Đánh giá chất lượng giáo dục đại học việt nam năm 2024

Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: “Nhìn chung, giáo dục đại học vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Đại hội XIII của Đảng cũng đã đưa nhận định: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”. Vấn đề đặt ra hiện nay là, những hạn chế, yếu kém phải được nhận thức sâu sắc để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam lên một tầm cao mới.

Trên thực tế, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, GDĐH Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức trong quá trình phát triển, không chỉ đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, thiếu hụt đầu tư mà còn đến từ những vấn đề nội tại của hệ thống GDĐH như trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo còn hạn chế, mức độ bao phủ thấp và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học (World Bank, 2020).

Đánh giá chất lượng giáo dục đại học việt nam năm 2024
Sinh viên trong giờ thực hành (Ảnh: minh hoạ)

Về nguyên nhân dẫn đến chất lượng Giáo dục đại học (GDĐH) TS.Thiều Huy Thuật và ThS. Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên đã có nghiên cứu chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến chất lượng GDĐH còn chưa như kỳ vọng.

225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm

TS.Thiều Huy Thuật cho biết, hạn chế lớn nhất phải kể đến là chất lượng GDĐH chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Mới đây nhất, Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”. Nhiều sinh viên có khả năng làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài với đòi hỏi về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng và khả năng chịu áp lực lớn.

Tuy nhiên, 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo năm 2020 là minh chứng rõ rệt cho thấy sự yếu kém về chất lượng giáo dục đại học hiện nay. Sự yếu kém này đồng thời cũng chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực vật chất lẫn tinh thần của người dân.

Đa số các doanh nghiệp chưa hài lòng về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân sự nhưng khó tuyển người hoặc phải tốn thời gian, chi phí đào tạo lại nhân sự không phải điều xa lạ.

Cuối năm 2019, các doanh nghiệp được khảo sát thuộc các ngành điện, điện tử, ô tô, xe máy và các ngành cơ khí (trong đó 48,7% là các doanh nghiệp Việt Nam, 31,6% là các doanh nghiệp Nhật Bản, 19,7% là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác). Kết quả, các doanh nghiệp khá hài lòng về việc tuân thủ nghiêm túc các quy định, các tiêu chuẩn vận hành trong sản xuất, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng thích nghi nhanh với các thiết bị mới.

Tuy nhiên, đa số sinh viên ra trường thiếu tác phong làm việc công nghiệp, không chịu được phong cách làm việc chuẩn xác, trung thực và nghiêm khắc tuyệt đối của doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh ngoại ngữ, các kỹ năng mềm khác như sử dụng máy tính, thuyết trình, giải quyết vấn đề của sinh viên mới tốt nghiệp đều không tốt, không tích cực trong việc sử dụng các kỹ thuật cơ bản, không có ý thức về việc giữ gìn nhà xưởng sạch sẽ, thiếu kiến thức cơ bản như đọc bản vẽ thiết kế chi tiết; cài đặt các điều kiện gia công sản phẩm, thiếu kỹ năng mềm trầm trọng như giao tiếp, soạn thảo văn bản.

Nhóm nghiên cứu cho hay, ngay cả ngành đang khát nhân lực như công nghệ thông tin, chất lượng sinh viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện đại vẫn còn thấp.

Trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần(5). Bức tranh đào tạo đại học các chuyên ngành khoa học xã hội còn có phần tối hơn bởi cơ hội việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp còn thấp hơn so với các ngành kỹ thuật, công nghệ.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao mỗi năm có hàng trăm nghìn sinh viên ra trường mà không xin được việc làm. Có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân dễ thấy nhất là sự chênh lệch giữa chất lượng GDĐH so với yêu cầu của thị trường lao động. Do đó, nhiệm vụ của GDĐH là phải nhanh chóng giảm sự chênh lệch này xuống mức thấp nhất có thể. Muốn đạt được chất lượng, trước tiên GDĐH cần hướng đến nhu cầu xã hội.

Nguyên nhân dẫn đến hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm

TS. Thiều Huy Thuật và ThS. Nguyễn Thị Ngọc, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia khu vực Tây Nguyên chỉ ra rằng, nguyên nhân của những hạn chế trên là do sự thiếu tương thích giữa chất lượng GDĐH với nhu cầu của thị trường lao động.

