Có nên gộp Tết Tây và Tết ta làm một

Không đồng ý gộp, bỏ tết ta

Bạn Nguyễn Phước Huy, Quản lý một trang thương mại điện tử ở Q.9 [TP.HCM], cho hay chúng ta đừng bàn chuyện nghỉ tết nhiều hay ít hoặc gộp tết Tây và tết ta lại với nhau nữa.

Theo Huy để phản ánh sự phát triển của nền kinh tế thì nhiều nước phương Tây nghỉ đông dài ngày, kinh tế họ vẫn phát triển. Nếu ở các nước đó, dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch là ngày đoàn tụ gia đình, thì Việt Nam cũng có Tết Nguyên đán với cùng ý nghĩa trên.

Phước Huy cũng đặt ra trường hợp, nếu ép buộc thay đổi ngày tụ họp gia đình thành Giáng sinh, thì không khí quây quần với người Việt có còn ý nghĩa không, có tự nhiên không.

Bạn trẻ du xuân, đi chùa ngày mùng 1 tết

Dạ Thảo

“Tết Nguyên đán ngày nay tinh gọn hơn xưa nhiều rồi, người ta cũng bắt đầu dung hòa giữa tài chính và truyền thống để cái tết trọn vẹn hơn, hợp lý với điều kiện sống hơn. Thay vì lo lắng kinh tế không phát triển được do những ngày tết, thì hãy tập trung làm việc cho tốt những ngày trong năm, tự khắc cái tết rất nhẹ nhàng, thoải mái. Để ngày tết là ngày gác hết công việc qua một bên, ngồi lại bên gia đình và chờ đợi một năm mới cố gắng hơn để năm sau lại có cái tết trọn vẹn hơn”, Phước Huy nêu ý kiến.

Đối với Huy, tết Tây không mang nhiều ý nghĩa với người Việt cho lắm. Ngày đó là một ngày dạo chơi vào đêm giao thừa và được nghỉ 1 ngày làm việc không hơn không kém.

“Tết ta ý nghĩa ở chỗ nhà nhà người người trở về quê ăn tết, gia đình sum họp. Ngày đầu năm, bao nhiêu phiền muộn của năm cũ phải được gạt bỏ hết. Chỉ giữ cái mới, niềm vui, lạc quan để sống một năm tích cực hơn, máu lửa hơn. Ý nghĩa này được truyền cả ngàn năm nay, nó tạo thành một nét văn hóa tốt đẹp. Không ở đâu tự dưng có những ngày mà nhà nhà vui, người người vui, đâu đâu cũng được lan truyền năng lượng tích cực cùng một lúc như vậy”, Phước Huy chốt lại vấn đề về ý nghĩa của ngày tết truyền thống.

Còn bạn Nguyễn Thị Thắm, nhân viên văn phòng đang làm việc tại một công ty kế toán [đường CMT8, Q.3, TP.HCM], chia sẻ quan điểm không đồng ý bỏ hoặc gộp tết ta với bất kỳ lý do gì. Bởi tết là dịp để sum họp gia đình. Đó là lý do tiên quyết, nếu không có tết thì mối quan hệ giữa các thành viên gia đình sẽ trở nên nhạt nhòa hơn.

Mỗi năm trước khi tết đến, Thắm đi một quảng xa để về quê, đi mua sắm, lau chùi dọn dẹp nhà cửa. Tuy khổ cực nhưng nghỉ đến tết tâm hồn Thắm lại cảm thấy vui và nôn nao hơn.

Gộp, bỏ tết ta cũng có cái hay!

Là một người trẻ, làm việc trong ngành y và sinh sống ở khu Cabramatta thuộc TP.Sydney, Úc, nhiều năm Nhung Mi cho rằng việc gộp tết Tây với ta cũng là một ý hay. Bời vì tết ta hiện nay còn quá dài. Nghỉ tết lâu quá làm kinh tế cá nhân, kinh tế đất nước đều bị ảnh hưởng.

