Hồ Chí Minh có mấy cách tiếp cận chủ yếu về văn hóa

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HOÁ

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI*

I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HOÁ

1. Khái niệm văn hoá và danh nhân văn hoá

Một trong những người đưa ra khái niệm văn hoá sớm nhất là E. B. Taylo. Trong cuốnVăn hoá nguyên thuỷ[1887], ông quan niệm văn hoá là một phức hợp nhiều mặt, do con người tạo nên và mang tính xã hội.

Cách hiểu văn hoá ở phương Đông và phương Tây cũng có sự khác nhau, nhưng đều phản ánh tính giá trị, thước đo mức độ nhân bản của xã hội và con người, làm cho con người và xã hội ngày một tiến bộ hơn, ngày càng xa rời trạng thái nguyên sơ, khẳng định tính người.

UNESCO từ lúc được thành lập đến nay đã đưa ra một số định nghĩa về văn hoá. Theo tổ chức này, văn hoá là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, văn hoá giúp cho con người tự hoàn thiện, quyết định tính cách riêng của một xã hội, làm cho dân tộc này khác dân tộc khác.

Bàn về văn hoá, người ta còn cho rằng, đó là sự hiểu biết, phát triển nội tại bên trong của một con người, một dân tộc, tạo ra lối ứng xử, biểu hiện trình độ “người” trong các quan hệ.

Tháng 8-1943, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về văn hoá như sau: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[1].Quan niệm của Hồ Chí Minh đã chỉ ra được nguồn gốc động lực và cấu trúc của văn hoá. Quan điểm này có tính kế thừa, phát triển và có trước khi UNESCO ra đời.

Theo quan niệm chung nhất, là danh nhân văn hoá thế giới phải có sự đóng góp xuất sắc cho sự phát triển văn hoá dân tộc và nhân loại, để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của văn hoá loài người.

Hồ Chí Minh, danh nhân văn hoá kiệt xuất được UNESCO ghi nhận bởi có sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt; kết tinh truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam. Người là hiện thân cho khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau.

Con đường hình thành danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh là một con đường hiếm thấy, kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn, hoà mình vào cuộc sống của giai cấp cần lao. Trong quá trình đó, từ rất sớm. Người đã làhiện thân cho nền văn hoá của tương lai,đã trở thành “huyền thoại ngay khi còn sống”.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người sớm đưa ra những quan điểm xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, đồng thời Người là kiến trúc sư, tổ chức, lãnh đạo xây dựng nền văn hoá mới đó.

Là danh nhân văn hoá kiệt xuất, Hồ Chí Minh tượng trưng cao đẹp cho cốt cách văn hoá dân tộc, thống nhất với các yếu tố văn hoá nhân loại. Trên cơ sở những nhận thức đầy đủ, đúng đắn về cốt cách văn hoá dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh đã kết tinh những giá trị ấy với tinh hoa văn hoá nhân loại trên những phương diện khác nhau. Đó là văn hoá tình nghĩa, tinh thần nhân văn Việt Nam, sự khoan dung, hoà nhập; lối sống và cách ứng xử... Hồ Chí Minh đã có một sự kết hợp hài hoà, nhuần nhị; đã giải quyết nhiều mâu thuẫn một cách biện chứng. Đúng như triết gia Pháp Patxcan [Pascal] đã viết, người ta không vĩ đại khi chỉ đứng ở một cực, mà phải nối liền hai cực và đắp đầy khoảng giữa.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá - một số nội dung cơ bản

2.1. Văn hoá vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hoá đến vương quốc của con người phát triển tự do và toàn diện. Ngay từ năm 1921, Người đã nói đến “luồng gió từ nước Nga thợ thuyền... đang thổi đến giải độc cho người Đông Dương”; rằng, “những người xã hội chủ nghĩa nếu lơ là việc giáo dục, thì giai cấp tư sản thực dân và bản xứ... cứ phụ trách giáo dục bằng phương pháp của chúng… Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi”[2].

Hồ Chí Minh từng nói đến “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hoá lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”[3], phải “xúc tiến công tácvăn hoáđể đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”[4].

Văn hoá như một động lực thúc đẩy các dân tộc đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Với nhận thức như vậy, bằng sự nỗ lực hoạt động không mệt mỏi trên mặt trận văn hoá thông qua sách, báo, văn thơ... Hồ Chí Minh làm cho các dân tộc hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa và con đường cách mạng chân chính cần phải thực hiện. Trong Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công nói: “Văn hoá là sợi dây có khả năng nối liền nhân dân các nước và các dân tộc… Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hoá, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người”[5].

Hồ Chí Minh cho rằng, văn hoá có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Văn hoá tạo sức mạnh để chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh thắng bạo tàn”.Kinh tế nâng cao đời sống vật chất, còn văn hoá có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Nếu hiểu “văn hoá là tất cả những gì không phải thiên nhiên, nghĩa là tất cả những gì do con người, ở trong con người và liên quan trực tiếp nhất đến con người” thì khi chúng ta bàn tới con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là thể hiện rõ rệt nhất cả khái niệm văn hoá, cả bản chất của văn hoá theo ý nghĩa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[6]. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”… Con người có đạo đức, trí tuệ, văn hoá, sức khoẻ vừa là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.

2.2. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại

Hồ Chí Minh có ý thức rõ ràng về giá trị văn hoá dân tộc, văn hoá tinh thần và văn hoá vật chất. Người cho rằng, “càng thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Người ca ngợi truyền thống yêu nước, thương người, tinh thần dân chủ, tinh thần quốc tế, đoàn kết, yêu đời, lạc quan, ngợi ca các anh hùng và danh nhân Việt Nam. Người giáo dục: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Hồ Chí Minh đòi hỏi phải “phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc”, tức là khôi phục cái gì tốt, cái gì không tốt thì phải loại dần ra, tránh tình trạng khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh. Người khẳng định truyền thống “nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa”.

