Đảng và nhà nước đã làm gì để ghi nhỏ công Lao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận

TP - Sau bao nhiêu năm dâng hiến cho cuộc đời với chùm ca khúc thời chiến thắng Điện Biên nổi tiếng, rồi đến thời chống Mỹ với những “Vui mở đường”, “Hát mừng các cụ lão dân quân” v.v… vươn tới đỉnh cao như “Cô Sao”, “Người tạc tượng”… ngày 6/9/1975 nhạc sĩ Đỗ Nhuận cùng Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch có mặt ở Sài Gòn vừa giải phóng để công diễn vở nhạc kịch “Người tạc tượng” tại rạp Hồ Văn Huê.

“Anh thấy non sông ta rạng rỡ vô cùng

Chuyến bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày ấy, cùng với những chuyến thăm anh em văn nghệ các địa phương miền Nam ở cương vị Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam đã mang tới cho Đỗ Nhuận niềm hưng phấn khó tả. Từ lửa khói bước vào thanh bình, con đường số 1 xuyên Việt từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau với mọi người dân Việt Nam hẳn sự ngỡ ngàng chẳng khác gì Đỗ Nhuận. Nhưng tài năng khiến nhạc sĩ bậc thầy biến sự ngỡ ngàng đó, niềm hưng phấn đó thành một ca khúc mới về ngày thống nhất, có cái tứ rất khái quát mang tên Đường bốn mùa xuân. Trước ông, có bao nhạc sĩ đã thăng hoa trong niềm vui chung của dân tộc.

Cảm xúc thì chân thật nhưng chọn lựa lối biểu hiện thế nào? Đỗ Nhuận vẫn theo cái tạng dân dã quen thuộc với lối hát đối đáp nam nữ duyên dáng, chưa thấy có ở các giai điệu chào đón hòa bình trước ông. Ca từ giản dị như dân ca, Đỗ Nhuận mở đầu tự nhiên như  đôi lứa yêu đương hỏi nhau:

Nữ: Em hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất? [ớ]

Nam: Anh nói rằng: “chỉ có con đường thống nhất hôm nay” [à].

Giai điệu tiếp theo là phần tự sự vẫn được giọng ca nam thể hiện:

Đường Trường Sơn bát ngát rừng cây hay đường quốc lộ cũng dài theo đất nước

Dù đường sông trên không hay đường bộ [ô]

Anh thấy non sông ta rạng rỡ vô cùng.

Một cảm hứng khác lạ khiến âm nhạc và ca từ mang đến cho người thưởng thức sự thú vị:

Hôm qua còn ở bến sông Hồng

Mà chiều nay đã tới Cửu Long quê dừa.

Sau sự ngỡ ngàng về dịch chuyển, đến ngỡ ngàng về sự giàu có của thiên nhiên. Tiết tấu đảo phách trong nhịp điệu nhanh hơn cùng sự chuyển điệu thức từ trưởng sang thứ đã khiến giai điệu càng nhiều âm hưởng dân gian:

Xoài tượng sầu riêng [a] nhãn lồng mít mật

Một nhà thống nhất [a] sản xuất càng nhanh

Đường vạn niên thanh là chủ nghĩa xã hội

Theo lời Bác gọi [a] cả nước ra quân

Dệt bốn mùa xuân bằng bàn tay lao động.

Lúc này, cụm từ “Đường bốn mùa xuân” đã hiện ra với sự dệt nên của bàn tay lao động. Chất lạc quan phơi phới sau ngày thống nhất được Đỗ Nhuận diễn tả thật hồn nhiên, thật ngây thơ. Ông còn tạo thêm một đoạn giai điệu được chuyển điệu trở lại tiếp tục khẳng định ý tưởng của mình theo nhịp điệu trên:

Đất trời mở rộng vì hạnh phúc ấm no

Cho thép ra lò cho đồng quê tốt lúa

Biển khơi lắm cá vui cả núi rừng

Ngàn năm yêu thương một con đường trọn vẹn

Tương lai hứa hẹn là con đường Việt Nam

Tương lai xán lạn là con đường Việt Nam

Đường bốn mùa xuân được Đỗ Nhuận cao hứng viết ra tại khách sạn Lê Lai - Sài Gòn,  ông hát lần đầu trong cuộc liên hoan với anh em nhạc công, diễn viên sau tuần biểu diễn thành công Người tạc tượng ở Sài Gòn. Theo lời anh em chứng kiến buổi đó, Đỗ Nhuận khá say.

