Chồng rường giả thủ là gì năm 2024

TẢI FILE PDF —————–

Trên mảnh đất Hội An, chùa [Việt] xuất hiện khá sớm và phát triển mạnh mẽ qua các thời kì. Hơn thế nữa, ngoài những chùa theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, ở đây còn có sự xuất hiện những chùa thuộc các hệ phái khác, gồm hệ phái Nguyên thủy [Theravada, trước đây quen gọi là Tiểu thừa] và hệ phái Khất sĩ340. Đây có thể coi là hiện tượng điển hình trên vùng đất xứ Quảng. Nhận diện kiến trúc chùa [Việt] ở Hội An, vì vậy, là việc làm cần thiết. Điều đó sẽ càng ý nghĩa khi thành phố này đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị di sản trong tương lai. Bởi, “Đến hiện đại từ truyền thống” là lựa chọn không thể tốt hơn với trường hợp Hội An.

1. Vị trí, cảnh quan, bố cục

Nhìn chung, những chùa có lịch sử hình thành muộn thường nằm ở vị trí là nơi tập trung dân cư đông đúc hoặc giữa trung tâm phố thị, như Pháp Bảo, Bảo Thắng, An Lạc, Bảo Châu, Nam Quang, Long Thọ, Ngọc Truyền… Trong khi đó những chùa có lịch sử lâu đời, khoảng từ đầu thế kỉ XX trở về trước, thường tọa lạc ở khu vực ngoại vi, phần nào tách khỏi sự ồn ào náo nhiệt của hoạt động giao thương, như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Long Tuyền. Hiện tượng này được ghi nhận không phải chỉ từ cái nhìn hiện tại mà cả chiều lịch đại. Như vậy, theo độ lùi thời gian, chùa ở Hội An có sự dịch chuyển vị trí rõ rệt – “từ xa đến gần”, “từ ngoài vào trong” nếu nhìn từ rốn phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện tượng này thật ra không riêng ở Hội An mà diễn ra phổ biến, ít nhất trên toàn vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng – nơi tác giả có điều kiện khảo sát từ nhiều năm qua. Đây là một xu hướng có tính lịch sử, nó vận động tương thích với sự thay đổi của xã hội và Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Như một hệ quả tất yếu, có thể ngay từ đầu hoặc do quá trình đô thị hóa hay những tác nhân kinh tế xã hội khác, nên hiện trạng không gian cảnh quan chùa khu vực trung tâm thường nhỏ hẹp, thiếu quang đãng; một số trường hợp thậm chí không đủ không gian để tổ chức những cuộc lễ thỏa mãn nhu cầu tham dự của đông đảo tín hữu. Ngược lại, chùa khu vực ngoại vi vừa rộng vừa thoáng, nội viên không những rợp bóng cây xanh, mà còn hình thành nên những tiểu hoa viên, khu trồng rau quả hoặc cây hương – dược liệu.

