Định nghĩa bản lĩnh chính trị là gì

BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ TRONG TƯ DUY

Bản lĩnh chính trị trong tư duy đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay
[Liên hệ với cán bộ Đoàn thanh niên]

Nhân cách của mỗi người là một chỉnh thể toàn bộ các phẩm chất xã hội, trong đó, bản lĩnh là phẩm chất cơ bản và rất quan trọng để phát triển tài năng, phát triển nhân cách và đảm bảo cho thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Cán bộ Đoàn thanh niên không chỉ cần trang bị cho mình các kiến thức về xã hội, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cao đẹp mà còn phải rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đó là khả năng nhận thức chính trị đúng đắn, có thái độ chính trị phù hợp với quan điểm của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng nhân dân trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bàn về bản lĩnh chính trị của cán bộ Đoàn thanh niên, BBT Sổ tay cán bộ Đoàn xin trích giới thiệu bài viết "Bản lĩnh chính trị trong tư duy đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay [liên hệ với cán bộ Đoàn thanh niên]" của tác giả Hà Văn Hóa tham gia tại Hội thảo khoa học "Xây dựng bản lĩnh của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay" do Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức:

Các cá nhân và tập thể được trao giải thưởng Hồ Hảo Hớn năm 2005

...Chúng ta hay nói về bản lĩnh, như: Bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học, bản lĩnh nghệ sĩ... có thể cảm nhận được những phẩm chất đó, nhưng hiểu tường minh ở bậc lý tính khoa học thì chưa rõ ràng. Từ điển "Từ và ngữ Hán Việt" cũng chỉ định nghĩa về bản lĩnh một cách chung chung như: "Bản lĩnh là nhân cách, là tài năng sẵn có khiến con người có bản sắc riêng" [trang 37]. Vậy thì bản lĩnh chính trị là nhân cách [theo nghĩa đạo đức] và tài năng về chính trị của mỗi người, của mỗi tổ chức được thể hiện thông qua hành động. Nhưng nói như vậy còn chưa rõ, lại quá rộng. Nói cụ thể hơn ta thấy: Lập trường chính trị, phẩm chất chính trị và năng lực chính trị tạo thành bản lĩnh chính trị. Tất nhiên, bản lĩnh ấy gắn với tư chất dũng khí của cá nhân, dù nó cũng là sản phẩm của những  hoàn cảnh chính trị và chế độ chính trị nhất định. Kiến thức chính trị chưa tự nó trở thành bản lĩnh chính trị. Tri thức, kinh nghiệm chính trị phải trở thành cái "vốn có" trong tư chất của cá nhân thì mới thành bản lĩnh chính trị. Nhưng bản lĩnh là khả năng làm chủ cảm xúc, ham muốn, biết xử lý đúng tình huống cụ thể, thể hiện dũng khí, niềm tin, ý chí của con người biết vượt qua nghịch cảnh. Bản lĩnh như vậy là nhân tố trung tâm giữa đạo đức và tài năng, thể hiện cuối cùng của đạo đức và tài năng chính trị trong nhân cách và hành động....

Bản lĩnh chính trị [nhân cách chính trị] theo nghĩa rộng, là tổng hợp giữa phẩm chất chính trị, tài năng chính trị và dũng khí chính trị [cả mặt tư tưởng - nhận thức và hành động], còn nghĩa hẹp là nói về dũng khí chính trị, tức là "dũng" trong hệ thống phẩm chất nhân - dũng - trí mà Bác Hồ thường nhắc tới. Bản lĩnh chính trị là khái niệm động, biểu hiện rõ nhất trong cách ứng xử chính trị của người lãnh đạo chính trị. Mà chính trị thuộc về quan hệ giữa các giai cấp; các dân tộc, các nhóm chính trị xã hội và giữa công dân với xã hội có liên quan tới xu hướng và quyền lực chính trị của một xã hội cụ thể....

