Cuộc khởi nghĩa khai sinh ra chính quyền cách mạng đầu tiên ở tỉnh Quảng Ngãi diễn ra ở đầu

Những ngày đầu tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước do Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh phát động đã thu được nhiều thắng lợi. Tình hình thế giới cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta. Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Liên Xô và Đồng minh vô điều kiện. Ở Đông Dương, quân Nhật hoang mang, dao động đến cực độ, bọn tay sai khiếp sợ. Đó là điều kiện khách quan vô cùng thuận lợi cho Cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ Tổng khởi nghĩa. Trước đó, dự đoán trước diễn biến tình hình thế giới và trong nước, ngày 12-8-1945, tại chiến khu Việt Bắc, Ủy ban lâm thời khu giải phóng ra lệnh khởi nghĩa trong vùng căn cứ địa. Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào [Tuyên Quang] ra quyết định Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập ngay trong đêm 13-8-1945, phát Quân lệnh số 1 hạ lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc, toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”. Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân khai mạc ở Tân Trào [Tuyên Quang] có hơn 60 đại biểu đại diện cho nhân dân Bắc, Trung, Nam và đại biểu cho kiều bào ta ở nước ngoài, đại biểu các đảng phái, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo tham dự. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Đại hội quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và cử Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Mệnh lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa và Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch phát đi từ Tân Trào, thủ đô của khu giải phóng Trung ương đã truyền đi khắp đất nước. Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, phần lớn số xã, huyện trong vùng căn cứ địa, một số tỉnh ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật. Ở Quảng Ngãi, ngày 14-8-1945, lực lượng vũ trang địa phương đã giải phóng hầu hết các huyện, bao vây quân Nhật ở thị xã. Những thắng lợi giòn giã của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong những ngày tháng Tám ở các tỉnh miền Trung đã tác động mạnh đến Kon Tum. Tại Kon Tum, chính quyền cai trị Nhật và bọn tay sai bù nhìn hốt hoảng, dao động cực độ. Lực lượng hiến binh Nhật lo sợ vội vàng rút chạy khỏi Kon Tum về đồng bằng chờ quân đồng minh đến giải giáp. Lực lượng của phát xít Nhật ở Kon Tum lúc này còn rất ít binh lính canh gác các kho, tổ chức thanh niên Phan Anh và những nhóm thân Nhật hoàn toàn tan rã. Phần lớn viên chức và binh lính bảo an của chính quyền tay sai bù nhìn đã giác ngộ hướng theo cách mạng đang cùng lực lượng thanh niên yêu nước với tinh thần chủ động và kiên quyết cách mạng trong khí thế sẵn sàng giành chính quyền. Tình hình khách quan ở Kon Tum diễn biến rất thuận lợi. Sau khi huyện Ba Tơ giành được chính quyền, thực hiện chỉ thị của Huyện ủy, lực lượng cách mạng Ba Tơ kéo lên giúp Kon Plông khởi nghĩa giành chính quyền. Tri huyện Nuôn và Đồn trưởng bảo an Lê Phò vội vàng giao nộp vũ khí, sổ sách, ấn triện cho cách mạng. Huyện Kon Plông giành được chính quyền về tay Nhân dân. Đây là địa phương giành chính quyền cách mạng tháng Tám sớm nhất ở Kon Tum. Tại thị xã Kon Tum, quá trình chuẩn bị giành chính quyền diễn ra gấp rút: Ngày 22-8-1945, cùng với Gia Lai, thanh niên Kon Tum nhận được bức điện văn từ Việt Minh Bình Định gửi đến chỉ đạo sửa soạn giành chính quyền, nhưng vì thiếu tổ chức nòng cốt nên Kon Tum chưa hành động. Ngày 23-8-1945, Kon Tum nhận được tin Việt Minh Gia Lai sang giành chính quyền, liền tối hôm đó [23-8-1945], một số viên chức có xu hướng tiến bộ, gồm: Hoàng Lẫm, Võ Văn Dật, Tôn Thất Hy, Nguyễn Năng Tịnh.... đã tổ chức cuộc họp bàn nhất trí hành động, chuẩn bị mọi điều kiện để phối hợp với Việt Minh Gia Lai giành chính quyền. Cuộc họp phân công Võ Văn Dật phụ trách vận động thu xếp lực lượng bảo an, các vị khác lo làm việc với Tòa Tỉnh trưởng và vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa. Theo sự phân công, Võ Văn Dật về Đồn bảo an bàn với Quản Giai - Đồn trưởng Bảo an, tên này dao động, sợ sệt đã giao mọi quyền hành chỉ huy cho Võ Văn Dật. Sáng ngày 25-8-1945, các ông Dương Thành Đạt, Trần Sanh, Nguyễn Xuân, Trần Thông, Đỗ Huyên dẫn đầu lực lượng ở Gia Lai kéo lên tỉnh Kon Tum hỗ trợ phối hợp với lực lượng tỉnh Kon Tum tổ chức giành chính quyền. Do có sự chuẩn bị trước, nên khi đoàn thanh niên Gia Lai đến đã có sự sắp hàng đón tiếp của các binh lính và các tầng lớp nhân dân. Lấy danh nghĩa Mặt trận Việt Minh, Đoàn thanh niên cách mạng kéo đến dinh Quản đạo yêu cầu Tỉnh trưởng Kon Tum là Hà Ngại bàn giao chính quyền. Tỉnh trưởng Hà Ngại tuyên bố từ chức, bàn giao toàn bộ ấn tín, hồ sơ, trụ sở cơ quan hành chính, công sở, quân sự, kho bạc... cho cách mạng. Công việc bàn giao diễn ra nhanh gọn. Chính quyền cách mạng trong tỉnh đã hoàn toàn về tay Nhân dân.