Mặt bằng chùa ở Hội An hình thành nên hai nhóm quy mô khá rõ. Nhóm một, phổ biến từ bốn đến sáu công trình, gồm chính điện, tăng đường, khách đường, trai đường… Thực ra, sự định danh này là nhằm vào chức năng chính và để tiện nghiên cứu, thực tế cho thấy, mỗi một đơn nguyên kiến trúc ở đây thường đảm nhận nhiều hơn một chức năng. Chẳng hạn, đại điện hay chính điện và tổ đường là một công trình được ngăn thành hai phần không gian, trước là điện Phật, sau là nơi thờ tổ và hương linh; hay những công trình khác được ngăn chia thành trai đường, thư phòng, tàng kinh… Nhóm khác có quy mô lớn, ngoài những kiến trúc đã biết còn có tiền đường, tổ đường, hoặc linh đường,… Đó là những chùa như Chúc Thánh, Vạn Đức, Phước Lâm, Long Tuyền. Cố nhiên, quy mô mặt bằng này chỉ khu biệt ở khu vực trung tâm, chưa bao gồm các công trình ngoại vi như tam quan, lầu chuông gác trống, tháp Phật, hay tháp mộ là nơi an trí nhục thân các Thiền Tăng… Nhưng quy mô dù lớn nhỏ khác nhau thì vẫn chung kiểu bố cục đa tuyến, trong đó chính điện bao giờ cũng nằm trên trục “thần đạo” hay đúng hơn là “nhất chính đạo”, tức trên đường xuyên tâm cửa “trung quan” của tam quan và chiếm giữ vị trí trung tâm mặt bằng, các đơn nguyên kiến trúc khác được bố trí bao quanh chầu vào đại điện [chính điện]. Những chùa có quy mô lớn, trên trục trung tâm, ngoài chính điện còn thêm tiền đường phía trước và nhà tổ phía sau. Thông thường, tiền đường và chính điện là hai kiến trúc nối liền tạo thành kiểu nhà kép hay điệp ốc, còn tổ đường nằm lùi về sau, cách chính điện một khoảng sân rộng. Cũng có trường hợp tổ đường nằm liền sau đại điện tạo thành ba nếp nhà song song và liền khoảnh [như chùa Long Tuyền], hoặc nối với chính điện thông qua hai dãy hành lang nhỏ [như chùa Chúc Thánh].

Đó là bình diện khái quát. Bây giờ hãy xem hai trường hợp cụ thể là chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức, như là những đại biểu cả về quy mô lẫn bố cục.

Chùa Chúc Thánh tiêu biểu cho lối bố cục cân xứng, đăng đối. Ở giữa trung tâm là tiền đường và đại điện liền một khoảnh. Sau chính điện là hai dãy hành lang nối với nhà tổ. Sát nhà tổ, bên trái là trai đường, bên phải là linh đường, tức nơi thờ tự hương linh kí tự, tạo thành một dãy ngang phía sau cùng. Vuông góc với dãy ngang này ở hai đầu là hai dãy nhà dọc vươn dài về phía trước, vượt khỏi tiền đường. Mỗi dãy gồm hai công trình, bên trái là nhà khách và phương trượng – giảng đường, bên phải là thư viện – nhà truyền thống và tăng đường. Trước tiền đường là bình phong rồi đến tam quan. Một hiện tượng đáng lưu ý là, chùa Chúc Thánh có hai đơn nguyên kiến trúc cùng được gọi tam quan: một, ở phía trước là ranh giới ngoài cùng của khuôn viên chùa, xây dựng đồng thời với những kiến trúc khác những năm 2005 – 2009 [tam quan 1] và một, nằm lùi vào trong, trước bình phong, có niên đại đầu thế kỉ XX [tam quan 2]341. Chúng tôi cho rằng, thực chất của sự định danh này [đối với tam quan 2] chỉ là hình thức, bởi sự tồn tại của nó sau khi đại tân tạo chùa Chúc Thánh, đã hoàn toàn mang ý nghĩa là một di tích, không phải và cũng không thể là một bộ phận trong kiến trúc chỉnh thể.

Chùa Vạn Đức có kiểu bố cục khác, đặc trưng bởi sự không đồng đều số công trình ở hai bên trục trung tâm. Tôi gọi đó là kiểu mặt bằng “nghiêng”. Trên trục trung tâm là tiền đường, đại điện và nhà tổ. Bên trái là tăng đường; bên phải là hai dãy nhà song song: dãy phía trong, gần chính điện là nhà khách, dãy phía ngoài là tăng đường. Sau hai dãy nhà này và ngang bằng với nhà tổ là trai đường; còn phía trước, chếch về góc phải là linh đường.

