Cùng với những lực lượng đã và đang dốc sức trên tuyến đầu chống dịch đọc hiểu

“Tự dưng nay ngồi mở nghe đi nghe lại bài “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, xong cũng tự hỏi nếu chỉ còn một ngày để sống thì mình sẽ làm gì nhỉ? Giúp đỡ thật nhiều người khó khăn? Cứu sống thật nhiều mạng người?…”, bác sĩ Dương Minh Tuấn ghi những dòng nhật ký ở ngày thứ 30 chi viện cho miền nam. Đây là thời điểm cuối tháng 8, TP Hồ Chí Minh bị tổn thương nặng nề nhất, ngổn ngang với nhiều  hoang mang lo lắng.

Bác sĩ Tuấn từ Bệnh viện đa khoa Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cùng hàng nghìn nhân viên y tế trong cả nước chi viện cho thành phố đều đang từng ngày đối diện trực tiếp với sự tàn khốc của dịch bệnh. Họ cũng chính là những người ở lại cho đến tận giữa tháng 10, khi thành phố đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu cuộc sống bình thường mới…

CUỘC TIẾP SỨC VỀ NHÂN LỰC LỚN CHƯA TỪNG CÓ

Từ một bệnh viện đa khoa nhỏ của vùng núi Quảng Bình, bác sĩ Dương Minh Tuấn cùng đồng đội đã có tròn 2 tháng chi viện cho thành phố, vào thời điểm mà anh kể lại là “những cảnh tượng kinh khủng hơn tất cả mọi thước phim về thảm họa đang diễn ra trước mắt”. Họ đến, sát cánh cùng lực lượng y tế thành phố này, mỗi ngày cố gắng giữ tính mạng từng bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau của những người may mắn còn ở lại, tiếp thêm chút sức lực và niềm tin cho các đồng đội mặc áo blouse trắng.

Mỗi ngày họ làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, hơn 12 tiếng trong các bệnh viện dã chiến và "ăn, ở cũng dã chiến". Những bữa cơm quá giờ, nguội ngắt và không hợp khẩu vị, ngủ tạm trong một trường học hay một khách sạn nhỏ nào đó, tỉnh giấc hoảng hốt giữa đêm vì nỗi ám ảnh tiếng máy thở, những bệnh nhân lần lượt buông tay trước mọi nỗ lực của mình… Cũng như các lực lượng chi viện khác, chứng kiến sự khốc liệt, cảm giác đau buồn, căng thẳng, áp lực, có lúc tưởng không trụ nổi, nhưng rồi bác sĩ Tuấn nhận ra “Cuộc chiến này còn dài, và chúng tôi không cần phải tạo thêm cho nhau những áp lực không đáng có này nữa”. Trong những dòng nhật ký sau ca trực, anh đều lấy sự lạc quan tếu làm đầu để giúp mình và đồng đội vượt qua.

"Sáng 2/9, nếu không có SARS-COV-2, có lẽ ở Lệ Thủy đều đang hân hoan tổ chức đua thuyền, người ta gọi đó mới là Tết của người Lệ Thủy, cũng giống như rằm Tháng Ba ở trên Minh Hóa vậy.

... Chưa bao giờ nỗi nhớ gia đình lại gần đến thế, anh em tụi tôi ai cũng hiểu lần này xa nhà đi vào cái chốn nguy hiểm cận kề, mỗi lần ngoáy mũi làm xét nghiệm là mỗi lần hồi hộp. Sợ chứ, sợ dương tính cái rồi biết nói thế nào với mọi người ở nhà, rồi lỡ có làm sao, làm sao..."- Nhật ký Tuấn viết.

Không rõ có bao nhiêu bác sĩ như Tuấn, sau những ngày chứng kiến quá nhiều mất mát, mỗi lần ra khỏi khu điều trị, vẫn luôn nghĩ trong đầu rằng mình nên viết một bản di chúc. Bởi họ biết mình có thể bị dương tính bất cứ khi nào và cũng có thể trở nặng rất nhanh khi đã nhiễm bệnh. Họ xác định đi chuyến này là vào chiến trường, khi nhiều đồng nghiệp đã thành F0. Một chiến trường cần những người lăn xả, hy sinh, có thể không có ngày về nhưng vì bệnh nhân cần được cứu, vì những yêu thương tin tưởng của người dân, họ sẵn sàng trụ lại.  

Gần 5 tháng qua, đã có hơn 300.000 nhân lực hỗ trợ, đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía nam, lăn xả ở nhiều chiến tuyến, dốc sức vì những địa phương này đang rơi vào tình thế khó khăn chưa từng có. Những chuyến xe vận chuyển hàng trăm tấn lương thực nhiều ngày nối tiếp nhau nam tiến. Những đơn vị máu chi viện từ người dân các tỉnh, thành phố cũng hòa chung con đường góp một phần sức nhỏ bé giúp người bệnh vượt qua đại nạn.

Mặt trận điều trị có sự tập hợp lực lượng từ nhiều bệnh viện trong cả nước.