Người nước ngoài tham gia du xuân ở TP.HCM

Dạ Thảo

Ở nơi Mi sống, nhiều người Việt cũng quan tâm đến tết. Tuy vậy, đa phần chỉ vui chơi trong 1 đến 2 ngày tết ta rồi trở lại làm việc như bình thường.

Tuy nhiên, Nhung Mi cũng hơi lo ngại những phong tục như cúng ông bà hay ông táo cũng sẽ mất dần. Những người con đi làm xa hay xa quê hương mong tết vì chỉ có tết ta là mọi người được nghỉ để đón không khí xuân cùng gia đình.

“Theo tôi thì tết ta như một dịp để mọi người đoàn tụ chung một nhà trong hai ba ngày. Đó là một dịp mà ai cũng có ở nhà. Nhưng sau này nó nhạt dần vì ai ở nhà nấy, hương vị tết bị đô thị hóa, chẳng còn nồi bánh chưng ở từng nhà nữa, nhà người nào người đó ở... Thế nên tôi thấy tết ta giờ hết vui như xưa...”, Nhung Mi cho biết.

Trần Hữu Đạt, một du học sinh ngành truyền thông ở Manhattan, Kansas, Mỹ, thì cho biết bản thân không quan tâm lắm chuyện tết ta hay tết tây. Hiện tại như thế nào thì cứ để nó diễn ra như thế ấy. Cứ thuận theo ý thích của mỗi người, ai thích tết nào thì vui tết đó.

“Tết ta từ xưa giờ đối với tôi là ngày đi làm được nhiều tiền hơn bình thường thôi. Nhưng từ khi đi du học, ngày tết cũng trùng vào ngày đi học. Bạn bè người Việt tụ tập ăn uống nho nhỏ vì không có thời gian”, Đạt nói.

Tin liên quan

Mấy năm gần đây, cứ tới gần Tết dư luận lại dấy lên tranh luận về việc có nên gộp Tết Tây và Tết Nguyên Đán làm một hay không.

Có không ít các ý kiến ủng hộ, phản bác từ nhiều giới, già trẻ, doanh gia, sử gia, các nhà văn hóa và những người dân bình thường. Các ý ủng hộ thường trích dẫn đề xuất của GS Võ Tòng Xuân, người đã nói tới việc này từ cách đây cả chục năm.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời VTC News, TS Vũ Thế Long, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội cho rằng cần phải có những nghiên cứu, đánh giá, khảo sát cụ thể hơn nữa về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. 

Tết Nguyên đán là dịp đoàn viên của nhiều gia đình người Việt. 

TS Vũ Thế Long cho biết: “Cần phải có một công trình nghiên cứu khoa học và cụ thể về vấn đề tết Tây cũng như tết ta. Cụ thể phải làm rõ ở Việt Nam bắt đầu ăn tết dương lịch [hay còn gọi là tết Tây] từ bao giờ?

Thực tế, người Việt xưa dùng lịch âm chứ không dùng lịch dương, nên xưa kia người Việt chỉ ăn tết Nguyên Đán. Thói quen nghỉ tết Tây là phải về sau này. Tôi cho rằng người Việt nghỉ tết dương lịch từ thời Pháp thuộc". 

Về ý kiến cho rằng nghỉ hai dịp tết [tết dương lịch nghỉ, tết Nguyên đán cũng nghỉ], gây nhiều phiền toái, lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước.

vuthelong

Tăng thời gian nghỉ tết được xem như là một phương pháp dùng để “kích cầu” tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

TS Vũ Thế Long

TS Long phân tích: “Thời kỳ trước và sau 1954, rồi ngay cả thời kỳ sau giải phóng 1975, nghỉ tết cũng ngắn lắm, không kéo dài như bây giờ. Khi đó chỉ có nghỉ tết Nguyên đán và thời gian nghỉ cũng chỉ vài ba ngày thôi, vì ta hay nói là nghỉ ba ngày Tết mà.