Hồ Chí Minh sớm có sắc lệnh về bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam [Sắc lệnh 65, ký ngày 23-11-1945 quy định nhiệm vụ và quyền lợi của Đông Phương Bác Cổ học viện][7].

Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm đến di sản văn hoá của dân tộc. Nói chuyện với nghệ sĩ sáo Đình Thìn, Người tâm sự: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Bác đã đi nhiều nước trên thế giới, nhưng Bác vẫn nhớ những câu hát của dân ta. Ta có nhiều câu hát dân ca hay lắm. Bây giờ phải khai thác và phát triển nó lên. Cháu là thanh niên, cháu phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”[8]. Tiếp chuyện nhà văn Đức Irênê Phabe, người đã dịch truyện Kiều trong bảy năm, Hồ Chí Minh nói: “Nguyễn Du là một nhà thơ cổ điển vĩ đại của chúng tôi... những người cộng sản chúng ta rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn nguồn cổ điển đó”. Người nhấn mạnh với Erích Giôhanxôn: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính dân tộc mình trong nghệ thuật”[9]. Người trân trọng, yêu thích những câu hò xứ Nghệ, xứ Huế và các làn điệu dân ca Việt Nam.

Bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc đồng thời cần triệt để tẩy trừ mọi di hại thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc, tôn trọng phong tục tập quán, văn hoá các dân tộc ít người.

Nói đến văn hoá dân tộc và để văn hoá dân tộc có điều kiện phát triển, Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hoá Việt Nam ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại [...]. Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta phải học lấy để phải tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và văn hoá nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”[10].

Hồ Chí Minh là người am hiểu các trào lưu nghệ thuật Âu, Á. Người có thể thảo luận một cách tinh tế về các tác phẩm, những nghệ sĩ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội thực dân phong kiến, kêu gọi đấu tranh. Chính vì vậy mà Người từng phát biểu cần phải học hỏi những cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu, Mỹ. Người nói với một nhà văn Liên Xô: “Có điều các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng, chúng tôi cần phải dứt bỏ văn hoá nào đó, dù là văn hoá Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc mởrộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hoá Xôviết - chúng tôi thiếu - nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước... Văn hoá của các dân tộc khác cần phải được nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hoá của chính mình”[11].

Hồ Chí Minh thường nhắc đến tấm gương các danh nhân thế giới và Người khâm phục nền văn hoá nghệ thuật tốt đẹp cổ truyền của các nước, các dân tộc như Trung Quốc, Inđônêxia, Ấn Độ,...

Một nhà báo Mỹ đã viết: “Cụ Hồ không phải là người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, mà Cụ là một người yêu mến văn hoá Pháp trong khi chống thực dân Pháp, một con người biết coi trọng những truyền thống cách mạng Mỹ trong khi Mỹ phá hoại đất nước Cụ”[12].

Theo quy luật hình thành, phát triển của các nền văn hoá, chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là sản phẩm riêng của phương Tây, mà có nguồn gốc trong toàn bộ lịch sử văn hoá nhân loại. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một luận chứng khoa học, một đỉnh cao của văn hoá loài người về sự giải phóng nhân cách và hình thành một xã hội mới, trong đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Vì vậy, với Hồ Chí Minh, trong tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, cần đặc biệt coi trọng việc tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng văn hoá trước hết là sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng dân cư bền vững. Yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hoá. Dựa trên cơ sở gốc là văn hoá dân tộc, lấy đó là điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hoá nhân loại.

2.3. Về mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá

Tư tưởng về mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá ở Hồ Chí Minh được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX tiếp tục phát triển qua các giai đoạn cách mạng.

Trước hết, Hồ Chí Minh quan niệm rằng: “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá”[13]. Như vậy, văn hoá là một bộ phận hợp thành toàn bộ đời sống xã hội; thiếu nó, cơ chế xã hội không thể phát triển hoàn thiện được.

Nhưng sự phát triển của văn hoá, với tính chất “là một kiến trúc thượng tầng”, không phải “đơn thương độc mã”, mà “những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hoá mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được”[14].

Mối quan hệ giữa văn hoá, văn nghệ với kinh tế và chính trị được Hồ Chí Minh xác định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”[15]. Ý nghĩa và bản chất của mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá chính là ở chỗ đó. Nghĩa là: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật cónhiệm vụnhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh”.

Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật còn có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết”[16].

Mặt trận văn hoá và chiến sĩ văn hoá còn mang nội dung “cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Dưới chế độ thực dân Pháp có thứ “văn chương nịnh Tây” và “văn chương cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, khi “dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Trong thời kỳ quá độ, “văn nghệ cần phải phê bình rất nghiêm khắc những thói xấu như tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu…. và cũng phải ca tụng chân thật những người mới, việc mới để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay và giáo dục con cháu ta đời sau”.

Hồ Chí Minh tự nhận là “một người yêu chuộng văn nghệ chứ không phải là một nhà văn nghệ”. Nhưng người nhận xét về vai trò của văn nghệ thật sâu sắc. Người đã phát biểu cảm tưởng bằng thơ khi đọc tập thơ chọn lọc Đường, Tống của “nghìn nhà thơ”:

“Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp,

Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông;

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Ngày 3-2-1962 [tối 29 tết âm lịch], trong buổi chúc tết các nhà khoa học - kỹ thuật, văn nghệ sĩ, Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội, nhân sĩ..., Người “ra câu đối để các cụ, các đồng chí đối lại:

Muốn cho xã hội đều xuân

Nhân sĩ phải là chiến sĩ”[17].

