Đơn vị xã hội cơ bản của cư dân Đắk Lắk là gì

Đăng bởi   vào  

I. Những chuyển biến trong đời sống kinh tế    Những công cụ đá cuội được ghè, đẽo tìm thấy ở buôn Păn Lăm [thành phố Buôn Ma Thuột] cho thấy chủ nhân của nó bước đầu đã biết chế tác công cụ lao động, mặc dù còn thô sơ, để tìm kiếm thức ăn.    Những dấu vết cổ sinh hoá thạch dưới trầm tích núi lửa ở Tân Lộc [Ea Kar] cũng như một loạt di cốt động vật hoá thạch [voi, tê giác, hổ, hươu, nai, hoẵng,...] ở nhiều nơi khác trên vùng đất Đắk Lắk cho thấy con người có mặt trên vùng đất này khá sớm. Đời sống của họ chủ yếu dựa vào săn bắt, hái lượm, trồng trọt, có sự phân công lao động; hoạt động thủ công chế tác đồ đá và làm gốm phát triển, có thể bước đầu biết luyện kim.    Bước vào thời đại đá mới, bên cạnh sử dụng những công cụ bằng đá cuội, cư dân nguyên thuỷ ở Đắk Lắk đã biết sử dụng vũ khí bằng tre, gỗ và các loại bẫy để săn bắt. Ngoài việc săn bắt các loài động vật trên cạn, cư dân cổ ở Đắk Lắk còn biết đánh bắt các loài thuỷ sản ở các con sông, suối hoặc đầm lầy. Họ sử dụng lưới được gắn chì hình quả nhót bằng đất nung. Có lẽ do điều kiện môi trường tương đối thuận lợi nên trong hoạt động săn bắt, hái lượm, người nguyên thuỷ ở Đắk Lắk không có thói quen thu lượm các loài nhuyễn thế, nhất là ốc. Bên cạnh đó, việc hái lượm vẫn được duy trì để bổ sung nguồn thức ăn.    Sang thời hậu kì đá mới và sơ kì kim khí, trồng trọt là thành tựu nổi bật nhất của cư dân cổ Đắk Lắk. Trong các di chỉ khảo cô tìm thấy ở Đắk Lắk, Các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số mẫu bào tử phân hóa của các giống, loài cây trồng như bông và các loài họ lúa. Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số hạt lúa nương trong tầng đất chứa công cụ như cuốc, rìu, bôn mài toàn thân và đồ gốm. Rất nhiều lại đồ gốm ám khói, dấu hiệu của việc đun, nấu thức ăn. Những điều này chứng tỏ cư dân cổ Đắk Lắk đã biết trồng trọt các loại rau, cây cho củ, cây ăn quả và cả lúa nương. Nền nông nghiệp sơ khai của cư dân cổ Đắk Lắk đã ra đời.    Mặc dù cuộc sống của cư dân cổ Đắk Lắk chủ yếu vẫn dựa vào hoạt động săn bắt, hái lượm, nhưng sự ra đời của nông nghiệp sơ khai đã đánh dấu sự chuyển biến mới của cư dân thời hậu kì đá mới và sơ kì kim khí ở Đắk Lắk.    Từ đầu Công nguyên trở đi, sản xuất nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chính trong đời sống của các dân tộc ở Đắk Lắk. Trong sản xuất nông nghiệp, việc làm rẫy chiếm vị trí quan trọng. Cư dân ở đây cũng đã biết trồng xen lúa, bắp với các loại rau, đậu, củ để tận dụng, cải thiện đất, làm cho đất tốt hơn và cho nhiều sản phẩm hơn. Chăn nuôi không được chú trọng và phát triển như vùng đồng bằng ven biển Trung Bộ hoặc miền núi phía Bắc. Có lẽ do điều kiện tự nhiên ưu đãi với số lượng và chủng loài động vật phong phú sẵn có làm cho cư dân ở đây không có khái niệm chăn nuôi.    Cho đến cuối thế kỉ XIX, trước khi bị thực dân Pháp xâm chiếm, đại bộ phận dân cư các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk sống bằng nghề nông, làm nương, rẫy, săn bắt và hái lượm, lệ thuộc vào tự nhiên. Trình độ sản xuất tuy còn thấp nhưng đất đai rộng lớn và màu mỡ nên cuộc sống của họ vẫn ổn định. Sản phẩm nông nghiệp dư thừa chủ yếu được trao đổi trong cộng đồng buôn làng. Khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên vùng đất này, cơ cấu kinh tế ở Đắk Lắk đã có sự thay đổi.