Về sau, khi kinh tế bắt đầu mở cửa, Chính phủ mới cho nghỉ tết dài ngày. Tăng thời gian nghỉ tết được xem như là một phương pháp dùng để “kích cầu” tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Khi người dân nghỉ nhiều cũng là có nhiều thời gian để vui chơi giải trí, tăng mua sắm hàng hóa, tiêu dùng đẩy mạnh hơn... và sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội để tiêu thụ hàng hóa”.

Tuy nhiên, TS Vũ Thế Long cũng cho rằng thời gian nghỉ tết kéo dài cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh việc kích cầu, nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến một số lĩnh vực khác: “Đối với các doanh nghiệp sản xuất thì việc nghỉ tết kéo dài sẽ làm mất nhiều thời gian dành cho sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất tạo ra sản phẩm.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thì đây lại là dịp để họ làm ăn, kiếm lời”.

“Cho nên ngay cả khi đánh giá ở góc độ kinh tế cũng phải nhìn cả hai mặt. Có những người thì máy móc nên nghĩ đến chuyện làm sao phải dành tất cả thời gian cho sản xuất, cho lao động, tạo ra thật nhiều của cải.

Nhưng ở góc độ văn hóa thì cũng cần nhìn nhận rằng, tết là dịp để người dân nghỉ ngơi, vui chơi, tái sản xuất sức lao động, quan trọng hơn là dịp đoàn tụ, gặp gỡ gia đình, bà con... đây cũng là truyền thống văn hóa của người Việt”, TS Vũ Thế Long nhận xét.

“Tôi cho rằng không chỉ nhìn nhận góc độ kinh tế mà còn phải nhìn nhận góc độ văn hóa nữa. Cho nên xung quanh vấn đề gộp tết ta [Nguyên đán] hay tết Tây đang gây nhiều tranh cãi hiện nay, nên có một công trình nghiên cứu khoa học về vấn đề này trước khi đưa ra kết luận cuối cùng”, TS Vũ Thế Long nói.

Tranh cãi ‘nảy lửa’

Ngày 7/2, nêu ý kiến trên Báo Lao Động, PGS.TS Trần Lâm Biền cho rằng, người đề xuất bỏ Tết là "thần kinh không bình thường".

Theo ông Biền, những ai vỗ ngực cho rằng bỏ Tết truyền thống là tiến bộ thì sự tiến bộ ấy hãy đi ra chỗ khác và hãy tiến bộ một mình đi. Đừng bắt người khác tiến bộ cùng.

"Ăn Tết hay về Tết là tinh thần tự nguyện của mỗi người… Nhiều người dân Việt Nam giờ đây lựa chọn những ngày Tết để đi du lịch. Đó cũng là một cách ứng xử với Tết âm lịch, nhưng đó không phải là số đông. Người Việt chủ yếu vẫn hướng về nguồn, về quê để sum vầy vào dịp Tết. Cái gì thuộc về số đông thì chớ dại đụng vào, còn ai đó bảo bỏ Tết hay phủ nhận thì đó là “thừa lưỡi”, PGS Trần Lâm Biền nói.

Ngay sau đó, chiều 8/2, trả lời VTC News, GS.TS Võ Tòng Xuân - người đề xuất gộp tết ta vào tết Tây cho rằng, không nên bận tâm những người như thế, việc của mình thì mình vẫn làm.

"Tôi hay tin mà thấy buồn cười, ông ấy nói người đề xuất bỏ Tết ta là thần kinh. Vậy chắc ông ấy cũng thần kinh rồi, vì trước giờ có ai nói bỏ Tết đâu. Tự nhiên đâu đâu khơi lên, tự nói và tự phán người khác thần kinh thì chắc ông ấy cũng không bình thường", GS Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đề xuất gộp tết ta vào tết Tây là dựa trên lợi ích chung của đất nước, muốn đất nước hội nhập cùng thế giới thì phải theo quỹ đạo chung của thế giới.