Non nước hữu tình dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam. Ảnh: Lam Thanh.

Mùa thống nhất

Phải chờ đến mùa xuân 1976, Đỗ Nhuận có chuyến xuyên Việt vào Sài Gòn bằng xe hơi của Hội Nhạc sĩ, mới viết thêm lời 2 cũng cứ dung dị, dân dã vậy:

Anh lại hỏi em giữa bốn mùa thì mùa nào đẹp nhất [thế]?

Em nói rằng: “Chỉ có một mùa thống nhất non sông [ừ]!

Từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau trên đường thắng lợi

Cưỡi tàu ta đi tới

Nhìn Trường Sa quê hương ta càng dài rộng

Lớp lớp ta đi theo truyền thống anh hùng

Chim khôn làm tổ ấm trên rừng/Người cùng chung đất nước càng thương nhau cùng.

Cái hóm hỉnh kiểu Đỗ Nhuận đã được thể hiện rõ trong ca từ này khi chàng trai hỏi cô gái, bốn mùa thiên nhiên mùa nào đẹp nhất, thì cô lại trả lời một mùa tượng trưng ngoài bốn mùa thiên nhiên là “Mùa thống nhất”. Hóm hỉnh mà đúng.

Ở nước ta từ 1945, bên cạnh mùa thu, lại có “mùa độc lập”. Đến 1975, bên cạnh mùa hè, lại có “mùa thống nhất”. Hai mùa cùng thời điểm, nhưng một mùa do thiên nhiên tạo ra, một mùa do dân tộc ta tạo ra.

Ca dao có câu: “Chim khôn làm tổ trên rừng - Người khôn ăn nói nửa chừng mới khôn” hay “Chim khôn ăn quả nhãn lồng - Người đi đâu đấy như bồng trên tay” và “Chim khôn đỗ nóc nhà quan - Giai khôn tìm vợ, gái khôn tìm chồng”... Đỗ Nhuận đã chọn “Chim khôn làm tổ ấm trên rừng” làm chất liệu. Còn câu sau, ông cảm nhận ý tứ từ ca dao mà mở rộng sang một câu ca dao khác “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Đoạn sau ở lời hai, Đỗ Nhuận nhắc nhớ công ơn của Bác và Đảng Lao động Việt Nam [Khi ấy chưa Đại hội Đảng và chưa đổi tên là Đảng Cộng sản Việt Nam]:

Nghĩa nặng tình sâu [a] nhớ câu Bác dặn

Một vườn lá thắm [a] từ bốn ngàn năm

Dệt lụa hoa vân hồng mừng Đảng Lao động

Giữa trời gió lộng thuyền vượt sóng ra khơi

Rạng rỡ ngày mai vì bàn tay xây dựng [a]

Đường bốn mùa xuân được cặp song ca vàng thời đó là Kiều Hưng và Thanh Huyền hát vang trên làn sóng phát thanh, nhanh chóng loang nhanh vào nhân gian, kể cả thiếu nhi. Hồi làm tạp chí Âm Nhạc đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, có chiều ngồi uống rượu tại sân 51 Trần Hưng Đạo cùng Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội Văn nghệ Các dân tộc ít người vào dịp giỗ đầu Đỗ Nhuận [1992], tôi hỏi Bình thích bài nào của Đỗ Nhuận, Bình nói thích nhiều song bài thích và lạ hơn cả là Đường bốn mùa xuân. Bình bảo: “Chỉ cần một câu mà cụ bay ngang từ sông Hồng vào sông Cửu Long thì tài thật”.