Sự thiếu tương thích này dễ dẫn đến hệ quả giáo dục đại học cứ tập trung giáo dục, đào tạo những gì mình có mà không chú trọng đúng mức đến những gì xã hội cần.

Mục tiêu của GDĐH là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhân lực này sẽ được xã hội sử dụng nếu chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nói riêng và của xã hội nói chung bởi chất lượng nguồn nhân lực từ các cơ sở GDĐH chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Đó cũng là lý do hàng trăm nghìn sinh viên, thạc sĩ sau tốt nghiệp không tìm được việc làm. Trong thực tế, hàng nghìn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ các cơ sở GDĐH nhưng hầu hết đều rất khó tuyển hoặc tuyển nhưng phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại.

Các trường đại học không chú trọng đào tạo kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà doanh nghiệp, xã hội cần là lý do khiến đa số sinh viên ra trường không đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp, các tổ chức khác.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Viết Bằng, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp của sinh viên đại học là một vấn đề quan trọng tại Việt Nam khi đất nước đang nỗ lực phát triển kinh tế. Một trong những vấn đề chính trên thị trường lao động Việt Nam là sự mất cân đối và không khớp giữa nguồn cung và nhu cầu lao động. Trong khi có sự dư thừa sinh viên tốt nghiệp trong một số lĩnh vực, thì lại thiếu lao động kỹ năng trong các ngành có nhu cầu cao như công nghệ, kỹ thuật và tài chính.

Sự mất cân đối này xuất phát từ sự không khớp giữa kỹ năng và trình độ của sinh viên tốt nghiệp và nhu cầu đang thay đổi của thị trường lao động. Một tỷ lệ đáng kể sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam thiếu những kỹ năng mềm cần thiết và sự sẵn sàng để làm việc, khiến họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.

Theo TS Nguyễn Viết Bằng, nhà tuyển dụng thường báo cáo sự không khớp giữa kỹ năng mà sinh viên tốt nghiệp có và kỹ năng cần thiết cho công việc. Sinh viên tốt nghiệp được mong đợi phải có sự kết hợp giữa năng lực kỹ thuật và kỹ năng tổng quát như giao tiếp, giải quyết vấn đề và làm việc nhóm. Việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng và nâng cao sự sẵn sàng làm việc của sinh viên tốt nghiệp đại học là điều quan trọng để cải thiện khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp của họ.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy và phương pháp dạy học tại các trường đại học Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng làm việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc định hình chương trình giảng dạy phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động lại gặp nhiều thách thức. Chương trình giảng dạy hiện tại thường chứa nhiều lý thuyết và thiếu tính thực tế, làm cho sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn trong việc chuyển đổi kiến thức của mình thành ứng dụng thực tế.

Công bố quốc tế và xếp hạng đại học vẫn thua kém các nước trong khu vực

Nhóm nghiên cứu của TS.Thiều Huy Thuật nhận định: GDĐH vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Nỗ lực để có mặt trong các bảng xếp hạng đại học tốt nhất trên thế giới của các trường đại học Việt Nam rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo thống kê số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, tại mỗi bảng QS và THE, Việt Nam chỉ có hai trường góp mặt trong top 1.000 và không có đại diện nào ở Webometrics. Trong khi đó Indonesia là 9,3 và 2, còn Thái Lan là 8,5 và 6.

Xét tỷ lệ nghiên cứu trên một triệu dân giai đoạn 2010 - 2017, Việt Nam tăng từ 23 lên 63, thấp hơn với mức 10 - 71 của Indonesia, 140 - 212 của Thái Lan và còn kém xa mức 4.092 - 4.813 của Thuỵ Sĩ, quốc gia đứng đầu danh sách. Trong 10 năm 2008-2018, Việt Nam tăng từ vị trí 64 lên 45 về chỉ số đổi mới toàn cầu nhưng vẫn đứng chót về hầu hết chỉ số khác".

Đánh giá chất lượng giáo dục đại học việt nam năm 2024
Hàng nghìn doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ các cơ sở GDĐH nhưng hầu hết đều rất khó tuyển hoặc tuyển nhưng phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại ( Ảnh: minh hoạ)

Theo nhóm nghiên cứu, số lượng các công bố quốc tế của các trường đại học ở Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, số lượng và chất lượng các công trình công bố trên các ấn phẩm khoa học quốc tế đã trở thành thước đo quan trọng về chất lượng GDĐH ở các quốc gia.

Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ, nhưng số lượng công bố quốc tế còn khá hạn chế, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Malaysia, Singapore.