TS Nguyễn Ngọc Thơ, trường ĐHKHXH&NV TP.HCM: tết truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa của nó 

Tôi có quan sát những ý kiến thảo luận trên các diễn đàn và thấy nổi bật có hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng vẫn phải giữ cái Tết cổ truyền với nhiều lý do, trong đó đặc biệt nhất là ý nghĩa đoàn tụ, tương phùng. 

Tết truyền thống là khoảng thời gian đặc biệt mà con người được sống trong không gian thiêng liêng của sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới, giữa người còn sống với tổ tiên đã khuất và giữa các thành viên trong gia đình với nhau, qua đó ôn cố tri tân, khắc ghi và gìn giữ những nét đẹp của truyền thống. 

Đã lâu rồi cái nếp nghĩ năm mới phải bắt đầu từ mùa xuân với cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộn ràng mang lại tâm thế sẵn sàng cho một chu kỳ sự sống mới. Tất cả những ý nghĩa ấy nằm trong tâm thức, đặc biệt là cái thiêng.

Bên cạnh đó là luồng ý kiến khác của không ít người cho rằng nên suy nghĩ lại vì nếp sống thay đổi, thực hành văn hóa - xã hội cũng có thể thay đổi, miễn sao theo hướng tốt hơn. 

Luồng ý kiến này chủ trương có thể gộp Tết tây, Tết ta lại với nhau thành một dịp vừa hòa nhịp với thế giới hiện đại [phương Tây] trong đó chú trọng nhiều hơn các giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vừa khắc phục những điểm yếu như đứt đoạn về công việc, giao thương quốc tế, hao tốn của cải vật chất xã hội… 

Nói chung luồng ý kiến này cũng bắt nguồn từ cái tâm với đất nước, với sự phát triển của dân tộc. 

Theo tôi, việc gìn giữ văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ chung của cả dân tộc, nhiệm vụ ấy không được làm cản trở sự phát triển của đất nước. Mỗi phương án đều có những mặt hạn chế riêng, vậy vấn đề chính là tìm phương án khắc phụ hạn chế tốt nhất có thể.

Mọi hoạt động sống đều có thể biến đổi theo thời gian, có khi tiệm tiến nhưng cũng có khi biến đổi nhanh, nhưng điều quan trọng là không để đánh mất giá trị truyền thống. Do vậy, việc có thay đổi thời điểm ăn tết truyền thống hay không là một việc khách quan, không phải miễn cưỡng mà được. Đến thời điểm nàychúng ta chưa sẵn sàng để gộp hai cái Tết lại với nhau. 

Sở dĩ chưa sẵn sàng là vì nhân dân, dư luận chưa đồng thuận. Nhân dân chưa nhất tề đồng thuận là vì ngày tết truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa của nó, nhất là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu với ông bà tổ tiên. 

Ngay cả nhiều gia đình muốn đón ông bà, cha mẹ từ quê vào thành phố ăn tết truyền thống nhưng nào ông bà có chịu đâu, vì bàn thờ tổ tiên không thể nguội lạnh trong những thời khắc thiêng liêng nhất trongngày Tết.

Đến một lúc nào đó, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đạt đến một mức nhất định, nhu cầu khắc phục những hạn chế của tết truyền thống đạt đến đỉnh điểm và nhất là cộng đồng xã hội đồng thuận với nhau, trong đó cái cốt lõi là mối quan hệ cái thiêng được giải quyết tốt đẹp thì hãy mạnh dạn hơn khi nói về chuyện cộng gộp. 

Tôi đã gặp không ít trí thức người Nhật bày tỏ sự tiếc nuối rằng nước Nhật đã đánh mất đi cái Tết truyền thống của mình bởi đi kèm với nó là nhiều giá trị khác.Chúng ta không nên vội vàng trong vấn đề này, song cũng nên trân trọng những ý kiến cách tân bởi đó là thước đo để biết mức độ sẵn sàng của xã hội đã đến đâu.