II. Những chuyển biến về tổ chức xã hội

   Đắk Lắk nằm trên vùng cao nguyên thấp, nơi đây không có những dãy núi đá vôi với nhiều hang động để xuất hiện kiểu “cư trú hang động” hoặc mái đá ven bờ các con sông, suối như cư dân nguyên thuỷ ở miền núi phía Bắc hoặc vùng ven biển Trung Bộ. Người nguyên thuỷ ở Đắk Lắk sống ngoài trời. Vào mùa khô, cư dân nguyên thuỷ ở đây thường sống quây quần dưới những gốc cây to. Vào mùa mưa, họ sống trong lán, chòi với mái dốc, lợp bằng lá rừng được tết lại thành tấm, nước mưa không lọt vào được.    Những di chỉ khảo cổ được phát hiện ở Đắk Lắk cho thấy cư dân Đắk Lắk cổ xưa chủ yếu cư trú gần sông, suối hoặc hồ nước lớn, có xu hướng chuyển dịch về phía đông bắc và phía tây nam Đắk Lắk. Họ tập trung đông đảo trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, ít phát triển xuống phía đông.    Cơ sở xã hội truyền thống của cư dân Đắk Lắk là buôn [tương tự như làng của người Việt]. Trong xã hội truyền thống cổ xưa, buôn ở Đắk Lắk là đơn vị tụ cư, tập hợp các nhóm tộc người cùng cư trú trên một khu vực xác định.    Các buôn thường được xây dựng ở những nơi thoáng rộng, bằng phẳng, gần sông, suối, đầm hồ, gần các nguồn nước tự nhiên để tiện sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày. Mỗi buôn có phạm vi lãnh thổ riêng. Ngoài đất ở, buôn của đồng bào dân tộc Đắk Lắk còn bao gồm đất canh tác [kể cả đất bỏ hoang, hưu canh], nơi chôn cất người chết, rừng núi, đồi gò và đất hoang dự trữ, sông suối, hồ tự nhiên, đường đi. Tất cả hợp thành một không gian sinh tồn chung của cộng đồng buôn làng được xác định bởi đường ranh giới mang tính chất quy ước và được mọi người tôn trọng. Trong các buôn không có sự phân chia đất đai cho từng người và từng gia đình, nhưng mỗi người đều tôn trọng quyền sở hữu đất đai đã có từ lâu đời của người khác. Việc lấn chiếm, xâm phạm đất đai của người khác là điều nghiêm cấm.    Tất cả mọi hoạt động của buôn làng đều phải tuân thủ những luật lệ chung của bộ máy tổ chức mang tính chất tự quản . Đứng đầu là M'tao [tù trưởng], người chủ làng, điều hành mọi công việc của buôn, chỉ huy cả dân sự lẫn quân sự. Chủ làng cùng các già làng quán xuyến các việc sản xuất, giữ gìn phong tục, việc bảo vệ làng, xét xử, cúng bái,... Trai tráng trong làng đến tuổi trưởng thành có nghĩa vụ phải tham gia vào mọi công việc chung của làng. Khi xảy ra chiến tranh với các làng khác, họ có nghĩa vụ chiến đấu để bảo vệ buôn làng.    Thời nguyên thuỷ, mỗi đơn vị cư trú chỉ bao gồm những gia đình có cùng huyết thống với nhau. Nhưng về sau, do dân số ngày càng tăng cùng với những biến cố của lịch sử, tính chất "công xã láng giềng” là đặc điểm phổ biến của các buôn làng Đắk Lắk.    Hợp thành buôn là những gia đình theo chế độ mẫu hệ gồm nhiều thế hệ sống trong một ngôi nhà dài. Đứng đầu mỗi gia đình là một phụ nữ cao tuổi và có uy tín, có trách nhiệm quản lí, trông coi toàn bộ tài sản chung, hướng dẫn sản xuất, điều hành các hoạt động của gia đình và đại diện cho gia đình trong mối quan hệ với buôn làng. Con cái lấy họ mẹ và của cải thừa kế thuộc về người phụ nữ. Những người đàn ông là con rể không được quyết định và cũng không có quyền đối với bên nhà vợ.    Quan hệ giữa các gia đình trong buôn thường rất tốt. Các gia đình thường giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và trong cuộc sống hằng ngày  ngay cả khi không có quan hệ họ hàng. Điều đó thể hiện tính cộng đồng cao của các tộc người ở Đắk Lắk.    Nhìn chung, trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đời sống xã hội Đắk Lắk còn mang nặng tính chất công xã thị tộc. Các sinh hoạt xã hội vẫn mang dấu ấn cổ truyền độc đáo, thể hiện rõ nhất là quan hệ thân tộc và huyết tộc. Tính cộng đồng và vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong xã hội. Về cơ bản, quan hệ xã hội được xây dựng trên cơ sở công hữu tư liệu sản xuất, chưa có phần hoá và bóc lột giai cấp.    Đến cuối thế kỉ XIX, mối quan hệ, giao lưu kinh tế giữa các vùng và với người Kinh ở miền xuôi lên đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Từ đó, một số tù trưởng, già làng trở nên giàu hơn, cùng với địa vị sẵn có, họ trở thành một đẳng cấp xã hội có vai trò và phạm vi ảnh hưởng lớn. Tính chất bình đẳng trong cộng đồng dần phai nhạt. Một số thành viên trong cộng đồng dần trở thành người lệ thuộc, bị bóc lột, phải phục dịch các tù trưởng và gia đình của họ.

