Chứng cứ nào cho thấy trống đồng là của.viẹt nam năm 2024

Trong rất nhiều hiện vật, bộ sưu tập đang được trưng bày tại Bảo tàng [BT] tỉnh, với những người thích tìm hiểu văn hóa Việt, ắt sẽ rất ấn tượng với bộ sưu tập trống đồng đang trưng bày nơi đây. Bộ sưu tập có đến 5 chiếc trống đồng, chứa đựng nhiều thông tin giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Trống đồng là biểu tượng của văn minh Việt cổ và là niềm tự hào của dân tộc ta trong tiến trình lịch sử. Trên chiều dài đất nước, trống đồng đã được phát hiện ở nhiều di tích khảo cổ học [KCH]. Trên mảnh đất quê hương Bình Dương, trong thời gian qua đã lần lượt phát hiện 6 trống đồng. Điều đó khẳng định, Bình Dương là một vùng đất có nền văn minh từ lâu đời. Nói vậy là vì, từ xa xưa, ông cha ta đã xem trống đồng là biểu tượng không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng. Vì thế, trống đồng xuất hiện khá sớm và gắn liền với đời sống con người.

Số lượng trống đồng phát hiện trên đất Bình Dương có đến 6 chiếc, trong đó một chiếc phát hiện ở địa danh Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một [nay là tỉnh Bình Dương] nên gọi là trống đồng Bình Phú; 5 chiếc còn lại phát hiện xã Phú Chánh và được đặt tên lần lượt là trống đồng Phú Chánh I, II, III, IV, V. Theo tư liệu của BT tỉnh, trống đồng Bình Phú được phát hiện vào năm 1934, cao 46cm, đường kính mặt 50cm, đường kính đáy 51cm. Hiện nay, chiếc trống đồng này đang trưng bày tại BT Lịch sử Việt Nam. Trống đồng Bình Phú đang trưng bày tại BT tỉnh là phiên bản phục chế.

Theo tư liệu lưu trữ tại BT tỉnh, 5 chiếc trống đồng Phú Chánh được phát hiện vào các thời điểm khác nhau. Vào năm 1995, trong khi canh tác đất, một người dân ở xã Vĩnh Tân, Tân Uyên đã tình cờ phát hiện một chiếc trống đồng, cùng với một mảng đáy chum gỗ. Đây chính là chiếc trống đồng Phú Chánh I. Tâm trống được trang trí hoa văn hình ngôi sao nổi 10 cánh, giữa các cánh sao có trang trí một hình lông công đơn giản. Ngoài tâm trống, trên mặt trống còn bố trí 7 băng hoa văn. Phần tang và lưng trống cũng được trang trí một số hoa văn hết sức đơn giản. Chiếc trống đồng Phú Chánh II được phát hiện vào năm 1998, do một người rà sắt tìm thấy, cùng với một chum gỗ còn nguyên trong đó có chứa một số đồ tùy táng. Đến cuối năm 1999, tại khu vực này chiếc trống đồng Phú Chánh III cũng được phát hiện bởi một người rà sắt phế liệu. Đây là chiếc trống nhỏ nhất trong bộ sưu tập trống đồng phát hiện được ở Bình Dương. Tâm trống được trang trí hình ngôi sao 8 cánh, xen kẽ trang trí hình lông công cách điệu…

Từ những phát hiện quan trọng trên, Phú Chánh trở thành khu di tích được lãnh đạo tỉnh và các nhà khảo cổ học đặc biệt quan tâm. Năm 2000, Viện Khoa học xã hội tại TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Bình Dương [nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch] tiến hành điều tra trên diện rộng toàn bộ di tích và tổ chức khai quật. Qua khai quật và điều tra, các nhà khoa học đã phát hiện những tư liệu hết sức quý giá, trong đó có chiếc trống đồng Phú Chánh IV. Trong các hố khai quật tại khu di tích này, các nhà khoa học đã phát hiện 7 mộ và chiếc trống đồng Phú Chánh IV được phát hiện ở mộ 6. Trống có đường kính 47,2cm, cao 40cm, tâm có hình ngôi sao 10 cánh, xen kẽ các cánh sao là hình lông công cách điệu biểu diễn bằng những đường xiên song song, trong một vòng tròn gồm hai chỉ nổi. Phần ngoại vi được chia thành hai phần đối xứng, trong đó băng làm trung tâm phân định là băng có 6 con chim đang bay ngược chiều kim đồng hồ...

Đến năm 2003, người ta lại phát hiện thêm một chiếc trống tại Khu di tích Phú Chánh, gọi là trống đồng Phú Chánh V. Như vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phát hiện 6 chiếc trống đồng. Vì thế, Bình Dương được xem là địa phương phát hiện được nhiều trống đồng nhất khu vực Nam bộ. Hiện bộ sưu tập trống đồng đang trưng bày tại BT tỉnh chỉ có 5 chiếc [trong đó có một chiếc là bản phục chế như đã nói ở trên]. Có thể nói, trống đồng Bình Phú và 5 chiếc trống đồng Phú Chánh cùng nhiều hiện vật khác được phát hiện trong thời gian qua đã góp thêm một tiếng nói giá trị về lịch sử hình thành và phát triển vùng đất tỉnh Bình Dương nói riêng, Nam bộ nói chung.

Trong báo cáo khai quật địa điểm KCH Phú Chánh của Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng [Viện KHXH tại TP.HCM] vào năm 2001 cũng cho rằng, di tích Phú Chánh lại đóng góp một tư liệu về táng thức mới của những cộng đồng cư dân cổ, tiền và sơ sử. Theo đó, trống đồng được phát hiện ở Phú Chánh được người Việt xưa sử dụng như là nắp đậy trên chum gỗ để làm áo quan cho người chết. Theo TS Bùi Chí Hoàng, di tích Phú Chánh có niên đại 1900-1800 cách ngày nay. Và cơ sở tư liệu để xếp Phú Chánh vào giai đoạn này có sự hiện diện của bộ sưu tập trống đồng. Về cơ bản, trống đồng Phú Chánh có thể xếp vào loại I Heger muộn. Loại hình trống này phát hiện nhiều ở vùng Thanh Hóa - Nghệ An và Bình Định. Đa số các học giả cho rằng, loại trống này có niên đại từ thế kỷ thứ III trước công nguyên đến thế kỷ I đầu công nguyên.

Căn cứ vào loại hình trống đồng, các chi tiết, loại hình hoa văn trang trí… các nhà khoa học nhận định rằng, bộ sưu tập trống đồng phát hiện được ở Bình Dương đều thuộc trống đồng Đông Sơn, có cùng chung đặc điểm của sưu tập trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Trống đồng thường được phát hiện trong các di tích văn hóa của người Việt cổ, nhưng lại được lặp lại ở trên vùng đất phía Nam của Tổ quốc, chứng tỏ vùng đất này có mối liên hệ gần gũi với văn hóa Đông Sơn. Nó thể hiện quá trình giao lưu văn hóa hoặc trao đổi thương mại. Cùng với những tư liệu phát hiện được từ lòng đất, đây là những cứ liệu quan trọng chứa đựng nhiều thông tin về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân từng cư trú trên vùng đất Bình Dương xưa.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu những hiện vật văn hóa, trong đó có những chiếc trống đồng phát hiện ở Bình Dương không chỉ giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ hơn quá trình phát triển của vùng đất Bình Dương nói riêng, mà còn có thêm những chứng cứ khoa học về tiến trình lịch sử của các cộng đồng dân cư trong quá trình khai phá vùng đất Nam bộ nói chung.

Chủ Đề