Mặt trận điều trị có sự tập hợp lực lượng từ nhiều bệnh viện trong cả nước.

Nhớ lại những ngày đầu tháng 7, khi dịch bắt đầu leo thang, khi biến chủng Delta bộc lộ rõ sự nguy hiểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Phải dành tất cả những gì tốt nhất cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19”. Một cuộc chi viện lớn chưa từng có bắt đầu từ đây, với một tinh thần “dốc sức vì miền nam thân yêu”. Sự chi viện của mọi miền cho TP Hồ Chí Minh kịp thời, không chỉ nằm ở con số nhân lực để bù đắp cho sự thiếu hụt ở mọi tuyến điều trị, mà còn bởi những dấu ấn nâng cao thêm một bước về năng lực của ngành y tế, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. 

Tuần đầu tháng 7, các bệnh viện thuộc Bộ Công an vốn có nhiều kinh nghiệm tại TP Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang đã chi viện hàng trăm nhân sự cho TP Hồ Chí Minh. Cuối tháng 7, TP Hồ Chí Minh đã đón 24 đoàn công tác đến từ các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện các bộ, ngành với tổng cộng 4.473 người. Các bệnh viện có quân số chi viện đông và “tay nghề cao” như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh... Những ngày căng thẳng nhất, mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm nhân viên y tế từ khắp cả nước lên đường vào nam, không chỉ từ các bệnh viện lớn ở tuyến Trung ương mà còn từ các tỉnh nhỏ xa xôi như Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ...

Khi dịch bệnh tại thành phố khốc liệt nhất với mỗi ngày số F0 ở mức hàng nghìn, số ca tử vong tính hàng trăm, tháng 8, Bộ Y tế tiếp tục tung một lực lượng tinh nhuệ nhất từ trước tới nay với sự tham gia chỉ huy mặt trận điều trị là các giám đốc bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương vào TP Hồ Chí Minh xây dựng các trung tâm hồi sức. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y, Bệnh viện Trung ương Huế... đều có mặt và thiết lập những trung tâm cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng tại khắp các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, đồng thời hỗ trợ từ xa cho các địa phương khác.

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh

Dẫn đồng đội với hơn 500 người trực chiến ở tầng điều trị thách thức nhất, TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai tại TP Hồ Chí Minh mới đầu cũng rất hoang mang vì nhiệm vụ thần tốc phải xây dựng trung tâm điều trị cao nhất cho bệnh nhân Covid-19 từ con số 0. “Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến đại dịch có quy mô ảnh hưởng sâu rộng như vậy tại TP Hồ Chí Minh. Từ con số 0 chúng tôi đã xây dựng hệ thống làm việc ăn khớp tất cả các công đoạn tại trung tâm. Đây là giai đoạn rất vất vả, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố để có được một trung tâm tiếp nhận với số lượng bệnh nhân rất lớn”, bác sĩ Sơn nói. Sau khi gây dựng hệ thống hồi sức hiện đại có khả năng điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng, các bác sĩ còn chuyển giao kỹ thuật điều trị cao nhất cùng trang thiết bị cho các tuyến dưới. Đây là sự chi viện quý báu để các tuyến điều trị có thêm nền tảng, chỗ dựa chuyên môn vững vàng để can thiệp kịp thời với từng ca bệnh.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần xung phong của lực lượng y tế  tại tuyến đầu chống dịch. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chấn thương chi dưới, Bệnh viện Việt Đức nhớ lại, hưởng ứng lời kêu gọi của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh viện đã phát động trong đội ngũ cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Và chỉ sau vài giờ gửi tin đi, khoa đã có danh sách dài các bác sĩ, điều dưỡng đăng ký xung phong lên đường đủ cho cả đợt 1, 2, 3. Những người đi đợt sau còn góp kinh phí để người đi trước mua sắm đồ dùng cá nhân.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức xúc động chia tay nhau lúc lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức xúc động chia tay nhau lúc lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh.

Các đồng nghiệp không quên câu chuyện xúc động của vợ chồng bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa [khoa Phẫu thuật cấp cứu bụng] và nữ điều dưỡng Trần Thị Thúy Ngần [khoa Phẫu thuật thần kinh I], Bệnh viện Việt Đức. Dù con còn rất nhỏ nhưng khi có tin phát động tình nguyện đi chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, hai vợ chồng đều lập tức đăng ký. “Mình cùng đi được không bố… Hay mỗi người đi một đợt. Em thực sự muốn đi, muốn giúp sức nhỏ bé của mình”.. là những dòng tin nhắn khiến nhiều người xúc động. Hay đó là chuyện của một nam bác sĩ nhà neo người, bố mẹ đều bệnh trọng, vợ ở nước ngoài nhưng vẫn quyết tâm thuyết phục lãnh đạo để được đi đợt đầu…  Trong các nhóm thông tin của các bệnh viện khi đó, liên tục các tin nhắn xin đi vào miền nam, thực sự là những liều thuốc tinh thần rất lớn động viên các chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu.