Đó chính là tinh thần của “kháng chiến văn hoá và văn hoá kháng chiến”. Tinh thần này thật sự độc đáo và sâu sắc ở chỗ, nó có ý nghĩa đối với toàn thể nhân loại, sống mãi với thời gian. Người quan niệm nhà văn, nhà báo của mọi dân tộc vừa “góp phần quý báu trong việc trao đổi văn hoá giữa các dân tộc”... vừa “góp phần xứng đáng trong phong trào chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, đoàn kết các dân tộc để đấu tranh cho độc lập, hoà bình, dân chủ và hạnh phúc cho cả loài người trên thế giới”[18].

2.4. Văn hoá phục vụ quần chúng nhân dân

Văn hoá phụng sự nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở là một quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chi Minh về văn hoá.

Trước hết văn hoá phải trở về với sinh hoạt thực tại của con người; phải miêu tả cho hay, cho thật, cho hùng hồn. Muốn vậy phải có cách viết hợp trình độ đại đa số đồng bào. Khi cầm bút viết phải tự đặt ra: Viết cho ai? Mục đích viết? Lấy tài liệu đâu mà viết? Viết phải thiết thực, tránh cái lối viết rau muống mà ham dùng chữ... Nói cũng vậy: “Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn, thì quần chúng thích hơn”.

Ngày 7-10-1945, trong buổi khai mạc Phòng triển lãm văn hoá, Người nói đại ý: các hoạ sĩ của ta đã cố gắng tìm mọi con đường đi. Nhưng tiếc rằng không muốn đi ở dưới đất mà cứ muốn vụt lên trời: chất mơ mộng nhiều quá, mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít. Thật là một thế giới tiên. Người trần lên tiên có lẽ cũng thích thật. Nhưng nhìn mãi cái đẹp không thay đổi rồi cũng nhàm chán, nhạt nhẽo và mới biết rằng: muốn tìm thấy sự thay đổi, sự ham mê thật, phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người”[19].

Khi bàn làm sáchNgười tốt việc tốt[6-1968], Hồ Chí Minh đưa cho mọi người xem một tờ báo có hình vẽ ba cô gái du kích Hà Nội, Huế, Sài Gòn và nói: Nếu các chú không tin, các chú thử đem hỏi mấy cháu gái đó xem. Các cháu sẽ nói: các chú vẽ ai, chứ các cháu cầm súng đánh giặc, không bao giờ lại ăn mặc như thế. Người kết luận “nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt”[20].

Để văn hoá thực sự phục vụ quần chúng nhân dân ngoài việc đi vào quần chúng cổ động, biểu dương sự nghiệp cách mạng của nhân dân, anh chị em văn hoá và trí thức còn phải đánh giá, nhìn nhận đúng nhân dân. Theo Người, quần chúng là những người không phải chỉ sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà còn là những người sáng tác nữa. Tục ngữ, vè, ca dao... là “những hòn ngọc quý”, vừa rất hay, lại rất ngắn chứ không “trường thiên đại hải”, dây cà ra dây muống. Quần chúng còn là đối tượng phản ánh. Công cuộc kháng chiến và xây dựng của quần chúng là “một kho nguyên liệu vô tận cho những tác phẩm xuất bản”. Khi nêu vấn đề: “Lấy tài liệu đâu mà viết?”, Hồ Chí Minh nói: “Muốn có tài liệu phải nghe đồng bào, chiến sĩ, hỏi nhân dân; phải thấy, xem, ghi chép...”[21]. Người khẳng định: “Chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó - nhân dân cũng sẽ quên anh ta”[22]. Quần chúng còn là những người kiểm nghiệm sản phẩm. Vì vậy, viết xong đọc đi, sửa lại bốn, năm lần chưa đủ, mà “phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngoắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải sửa lại”[23]. Cuối cùng phải thấy rằng, đồng bào đang chờ đợi và phải được hưởng thụ các sản phẩm văn hoá.

Với tinh thần đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo, v.v... của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép:Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”[24].Người căn dặn: Phải học cách nói của quần chúng. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. Làm thế nào cho ai cũng hiểu... Trước khi nói phải nghĩ cho chín. Nhớ tục ngữ “Chó ba quanh mới nằm. Người ba năm mới nói”[25]. Người nhắc nhở các nhà văn hoá phải chú ý đến nhi đồng, tôn trọng phong tục, văn hoá các dân tộc thiểu số, làm cho vườn hoa văn hoá dân tộc màu sắc, muôn hương.

2.5. Xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam

Những lãnh tụ của giai cấp vô sản, trong khi thiết kế xây dựng xã hội tương lai đã nhấn mạnh tới việc cần thiết xây dựng nền văn hoá mới.

Hồ Chí Minh quan tâm tới việc xây dựng một xã hội mới vững chắc, lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hoá.

Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh, trong khi tố cáo nền giáo dục thực dân, chính sách ngu dân của Pháp ở Việt Nam, đã quan tâm tới việc xây dựng một xã hội mới tốt đẹp. TrongChánh cương vắn tắt[1930], Người nêu phương diện xã hội lên hàng đầu, trong đó đề cập “nam nữ bình quyền”, “phổ thông giáo dục theo công nông hoá”. Năm 1943, Người đã có dự định xây dựng nền văn hoá dân tộc gồm 5 điểm lớn.Xây dựng tâm lý:tinh thần độc lập tự cường.Xây dựng luân lý:biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng.Xây dựng xã hội:mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội.Xây dựng chính trị:dân quyền.Xây dựng kinh tế.