2. Kết cấu kiến trúc [đại điện]

Chùa ở Hội An hiện diện đan xen hai kiểu thức kết cấu truyền thống và hiện đại. Niên đại những công trình mang kiểu thức truyền thống vừa xưa cũ vừa rất mới mẻ. Xưa cũ như chùa Hải Tạng [Cù Lao Chàm], chùa Kim Bửu [Cẩm Kim], dựng vào thế kỉ XIX; mới mẻ như chùa Chúc Thánh, chùa Vạn Đức và chùa Viên Giác, tân tạo đầu thế kỉ XXI. Đặc trưng kiến trúc của kiểu kết cấu này là bộ khung nhà bằng gỗ, với hai dạng liên kết vì [hay vài]342 cơ bản là vì chồng rường, tức chồng rường giả thủ và vì kèo, hay đúng hơn là vì kèo chồng. Trong đó, kiểu vì chồng rường thuộc về các chùa Hải Tạng, Chúc Thánh và Viên Giác; kiểu vì kèo chồng thuộc về chùa Kim Bửu và chùa Vạn Đức. Quy mô vì dao động từ bốn đến sáu hàng cột. Vì bốn hàng cột, như chùa Chúc Thánh, gồm hai hàng cột nhất [cột cái] và hai hàng cột nhì [cột quân]. Vì năm hàng cột, như những chùa Kim Bửu, Vạn Đức, Viên Giác, có nhiều hơn vì bốn hàng cột một hàng cột ba [hay cột hiên], có thể trước hoặc sau [tức cột ba tiền hoặc cột ba hậu]. Chùa Hải Tạng gồm sáu hàng cột, nghĩa là có thêm một hàng cột ba nữa.

Ở vì chồng rường, tất cả cột được liên kết bởi hệ thống con rường là những thanh gỗ dài ngắn khác nhau, ăn mộng xuyên qua thân cột và được khóa chặt bằng nêm. Liên kết bắt đầu từ hai cột nhất, đến hai nửa đối diện là cột nhất với cột nhì, rồi cột nhì với cột ba. Những con rường này còn gọi là trính [hay trến – theo cách nói của vùng Bình – Trị – Thiên]. Trong đó, rường liên kết hai cột nhất gọi là rường chính hay trính thượng, phân biệt với rường nách hay trính hạ là bộ phận liên kết còn lại. Từ đây, trên lưng những rường chính và rường nách [hay trính thượng và trính hạ], sẽ chồng tiếp những con rường ngắn dần theo độ xuôi dốc mái nhờ sự tham gia của hệ thống giả thủ/trụ đội. Giả thủ là khúc gỗ ngắn [thường có tiết diện tròn như một đoạn của đầu cột nên cũng gọi là cột cụt], chân ăn mộng vào lưng trính hay rường dưới, đầu vươn thẳng lên để đỡ hoành tử [đòn tay]. Giả thủ đôi khi chỉ là đoạn gỗ trơn, ngắn và thô mộc [như chùa Hải Tạng] hoặc có dáng thon nuột và đặc biệt, chân được tạo kiểu hình quả bí [chùa Chúc Thánh, chùa Viên Giác]. Ở lòng giữa, trên lưng trính thượng là những con rường ăn mộng vào hai giả thủ. Cứ thế, đến con rường cuối cùng, trên lưng nó là nơi đứng chân của một giả thủ chống thẳng vào thượng lương/đòn đông. Phát triển liên kết về hai phía, các con rường chồng trên trính hạ lần lượt một đầu ăn mộng vào thân cột ở phía trong, đầu kia ăn mộng vào giả thủ đứng phía ngoài. Những rường này gọi là rường cánh hay rường cụt. Tất cả trính và con rường hoặc có dáng thẳng, tạo cạnh hình múi khế [như chùa Hải Tạng] hoặc dáng khum, tạo các đường gờ chỉ mềm mại [như chùa Chúc Thánh, chùa Viên Giác].