III . Những chuyển biến trong đời sống văn hoá - tinh thần

   Các dân tộc ở Đắk Lắk theo tín ngưỡng đa thần. Họ thờ các vật linh như hòn đá, gốc cây, ngọn núi, dòng suối, thú vật,... Để cuộc sống được yên lành, mùa màng bội thu, cộng đồng vững mạnh, các dân tộc ở đây thường tổ chức các lễ cúng thần linh. Những dịp cúng tế do các thầy mo, thầy cúng đảm nhiệm. Những nghi lễ này hết sức phong phú, tạo nên một nét văn hoá đặc sắc trong đời sống tinh thần của cư dân Đắk Lắk.    Cư dân cổ ở Đắk Lắk có đời sống văn hoá, tinh thần phát triển. Điều đó thể hiện rõ ở cách thức mai táng mộ nồi, vò úp nhau, mộ chum, mộ trống đồng,... Họ sử dụng công cụ lao động, chuỗi hạt làm đồ tuỳ táng, hoặc sử dụng các loại trang sức như khuyên tai, vòng tay với các kiểu dáng khác nhau và đặc biệt là sử dụng thổ hoàng tô trên đồ gốm. Tất cả những điều đó cho thấy cư dân cổ ở Đắk Lắk không chỉ có một tín ngưỡng tâm linh đối với người thân khi chết mà cả với cuộc sống hiện tại, họ biết làm đẹp cho bản thân mình.    Các dân tộc ở Đắk Lắk có một kho tàng văn hoá truyền thống hết sức phong phú và đặc sắc. Đó là những bộ sử thi [khan] rất nổi tiếng như Đam San, Đầm Di, Khinh Dú, Xinh Nhã,... được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Sử thi là niềm tự hào, là sức mạnh, là bài ca không bao giờ tắt trong cuộc sống cộng đồng các dân tộc ở Đắk Lắk.    Một trong những yếu tố văn hoá đặc sắc của Đắk Lắk là cồng chiêng. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên gồm cả địa bàn Đắk Lắk đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vào năm 2005, di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2008.


Hình 6. Cồng chiêng Tây Nguyên [Nguồn: //disanthegioi.cinet.gov.vn]

   Cồng chiêng biểu hiện cho quyền lực, sự giàu sang, hùng mạnh của mỗi buôn làng. Cồng chiêng là phương tiện giao tiếp giữa con người với thần linh, là linh hồn, sức sống của buôn làng, là nhạc cụ thiêng, được trân trọng và coi là vốn quý nhất của tổ tiên, ông bà để lại. Cồng chiêng gắn với các nghi lễ vòng đời của con người [từ khi người mẹ mang thai đứa trẻ được ba tháng cho đến khi trở về với tổ tiên, ông bà], gắn với nghi lễ nông nghiệp [từ khi đốt rẫy gieo hạt cho đến khi thu hoạch, đưa lúa về nhà].


