Đâu là văn bản quy phạm pháp luật

Vì có chứa quy phạm pháp luật nên văn bản quy phạm pháp luật có đầy đủ các đặc điểm cơ bản của quy phạm pháp luật là:

- Gắn liền với nhà nước, nghĩa là do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Đây cũng chính là một trong những thuộc tính quan trọng của pháp luật nói chung. Pháp luật quy định cho một số cơ quan, viên chức nhà nước được quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhất định và những cơ quan, viên chức đó cũng chỉ được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về những vấn đề phù hợp với thẩm quyền [chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn] của mình do luật định. Trong một số trường hợp, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội. Tuy vậy, xét đến cùng thì văn bản quy phạm pháp luật luôn gắn liền với Nhà nước, bởi chỉ riêng cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội thì không được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có các biện pháp cưỡng chế nhà nước rất nghiêm khắc.

- Có chứa quy phạm pháp luật [quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung], là những quy tắc xử sự được ban hành không phải cho một cho một trường hợp cụ thể, những tổ chức hay cá nhân cụ thể, mà cho tất cả các trường hợp và đối với tất cả những tổ chức hay cá nhân phải thực hiện khi gặp phải những tình huống mà pháp luật đã dự liệu. Do vậy, văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nhiều lần trong đời sống khi xảy ra tình huống mà pháp luật đã dự liệu. Đây là đặc điểm thể hiện sự khác biệt giữa văn bản quy phạm pháp luật với các văn bản khác của nhà nước như văn bản áp dụng pháp luật, văn bản giao dịch hành chính… là các văn bản không chứa quy phạm pháp luật nên không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

- Ngoài hai đặc điểm cơ bản trên thì pháp luật của các nhà nước hiện đại còn quy định cả thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, nội dung của văn bản quy phạm pháp luật được phép ban hành cho các tổ chức và cá nhân [các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật]. Tuy không phải là dấu hiệu quan trọng, dấu hiệu bắt buộc của văn bản quy phạm pháp luật, nhưng quy định về các vấn đề trên sẽ giúp cho việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trật tự, ổn định. Các quy định của pháp luật về nội dung và hình thức của văn bản quy phạm pháp luật tạo tiền đề pháp lý cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, tính thống nhất của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về nội dung cũng như về hình thức.

Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật tiến bộ nhất được các nhà nước hiện đại sử dụng chủ yếu. Tính ưu việt của văn bản quy phạm pháp luật thể hiện ở chỗ:

- Là hình thức pháp luật thành văn, do đó dễ nhận thức, dễ thực hiện và áp dụng trong thực tế đối với các loại chủ thể khác nhau và khả năng đem lại hiệu quả pháp luật cao.

- Được hình thành trực tiếp từ hoạt động sáng tạo pháp luật, vì vậy, nội dung của văn bản có khả năng cụ thể hóa ý chí nhà nước một cách thuận lợi, sát thực và phù hợp với thực tiễn khách quan.

- Có quá trình hình thành, sửa đổi, hủy bỏ nhanh hơn so với tập quán pháp, tiền lệ pháp, từ đó sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh của các quan hệ xã hội.

Mỗi nhà nước thường ban hành rất nhiều những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, song quan trọng hơn cả là các văn bản luật. Loại văn bản này do cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ban hành, có hiệu lực pháp lý cao, có trình tự, thủ tục ban hành, sửa đổi rất chặt chẽ... các văn bản dưới luật phải được ban hành phù hợp với các văn bản luật, là sự chi tiết, cụ thể hoá các quy định của văn bản luật và không được trái với quy định của các văn bản luật.

Tuy vậy, để có được tên gọi như hiện nay là “văn bản quy phạm pháp luật’ thì cũng đã mất khá nhiều thời gian, bởi trước đây ở Việt Nam, văn bản quy phạm pháp luật trong các tài liệu được dùng để giảng dạy thường được gọi là “văn bản pháp luật” , cách gọi như vậy chỉ để phân biệt với “văn bản áp dụng pháp luật” là những văn bản được ban hành khi tiến hành áp dụng pháp luật. Còn trong các văn bản, trong các tài liệu khác có những lúc văn bản quy phạm pháp luật còn được gọi là “văn bản pháp quy”. Thuật ngữ “văn bản pháp quy” ở Việt Nam được sử dụng theo hai cách khác nhau là: Thứ nhất, văn bản pháp quy được xem là cách nói tắt của văn bản quy phạm pháp luật [pháp là pháp luật, quy là quy phạm]; thứ hai, văn bản pháp quy là những văn bản do các cơ quan nhà nước ở Việt Nam từ Hội đồng Bộ trưởng trở xuống ban hành[1]. Trong trường hợp này “văn bản pháp quy” được dùng để chỉ những văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn các văn bản luật.