Sau Cách mạng Tháng tám, ngay trong khi đang đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp. Người xác định rõ vai trò của văn hoá, kết hợp chặt chẽ văn hoá với kháng chiến “văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá”, kết hợp kháng chiến với kiến quốc. Trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá mới, Người lưu ý đến ba nội dung với ý nghĩa là tính chất của nền văn hoá mới: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người chủ trương xây dựng nền văn hoá mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam có sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin. Người quan tâm từ sớm, khi đang tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc. Người chủ trương xây dựng nền văn hoá toàn diện, bao gồm văn hoá, chính trị, kinh tế, xã hội. Đặcbiệt Người nhấn mạnh những nét đặc sắc trong đạo đức của nền văn hoá phương Đông. Thực chất tư tưởng Hồ Chí Minh về xâydựng nền văn hoá Việt Nam có 3 mặt thống nhất với nhau.Thứ nhất,đó là củng cố, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá dân tộc.Thứ hai,là khắc phục những thiếu hụt của văn hoá truyền thống.Cuối cùng,là tạo ra những giá trị của nền văn hoá tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI

1. Xây dựng con người mới - vấn đề có ý nghĩa chiến lược

Văn hoá là những giá trị do con người sáng tạo ra và nhiệm vụ cơ bản của văn hoá là xây dựng con người với đầy đủ đức, trí, thể, mỹ. Theo Hồ Chí Minh, đó là những con người nhân, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm, trung, hiếu.

Chủ nghĩa xã hội được xây dựng bằng sức mạnh của những con người mới và con người mới cũng là mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh coi sự nghiệp trồng người là một chiến lược, vì lợi ích “trăm năm”. Trước khi qua đời, Hồ Chí Minh vẫn trăn trở với chiến lược trồng người: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Về mặt lý luận, phải có nền kinh tế mới - nền kinh tế xã hội chủ nghĩa - thì mới có con người mới. Nhưng điều đó không nên hiểu máy móc rằng, kinh tế đi trước, văn hoá đi sau. Ở đây có sự tác động qua lại biến chứng: văn hoá thúc đẩy kinh tế và kinh tế lại thúc đẩy văn hoá. Cho nên muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng đất nước.

2. Xây dựng con người toàn diện

Muốn xây dựng con người mới trước hết phải hiểu, xem xét và đánh giá đúng con người - con người cá thể, cộng đồng, tập đoàn, giai cấp, dân tộc, nhân loại, khu vực, toàn cầu - nhưng trước hết và xuyên suốt là con người cá thể trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Việc đánh giá con người Việt Nam cần xuất phát từ cội rễ lịch sử - văn hoá dân tộc - một dân tộc giàu lòng yêu nước và bác ái cần cù, thông minh, sáng tạo, có tình, có nghĩa, hiếu học...

Hồ Chí Minh đòi hỏi khi xem xét, đánh giá con người cần chú ý rằng mỗi người đều có tốt, có xấu ở trong lòng, có điểm hay, điểm dở. Mỗi người lại có những hoàn cảnh, điều kiện, đặc tính riêng, không ai giống ai. Mặt khác, trong thế giới cái gì cũng biến hoá. Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải giống nhau.

Hồ Chí Minh quan tâm tới việc xây dựng con người có mục đích và lối sống cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Người nói tới việc xây dựng con người của chủ nghĩa xã hội có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa với những nội dung cơ bản:

- Có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

- Cần kiệm xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc.

- Có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế trong sáng.

Hồ Chí Minh quan tâm tới việc bồi dưỡng về đạo đức cách mạng; bồi dưỡng về trí tuệ, trình độ văn hoá khoa học - kỹ thuật, ngoại ngữ.

Người nhấn mạnh tới việc nâng cao trình độ lý luận chính trị. Lý luận cùng với kinh nghiệm thực tế như hai mắt của con người.

Theo Hồ Chí Minh, những con người mới cũng cần có sức khoẻ với ý nghĩa đầy đủ của quan niệm sức khoẻ: vật chất và tinh thần, thể xác và tâm hồn.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về con người và xây dựng con người mới cho thấy sự nhìn nhận, phân tích khách quan, toàn diện, biện chứng của Người về bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội.

3. Những biện pháp xây dựng con người mới

Xây dựng con người mới với những đức tính nêu trên có nhiều biện pháp khác nhau, kết hợp chặt chẽ với nhau. Có thể nêu lên hai biện pháp như là con đường hình thành con người mới.

3.1. Phê phán, đấu tranh, chống lại những tư tưởng, tác phong xấu, những hiện tượng phi đạo đức, phản văn hoá, những tàn dư của đạo đức và lối sống cũ.Đó là:

- Chủ nghĩa cá nhân.

- Quan liêu mệnh lệnh.

- Tham ô, lãng phí.

- Bảo thủ rụt rè.

Sinh thời, Hồ Chí Minh gọi đó là một loại bệnh, hơn thế nữa, là một loại giặc, giặc nội xâm, giặc ở trong lòng. Người có bệnh thì phải uống thuốc để chữa bệnh, có khi phải dùng “thuốc đắng” để “giã tật”. Đã là giặc thì phải có những chủ trương, biện pháp để chống lại, loại trừ, phải chấp nhận những hy sinh, mất mát.

3.2. Giáo dục, rèn luyện

Chống phải đi đôi với xây, lấy xây làm chính. Trong quá trình xây phải nâng cao trình độ giác ngộ của mỗi người.

Biện pháp quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là tự phê bình và phê bình một cách thiết thực, thân ái, có lý, có tình.