Cuộc Cách mạng tháng Tám đã diễn ra thành công trong cả nước. Và ngày 25-8-1945 đánh dấu bước ngoặt lịch sử đối với Nhân dân các dân tộc Kon Tum trong bước ngoặt lịch sử của cả dân tộc. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam nói chung, Nhân dân các dân tộc Kon Tum nói riêng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội... Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến; đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.

Bài học về phát huy sức mạnh toàn dân, bài học về tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ trong Cách mạng tháng Tám được chứng minh bằng những thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; thắng lợi oanh liệt của cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc; trong sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước với cuộc hành trình từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, vượt qua bao vây, cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử để đến hôm nay, đất nước ta đã ra khỏi nhóm nước kém phát triển và trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang thực hiện mục tiêu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa. Riêng với Kon Tum, một tỉnh nằm ở Bắc Tây Nguyên, nơi ngã ba Đông Dương; là tỉnh có vị trí địa lý chính trị quan trọng của khu vực và cả nước; Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Kon Tum đã đoàn kết, anh dũng trong kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi to lớn của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Kon Tum, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước; với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, đã khắc phục những khó khăn chung do tàn tích của 30 năm chiến tranh và những khó khăn riêng do điều kiện địa lý, tự nhiên tương đối khắc nghiệt, từng bước ổn định đời sống, phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội và đạt được những thành tựu to lớn.

Như vậy, trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phát huy sức mạnh toàn dân luôn là yêu cầu, là nhân tố hàng đầu đưa đến thắng lợi, thành công. Ngày nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đạt những thành tựu nhất định; bên cạnh những thuận lợi, không ít khó khăn đặt ra đối với sự phát triển của đất nước. Trước mắt là đại dịch COVID-19 đã bùng phát, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương; tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân đã và đang nỗ lực ngăn chặn, đối phó, từng bước đẩy lùi dịch bệnh bằng những quyết sách, biện pháp linh hoạt và phù hợp ở từng thời điểm, từng hoàn cảnh khác nhau. Với tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc” và “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xã là một pháo đài chống dịch”, dịch bệnh  COVID-19 chắc chắn sẽ được ngăn chặn, dập tắt. Toàn thể dân tộc Việt Nam là một, đồng chí, đồng lòng thì “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thủ nào cũng đánh thắng”- đó là chân lý đã được chứng minh bằng hiện thực lịch sử.

 Từ khóa: chủ tịch, chí minh, lãnh đạo, tiến hành, nhân dân, xây dựng, trăm năm, độc lập, thắng lợi, nền tảng, thực dân, vĩ đại, tự do, nô lệ, tổng khởi nghĩa, đế quốc, tài tình

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay8,546
  • Tháng hiện tại430,150
  • Tổng lượt truy cập15,326,180

     Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum
   
 - Giấy phép số 01/GP-TTĐT, ngày 28 tháng 8 năm 2020

     - Cơ quan chủ quản: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum, số 236 Bà Triệu, Tp Kon Tum, tỉnh Kon Tum
     - Người chịu trách nhiệm chính: Ông Huỳnh Quốc Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
     - Điện thoại: 0260.3862301. Fax: 0260. 3865464. Email:
      Ghi rõ nguồn tuyengiaokontum.org.vn khi sử dụng lại thông tin từ website này

Video liên quan

Chủ Đề