Tôi cũng đồng cảm với Bình. Nhờ thích Đường bốn mùa xuân, khi làm tạp chí Sông Trà, tôi bay vào Đà Nẵng rồi sau đó đi xe hơi vào Quảng Ngãi. Cảm hứng đó cho tôi viết ra tùy bút Sớm mới Hồng Hà, trưa đã Trà Giang.

Trong chuyến xe hơi xuyên Việt để viết xong lời hai Đường bốn mùa xuân ở Sài Gòn, Đỗ Nhuận gặp Nguyễn Đình Thi. Hai người bạn tri kỷ từ thuở đầu cách mạng chia sẻ bao điều. Tác giả Diệt phát xít và Người Hà Nội cũng rất thích Đường bốn mùa xuân. Họ rủ nhau đi Cà Mau, để rồi Đỗ Nhuận viết được Tình ca đất Mũi mà người đặt lời là Nguyễn Đình Thi như một kỷ niệm giữa hai người. Sau chuyến đi ấy, Đỗ Nhuận thêm gắn bó với Nguyễn Đình Thi. Mười năm sau, họ đã có thêm một kỷ niệm đồng sáng tạo, đó là nhạc kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan cho đến bây giờ vẫn chưa có điều kiện vang lên.

Kể ra như vậy để thấy rằng câu hay nhất trong Đường bốn mùa xuân chính là “Người cùng chung đất nước càng thương nhau cùng”. Cùng lúc ấy, Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên: “Từ đây người biết thương người”. Họ lớn lao là ở đó và cũng khác biệt là ở đó.

Ở nước ta từ 1945, bên cạnh mùa thu, lại có “mùa độc lập”. Đến 1975, bên cạnh mùa hè, lại có “Mùa thống nhất”. Hai mùa cùng thời điểm, nhưng một mùa do thiên nhiên tạo ra, một mùa do dân tộc tạo ra.

Nguyên Thụy Kha

Trong khai sinh, Đỗ Nhuận sinh 10/12/1922 tại Cẩm Bình - Hải Dương, nhưng theo lời kể của những người thân thì ông sinh vào tháng 5 nhuận âm lịch năm Nhâm Tuất. Bởi thế, cụ thân sinh mới đặt tên ông là Đỗ Nhuận. Cụ không biết rằng đã mang tên một vị quan thượng thư phụ trách bộ lễ - phó nguyên soái Hội Tao Đàn mà vua Lê Thánh Tông là chủ soái - đặt tên cho con mình. Và quả nhiên, nhạc sĩ Đỗ Nhuận sau này đã trở thành người nâng tầm nhạc Việt, chả thua kém gì thượng thư Đỗ Nhuận khi xưa đã từng cùng Thân Nhân Trung và Lương Thế Vinh đặt ra hai bộ Đồng Văn và Nhã Nhạc cho nước Đại Việt thời ấy.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Nếu giữa những nhà thơ tiền chiến thời “Thơ Mới” xuất hiện một nhà thơ cách mạng là Tố Hữu, thì giữa những nhạc sĩ tiền chiến thời kỳ đầu Tân Nhạc cũng xuất hiện một nhạc sĩ cách mạng là Đỗ Nhuận. Sau khi viết tác phẩm đầu tay mang tên Trưng Vương, Đỗ Nhuận đã lọt vào mắt xanh của đồng chí Vũ Quý - một cán bộ Đảng bí mật hoạt động với tư cách là đoàn trưởng Hướng Đạo. Nhờ sự giác ngộ của đồng chí Vũ Quý, Đỗ Nhuận vừa dạy tư tại Trường Hồng Bàng ở chợ Cột Đèn, vừa viết những bài hát yêu nước như Lời cha già luận chuyện Nguyễn Trãi - Phi Khanh. Dưới vỏ bọc làm hương sư, Đỗ Nhuận được kết nạp vào Đảng và được đưa về làng Dương Thái gần ga Phú Thái để tuyên truyền cách mạng. Năm 19 tuổi, ông đã là Tổ trưởng Đảng phụ trách phong trào Việt Minh ở huyện Kim Thành. Những năm tháng sau này, Đỗ Nhuận thường xuyên lên Hà Nội học hỏi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và viết những bài ca cách mạng như Đường lên ải Bắc viết về khởi nghĩa Bắc Sơn. Trong một lần chỉ huy anh em rải truyền đơn và treo cờ đỏ sao vàng ở Kim Thành, ông bị bắt. Ở tù, Đỗ Nhuận đã cùng bạn tù Vương Gia Khương [tác giả Cờ Việt Minh nổi tiếng] viết những bài hát trong tù để hát vang trong các cuộc đấu tranh. Từ nhà tù Hải Dương, Đỗ Nhuận bị đưa lên nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, rồi lên nhà tù Sơn La. Trước khi cùng các đồng chí trong đó có đồng chí Đỗ Mười vượt ngục Sơn La, Đỗ Nhuận đã viết hành khúc Du kích ca vào mùa xuân 1945. Không chỉ giác ngộ Đỗ Nhuận, đồng chí Vũ Quý còn giác ngộ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và Xuân Oanh. Khi Đỗ Nhuận viết Du kích ca thì Văn Cao cũng đã viết Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Nam, Nguyễn Đình Thi viết Diệt phát xít. Còn Xuân Oanh thì đúng ngày Hà Nội khởi nghĩa đã viết ngay 19/8 hầm hập hơi thở cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ước muốn có những bài hát trữ tình mới của thời đại mới, Đỗ Nhuận đã viết Nhớ chiến khu da diết và trầm vang. Bài hát được ca sĩ Thương Huyền biểu diễn ở nhiều phòng trà Hà Nội cho đến tận đêm Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946.