Trong sự nghiệp xây dựng con người mới, Hồ Chí Minh rất coi trọng việc giáo dục, rèn luyện theo gương “người tốt việc tốt”. Hồ Chí Minh là người khởi xướng và chăm lo vun trồng từng người tốt, việc tốt. Theo Người những tấm gương sáng sẽ có tác dụng to lớn lôi cuốn, động viên phong trào.

Kết hợp trường học, gia đình, xã hội với các tổ chức chính trị - xã hội cũng là một biện pháp tốt để giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của mỗi người.

Hồ Chí Minh cho rằng, những đức tính tốt của con người không phải có sẵn hoặc do trên trời rơi xuống. Nó được bộc lộ qua thực tiễn cách mạng, nhờ đấu tranh, rèn luyện, giáo dục và trau dồi, tu dưỡng hàng ngày.

III. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI TRONG SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

1. Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Là thành viên của UNESCO, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia thập kỷ văn hoá và phát triển [1989-1999] theo nội dung của UNESCO đã phát động: Độc lập của mỗi dân tộc, dân chủ cho nhân dân và tự do cho mỗi con người. UNESCO lo âu sâu sắc trước những biểu hiện đầu độc môi trường xã hội, gây nguy hại đến cuộc sống bình thường của mọi người. Bởi vậy, tổ chức này đề nghị phải “tiếp thêm sức mạnh cho nền văn hoá của xã hội đương thời, và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội; làm cho những nhà lãnh đạo thế giới lĩnh hội được tầm cỡ phát triển của văn hoá”.

Chúng ta đang sống những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, một thiên niên kỷ mới, đánh dấu bước tiến bộ của loài người. Nếu chúng ta “xa rời những giá trị truyền thống sẽ làm mất bản sắc dân tộc, đánh mất bản thân mình, trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác”[26]. Mặt khác, người ta không thể sống một mình với cội rễ. Thậm chí cội rễ đó cũng sẽ khô héo nếu nó không vươn ra dưới mặt trời và không khí tự do. Chỉ khi đó cội rễ mới đem dinh dưỡng đến cho anh. Chỉ khi đó cuộc sống mới đâm cành trổ hoa... Vấn đề ở đây là làm thế nào có được sự cân bằng” [Nêru].

Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tàng tinh thần của xã hội, là tầm cao chiều sâu về trình độ phát triển của dân tộc, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, người với xã hội, với thiên nhiên. Văn hoá là động lực, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Trong các tư tưởng chỉ đạo xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là tư tưởng chỉ đạo hàng đầu.

Những nội dung lớn được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày trong quyển sáchVăn hoá và đổi mới,tức văn hoá là đổi mới, đổi mới là văn hoá. Ông cho rằng: “đổi mới và văn hoá quan hệ mật thiết với tư tưởng Hồ Chí Minh như hình với bóng”.

Ngày nay nhân loại đang chú ý tới và đề cao văn hoá phương Đông. Trả lời một nhà báo Pháp, ông Lý Quang Diệu cho rằng: “Chúng tôi [châu Á] không theo mô hình phương Tây. Chúng tôi có mẫu số chung, một truyền thống văn hoá đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân”. Ông khẳng định: “Lợi ích cộng đồng luôn luôn đứng cao hơn quyền lợi cá nhân đó là phương pháp Singapo”[27].

Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần nhận thức và hành động theo những nội dung cơ bản sau:

- Trước hết phải thấy vị trí và tầm quan trọng của văn hoá trong xã hội. UNESCO nhắc nhở các nhà lãnh đạo thế giới cần quan tâm đến văn hoá. Bởi vì, “sự phát triển của xã hội xét đến cùng là sự phát triển của văn hoá”; “sự thăng hoa của văn hoá là đỉnh cao nhất của sự phát triển”.

Phát triển kinh tế phải có gia tài văn hoá như là “hệ điều tiết” xã hội. Cách mạng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải được thai nghén và nuôi dưỡng trong môi trường văn hoá.

- Nghiên cứu thấu đáo, toàn diện văn hoá dân tộc và văn hoá phương Đông để thấy rằng, sức mạnh văn hoá Việt Nam không những giúp chúng ta đánh thắng ngoại xâm mà còn là vũ khí tinh thần giúp ta trong xây dựng đất nước.

- Xây dựng nền văn hoá mới phải toàn diện nhưng chú ý hai vấn đề quan trọng hàng đầu: đó là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đảng phải trở thành văn hoá, là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm của dân tộc và thời đại.

- Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giữ gìn Tổ quốc ta mãi mãi là quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hoá, nền văn hoá nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.

2. Xây dựng con người mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Việc bồi dưỡng và xây dựng con người mới chính là góp phần nhân sức mạnh và hiệu quả của con người trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội cống bằng, dân chủ, văn minh.

Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng con người về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng.Đó là những con người theo truyền thốngNhân, Trí, Dũngcủa dân tộc. Đây là phẩm chất toàn vẹn mà Hồ Chí Minh thường xuyên chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Người chính là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, biểu tượng tập trung của truyền thống đó.

Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII nêu nhiệm vụ hàng đầu xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người Việt Nam với những đức tính sau:

- Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

- Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung.

- Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, quy ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.

- Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

- Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, Văn kiện Đại hội IX, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Về mối quan hệ giữa văn hoá với xây dựng con người mới, Văn kiện Đại hội IX chỉ rõ: Nhiệm vụ trung tâm của sự nghiệp văn hoá là bồi dưỡng con người Việt Nam về trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, nhân cách, xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan xã hội chủ nghĩa, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ. Chính sách văn hoá hướng vào việc xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp.

––––––––––––––––

Chú thích:

* Theo Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - Hành chính, H.2011.