Nghệ sĩ Trung Dân: Tệ nạn xã hội, tham nhũng, trì trệ kinh tế, tác phong lao động chưa tốt… đều không phải do Tết 

Nghệ sĩ Trung Dân - Ảnh tư liệu

Những người dựa vào các biến tướng của xã hội để tạo luận điểm và lên tiếng đề xuất bỏ Tết cổ truyền là thiển cận, duy ý chí. Tất cả những điều mọi người nói như tệ nạn xã hội, tham nhũng, làm trì trệ kinh tế hay tác phong lao động chưa tốt… đều không phải do Tết mà ra. Nguyên nhân của vấn đề là ở con người, là do chính chúng ta đang làm tệ. 

Nếu nghỉ Tết dài quá thì có thể cho nghỉ Tết ngắn lại và luật pháp phải được thực thi một cách công bằng từ người lãnh đạo đến người dân. Luật pháp được thể hiện đến từng ngõ ngách trong đời sống thì sẽ giải quyết được tệ nạn. Tôi hy vọng đây là lần cuối cùng chúng ta tranh luận về vấn đề này. Hãy suy nghĩ vào những điều thực tế hơn.

Diễn viên Bình Minh: Lãng phí và giữ Tết cổ truyền không liên quan

Diễn viên Bình Minh - Ảnh tư liệu

Cá nhân tôi nghĩ không có lý do gì để kêu gọi bỏ Tết truyền thống - phong tục đã hằn sâu trong người Việt từ bao đời nay. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có Tết của riêng mình, sao người Việt phải phụ thuộc hay ăn Tết của người khác?

Không gì sánh được những giây phút cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, sự hân hoan chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới hay cảm giác thiêng liêng khi dọn mâm cơm tươm tất mời ông các cụ về ăn Tết cùng con cháu. Với tôi, một người con xa quê, đó chính là động lực giúp mình vượt qua những lúc khó khăn của một năm vất vả làm việc.

Nhiều người nói Tết cổ truyền dài ngày, gây lãng phí nhưng với tôi, lãng phí hay không là do cách chi tiêu của mỗi người, không thể đổ lỗi vì Tết là lãng phí được. Lãng phí và giữ tết cổ truyền là hai việc không liên quan.

NSƯT Kim Tử Long: Sao lại bỏ cái Tết ông bà để lại?

NSƯT Kim Tử Long - Ảnh tư liệu

Đối với người Việt chúng ta, Tết cổ truyền là ngày lễ thiêng liêng do ông bà, tổ tiên để lại. Dịp này, nhiều đại sức quán VN tại các nước tổ chức Tất niên rất long trọng và mời anh em nghệ sĩ  đến hát, diễn cho bà con Việt kiều thưởng thức và nhớ về quê hương, cội nguồn. Với nghệ sĩ chúng tôi mà nói, Tết là những ngày mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ khán giả từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố và ở cả nước ngoài.

Nếu có gì cần thay đổi thì đó là tìm cách tuyên truyền, vận động để người dân bớt tiêu xài phung phí, nhậu nhẹt say xỉn… Bên cạnh đó, nếu công ty nào không muốn kéo dài kỳ nghỉ Tết thì có thể thỏa thuận yêu cầu người lao động đi làm sớm hơn và trả tiền tăng ca cho họ.

Lương Thế Thành: Mất Tết tức là mất đi truyền thống của cha ông ta

Thúy Diễm và Lương Thế Thành trong buổi ra mắt phim Đời không như là mơ - Ảnh: H.Lê

Nam diễn viên Lương Thế Thành khá ngạc nhiên khi biết có ý kiến cho rằng nên gộp tết tây và tết ta lại thành một. Anh nói chắc nịch: “Quan điểm của tôi là  nên tách biệt Tết tây và Tết ta vì Tết ta là truyền thống của dân tộc Việt. Mất Tết tức là mất đi truyền thống của cha ông ta từ bao đời nay.”