Để tránh sự nhầm lẫn, những năm gần đây, về lý luận cũng như trong luật thực định và hoạt động thực tiễn đã có sự thống nhất về mặt thuật ngữ là những văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung thì được gọi là “văn bản quy phạm pháp luật”, cách gọi này tuy có hơi dài nhưng chính xác, để phân biệt loại văn bản này với nhưng văn bản khác cũng do Nhà nước ban hành nhưng không chứa quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung [quy phạm pháp luật].

2. Các quy định của luật thực định ở Việt Nam về văn bản quy phạm pháp luật

Trước hết phải nói rằng, nếu không có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì nhiều người dân Việt Nam sẽ không biết thế nào là văn bản quy phạm pháp luật. Bởi trong Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam chỉ nói tới tên các loại văn bản mà các cơ quan nhà nước Việt Nam được quyền ban hành, mà không có sự phân biệt đâu là văn bản quy phạm pháp luật đâu không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Các Điều 84, 88, 91, 103… của Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam và trong các luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Nhà nước Việt Nam đã ban hành cũng có sự không thống nhất trong việc xác định văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 xác định: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong định nghĩa này còn có tập hợp từ “nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, chúng tôi cho rằng, việc quy định mục đích điều chỉnh như trên của văn bản quy phạm pháp luật là không cần thiết. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì xác định: “Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân là văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục do Luật này quy định, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực trong phạm vi địa phương, được nhà nước bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội ở địa phương theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cần chú ý là trong một số trường hợp, hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành có thể vượt ra khỏi phạm vi địa phương, và hiệu lực của văn bản đâu chỉ có giới hạn về không gian, do vậy, cũng không nên quy định “có hiệu lực trong phạm vi địa phương”, bởi phần nói về hiệu lực của văn bản do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong Luật đã quy định không chỉ về không gian [lãnh thổ] mà còn nói cả về thời gian và về đối tượng tác động. Trong Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì văn bản quy phạm pháp luật lại được xác định như sau: “Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội”. Như vậy, đã không có sự thống nhất khi xác định văn bản quy phạm pháp luật, trong mỗi luật lại đưa vào những dấu hiệu phụ khác nhau khi định nghĩa văn bản quy phạm pháp luật. Cũng trong Khoản 2 Điều 1 Luật trên còn quy định: “Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”. Với quy định này người ta có quyền hiểu rằng, những văn bản do cơ quan nhà nước ban hành không đúng thẩm quyền, không đúng hình thức, không đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Đây là một sự phủ định quá đáng, bởi trong thực tế, có rất nhiều văn bản được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có chứa quy phạm pháp luật, song ở mức độ nào đó chưa đúng về trình tự, thủ tục, nhưng vẫn được tôn trọng và thực hiện, song lại bị Luật cho là “không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.

Trong Điều 2 Luật này còn thống kê hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam bao gồm: “Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước; Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân” đã dẫn đến cách hiểu là chỉ những văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành có tên trên thì mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn những văn bản khác thì không phải.

Cách quy định chặt chẽ về khái niệm, hình thức và thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Luật đã làm cho việc nhận thức, thực tiễn ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam chính xác, chặt chẽ và có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cách quy định đó lại làm cho những người giảng dạy lý luận và những người hoạt động thực tiễn lúng túng trong việc lý giải những trường hợp văn bản được ban hành không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ nhất, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên có sự xác định thống nhất về văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi cho rằng, chỉ nên xác định văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do nhà nước ban hành, có chứa quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung là đủ, còn các dấu hiệu sau nêu cũng được mà không nêu cũng được, vì chúng đều bắt nguồn từ hai dấu hiệu trên. Có thể nói, luật thực định là sự vật chất hoá lý luận [các tư tưởng, quan điểm pháp luật], mà lý luận thì chỉ nêu những cái điển hình, có tính phổ biến, thuần khiết, do vậy, luật thực định cũng chỉ nên nêu một cách khái quát, những gì điển hình, phổ biến, không nên nêu một cách quá cụ thể, cứng nhắc, vì sẽ rất khó thực hiện, bởi thực tiễn bao giờ cũng phong phú, đa dạng hơn rất nhiều. Từ đây cho thấy rằng, không nên và cũng không thể quy định được hết về nội dung, trình tự, thủ tục ban hành tất cả các loại văn bản quy phạm pháp luật trong một hay hai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghĩa là, trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không nên cho rằng, chỉ những văn bản được quy định trong Luật và được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự… của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn các văn bản khác không được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự… của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thực chất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 chỉ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức ban hành của một số văn bản quy phạm pháp luật, chứ không phải là tất cả các văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, nên gọi là: “Luật Ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật” thì mới chính xác. Cũng giống như trong Luật chỉ quy định về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, thì không thể dùng cụm từ “giải thích pháp luật”. Bởi pháp luật thì không chỉ có Hiến pháp, luật, pháp lệnh, mà gồm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và chúng cũng cần phải được giải thích để nhận thức và thực hiện chính xác, thống nhất.