Người sưu tầm Trần Đình Giao CC văn hóa

Cách tiếp cận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển

Ngày đăng: 13/08/2020 02:52

Mặc định Cỡ chữ

Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế là mối quan hệ đa diện, đa chiều và đa cấp độ. Hiện nay đang có những cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển. Có thể khái quát thành một số quan niệm sau:

[1] Quan niệm “kinh tế là kinh tế, văn hóa là văn hóa”. Quan niệm này cho rằng văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực có bản chất khác nhau, có mục tiêu khác nhau, mặc dù có quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển. [2] Quan niệm mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế theo thuyết “Quyết định luận kinh tế”.Theo quan niệm này, người ta cho rằng kinh tế quyết định sự phát triển văn hóa, văn hoá là một cái gì đó “phát sinh” từ kinh tế, rằng văn hoá chỉ là kết quả, là sự phản ánh trình độ phát triển kinh tế mà thôi. Khi xem xét mối quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, người ta xem văn hoá đứng ngoài kinh tế, do kinh tế làm nền tảng và quyết định, nghĩa là chỉ thấy quan hệ một chiều, trong đó văn hoá giữ vai trò thụ động. [3] Quan niệm văn hóa không trên nền tảng của kinh tế : Quan niệm này cho rằng “Thực ra, chưa bao giờ kinh tế là nền tảng của văn hoá cả. Kinh tế, hay cơ sở vật chất, chỉ là phương tiện giúp người ta nhận thức các giá trị văn hoá mà thôi. Kinh tế chưa bao giờ là cơ sở của văn hoá. Văn hoá không phải là tất cả, nhưng văn hoá có mặt ở tất cả. Văn hoá là một mặt của hiện tượng đời sống bên cạnh mặt kinh tế, mặt chính trị... Các mặt ấy tương tác với nhau, quan hệ biện chứng với nhau để tạo ra đời sống. [4] Quan niệm văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực trong hoạt động của xã hội con người độc lập tương đối với nhau, nhưng gắn bó với nhau rất chặt chẽ, hữu cơ: Theo quan niệm này, văn hóa và kinh tế là hai lĩnh vực độc lập tương đối nhưng luôn tùy thuộc lẫn nhau trong quá trình phát triển. Kinh tế không tự phát triển nếu không dựa trên nền tảng của văn hóa và văn hóa cũng không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Văn hóa và những phẩm chất của nó không thể tự vận động nếu tách rời yếu tố chính trị, kinh tế. Văn hoá và kinh tế là hai lĩnh vực có tác động qua lại với nhau. [5] Quan niệm coi văn hóa là mục tiêu, còn kinh tế chỉ là phương tiện: Quan niệm này cho rằng “nói đúng ra, kinh tế chỉ là phương tiện để con người đạt mục đích mà mình đặt ra”, bài học rút ra là phải thoát khỏi cái bẫy của chủ nghĩa kinh tế. Không được nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề nóng bỏng về văn hóa, về xã hội và con người.

Trên cơ sở tổng kết nhận thức lý luận và thực tiễn lãnh đạo xây dựng đất nước, Đảng ta xác định: “ Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Quan điểm này được cụ thể hóa ở chủ trương : Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Trung ương 5 [Khóa VIII] xác định: “Chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội…Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện”. Trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua tại Đại hội XI nêu: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức về quan điểm trên của Đảng cũng đang có sự khác nhau trong cách nhìn nhận về bản chất của kinh tế và văn hóa, và về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Có thể nêu ra một số biểu hiện sau:

- Có ý kiến coi “kinh tế là nền tảng vật chất và văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội”, vậy nền tảng của kinh tế là gì ? nền tảng của văn hóa là gì ? Cái gì là nền tảng chung của cả kinh tế và văn hóa ? Đây là điều các cách tiếp cập chưa làm rõ. Hơn nữa khi coi “văn hóa là nền tảng tinh thần” thường gắn phát triển văn hóa với các hoạt động văn hóa, mà chưa làm rõ văn hóa “được sinh thành, vận động và phát triển” trong - trên nền và là kết quả của sự vận động và phát triển toàn bộ các mặt hoạt động của đời sống xã hội, trong đó hoạt động hoạt động sản xuất kinh doanh – kinh tế là cốt lõi nhất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, do những điều kiện lịch sử cụ thể, có thể có những lĩnh vực hoạt động của xã hội nổi trội [như chống giặc ngoại xâm chẳng hạn…], thì văn hóa trong những lĩnh vực đó sẽ phát triển mạnh hơn.

- Các nhận thức và cách tiếp cận phần nhiều dừng lại ở kết quả đã hình thành của lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực văn hóa, mà chưa đề cập sâu tới bản chất của các quá trình vận động, phát sinh, phát triển của kinh tế và văn hóa gắn với bản chất vận động và phát triển của con người và xã hội.

- Thường xem xét kinh tế và văn hóa là “hai mặt” hay hai lĩnh vực hoạt động của xã hội, rồi xem xét sự “tác động” lẫn nhau với tính cách “kinh tế là nền tảng vật chất” và “văn hóa là nền tảng tinh thần”; có khuynh hướng đề cao tính quyết định của kinh tế [quyết định luận kinh tế]; lại có khuynh hướng đề cao quá mức vai trò của văn hóa như có tính “quyết định mục tiêu, chỉ lối dẫn đường, tạo động lực cơ bản cho phát triển kinh tế]; chưa thấy rõ [hay làm rõ] cả hai mặt này có chung cội nguồn như thế nào, chế định nhau thế nào, vận động độc lập tương đối với nhau theo nghĩa nào, phạm vi nào.