Ở dạng vì kèo, trước hết hai cột nhất cũng được nối với nhau bằng một thanh trính. Ngoài thanh trính, tất cả các bộ phận liên kết cột còn lại ở một vì đều gọi là kèo. Kèo là những thanh gỗ với những độ dài ngắn khác nhau để liên kết các đầu cột, chạy theo độ xuôi của mái từ trên xuống dưới, đỡ đòn tay. Kèo có nhiều kiểu343. Chùa ở Hội An phổ biến kiểu kèo chồng, nghĩa là đầu kèo dưới gối lên đuôi kèo trên. Ở kiểu liên kết vì kèo chồng, số kèo luôn tương ứng với số cột. Nó bao gồm bộ phận kèo nóc [cũng gọi là kèo giao nguyên, hay kèo nhất, kèo thượng, kèo mái] với hai thanh gỗ ngắn, đuôi tra họng vào đầu cột nhất, đầu vươn ra và bắt chéo nhau tại nóc để đỡ lấy đòn đông, tức thượng lương. Chỗ bắt chéo gọi là giao nguyên. Vì vậy, khung kết cấu này được gọi là vì giao nguyên hay vì nóc. Dưới kèo nóc là kèo nhì, đầu chồng lên đuôi kèo nóc và ăn mộng vào đầu cột nhất, đuôi tra họng vào đầu cột nhì. Tiếp tục đến kèo ba, kĩ thuật liên kết không có gì thay đổi, đầu kèo ba gối lên đuôi kèo nhì và ăn mộng vào cột nhì, đuôi tra họng vào đầu cột ba. Trong kết cấu kiểu vì kèo thường có một bộ phận kiến trúc đặc trưng đó là xà cò trụ đội. Trụ đội [còn gọi là trụ trốn, trụ tiêu, trụ trỏng] là một đoạn gỗ ngắn, hình tròn để đỡ lấy giao nguyên. Trụ trốn đứng vuông góc tại trung điểm của thanh trính, nhưng không ăn mộng trực tiếp vào lưng trính mà thông qua một chân đế bằng gỗ tạo dáng cong cong hình con tôm nên gọi là chân tôm. Phần trên có tấm ván hình cánh dơi tỏa ra hai bên, đỡ bụng dưới của hai kèo nóc gọi là lá quả. Toàn bộ các bộ phận này được gọi chung là ấp quả. Xà cò là một thanh gỗ dài được tạo dáng cong nằm phía dưới cây đòn đông, hai đầu ăn mộng vào hai trụ trốn. Xà cò không phải là bộ phận thực hiện chức năng liên kết mà thường là để khắc các niên đại xây dựng và sửa chữa công trình.

Trở lên là các kiểu thức kết cấu bộ vì trong chùa Việt ở phố Hội. Để tạo nên bộ khung nhà nhất thiết phải liên kết các bộ vì, nghĩa là liên kết cột theo hàng ngang – cùng loại. Liên kết hai vì tạo thành một gian. Càng nhiều vì thì số gian càng lớn và ngôi nhà càng dài ra. Trong kiến trúc truyền thống, số gian bao giờ cũng là số lẻ và vì vậy, số vì phải là số chẵn. Chùa ở Hội An đều có bốn bộ vì, tạo thành ba gian. Bộ phận liên kết vì là xuyên và xà. Về bản chất, xuyên không khác xà, cho nên đôi khi người ta gọi chung là xuyên và phân biệt thành xuyên thượng, xuyên hạ. Xà [xuyên thượng] liên kết đầu cột, sập mộng từ trên xuống; còn xuyên [xuyên hạ] ăn mộng vào thân cột, kiểu như trính/con rường. Xuyên và xà đều là những thanh gỗ dài, thẳng nhưng khác nhau về kích cỡ: xuyên có tiết diện lớn, thường là hình chữ nhật đứng, xà có tiết diện nhỏ hơn, thường là hình vuông.

Ngoài các gian, nhiều chùa [như Vạn Đức, Viên Giác, Kim Bửu] còn có thêm hai chái để mở rộng không gian về hai đầu. Kết cấu chái bao gồm hệ thống cột đấm và cột quyết liên kết với hai cột nhất của vì ngoài cùng bằng các thanh kèo đấm và kèo quyết. Chái gồm chái đơn và chái kép. Chái đơn chỉ có một bước cột, còn chái kép gồm hai bước cột, tính từ cột nhất trở ra biên. Như vậy, chái đơn chỉ bao gồm hai cột quyết đứng ở hai góc và hai cột đấm thẳng hàng với hai cột nhất. Cột quyết liên kết với cột nhất bằng kèo quyết chéo góc, còn cột đấm liên kết với cột nhất bằng kèo đấm. Với chái kép, thông thường ở khoảng giữa sẽ có thêm từ một đến hai cột đấm.