Với quy định về văn bản quy phạm pháp luật như trong hai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, còn nhiều văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có chứa quy phạm pháp luật đã không được quy định trong các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vậy chúng có được coi là văn bản quy phạm pháp luật hay không. Chẳng hạn, điều lệ, quy chế làm việc, quy chế tổ chức và hoạt động của một số cơ quan, tổ chức nhà nước… Những văn bản này được ban hành đúng thẩm quyền, có chứa quy phạm pháp luật [quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung], nhưng không đúng “hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân” [thực ra thì các Luật trên đã không quy định về chúng] nên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cho rằng, chúng không phải là văn bản quy phạm pháp luật, vậy chúng là văn bản gì?

Thứ hai, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật muốn quy định rõ những văn bản được coi là văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng chỉ nửa vời, không triệt để. Chẳng hạn, đối với các văn bản của Chính phủ thì chỉ Nghị định mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn Nghị quyết thì không, tương tự như vậy, đối với văn bản của các Bộ thì chỉ có Thông tư của Bộ trưởng mới là văn bản quy phạm pháp luật, còn Quyết định và Chỉ thị thì không, nhưng một số loại văn bản như Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước được Luật quy định là văn bản quy phạm pháp luật, song các cơ quan này vẫn buộc phải ban hành những văn bản có tên trên vừa dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật vừa dưới dạng văn bản áp dụng pháp luật, nghĩa là, nếu Nghị quyết hay Lệnh, Quyết định nào có chứa quy phạm pháp luật thì là văn bản quy phạm pháp luật, còn nếu không thì có thể là văn bản cá biệt, văn bản áp dụng pháp luật... Và như vậy thì chỉ khi ban hành những văn bản quy phạm pháp luật được quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục và nội dung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới phải theo các quy định của Luật, còn những văn bản không quy định trong Luật này thì không phải theo. Do vậy, không nên phân định rạch ròi, cứng nhắc về các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Theo chúng tôi, việc phân loại các văn bản chủ yếu được sử dụng trong học thuật, còn trong thực tiễn không giải quyết được vấn đề gì, đôi khi còn làm phức tạp vấn đề cho những chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi trong thực tiễn có một số văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành lúc nào cũng là văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… một số văn bản khác do các cơ quan nhà nước ban hành trong quá trình áp dụng pháp luật lúc nào cũng là văn bản áp dụng pháp luật như bản án, quyết định bổ nhiệm…, còn một số văn bản do cùng một cơ quan nhà nước ban hành, nhưng khi thì là văn bản quy phạm pháp luật [nếu có chứa quy phạm], khi thì lại không phải là văn bản quy phạm [nếu không chứa quy phạm].