- Cách hiểu “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế” cần được hiểu như thế nào cho đúng bản chất khoa học và thực tiễn. Vì nói tới “mục tiêu” là nói tới cái chưa có, cái cần hướng tới; vậy “cái chưa có, cái cần hướng tới” sẽ làm thế nào để tạo động lực hiện thực phát triển kinh tế - là cái đang hiện tồn. Liệu có thứ văn hóa nào có trình độ vượt xa trình độ của đời sống hiện thực không [?]. Nếu không làm rõ điều này rất dễ rơi vào duy ý chí.

Đề xuất cách tiếp cận về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế trong quá trình phát triển

Để làm rõ hơn các vấn đề trên, có lẽ cần phải hiểu rõ hơn về bản chất của văn hóa trong quá trình vận động và phát triển của con người và xã hội loài người mà cốt lõi là quá trình lao động sản xuất và sáng tạo. Văn hóa là toàn bộ những giá trị do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử bằng lao động của mình trên cả hai lĩnh vực sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần. Chính vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa". Điều đó cho thấy văn hóa không chỉ đơn thuần là lĩnh vực tinh thần, văn hóa không chỉ là kết quả của các hoạt động của con người, xã hội được phản ánh vào lĩnh vực tinh thần, mà nó còn chính là toàn bộ các giá trị do con người tạo nên gắn với toàn bộ quá trình hoạt động của con người, trong đó cốt lõi nhất là quá trình lao động sản xuất và sáng tạo. Nếu không thấy rõ bản chất của quá trình này sẽ không thấy rõ văn hóa được “ra đời” như thế nào từ toàn bộ các hoạt động của con người và gắn với quá trình phát triển kinh tế như thế nào để hình thành những giá trị văn hóa cả vật thể và phi vật thể.

Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống…” mà con người đã phát triển quá trình lao động sản xuất từ thấp lên cao, từ thủ công lên công cụ hiện đại, từ cá nhân và gia đình lên xã hội, quốc gia và ngày nay là quốc tế hóa. Trong quá trình lịch sử lâu dài đó, hai sáng tạo đầu tiên là ngôn ngữ và công cụ lao động – đó cũng là sản phẩm văn hóa đầu tiên của loài người. Ngôn ngữ là văn hóa phi vật vật thể, còn công cụ lao động thường được gọi là văn hóa vật thể, nhưng thực chất trong công cụ lao động còn chứa đựng các giá trị văn hóa sâu sắc – các giá trị này không phải là vật chất, nếu thiếu đi các giá trị này thì các vật thể cũng không còn là vật thể văn hóa nữa. Như vậy văn hóa ra đời và phát triển từ trong bản chất và song hành với quá trình phát triển lao động sản xuất xã hội, và đi liền với đó là sự phát triển các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sự phát triển của xã hội và các thiết chế xã hội. Không có quá trình lao động sản xuất xã hội cũng không có cả kinh tế và văn hóa. Về nguyên tắc trình độ nền sản xuất xã hội càng cao thì trình độ của nền văn hóa cũng càng cao.

Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất phù hợp với một trong những khái niệm “cổ xưa” nhất về văn hóa, nhưng có thể là khái niệm phản ánh đúng bản chất nhất quả trình hình thành và phát triển văn hóa là“Văn hóa là gieo trồng, sự gieo trồng”

Trong tiếng Anh từ “culture” [văn hóa] có xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại nghĩa là “gieo trồng”. Khái niệm này thể hiện rõ mối quan hệ giữa con người [xã hội con người] với tự nhiên, với chính quá trình hoạt động của con người [xã hội con người], trước hết là hoạt động sản xuất xã hội, và gắn với đó là toàn bộ các hoạt động khác của mỗi con người, gia đình, cộng đồng dân cư, cộng đồng dân tộc, quốc gia, giữa các quốc gia, tạo ra bản chất của con người và xã hội loài người, và do đó tạo ra bản chất và nền tảng cốt lõi của văn hóa.

Từ khái niệm này, nếu đi vào phân tích sâu sẽ thấy rõ các vấn đề đặt ra sau đây trong quá trình phát triển văn hóa:

- Ai gieo trồng ? vì mục đích gì ?; Gieo trồng cái gì ? [ “cây, con gì”…]; Gieo trồng trên đất nào? Môi trường nào?; Chăm sóc thế nào? Ai chăm sóc ?; Kết quả thế nào? Hoa thơm, trái ngọt; hay cỏ dại, hay trái đắng, độc hại?; Gieo trồng cho ai? Ai được hưởng lợi [hay hệ quả]; Hạt giống cho mùa sau là gì?

Vấn đề phát triển văn hóa - con người liên quan trực tiếp đến các nội dung trên trong suốt chiều dài phát triển của mỗi con người, của mỗi gia đình, cộng đồng và của mỗi quốc gia - dân tộc trong mỗi bước phát triển của nền kinh tế - xã hội và tương tác với tự nhiên. Điều đó nói lên rằng, xem xét văn hóa, phát triển văn hóa chỉ đơn giản theo cách tiếp cận là lĩnh vực tinh thần, tồn tại và vận động độc lập tương đối trong tương tác với sự phát triển kinh tế và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, sẽ không thấy rõ bản chất sâu xa – cội nguồn của văn hóa, không thấy rõ quá trình văn hóa phát sinh, phát triển [thậm chí có những mai một đi] dựa trên những nền tảng như thế nào của nền sản xuất xã hội – đời sống xã hội.

