Đánh giá phim giữa những đại dương năm 2024

Trước khi xem phim, tôi đã thích nữ diễn viên người Đan Mạch Alicia Vikander lắm rồi; đến khi xem phim, tôi lại càng thích chị ấy hơn <3 Vikander đã thể hiện thành công nhân vật Isabel từ những ngày còn hẹn hò với Tom Sherbourne - một Isabel tràn đầy sức sống và thuần khiết, người đã giúp chữa lành những ám ảnh về cái chết cho chàng cựu binh Tom sau Thế chiến I - cho đến khi cô trở thành một người vợ, rồi một người mẹ, người đã phải gánh chịu nỗi đau đớn uất nghẹn không sao chịu đựng nổi khi phải buộc phải chứng kiến những đứa con mình và Tom đã hoài thai trong bụng cô lần lượt ra đi. Tôi là một người phụ nữ, và trong tương lai có thể tôi cũng sẽ kết hôn, sẽ muốn và có con với người đàn ông tôi yêu và lấy làm chồng. Tưởng tượng tới cảnh mình có thai được nhưng lại có điều gì đó trong cơ thể mình, trong tử cung của mình khiến mình không thể giữ được đứa bé, hết lần này đến lần khác, chắc tôi cũng thể nào chịu nổi.

Và còn Tom, người đàn ông tôn trọng luật pháp, luôn muốn làm điều đúng đắn và là người gác hải đăng có trách nhiệm với công việc của mình. Anh cũng đồng thời là người chồng vô cùng yêu vợ và luôn mong muốn hạnh phúc cho Isabel. Nhưng ở hoàn cảnh của họ, việc đúng đắn đôi khi lại chính là việc khó khăn nhất, gây đau đớn nhất. Tom buộc phải lựa chọn giữa việc nghe theo lời Isabel - người phụ nữ đã để khát khao làm mẹ trong vô vọng lấn át lý trí của mình - và giữ đứa bé lại, nuôi nó như con ruột của hai người, hay là anh phải tàn nhẫn với mong ước của vợ mình và báo cáo lại sự việc. Và cuối cùng, bàn tay của người gác đèn biển đã không thể ghi lại sự thật trên cuốn nhật ký hải đăng; duy nhất một lần trong đời, Tom Sherbourne lựa chọn hạnh phúc của vợ mình chứ không phải sự thật, dẫn đến hàng loạt những sự kiện sẽ còn gây đau lòng hơn sau này…

Từ đầu đến cuối, Tom là nhân vật khiến tôi đau đớn nhất, xót xa nhất, vì bên trong con người anh luôn tồn tại một trận chiến thầm lặng giữa trách nhiệm của một con người trước tội lỗi mà cả hai vợ chồng họ đã gây ra và niềm hạnh phúc mà vợ chồng anh cuối cùng cũng cảm nhận được khi họ đã được làm cha, làm mẹ. Cô bé đóng vai Lucy, mà tên thật là Grace, sao mà đáng yêu quá. Những phân cảnh Lucy vui đùa cùng cha mẹ hờ của cô bé trên đảo Janus là những cảnh tượng thật đẹp, thật viên mãn, vì người xem có thể thấy rõ ràng niềm hạnh phúc ánh lên trong đôi mắt của Isabel. Nhưng hạnh phúc ấy, những cảnh tượng ấy chắc chắn sẽ không sẽ nào kéo dài, bởi đó là hạnh phúc bị đánh cắp, là thứ hạnh phúc bị tước đoạt từ tay của Hannah - mẹ ruột của Lucy, người cũng phải chịu nỗi đau riêng của cô khi ngỡ là con gái mình cũng đã chết theo chồng mình trên biển...