Những ngày thành phố chuyển đổi chiến lược điều trị F0 tại nhà, lực lượng tinh nhuệ của Học viện Quân y [Bộ Quốc phòng] đã có mặt tại 400 tổ quân y lưu động ở khắp các xã, phường cùng chính quyền các địa phương kéo giảm ca F0 trở nặng tại nhà, giảm tử vong rõ rệt. Khoảng 1.500 y, bác sĩ quân y ngoài việc “ba cùng” với nhân dân thành phố, còn triển khai thêm 7 bệnh viện dã chiến, chuyển đổi công năng 1 bệnh viện và đưa vào tâm dịch rất nhiều trang thiết bị y tế hiện đại nhất. Bác sĩ quân y Nguyễn Huy Tú [phường 11, quận 5] quyết tâm: “Hết dịch chúng tôi mới về”.

NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG
* Thành lập 32 bệnh viện dã chiến, quy mô 42.798 giường
* Chuyển công năng 64 bệnh viện với 17.062 giường
* Đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện, từ hơn 2.000 giường oxy đã tăng lên 13.000 giường oxy...

Theo ước tính, tổng chi viện nhân lực y tế của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, của các bệnh viện, các trường y dược và sở y tế các tỉnh, thành phố cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 25.000 người. Chưa kể lực lượng bộ đội chủ lực và các đơn vị công an chi viện khẩn cấp cho thành phố để làm các nhiệm vụ ngoài công tác y tế như vận chuyển lương thực, bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, trực chốt phòng dịch. Tất cả hợp lại thành một lực lượng hùng hậu góp sức cùng hàng chục nghìn nhân viên y tế tại chỗ, tình nguyện viên y tế của TP Hồ Chí Minh chống chọi trong suốt hơn 150 ngày ròng rã, giúp thành phố vượt qua “bạo bệnh”, dần hồi sinh tích cực.

Từ tuần cuối của tháng 8, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ từ các đơn vị đã trực tiếp về hỗ trợ người dân thành phố. Trên các tuyến đường, những người lính cũng phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát người dân lưu thông khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Dù nắng hay mưa, sáng đến tối, những người lính vẫn miệt mài để cùng thành phố chống dịch, trở thành một hình ảnh đẹp sáng lên trong sự khó khăn, nguy nan của đại dịch.

Chị Nguyễn Thị Hà, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cho hay: “Thời điểm cả tổ dân phố bị phong tỏa, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân đội tổ chức phối hợp cùng chính quyền địa phương đi chợ rồi trực tiếp mang thực phẩm đến cho các gia đình sẽ là một kỷ niệm rất đáng nhớ”.

Trong ngày tri ân lực lượng y tế chống dịch tại Hà Nội vào cuối tháng 10 tại Hà Nội, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên xúc động nói: “Nếu như trong quân đội, lần chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch là cuộc huy động lực lượng lớn nhất hơn 40 năm qua từ sau chiến tranh biên giới tây nam thì ngành y tế cũng huy động lực lượng cán bộ chi viện lớn chưa từng có. Không có lời nào có thể nói hết được sự hy sinh ấy. Dù chỉ là âm thầm lặng lẽ trên từng trận tuyến, nhưng nhân dân chúng tôi đều thấy được ngành y tế đã kề vai, sát cánh, đồng cam cộng khổ vượt qua khó khăn thử thách. Lịch sử sẽ ghi lại những hy sinh vất vả của các chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống dịch chưa có trong tiền lệ này”.

Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết, những ngày cuối tháng 8/2021, hàng nghìn quân nhân đã hành quân từ nhiều nguồn: Trường Sĩ quan Lục quân 2; Trường Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp; Trường trung cấp Kỹ thuật Hải quân; các trung đoàn mạnh của Quân khu 7, Quân khu 9… vào TP Hồ Chí Minh, chủ yếu tham gia cung cấp nhu yếu phẩm và kiểm soát việc giãn cách xã hội. Các lực lượng Quân đội vào hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch được phân công về cơ sở, trực tiếp tham gia thực hiện các nhiệm vụ và luôn sẵn sàng vào tâm dịch phục vụ nhân dân. Hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ có mặt ở khắp các mặt trận, từ thực hiện công tác chuyên môn trong phòng, chống dịch Covid-19 đến công tác bảo đảm an sinh, xã hội… được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ Quốc phòng hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam hơn 133.000 quân, trong đó bộ đội hơn 33.000, dân quân hơn 99.000. Riêng lực lượng quân y tăng cường khoảng 9.800, triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có trên 4.000 đồng chí bị nhiễm Covid-19. Cán bộ chiến sĩ quân đội luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, có tính tổ chức, tính kỷ luật, chặt chẽ, nghiêm minh. Luôn chủ động sáng tạo, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt có đồng chí điều trị khỏi tình nguyện ở lại phục vụ. Nhiều đồng chí có người thân qua đời đã nén đau thương ở lại đơn vị để chống dịch".

Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh

Video liên quan

Chủ Đề