Người cán bộ chính trị là người có khả năng đoàn kết tập hợp lực lượng, liên minh xây dựng các lực lượng chính trị thể hiện những nhiệm vụ chính trị nhất định. Họ biết xử lý những tình huống phức tạp, chẳng hạn đạt cho kỳ được từng mục tiêu dù tối thiểu nhất; biết hy sinh mục tiêu cục bộ, trước mắt cho sự nghiệp lâu dài, và toàn cục; biết lựa chọn một hình thức phù hợp trong một tình huống nhất định. Mà điều đó ở từng người có thể khác nhau do kinh nghiệm chính trị, tri thức chính trị, sự nhạy bén chính trị có khi ở mức trực giác, linh cảm... Bản lĩnh chính trị thể hiện rõ nhất trong tình huống chính trị phức tạp. Ví dụ ở nước ta năm 1946 đất nước ở trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" ; hoặc gần đây khi có vấn đề "đa nguyên chính trị" hoặc “đảng viên làm kinh tế tư nhân”. Giải quyết các vấn đề đó cần cả lập trường chính trị vững vàng, tri thức, kinh nghiệm chính trị và dũng khí chính trị mới có thể lựa chọn và quyết định đúng đắn. Việc Đảng ta kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong bối cảnh vừa qua thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén nhạy cảm... rất rõ ràng.

Với sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường và trong xu thế mở cửa hòa nhập với nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi cao đội ngũ cán bộ ta không chỉ ở trình độ học vấn mà quan trọng hơn cả là ở nhân cách, đặc biệt là bản lĩnh chính trị, bản lĩnh kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa... thì mới đảm bảo cho sự phát triển không chệch hướng xã hội chủ nghĩa - con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chọn.

Trong tình hình hiện nay và sắp tới, bản lĩnh chính trị của Đảng ta cũng như mỗi người cán bộ chính trị [nói chung là toàn thể đội ngũ đảng viên, và nhất là cán bộ Đoàn Thanh niên], phải thấm nhuần và thể hiện ở các mặt sau:

- Kiên định hệ tư tưởng Mác - Lênin và Hồ Chí Minh, dựa vào nền tảng tư tưởng mà tiếp thu tinh hoa trí tuệ của thời đại, vận dụng và phát triển sáng tạo khoa học mácxít ở Việt Nam.

- Đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới có nguyên tắc vì mục tiêu chủ nghĩa xã hội - dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh. Trên cơ sở đó mà sử dụng kinh tế thị trường, khuyến khích và sử dụng thành tựu của chủ nghĩa tư bản để thực hiện xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Mở cửa phát triển hội nhập với cộng đồng thế giới, nhưng vẫn bảo tồn được văn hóa bản sắc dân tộc, bảo vệ được chủ quyền đất nước, tính độc lập tự chủ về chính trị.

- Phải thật sự tiết kiệm và có ý chí phát triển đất nước về kinh tế, khoa học, văn hóa, không để tụt hậu với các nước xung quanh, quyết tâm phục hưng, phát triển dân tộc Việt Nam sánh vai với các nước phát triển .

- Đấu tranh kiên quyết với những hủ bại, tệ nạn nhất là tham nhũng, làm trong sạch hệ thống chính trị. Giữ vững và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cho ngang tầm với nhiệm vụ mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

- Đoàn kết tất cả các lực lượng, mở rộng dân chủ, làm bạn với tất cả những người thiện chí, có khả năng sử dụng mọi lực lượng, không phân biệt, có khi liên minh, thỏa hiệp tạm thời với kẻ thù, vì sự giàu mạnh, an ninh và phát triển của dân tộc và mỗi người.

- Trong thời kỳ quá độ phát triển ở nước ta, chấp nhận sự bóc lột trong kinh tế [theo luật pháp], phải "xuyên qua"chủ nghĩa tư bản nhà nước để  tạo dựng chế độ xã hội chủ nghĩa trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của nền sản xuất.