Trên đây là tiếp cận khái quát và theo đúng nguyên lí kĩ thuật. Thực tế không hẳn, nghĩa là có những biến thể cả về yếu tố lẫn kĩ thuật. Chẳng hạn, đó là sự xuất hiện nhiều hơn một kiểu thức liên kết trong một vì. Như chùa Viên Giác không chỉ có liên kết rường mà còn xuất hiện liên kết kèo nối cột nhì [hậu] với cột ba [hậu]. Hoặc, như chùa Kim Bửu, ngoài liên kết kèo ở các hàng cột nhất và nhì còn có sự tham gia kiểu vì vỏ cua ở phần hiên, thực hiện liên kết cột nhì [tiền] với cột ba [tiền]. Một dạng khác là thiếu vắng hàng cột nhì. Hiện tượng này xảy ra trong một số trường hợp chùa có kiểu bố cục chính điện và tiền đường nối liền nhau, kiểu điệp ốc [chùa Chúc Thánh, chùa Vạn Đức]. Ở đây, vì ở tiền đường và vì ở chính điện cùng dùng chung hàng cột nhì; nghĩa là cột nhì hậu của tiền đường cũng chính là cột nhì tiền của chính điện, và ngược lại. Hoặc là hàng cột nhì biến mất, thay vào đó là hệ tường ngăn xây gạch [chùa Chúc Thánh, chùa Kim bửu]. Bấy giờ, thành phần liên kết [kèo, con rường] thay vì ăn mộng vào cột gỗ thì lại tì trực tiếp vào tường ngăn này344. Tường, như vậy, trở thành bộ phận chịu lực.

Đi vào chi tiết hơn nữa, ta thấy kiểu vì chùa Hải Tạng còn thêm một bộ phận ở phía trước gây ấn tượng, nhiều người gọi là bẩy, dùng để đỡ đuôi mái vươn ra khỏi hàng cột ba [hàng hiên]. Gọi nó là bẩy vì, có lẽ, tương tự về chức năng với bộ phận bẩy trong kiến trúc truyền thống miền Bắc, nhưng giữa chúng khác nhau về hình thức kết cấu và bản chất kĩ thuật. Bẩy trong kiến trúc Bắc Bộ là một thanh gỗ cong ăn mộng vào cột quân và chốt dưới xà nách theo nguyên tắc đòn bẩy. Nó ngửa bụng để nâng lực. Ở chùa Hải Tạng thì, theo tôi, có nét gần với kiểu thức con sơn hơn. Kết cấu này gồm hai thành phần: một khúc gỗ thẳng, dẹt, một đầu ăn mộng vào cột ba chốt dưới con rường, đầu kia vươn ra ngoài để “treo” vào đó một khúc gỗ khác theo phương thẳng đứng đỡ lấy đòn tay rìa mái mà từ ngoài nhìn vào, như những lồng đèn rủ xuống. Khúc gỗ này dài khoảng 60cm, giật thót tạo thành ba phần: đoạn giữa khối trụ tròn chạm kín hình dây lá, trên là hình đài sen, phần dưới hình cầu như quả bí chạm các lớp lá xếp chồng. Kiểu bẩy chùa Hải Tạng là hiện tượng phổ biến và là một trong những yếu tố tạo nên đặc trưng trong kiến trúc khu vực Hội An.