Và với với nghề diễn viên  thì ngày tết ta lại càng quan trọng vì diễn viên có được thời gian dài để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau một năm cày bừa vất vả. Thành giải thích: “Chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ chủ nhật hay Tết tây  đâu. Chúng tôi quần quật đóng phim diễn kịch suốt. Được nghỉ Tết ta dài ngày  là cơ hội để tôi nghỉ ngơi lấy lại sức lực.”

Thành vui vẻ kể anh quê ở Tiền Giang. Gia đình trước đây có làm nghề  nem và lạp xưởng truyền thống để bán trong ngày tết. Thời gian gần đây, các bà, cô đều yếu nên không làm nữa, chủ yếu  buôn bán ngoài chợ. Nhờ cái tết mà đại gia đình anh có dịp tề tựu và gặp gỡ đầy đủ cháu con. 

Cho đến giờ, nhà Thành vẫn còn giữ lịch trình ngày tết từ năm này sang năm khác: Sáng mùng một con cháu tề tựu cúng tổ tiên, nhận lỳ xì, rồi cả nhà kéo nhau thăm mộ. Mùng hai hay mùng ba mọi người cùng về quê nội Cái Bè [Tiền Giang]  để chúc tết họ hàng. Rất vui vẻ và hạnh phúc, nhất là năm nay, gia đình anh có thêm thành viên mới là  Thúy Diễm.  Theo Thành: “Nếu không có ngày tết thì người thân khó lòng mà gặp nhau vì ai cũng bận rộn cả.”

Nghệ sĩ Xuân Hương: Dân tộc nào cũng có những nét đẹp văn hóa riêng

Nghệ sĩ Xuân Hương - Ảnh tư liệu

Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Những phong tục tập quán không còn phù hợp thì có thể bỏ đi, chắt lọc lại những gì đẹp nhất để gìn giữ. Dân tộc nào cũng có những nét đẹp văn hóa riêng, nếu bỏ hết thì chẳng khác nào bị đồng hóa, không còn nét đặc trưng.

Ca sĩ Dương Triệu Vũ: Giữ Tết cổ truyền nhưng không nên nghỉ quá dài

Ca sĩ Dương Triệu Vũ - Ảnh tư liệu

Ở Mỹ, sau ngày Lễ tạ ơn là Noel rồi đến Tết tây. Đó là dịp mọi người được nghỉ và có những hoạt động mua sắm, kích thích thị trường, tạo nên nguồn thu cho nền kinh tế và tiền thuế cho chính phủ. Những nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, Hongkong cũng nghỉ Tết theo lịch âm giống chúng ta đấy thôi. Vì thế, không thể nói việc giữ Tết cổ truyền sẽ làm ảnh hưởng nền kinh tế được.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết có thể rút ngắn lại tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp, không nên áp đặt cứng nhắc. Bên cạnh đó cũng nên có những khuyến cáo và tăng cường an ninh để người dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, tránh tình trạng nhậu nhẹt, say xỉn và những tiêu cực khác.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Tết ông bà, tổ tiên để lại chúng ta phải giữ nhưng đừng lạm dụng

Ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh tư liệu

Theo tôi, Tết cổ truyền là không thể bỏ nhưng thay vì nghỉ quá dài, chúng ta chỉ nên nghỉ đúng ba ngày Tết. Một thực tế là nhiều người lợi dụng những ngày trước, trong và sau Tết để nhậu nhẹt say xỉn, vướng vào các tệ nạn hay củng cố các quan hệ xin - cho, sếp - nhân viên…

Sếp của nhiều công ty thường rất đau đầu dịp này khi người lao động rục rịch nghỉ, không tập trung làm việc. Có người còn đặt sẵn vé về quê khi chưa đến ngày được nghỉ theo quy định. Cái Tết thiêng liêng của ông bà, tổ tiên bao đời để lại, chúng ta phải giữ nhưng đừng lạm dụng nó.

TRÀ MY - HOÀNG LÊ

Video liên quan

Chủ Đề