Thứ ba, những quy định như hiện tại của các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã làm cho Chính phủ, các bộ và cơ quan ngang bộ, một số cơ quan chính quyền địa phương thời gian qua rất lúng túng trong việc ban hành văn bản. Bởi có những văn bản nội dung thì không có gì thay đổi [vẫn quy định các vấn đề cũ, vẫn có quy phạm pháp luật], nhưng về hình thức bây giờ phải thay đổi [rượu cũ, nhưng bình mới] vì hình thức cũ bây giờ được xem là văn bản cá biệt. Chẳng hạn, các quyết nghị của Chính phủ về phiên họp thường kỳ của Chính phủ hoặc về công tác điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội của Chính phủ, nếu trước đây được ban hành dưới hình thức “nghị quyết” thì bây giờ phải đổi thành “nghị định” vì chỉ có nghị định của Chính phủ mới là văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, nếu dùng tên gọi [hình thức] cũ thì giữa nội dung và hình thức của văn bản là không phù hợp, còn nếu dùng hình thức mới thì chưa quen, chưa theo kịp được những quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Bởi việc ban hành nghị định thì trình tự, thủ tục soạn thảo, thông qua sẽ khác so với nghị quyết, phải đúng như những quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề tương tự như vậy cũng gặp phải đối với nhiều cơ quan khác của nhà nước hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, cần nhanh chóng có những văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần mới. Như vậy, có thể nói Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quá coi trọng về mặt hình thức, trình tự, thủ tục ban hành văn bản, đòi hỏi việc ban hành “tất cả mọi văn bản quy phạm pháp luật” thì phải tuân theo đầy đủ các quy định trong các Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi cho rằng, chỉ những văn bản quy phạm pháp luật nào được nêu tên trong Luật và được quy định trình tự, thủ tục ban hành trong Luật thì mới phải tuân theo các trình tự, thủ tục chặt chẽ như trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với những văn bản quy phạm pháp luật không thể và không cần quy định trong Luật thì nên có sự hướng dẫn để các chủ thể có thẩm quyền có thể linh hoạt hơn trong quá trình ban hành sao cho hiệu quả nhất. Bởi mục đích cuối cùng, điều quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm đến khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật là chúng phải được ban hành hợp hiến và hợp pháp, được ban hành đúng thẩm quyền cả về nội dung của văn bản và hình thức [tên] văn bản, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội nhằm duy trì quản lý xã hội vì lợi ích của nhân dân

Thứ tư, có người cho rằng, hoạt động xây dựng pháp luật Việt Nam giống như việc “vá săm”, thủng chỗ nào thì vá chỗ đó, dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản. Nếu vậy, thì có thể nói rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 là một “miếng vá” tự bản thân nó rất đẹp, nhưng không phù hợp với những “miếng vá” khác đã có của hệ thống pháp luật Việt Nam, nên trong tương lai cần nghiên cứu để sửa đi đôi chút cho hoà đồng với hệ thống pháp luật hiện hành. Chẳng hạn:

- Đổi tên luật cho chính xác;

- Bỏ hoặc sửa Khoản 2 Điều 1 của Luật cho phù hợp với thực tế;

- Nhập cả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, đồng thời nếu có thể, cả những quy định liên quan đến việc ban hành và giải thích Hiến pháp thành một luật. Không nên ban hành quá nhiều luật về cùng một vấn đề như hiện nay dễ dẫn đến trùng lặp, không thống nhất, vì tất cả chúng đều là văn bản quy phạm pháp luật nên quá trình soạn thảo, ban hành, việc xác định hiệu lực, nguyên tắc áp dụng có rất nhiều điểm giống nhau. Như vậy, chỉ cần một văn bản luật quy định về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là đủ và nội dung luật này cũng không có gì là quá lớn. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được chia tách thành nhiều luật như vậy mang tính cắt khúc và khó thống nhất. Hơn nữa, xuất phát từ nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, hoạt động của bộ máy nhà nước phải thống nhất thì các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước được phân công ban hành cũng phải thống nhất.

- Không thống kê hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ đi thẳng vào vấn đề là Luật này quy định thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… của cơ quan nào ban hành, nội dung đề cập tới những vấn đề phụ thuộc vào thẩm quyền của cơ quan ban hành, trình tự, thủ tục ban hành từng văn bản;

- Về hiệu lực của văn bản do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành nên quy định theo hướng mở cho phù hợp với tính chất của hoạt động chấp hành và hành chính nhà nước [nhanh, nhạy, linh hoạt];

- Ngoài quy định về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thì nên có quy định chung về việc giải thích các văn bản quy phạm pháp luật khác để đảm bảo cho công tác này được tiến hành thống nhất và hiệu quả hơn;

- Nên bổ sung trách nhiệm pháp lý vừa theo nghĩa tích cực vừa theo nghĩa tiêu cực của các chủ thể tham gia quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình tham gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

PGS. TS. Nguyễn Minh Đoan - Đại học Luật Hà Nội.

-------

[1] Theo quy định của Thông tư 02 Hội đồng Bộ trưởng.

[2] Xem, giáo trình Lý luận về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học pháp lý Hà Nội, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 1992.

Đâu là văn bản pháp luật?

Văn bản luật là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất. Văn bản luật bao gồm Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, các luật, các bộ luật và các nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội. Trong các loại văn bản này thì Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lí tối cao.

Các văn bản quy phạm pháp luật gồm những văn bản gì?

[1] Hiến pháp..

[2] Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội..

[3] Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội;.

[4] Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước..

Văn bản có chứa quy phạm pháp luật là gì?

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật?

Theo điều 4 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm 26 loại văn bản : Hiến pháp.

Chủ Đề