Về Bản chất của Văn hóa: Với khái niệm “văn hóa là sự gieo trồng”, nói lên quá trình tương tác mang tính bản chất giữa chủ thể con người với giới tự nhiên và giữa con người với nhau trong quá trình tương tác [lao động sản xuất] với tự nhiên và trong mọi quan hệ xã hội trong một thể thống nhất biện chứng. Xét trong quan hệ như vậy, thì văn hóa không đơn giản chỉ là “hình thái tinh thần”, hình thành từ tư tưởng – tinh thần, mà trong bản chất nó là một mặt thể hiện của đời sống xã hội của con người, mà trước hết là nền sản xuất xã hội – phương thức sản xuất xã hội, trong đó con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của nền [hay phương thức] sản xuất này. Văn hóa, theo nghĩa đó nó thể hiện bản chất con người bên trong cốt lõi của nền sản xuất xã hội đó, trình độ sản xuất xã hội đó, của đời sống xã hội đó. Do đó chính nền sản xuất, trình độ nền sản xuất – phương thức sản xuất cùng với môi trường, điều kiện tự nhiên và đặc điểm dân tộc là cơ sở nền tảng quan trọng nhất quyết định hình thành nền văn hóa, hình thành gía trị con người - giá trị xã hội - giá trị cốt lõi của văn hóa.

Hay có thể nói như thế này được không: cốt lõi bên trong mang bản chất con người của nền sản xuất xã hội là văn hóa.

Như vậy, các hiểu “văn hóa là nền tảng tinh thần” của xã hội là đúng, song chưa đầy đủ, nó dễ bị hiểu thoát ly với đời sống hiện thực, chỉ trên bề mặt của đời sống hiện thực, của nền sản xuất xã hội, mà không thấy rõ nền tảng tinh thần đó ở đâu ra, cơ sở vật chất của nó [hay làm nền tảng cho nó] ra đời, tồn tại, “sống”, vận động và phát triển là gì [?]. Khi chưa có nền sản xuất công nghiệp thì không thể có lối sống công nghiệp với những giá trị xã hội và giá trị con người tương ứng, và do đó chưa thể có nền văn hóa của xã hội công nghiệp. Nền văn hóa của xã hội công nghiệp không thể ra đời trên nền tảng của “tư tưởng công nghiệp ”, mà nó chỉ có thể ra đời và phát triển trong và cùng với quá trình công nghiệp hóa. Sự ra đời và phát triển của nền văn hóa của xã hội công nghiệp nghiệp hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế hiện nay cũng có nhiều nội dung và đặc trưng khác với sự hình thành nền văn hóa của xã hội công nghiệp cổ điển trước đây. Vì vậy cách nhìn nhận văn hóa thoát ly trình độ và sự phát triển của nền sản xuất xã hội và đời sống hiện thực sẽ không thấy rõ được bản chất cốt lõi của văn hóa và quá trình vận động – phát triển của nó trong hiện thực.

Nói đến phát triển văn hóa – con người và nền sản xuất xã hội hiện nay có một cách hiểu, cách tiếp cận coi đó là những phạm trù tồn tại độc lập tương đối và tương tác với nhau. Đây có thể là một cách tiếp cận sai lầm khi chỉ nhìn trên bề mặt của hai quá trình, bởi vì về mặt học thuật người ta có thể khu biệt hóa để nghiên cứu, song trên thực tế đó là những quá trình nằm trong cùng nền tảng tồn tại xã hội [lao động sản xuất xã hội và thiết chế xã hôi] đan xen và tác động nhân quả với nhau để tạo nên cùng một bản chất của xã hội thể hiện cô đúc ở giá trị con người và giá trị xã hội trong mỗi bước phát triển [ví dụ của biểu hiện nhận thức sai lầm là hoạch định và thực thi chính sách và giải pháp phát triển văn hóa, phát triển con người nhiều khi tách biệt nhau và tách biệt với thể chế phát triển kinh tế - xã hội].

Xét về bản chất cốt lõi nhất, sâu xa nhất thì văn hóa với con người là một và nó được hình thành trên nền tảng của nền sản xuất xã hội. Cốt lõi của sự phát triển văn hóa, phát triển con người là phát triển các giá trị văn hóa – giá trị con người – giá trị xã hội của một nền sản xuất xã hội – phương thức sản xuất xã hội. Chính thể chế chính trị, thể chế kinh tế - xã hội, cơ chế phát triển kinh tế - xã hội, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp và hiệu quả là cơ sở nền tảng để hình thành và phát triển văn hóa, con người. Đồng thời, sự phát triển văn hóa, con người lại tác động trở lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nói đến phát triển văn hóa, phát triển con người mà lại không xuất phát [không gắn hữu cơ] với những đòi hỏi, yêu cầu hình thành các giá trị xã hội tương ứng với nền sản xuất xã hội, phương thức sản xuất xã hội, trình độ sản xuất xã hội sẽ dễ rơi vào duy ý chí.

Cách tiếp cận trên không phải là theo “quyết định luận kinh tế”, cũng không coi văn hóa chỉ thuộc lĩnh vực tinh thần, mà coi nền lao động sản xuất xã hội là nền tảng cơ bản nhất của cả phát triển kinh tế và văn hóa, kinh tế và văn hóa là hai phương diện thể hiện của nền sản xuất xã hội đó, trong quá trình phát triển hình thành những nội dung tồn tại độc lập tương đối với nhau và tương tác với nhau trên nền tảng cơ bản của nền sản xuất xã hội đó theo nguyên tắc “nền sản xuất – phát triển kinh tế thuộc tính thứ nhất, văn hóa thuộc tính thứ hai”./.

PGS.TS. Trần Quốc Toản

Theo: hdll.vn

Về trang trước

Gửi email In trang

Video liên quan

Chủ Đề