Đó là những vấn đề lớn về tư duy chính trị và bản lĩnh chính trị xét ở cấp độ quốc gia. Đi vào hoạt động thực tiễn cụ thể ở từng cấp, yêu cầu về bản lĩnh chính trị là hết sức cụ thể và sinh động. Chẳng hạn khi có một "điểm nóng": người Bí thư của Đảng, Bí thư của Đoàn xử lý như thế nào để đốm lửa nhỏ không thành rừng lửa... Có nhiều khía cạnh cụ thể, tế nhị liên quan đến lĩnh vực chính trị của một người lãnh đạo, phải được nghiên cứu để cụ thể hóa thành những yêu cầu nhất định.

Việc lựa chọn sử dụng và đào tạo người cán bộ về lĩnh vực chính trị cần phải chú ý cả các phẩm chất vĩ mô và các phẩm chất vi mô, và phải được đào tạo cả ở trong thực tiễn, lẫn trên giảng đường.

Có người có năng khiếu hoạt động chính trị, hoạt động xã hội. Chọn được những người có năng khiếu từ tuổi thanh niên là rất quý. Nhưng nói chung phải chủ động đào tạo qua thực tiễn và qua trường lớp, phải đào tạo cho kỳ được những nhà chính khách, các cán bộ chính trị [lãnh đạo, quản lý và chuyên gia]. Trong chương trình đào tạo phải lấy môn Chính trị học làm chuyên ngành cơ bản; phương pháp đào tạo phải lấy các tình huống chính trị để rèn luyện và thử thách; phải đào tạo cả tri thức khoa học và cấp độ nghệ thuật [ở đây chú ý lý thuyết trò chơi trong đào tạo]. Quá trình đào tạo có cả công đoạn ở trường và cả công đoạn thử thách thực tế. Phải ý thức rõ về bản lĩnh chính trị trong đào tạo. Đội ngũ thầy giáo đào tạo các chính khách chính trị, các nhà chính trị phải được chuẩn bị để có thể làm thầy, làm cố vấn trên lĩnh vực chính trị.

Việc phân tích các kinh nghiệm về xử lý các tình huống chính trị của Lênin, Hồ Chí Minh và các lãnh tụ khác của Đảng, cũng như các nhà chính trị trên thế giới phải được tổng kết và đưa vào giảng dạy. Có như thế thì mới nắm được phép biện chứng chính trị sinh động trong cuộc sống. Rõ ràng là chế độ xã hội nào cũng coi trọng việc đào tạo các nhà chính trị. Vì họ là trụ cột của chế độ. Platon và Khổng Tử xưa rất quan tâm vấn đề này. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu cách mạng đã coi trọng và làm tốt việc "trồng người" trên lĩnh vực chính trị, nhất là đối với thế hệ trẻ. Vấn đề là trong đào tạo, và trong hoạt động thực tiễn phải có cơ chế dân chủ như thế nào để làm cho người cán bộ rèn luyện được, bộc lộ được bản lĩnh chính trị? Muốn vậy có lẽ cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo của cha ông ta, và nhất là của các nước tiên tiến hiện nay. Cơ chế thế nào để tạo ra đội ngũ cán bộ phù hợp với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội dựa trên thị trường và tính quốc tế hóa, khoa học hóa... trong thời đại ngày nay.

Đúng là đào tạo và tự đào tạo để nâng cao trình độ học vấn thì không khó, nhưng để rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị thì không dễ  dàng chút nào. Bởi vì trong bản lĩnh chính trị có mặt gắn chặt với tư chất của cá nhân, đạo đức của con người. Bản lĩnh là một "cái gì đó" rất gốc gác trong con người. Tuy vậy, không phải là không học tập rèn luyện được bản lĩnh. Ở đây, "trường học thực tiễn" để tạo ra bản lĩnh chính trị có khi quan trọng hơn, tác động mạnh mẽ hơn ở giảng đường. Nhưng đào tạo ở trường lớp là không thể thiếu và không thể coi nhẹ. Trong công việc bồi dưỡng đào tạo cán bộ cần chú ý đầy đủ cả nội dung phương pháp, cơ chế, quá trình thử thách và rèn luyện bản lĩnh, nâng cao bản lĩnh chính trị nhất là mặt rèn luyện năng lực tư duy chính trị, bản lĩnh chính trị cho người học.

HÀ VĂN HÓA

Video liên quan

Chủ Đề