TS.Thiều Huy Thuật cho rằng, GDĐH muốn tham gia hội nhập quốc tế với khu vực và thế giới cần nhiều giải pháp, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng số lượng các công bố quốc tế, từ đó góp phần cải thiện thứ hạng trong các bảng xếp hạng quốc tế uy tín. Trong 3 năm trở lại đây, số lượng các công bố quốc tế của Việt Nam ngày càng được cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trên thế giới.

Tự chủ đại học: Nhiều luật vẫn chưa điều chỉnh kịp

Nhóm nghiên cứu nhận định, tự chủ đại học mang lại nhiều kết quả tích cực nhưng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới GDĐH nhưng cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Do đó, trong quá trình triển khai vẫn có những vướng mắc, còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn là điều khó tránh khỏi. Có những vướng mắc do hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán.

Nhận thức về tự chủ đại học của các bộ, ngành, của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở GDĐH còn khác nhau, có trường hợp chỉ thiên về đòi quyền tự chủ, nhưng vẫn muốn duy trì cơ chế quản trị nội bộ như trước hoặc chỉ chú trọng tự chủ tài chính trong khi năng lực chưa đáp ứng yêu cầu tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nhưng cũng có quan điểm “tự chủ” là “tự lo”.

TS.Thiều Huy Thuật cho biết, Luật số 34/2018/QH14 mở rộng quyền tự chủ trong khi một số luật khác chưa điều chỉnh theo kịp khiến việc tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, lúng túng, bất cập (bộc lộ sai sót, bất cập ở một số cơ sở GDĐH được thí điểm tự chủ; có vấn đề nhận thức theo Luật số 34/2018/QH14 là đúng nhưng chiếu theo các luật, quy định khác thì không đúng dẫn đến rủi ro khi triển khai tự chủ đại học theo đúng nghĩa của phạm trù này).

Bên cạnh đó, vai trò của hội đồng nhà trường trong các trường đại học còn mờ nhạt; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn rất lớn trong nhiều nội dung, hoạt động của nhà trường (như bổ nhiệm chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, biên chế, mức lương, định mức chi cho các nhiệm vụ khoa học...). Việc phân định giữa quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các trường đại học còn chưa rõ ràng.

Ngoài ra, những mặt hạn chế của GDĐH hiện nay còn thể hiện ở nhiều phương diện khác như chương trình giáo dục vẫn “nặng” về lý thuyết, “nhẹ” về thực hành và vận dụng kiến thức, phương pháp dạy và học chưa thực sự lấy người học làm trung tâm, chất lượng đội ngũ giảng viên chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu GDĐH.

Đánh giá chất lượng giáo dục đại học việt nam năm 2024
Năng lực của đội ngũ giảng viên đại học qua nhiều năm chưa được đánh giá cao (Ảnh: minh hoạ)

Năng lực đội ngũ giảng viên – điểm yếu trong hệ thống Giáo dục đại học

Theo nhóm nghiên cứu, chất lượng đội ngũ giảng viên còn thấp. Giảng viên là linh hồn của các cơ sở đào tạo đại học. Sự thật là muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi, muốn có nhân tài thật phải có đội ngũ nhà giáo thật. Người thầy, dù ở cấp nào cũng cần phải có cả hai yếu tố trí tuệ và nhân cách, toàn diện hơn là năng lực và phẩm chất. Năng lực của đội ngũ giảng viên đại học qua nhiều năm chưa được đánh giá cao. Thậm chí đây vẫn là điểm yếu trong hệ thống GDĐH.

Thái độ trí thức của một bộ phận giảng viên đại học hiện nay cũng là chuyện rất đáng để suy ngẫm cho những ai có lòng tự trọng. Một trong những biểu hiện rõ nhất của vấn đề này là sự bất nhất, bảo thủ, “nói một đằng làm một nẻo” của không ít các “cây đa, cây đề” ở các trường đại học, viện nghiên cứu liên quan đến việc đào tạo sau đại học hay tham mưu và thực thi các chính sách giáo dục ở tầm vĩ mô của Nhà nước. Khi trình độ các giảng viên đại học không đảm bảo tất yếu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

TS. Thiều Huy Thuật cho biết, với các trường đại học sư phạm thì hệ lụy còn khủng khiếp hơn. Nó là cái vòng xoáy của sự luẩn quẩn vì thầy ở đại học chính là thầy của đội ngũ giáo viên phổ thông. Không những vậy, đa phần họ còn tham gia trực tiếp vào các khâu, các dự án đổi mới giáo dục phổ thông dù có người cả đời chưa từng đứng lớp dạy ở cấp học này bao giờ. Sự đổi mới, vì thế vừa khiên cưỡng, chấp vá vừa luẩn quẩn, không có lối ra.