Một bộ phim tuyệt hay và cực kỳ cảm động, hay và cảm động như chính cuốn sách mà từ đó, bộ phim đã được thành hình. Bao nhiêu nước mắt tôi khóc cho ba con người trong câu chuyện, cho những khúc mắc, những quyết định khó khăn trong bộ phim cũng không thể nào khỏa lấp nổi tầng tầng lớp lớp của tấn bi kịch đã buộc chặt Tom, Isabel, Lucy và Hannah vào với nhau. Coi những cảnh cuối, tôi chỉ còn biết nấc lên trong thổn thức và đớn đau cho sự hy sinh của Tom, cho tình vợ chồng gắn bó của Tom và Isabel, cho sự chữa lành, và trên hết là, sự tha thứ. Đây là bộ phim hoàn toàn thích hợp để trải nghiệm (chứ không chỉ xem) vào một buổi chiều có mưa như thế này, khi cơn bão số 14 đang vần vũ khắp TP. HCM, để khóc và khóc cho thỏa, cho một câu chuyện tràn đầy cảm xúc và những sự lựa chọn không dễ phán xét đúng sai.

Old review:

Đọc cuốn sách này là một trải nghiệm tràn đầy cảm xúc đối với tôi. Tôi đã khóc thật nhiều, thật lâu khi đọc đến những đoạn bi kịch nhất, sâu sắc nhất và đau đớn nhất, khi phải chứng kiến quá nhiều người bị ảnh hưởng bởi hành động của những con người tội nghiệp, rốt cuộc cũng chỉ vì số phận quá khắc nghiệt mà khiến họ trở thành những tội đồ. Nhưng có thật họ là tội đồ hay không, có thật họ đã sai khi lựa chọn hành động như vậy? Và liệu thực sự có chuyện đúng sai khi nhắc đến tình mẫu tử, đến khát khao làm mẹ, đến sự uất nghẹn trước việc mất lần lượt 3 đứa con cuối cùng đã dẫn họ đến chỗ yêu thương một đứa bé mà lẽ ra họ không được phép yêu thương như chính con ruột của mình?

Sự thanh thản có lẽ đã đến với Tom và Isabel, trong những giờ phút cuối đời khi bà nằm trong vòng tay người đàn ông mà bà đã được định sẵn sinh ra để yêu, hoang mang tự hỏi không biết mình có được tha thứ. Sự thanh thản ấy cộng hưởng một cách hoàn hảo trong nỗi hoài nhớ về những ký ức rời rạc từ 4 năm ngắn ngủi của cô bé Lucy-Grace bên Tom và Isabel trên hòn đảo Janus Rock, làm nên một cái kết vừa có hậu vừa ám ảnh về một tấn bi kịch không bao giờ định rõ đúng sai. Bởi chính như cái tên của hòn đảo – Janus, vị thần Hy Lạp có hai khuôn mặt nhìn về hai phía – và vị trí của nó nằm giữa biển Ấn Độ Dương và Nam Đại Dương, Lucy-Grace sẽ luôn là ngọn hải đăng soi đường cho cả hai phía của 3 con người mà cuộc đời đã được buộc chặt với nhau bằng một lằn ranh mờ ảo chia đôi hai nửa khuôn mặt của vị thần và rẽ nhánh ra hai đại dương khác biệt.

P.S.: Bộ phim dựng từ cuốn sách này sẽ ra mắt vào tháng 9 tới, với sự tham gia diễn xuất của Michael Fassbender (2 lần đề cử Oscar) trong vai Tom Sherbourne, Alicia Vikander (Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn người vợ trong “The Danish Girl”) trong vai Isabel Graysmark và Rachel Weisz (Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn người vợ trong “The Constant Gardener”) trong vai Hannah Potts. Toàn là sao hạng A nên là hy vọng phim sẽ hay :)) Mà chắc là phải hay thôi, vì cuốn sách hay quá trời hay mà Nghe đồn chú Fassbender đóng phim này xong cái cặp với chụy Vikander luôn :D Trời ơi so sweet :)) Hai người mà đẻ con với nhau chắc là con đẹp lắm, vì hai người ai cũng đẹp he he :D

Sign into Goodreads to see if any of your friends have read Ánh Đèn Giữa Hai Đại Dương.