bên cạnh đó, hệ thống cân bằng điện tử ESP trên xe đều được cài đặt nút tắt, do đó có thể dễ dàng nhận biết một chiếc xe có được trang bị hệ thống này hay không thông qua cách tìm nút tắt hệ thống này

Nút tắt hệ thống cân bằng điện tử ESP

Khi nào thì tắt hệ thống cân bằng điện tử?

Hệ thống cân bằng điện tử được ESP được thiết kể để luôn hoạt động, nó không thể phân biệt được các bề mặt đường khác nhau để có thể đưa ra hoạt động khác nhau.

Khi di chuyển trên bề mặt đường bùn hay đường cát, bạn nên tắt hệ thống này đi. Vì khi bánh xe bị sa lầy, người lái cần mô-men xoắn để vượt đường trơn trượt, việc tắt ESP sẽ giúp bánh xe bị sa lầy không bị phanh và đồng tốc với các bánh còn lại.

Hệ thống ESP cũng thường được tắt trong những tình huống người lái muốn tăng tốc nhanh, nắm quyền làm chủ chiếc xe và họ có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm vận hành và xử lý nhiều tình huống khác nhau thì không cần đến sự can thiệp của hệ thống hay hệ thống kiểm soát độ bám đường. Tuy nhiên nên hạn chế tối đa những tình huống như vậy, nếu chạy trong trường đua thì có thể nhưng nếu chạy ở khu vực bên ngoài thì tuyệt đối không nên.

Những thông tin chi tiết về Hệ thống cân bằng điện tử ESP mà CarOn đã nêu trên mong rằng sẽ giúp ích bạn hiểu thêm về chiếc xế cưng của mình.

Mọi thông tin thắc mắc về sản phẩm, dịch vụ của CarOn xin vui lòng liên hệ đến số hotline: 0961.247.360 hoặc liên hệ qua website: //caronpro.vn/ để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng

Chủ Đề