Mang sẵn trong mình vốn liếng giàu có của âm nhạc cổ truyền, Đỗ Nhuận bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến cùng dân tộc. Thời kỳ ấy, thế giới đầy rạn vỡ sau Thế chiến II. Phong trào Pop tiền Rock được khởi xướng ở châu Âu nhằm hàn gắn lại những mất mát và hy vọng một hòa bình mới. Tuy ít thông tin, nhưng bằng một trực cảm của một tài năng lớn, Đỗ Nhuận đã viết Đoàn lữ nhạc mang đầy tinh thần của phong trào ấy. Rất tiếc là nó đã bị nhìn qua lăng kính hẹp hòi của chính trị duy ý chí nên không được cổ xúy. Ông chỉ còn cách đào sâu vào âm hưởng dân tộc để mang vào những sáng tạo của mình với những kết hợp nhuần nhuyễn giữa riêng tư và thời cuộc. Câu chuyện tình cảm giữa ông và bà Nguyễn Thị Bình Định đã mang đến cho ông một hứng khởi về một tình ca cách mạng mang tên Áo mùa đông thật đẹp đẽ và dung dị. Việc gặp gỡ với cô du kích sông Thao tên Hà đã cho ông thăng hoa đạt đỉnh với trường ca hợp xướng Du kích sông Thao bên cạnh Trường ca sông Lô của Văn Cao, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi lai láng suốt trường kỳ kháng chiến.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Chiến dịch Tây Bắc đã khiến cho tài năng Đỗ Nhuận được đất để phát triển những sáng tạo của mình. Ông đã tìm đến một hành khúc thuần Việt là Hành quân xa. Miền đất Tây Bắc đã làm cho ông bừng ngộ về việc khai thác dân ca đồng bào thiểu số. Không chỉ có ngay những giai điệu khác thường mang âm hưởng Thái, Mông như Anh Pan về bản mà còn cấp cho ông thêm vốn liếng để sau này làm nên nhạc kịch Cô Sao độc đáo. Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, sau hành khúc cho trận mở màn Trên đồi Him Lam, Đỗ Nhuận đã làm ra một Chiến thắng Điện Biên như một khúc khải hoàn của dân tộc. Ở đấy, giai điệu Đỗ Nhuận đã hòa quyện giữa dân ca miền núi và dân ca đồng bằng qua cảm xúc tột cùng.