Ở Hội An, chùa có kết cấu hiện đại [với hệ thống trụ, dầm, trần, mái hoàn toàn đúc vữa xi măng cốt thép] hiện diện phổ biến. Hiện tượng này được ghi nhận không chỉ với những chùa có niên đại muộn mà với cả chùa có lịch sử lâu đời – trước năm 1945. Cố nhiên, dù có lịch sử xa gần khác nhau thì tất cả đây không phải là diện mạo nguyên thuỷ được lưu tồn mà đều là sản phẩm của những đợt đại trùng tu tân tạo diễn ra mạnh mẽ trong hơn vài thập niên gần đây. Có hai kiểu dạng kiến trúc cùng tồn tại: chùa một tầng lầu và chùa không có tầng lầu. Dù có tầng lầu hay không và mặt bằng lớn hay nhỏ, thì cột vẫn ít xuất hiện trong không gian nội thất, nhờ thế mạnh vượt trội của kĩ thuật xây dựng hiện đại. Điều đó hẳn là nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho việc thiết trí thờ tự và hoạt động nghi lễ của tăng ni và tín hữu. Đặc trưng kiến trúc bên ngoài của dạng chùa này là kiểu nhà bốn mái, trùng thiềm tức hai tầng mái, và các góc mái lượn cong gợi lên hình ảnh kiểu tàu đao lá mái trong kiến trúc truyền thống Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mái bao giờ cũng được gắn ngói, kiểu ngói mũi hài hoặc ngói vảy. Tuy nhiên cũng không ít kiến trúc mới hiện nay là kết quả của sự lai ghép vụng về cả trong kiến trúc lẫn trang trí, ít nhiều tạo cảm giác xa lạ.

Trở lên, đối tượng trình bày hoàn toàn là chùa thuộc Phật giáo Đại thừa. Đối tượng này chiếm đại đa số và do thế, tạo nên diện mạo chính cho chùa Việt ở Hội An, nhưng tất nhiên, chưa phải toàn diện. Nói cách khác, sẽ không đầy đủ nếu thiếu đi các chùa thuộc hệ phái Nguyên thủy và tịnh xá của phái Khất sĩ Việt Nam. Hãy điểm qua những nét chính về kiến trúc của hai loại chùa này.

Đối với chùa phái Nguyên Thủy, mặt bằng tổng thể không mấy phức tạp, thường gồm chính điện, tăng đường, trai đường và nhà khách; đôi khi trai đường và nhà khách là một công trình. Mặt bằng chính điện thường phát triển về chiều dọc, tức chạy dài từ trước ra sau. Hầu như tất cả chùa phái Nguyên thủy đều được xây dựng bằng vật liệu, kĩ thuật hiện đại nên về mặt kết cấu, không xuất hiện các cột giữa nội thất chính điện. Mái chùa có nhiều cấp, mỗi cấp chia thành ba lớp, tượng trưng cho tam bảo. Phía sau chính điện có tháp cao thờ xá lợi, đỉnh tháp được tạo hình stupa. Các bờ nóc đều được trang trí hình tượng chim thần. Ở các cạnh xung quanh chính điện đều có các trụ bia kiết giới hình tháp. Đối với tịnh xá hệ phái Khất sĩ, tùy vào từng trường hợp cụ thể, quy mô mặt bằng tổng thể cũng như mặt bằng chính điện có sự khác nhau, nhưng kiểu thức kiến trúc và kết cấu của tòa chính điện thì tuyệt đối như nhau, do đã được xác lập từ khi vị tổ sư Minh Đăng Quang vừa mở đạo. Chính điện bao giờ cũng có mặt bằng hình bát giác và lối kiến trúc hình tháp hai tầng mái, dưới có tám mái, trên có bốn mái tạo đỉnh chóp. Tại đỉnh chóp gắn hình tượng ngọn nguốc, tức “ngọn đèn chơn lí” đặt trên hoa sen. Trong chính điện có bốn cột trụ lớn đỡ tầng mái thượng. Có thể nói, đây là đặc trưng kiến trúc không xuất hiện ở bất kì ngôi chùa nào thuộc truyền thống phật giáo Đại thừa hay Nguyên thủy.