Hình 7. Cồng chiêng trong đời sống của người dân [Nguồn: //thegioidisan.vn]

   Bên cạnh nhạc đàn với các loại cồng chiêng, trống, đàn đá, đàn dây, khèn,... thì nhạc hát cũng là hình thức sinh hoạt âm nhạc khá phổ biến và tương đối phong phú về thể loại với các hình thức hát khấn thần, hát khóc trong các đám tang, trong các lễ đâm trâu, ngâm kể truyện cổ, hát đối đáp trai, gái, hát kể sử thi,... Nội dung các bài hát thường gần gũi với cuộc sống sản xuất, sinh hoạt xã hội. Âm điệu của những loại hát này nói chung đơn giản, thường lặp lại, rất dễ hát.    Ngoài ra, rượu cần, nghệ thuật điêu khắc, tượng nhà mồ,... cũng là những điểm nổi bật trong văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk.    Văn hoá của các tộc người thiểu số ở Đắk Lắk đã góp phần đáng kể vào sự hình thành nền văn hoá, văn minh chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và luôn được bảo tồn, phát huy trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam.


Hình 8. Uống rượu cần trong lễ hội cầu mùa của dân tộc Ê-đê [Ảnh: Dương Giang/TTXVN]



Hình 9. Tượng nhà mồ [Nguồn: //vietnamnet.vn]


IV . Sự giao lưu , đoàn kết giữa các dân tộc ở Đắk Lắk    Trong lịch sử hình thành và phát triển Đắk Lắk, ngoài các dân tộc tại chỗ, cộng đồng người Việt [Kinh] cũng có những đóng góp đáng kể. Người Việt có mặt ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung từ khá sớm, gắn với quá trình di dân từ Bắc vào Nam, ban đầu là những người Việt ở đồng bằng đến miền núi tìm kiếm, mua bán các loại lâm, thổ sản. Tiếp theo là những binh lính đồn trú dọc theo đường ranh phân chia các khu vực cư trú Kinh - Thượng ở miền Trung, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,...    Từ năm 1545, vua Lê Trang Tổng cử Bùi Tá Hán vào trấn thủ Quảng Nam. Ông đã tổ chức di dân, lập ấp, mở rộng việc buôn bán giữa người Kinh với các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên. Ông còn tiến cử, xin tấn phong cho các vị Thuỷ Xá, Hoả Xá. Những chính sách của Bùi Tá Hán đã tạo nên sự yên ổn suốt từ đèo Hải Vân đến Bình Thuận, thắt chặt tình đoàn kết giữa người Kinh với các dân tộc ở Tây Nguyên.    Sau năm 1570, Nguyễn Hoàng khi làm Tổng trấn vùng Thuận - Quảng đã mở thêm một số chợ phiên giao dịch hàng hóa cho cư dân hai miền. Mối quan hệ tộc người giữa người Việt với các dân tộc ở Tây Nguyên tương đối quan hệ tộc người giữa người Việt với các dân tộc ở Tây Nguyên tương đối êm thuận thông qua hôn nhân và trao đổi sản vật, hàng hóa. Sau Nguyễn Hoàng, các vua chúa triều Nguyễn đều cố gắng thiết lập mối quan hệ với các vị Thủy Xá, Hỏa Xá,... Các quan chức nhà nước phong kiến của người Việt ở vùng nùi miền Trung Bộ cũng cố gắng kiểm soát đường ranh, ngăn ngừa các cuộc xung đột.    Như vậy, ngay từ buổi đầu, mối quan hệ giữa người Việt với các dân tộc ở Tây Nguyên đã thể hiện sự hòa hiếu, ổn định để cùng chung sống và phát triển. Đáng chú ý là sự tham gia của một số dân tộc Tây Nguyên như người Ba-na, Xơ-đăng,... vào cuộc khởi nghĩa Tây Sơn [cuối thể kỉ XVIII] đã cho thấy sự đoàn kết giữa người Việt và các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh chống áo bức, vường quyền. Quan hệ đoàn kết chống áp bức đó, về sau sẽ được thắt chặt hơn trong công cuộc chống thực dân Pháp, bảo vệ đất nước.

   Đến cuối thể kỉ XI đầu thế kỉ XX, những đợt di dân lớn của người Việt đến Tây Nguyên mới diễn ra quy mô hơn. Mối quan hệ cộng cư, xen cư, hòa huyết giữa người Việt với các dân tộc ở Tây Nguyên ngày thêm sâu sắc trên cơ sở tôn trọng bản sắc văn hóa của nhau. Sự hiện diện của người Việt không những góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế, xã hội mà còn làm phong phú thêm bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đòng các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Video liên quan

Chủ Đề