Hòa bình ở miền Bắc, khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đỗ Nhuận đã được tín nhiệm ở cương vị Tổng Thư ký hội. Ông là nhạc sĩ đầu tiên thuộc thế hệ nhạc sĩ tiền chiến được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikopsky danh tiếng của Nga. Và ở đấy, dưới sự giáo dưỡng thầy Vơlađimia Phêrê, ông đã được trau dồi kiến thức của một nhạc sĩ viết nhạc kịch.

Trong những năm tháng chống Mỹ, bên cạnh những ca khúc tràn đầy âm hưởng dân ca như Vui mở đường, Hát mừng các cụ dân quân, Hoa thắm núi rừng, Bài ca cao xạ pháo… Đỗ Nhuận thật sáng láng khi viết ra nhạc kịch Cô Sao, Người tạc tượng vạm vỡ và mới lạ, nâng tầm nhạc Việt lên một chiều cao đáng tự hào cho thời chiến tranh oanh liệt. Không chỉ nâng tầm nhạc Việt qua đóng góp của mình, với cương vị phụ trách Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đã cùng tập thể lãnh đạo thổi bừng ngọn lửa sáng tạo trong các nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư để làm nên một nền âm nhạc chống Mỹ khiến cả thế giới phải nhìn vào và ngưỡng mộ. Ông còn cùng các đồng nghiệp quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới qua những chuyến lưu diễn ở nhiều nước Á, Âu. Bên cạnh đấy, còn giúp đỡ phát triển nền âm nhạc nước bạn Lào anh em.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông vẫn đầy nỗ lực cùng anh em nhạc sĩ hai miền Nam - Bắc tạo nên không khí âm nhạc thời thanh bình. Không chỉ chú trọng âm nhạc hàn lâm, ông rất chú trọng âm nhạc đại chúng, phổ cập hóa nhạc nhẹ điện tử qua phong trào Ca khúc chính trị ở khắp cả hai miền. Riêng ông, bên cạnh những nhạc kịch nhỏ viết cho các địa phương, ông còn tập trung cao độ để hoàn thành vở nhạc kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan qua vở kịch trùng tên của Nguyễn Đình Thi. Rồi cũng có lúc, vở nhạc kịch thứ ba của Đỗ Nhuận sẽ được trình diễn trước công chúng, dù muộn màng qua nhiều năm tháng bộn bề của đất nước.

Sức làm việc bền bỉ và hiệu quả của ông trong việc nâng tầm nhạc Việt đã tác động trực tiếp đến sự học tập và rèn luyện của cậu con trai Đỗ Hồng Quân để có thể tiếp bước ông đi du học tại Nhạc viện TChaikopsky và tốt nghiệp bằng một tác phẩm đầy ấn tượng mang tên Rhapsody Việt Nam. Không chỉ nối nghiệp ông trong sáng tạo. Từ năm 2005, Đỗ Hồng Quân còn nối nghiệp ông ở cương vị lãnh đạo Hội khi được tín nhiệm bầu là Tổng Thư ký hội [nay là Chủ tịch hội] cho đến hôm nay. Vừa nối nghiệp lãnh đạo, Đỗ Hồng Quân cũng nối nghiệp ông ở sức sáng tạo để có thể có những tác phẩm mang tầm quốc tế như Trổ Một, nhạc kịch Lá đỏ…

Đỗ Nhuận đã thanh thản ra đi ở tuổi “nhân sinh thất thập” vào mùa hè 1991, để lại nhiều di sản âm nhạc cho đất nước. Ông đã được Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 cùng Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Văn Cao và Hoàng Việt. Năm nay, Mậu Tuất 2018, nếu chăng còn trên cõi dương gian thì ông thọ 97 tuổi.


Video liên quan

Chủ Đề