3. Thay lời kết

Chùa Việt ở Hội An là sản phẩm văn hóa được sáng tạo từ quá khứ lâu đời cho đến hôm nay. Nó vì thế, đã mang chứa trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nhất định, thậm chí, vô cùng to lớn. Chỉ nhìn từ mỗi góc độ kiến trúc, điều này cũng được thấy rõ.

Trước hết, là giá trị sử liệu – loại sử liệu vật chất – những công trình kiến trúc. Tôi muốn nói đến chính điện chùa Hải Tạng, chùa Kim Bửu và tam quan chùa Chúc Thánh. Hãy tạm gác lại vấn đề nghệ thuật của những công trình này, ở đây nó được xem như những “chứng nhân” lịch sử không thể thay thế của kiến trúc Phật giáo ở một thời kì nhất định, tức thời Nguyễn [1802 – 1945], của không riêng với Hội An mà cả vùng đất xứ Quảng. Nghĩa là thiếu đi những công trình này, ta sẽ khó – thậm chí không thể hình dung được diện mạo kiến trúc chùa Việt xứ Quảng trong gần 1,5 thế kỉ, dù chỉ mức độ cơ bản. Chẳng hạn, kiến trúc chùa Hải Tạng là cứ liệu duy nhất xác nhận sự xuất hiện của lối kiến trúc chồng rường. Hay với kết cấu vì kèo, dù ta đã có cứ liệu chùa Phổ Khánh [Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam]345 nhưng chưa đủ, phải cần sự bổ sung từ kiến trúc chùa Kim Bửu. Vì lẽ, quy mô chùa Phổ Khánh chỉ 1 gian 2 chái, tức gồm 2 bộ vì và mỗi vì chỉ 4 hàng cột; trong khi chùa Kim Bửu, như đã biết, quy mô 3 gian 2 chái, kiểu vì 5 hàng cột. Đó là chưa kể, kiểu thức vỏ cua và con sơn ở phần hiên chùa Kim Bửu và Hải Tạng còn là chứng cứ cho thấy tính địa phương – đồng nghĩa với sự đa dạng, trong kiến trúc chùa xứ Quảng. Tương tự, tam quan chùa Chúc Thánh là trường hợp tiêu biểu mang niên đại đầu thế kỉ XX.

Nhìn từ không gian cảnh quan, phải thừa nhận rằng, chùa Việt ở Hội An có không ít trường hợp chật chội, lại bị lấn át, vây bủa bởi những công trình xây dựng và sinh hoạt kinh tế xã hội phổ tạp, nên ít nhiều đã hạn chế sự hứng thú đối với người vãn cảnh và hơn thế nữa, còn gây ra khả năng loại trừ sự cộng hưởng giữa triết giáo nhà Phật với ngoại cảnh trong xúc cảm của tín hữu. Song, cũng có nhiều trường hợp ngược lại, đủ để hấp dẫn nhiều người, như những chùa Chúc Thánh, Phước Lâm, Long Tuyền, Vạn Đức. Cố nhiên, giá trị cảnh quan mà nó mang lại cho những ai đặt chân đến thiền môn không nằm ở cái tự nhiên trác tuyệt được lợi dụng hay mức độ rộng lớn, hoành tráng, phô diễn của không gian mặt bằng và kiến trúc; cũng không phải ở sự thâm trầm, tĩnh mịch, cổ kính được tạo nên bởi sự trộn quyện giữa cái tự nhiên và cái nhân nhiên vốn đã định hình trong quá khứ, giống như chùa ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Nhưng rõ ràng, chùa [Việt] ở Hội An vẫn bày ra trước mắt mọi người khung cảnh đậm chất lạc viên, một mặt được tạo nên bởi sự phối trí xen kẽ giữa những kiến trúc vừa phải với nhiều khoảng trống không gian và cây cỏ, hoa lá và mặt khác, phạm vi không gian cũng đủ rộng để vô hiệu mọi ồn ào thâm nhập từ bên ngoài. Không gian và cảnh quan như vậy, vừa thoáng đãng vừa an tĩnh. Nó mang đến cho con người sự thư thái, thanh thản và có thể, cả sự phản tỉnh để trở về bản tâm nguyên sơ thánh thiện.