Đặc biệt, hệ quả từ việc ồ ạt mở rộng mạng lưới các trường đại học nhất là các trường đại học ngoài công lập trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây nhưng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ những người làm công tác quản trị, điều hành lẫn trực tiếp đứng lớp.

Hiện nay, ngoài các trường đại học có bề dày truyền thống trong đào tạo thì lực lượng giảng viên ở hệ thống các trường mới thành lập đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý.

Thực tế cho thấy, vì thiếu hụt giảng viên nên có trường hợp tận dụng những người vốn là các quan chức ở các cơ quan nhà nước hay các giảng viên đã nghỉ hưu với tính chất thời vụ hoặc nôn nóng, gấp rút đào tạo đội ngũ giảng viên theo hướng hợp thức hóa bằng cấp thay vì chú trọng năng lực thực sự.

Chất lượng giảng viên cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến các công bố quốc tế của GDĐH Việt Nam bởi đây là đội ngũ chủ chốt thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong hệ thống các trường đại học.

Năng lực nghiên cứu chưa hướng đến những chuẩn mực chung của thế giới nên trải qua hàng thập kỷ, số lượng lẫn chất lượng các công bố quốc tế ở Việt Nam có cải thiện nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao so với các nước trong cùng khu vực.

TS. Thiều Huy Thuật cho rằng, hạn chế về tự chủ đại học cũng do nhiều nguyên nhân. Đó là những vướng mắc của hệ thống các văn bản quy định pháp luật làm nền tảng cho việc triển khai còn có những điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán.

Mặc dù Luật Giáo dục đã quy định trường đại học có quyền tự chủ trong 5 lĩnh vực: Xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; Tổ chức tuyển sinh đào tạo, công nhận tốt nghiệp; Tổ chức bộ máy phục vụ cho quá trình giảng dạy; Hoạt động, quản lý, sử dụng mọi nguồn lực; Hợp tác trong và ngoài nước nhưng mức độ tự chủ thì chưa được quy định cụ thể. Khó khăn, vướng víu do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Vướng mắc do sự chia sẻ và đón nhận từ xã hội có chuyển biến chưa đồng bộ và tương thích.

Bài tiếp: "Tự chủ đại học đúng huớng: Phải đưa tiếng nói nhà khoa học trở thành quyền uy có sức mạnh nhất"

Đánh giá chất lượng giáo dục đại học việt nam năm 2024
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học quá ít

Chia sẻ tại tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội” do Báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học khoảng 17.000 tỷ đồng (chiếm 0,27% GDP) khiến các trường khó thúc đẩy chất lượng và phát triển quy mô.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của thúc đẩy chất lượng và quy mô giáo dục đại học là sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính, từ đó ảnh hưởng tới các yếu tố về con người, hạ tầng cơ sở vật chất.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn dẫn chứng, theo con số chính thức của Bộ Tài chính, năm 2020 kế hoạch ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỷ đồng, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỷ đồng. Nếu tính theo số thực chi thì tỷ lệ chi cho giáo dục đại học trên GDP là 0,18%, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và thế giới.

Nguồn lực chi cho các trường đại học hiện nay được trích từ 3 nguồn: nhà nước, người học, xã hội. Người học có trách nhiệm chi trả những gì mình được lợi ích. Tuy nhiên, để hiện đại hóa một cơ sở giáo dục đại học, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt với ngành công nghệ cao, thì học phí do sinh viên đóng không thể chi trả được. Học phí chỉ có thể dùng để chi trả cho những gì mà người học đang thụ hưởng.

Mặt khác, một số ngành đào tạo để phục vụ lâu dài cho đất nước như khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật, đào tạo trình độ sau đại học... không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không khoa học cơ bản thì không công nghệ nền tảng. Những ngành này không dễ xã hội hóa, nhưng chúng ta lại đang hạn chế về nguồn lực.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Với yêu cầu là quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng. Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải đầu tư trọng tâm trọng điểm, những ngành nghề thiết yếu với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực then chốt.