Cần nói thêm, giá trị không gian cảnh quan chùa không chỉ mang tính chất nội bộ, tức thể hiện đối với người thưởng ngoạn, mà với cả cảnh quan chung của một khu vực nhất định – ở đây là đô thị Hội An. Nó vừa như là một loại công viên đặc thù của đô thị vừa như những chấm son văn hoá truyền thống quyện vào bức tranh kiến trúc đang “vặn mình” trước áp lực đô thị hoá và hiện đại hoá. Nói cách khác, chùa ở Hội An, với nhiều trường hợp, là không gian cảnh quan không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc đô thị đang ngày càng trở nên nén chặt, ngột ngạt.

Tóm lại, chùa [Việt] ở Hội An, tất nhiên, không có cùng lịch sử xây dựng, song đều là sản phẩm văn hóa được sáng tạo từ quá khứ lâu đời và không ngừng được cộng đồng trùng tu, tân tạo, vun đắp qua nhiều giai đoạn. Đến với kiến trúc chùa [Việt] ở Hội An là đến với lịch sử, với truyền thống và bản sắc văn hóa của vùng đất xứ Quảng, và qua đó sẽ có thêm cơ hội để hiểu hơn lịch sử, truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

_Chú thích:

340. Thực ra, ở Hội An còn có chùa thuộc Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư đạo. Tuy nhiên, số lượng rất ít [chỉ mỗi chùa Nam Tôn, phường Cẩm Châu ] và kiến trúc không có gì khác biệt [so với chùa thuộc Phật giáo Đại thừa].

341. Cách gọi tam quan 1 và 2 chỉ là quy ước của chúng tôi để tiện trình bày.

342. Vì [hay vài] là tên gọi để chỉ một bộ phận cơ bản như là một tiểu hệ thống trong kiến trúc nhà gỗ truyền thống người Việt. Vì được tạo nên từ các cột và thành phần liên kết cột theo hàng dọc [từ trước ra sau]. Tên của vì được gọi theo tên cấu kiện liên kết.

343. Ngoài kiểu kèo chồng còn có các loại liên kết kiểu kèo suốt, kèo chuyền. Kèo suốt là một thanh gỗ dài xuôi thẳng từ giao nguyên [tức chỗ bắt chéo tại đỉnh nóc để đỡ đòn đông] xuống đến đầu cột nhì. Với kiểu kèo chuyền, cũng bao gồm những thanh gỗ nối tiếp nhau từ trên xuống dưới như kiểu kèo chồng, song về kĩ thuật liên kết, chỗ tiếp nối [giữa đuôi kêò trên và đầu kèo dưới] được dấu trong miệng cột [thay vì chồng lên nhau], tạo cảm giác như một thanh gỗ liền đối với người quan sát. Chính sự tương tự về hình thức nên kiểu kèo chồng cũng được dân gian gọi là kèo chuyền.

344. Đó là lí do chúng tôi coi bộ vì chùa Chúc Thánh có 4 hàng cột, chứ không phải 5 hàng cột. Trong trường hợp này, cột, kèo hàng ba/hàng hiên trở nên rời rạc, chỉ như một bộ phận gá lắp vào hệ thống, chứ không phải là một tiểu bộ phận gắn chặt/thuộc hệ thống, tức bộ vì.

345. Kiến trúc chùa Phổ Khánh đã được chúng tôi trình bày trong các nghiên cứu về chùa Việt xứ Quảng. Xem: Lê Xuân Thông [2015], “Đặc điểm kiến trúc chùa dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng thế kỉ XIX.”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 5, tr.41-49; Lê Xuân Thông [2019], “Chùa dân gian xứ Quảng: tình hình xây dựng, kiến trúc và thờ tự”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, Số 4, tr.61-80.

Chủ Đề